Máy sấy cà phê SRA: Máy nhỏ, hiệu quả lớn
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp (Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) mới đây đã  chế tạo thành công máy sấy cà phê SRA nhỏ gọn nhưng công suất có thể đạt từ 7 - 14 tấn cà phê nhân tươi/mẻ.
Máy được thiết kế, chế tạo dựa theo nguyên lý sấy đảo chiều không khí (quá trình sấy gồm hai giai đoạn: sấy theo chiều từ dưới lên và sấy từ trên xuống), không cần đảo trộn hạt bằng thủ công, với kết cấu bao gồm lò đốt vỏ cà phê, quạt sấy và bể sấy. Máy có kết cấu nhỏ gọn chỉ chiếm ½ diện tích mặt bằng lắp đặt so với các loại máy sấy tĩnh kiểu cũ có cùng năng suất.
Theo Ths Trần Văn Tuấn – Giảng viên Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ưu điểm của máy là không tốn công cào, đảo trong quá trình sấy; giảm được chi phí mặt bằng lắp đặt; hạn chế khói bụi trong quá trình sấy; và tạo ra sản phẩm cà phê sấy khô đồng đều, tiết kiệm nguyên liệu đốt và chi phí sấy.
Với mỗi mẻ sấy, người dân thu lời từ 3-3,5 triệu đồng ở máy sấy SRA-7 (công suất 7 tấn/mẻ) và 7-10 triệu đồng ở máy sấy RSA -14 (công suất 14 tấn/mẻ).
Đến tháng 7/2014, đã có khoảng 130 máy sấy cà phê quả với năng suất từ 2- 30 tấn/mẻ được lắp đặt và chuyển giao tại các tỉnh như: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông… Hai máy sấy công suất 14-15 tấn/mẻ cũng đã được Trung tâm lắp đặt cho Vinacafe Đà Lạt.
Ths Trần Văn Tuấn cho biết thêm: với các ưu điểm như đơn giản dễ vận hành, giá thành đầu tư và chi phí sấy thấp, sấy được các loại hạt ẩm độ cao, kết cấu nhỏ gọn, không tốn công lao động cào đảo cà phê, việc nhân rộng mô hình lò sấy cà phê theo công nghệ đảo chiều gió sấy SRA quy mô hộ sẽ là giải pháp tích cực góp phần giảm tổn thất và nâng cao chất lượng cà phê sau thu hoạch của tỉnh.
Được biết, thời gian phơi khô quả cà phê bằng nắng tự nhiên phải mất từ 8 – 10 ngày.