Mô hình tổ chức kinh doanh mới ở nông thôn
Trước hết có thể thấy, những quan điểm về nông nghiệp như một ngành mang tính truyền thống và có tốc độ tăng trưởng thấp (nhiều nhất cũng chỉ tầm khoảng 3%), nghĩa là tạo ra giá trị gia tăng thấp, đã lạc hậu.
Bây giờ mọi chuyện đã khác bởi sản xuất nông nghiệp có thể gắn kết với các loại hình kinh doanh, dịch vụ, và các ngành nghề khác nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng về sản phẩm: không chỉ đạt đủ dinh dưỡng, mà còn phải đạt các tiêu chí khác như sạch, xanh, ngon và mang tính thẩm mỹ cao. Với cách nhìn đầy đủ như vậy, sản phẩm nông nghiệp có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên có một vấn đề gắn liền với sản xuất nông nghiệp và luôn mang tính thời sự. Đó là lợi ích của người nông dân. Thông thường, vị thế mặc cả của người nông dân trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như trên thị trường rất yếu. Có hai lý do chính dẫn đến hiện trạng này:
Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia đang phát triển khác, chủ yếu dựa vào hộ gia đình với đặc điểm là quy mô sản xuất nhỏ, số lượng các hộ tham gia vào bên cung rất lớn, nhưng năng lực sản xuất yếu và đầu tư rất thấp. Đây là lý do chính khiến vị thế mặc cả của người nông dân kém. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp lại có đặc điểm là mang tính thời vụ và chịu rủi ro về dịch bệnh, thiên tai rất cao, điều đó dẫn đến thu nhập chia sẻ cũng yếu.
Thứ hai, khả năng hấp thụ nguồn lực của nông dân cũng yếu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dù nhà nước có không ít chính sách hỗ trợ, nhưng thường với các khoản hỗ trợ gián tiếp thì đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn lại là doanh nghiệp.
Vì vậy muốn đầu tư cho nông nghiệp, muốn tạo dựng được một sân chơi bình đẳng cho các thành phần tham gia, trong đó lợi ích của người nông dân được đảm bảo thì chúng ta cần phải hiểu đúng về nông nghiệp với những đặc điểm mới của nó. Đây sẽ là cơ sở để ta tìm ra cách thức giải quyết vấn đề tồn đọng của nông nghiệp, lợi ích của nông dân trong mối quan hệ với doanh nghiệp nông nghiệp. Ở đây tôi thấy có hai cách thức đang tồn tại:
Cách thứ nhất đã được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Việt Nam, đó là tạo dựng một tổ chức xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân, hoặc hỗ trợ họ vượt qua khó khăn trong quá trình sản xuất và kết nối với doanh nghiệp. Tổ chức này không chỉ có nhiệm vụ liên kết người nông dân với các tổ chức, đoàn thể xã hội… để tăng vị thế của họ trong chuỗi liên kết mà còn góp phần giám sát cách thức hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo các hỗ trợ này thực sự đến với nông dân. Theo quan điểm của tôi, đây là một cách thức mà Việt Nam vẫn nên áp dụng nếu xét đến vấn đề nền nếp truyền thống, đặc điểm riêng biệt về văn hóa với nhiều nét tích cực trong cách thức đùm bọc, hỗ trợ. Tuy nhiên, để phát huy tốt hình thức này, cần chú ý giảm bớt thủ tục hành chính, nếp làm việc quan liêu… trong hoạt động điều hành của tổ chức xã hội này.
Cách thứ hai là những hình thức tổ chức kinh doanh mà cả nhà nước và bản thân sự vận động nội tại của thị trường nông nghiệp đang tìm kiếm và dần hình thành như hợp tác xã, trang trại, công ty cổ phần nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất ủy thác. Qua các hình thức tổ chức kinh doanh này, cả nhà nước và thị trường đều mong muốn xác lập một điểm cân bằng lợi ích của các bên tham gia, trong đó có lợi ích của nông dân, nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất đạt hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo phân phối kết quả thu được một cách hợp lý hơn.
Loại hình hợp tác xã, Nhà nước đã có sự ủng hộ rất lớn về mặt pháp lý, đó là việc ban hành Luật hợp tác xã (được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012), nhằm đảm bảo cho sự ra đời của một tổ chức kinh tế tập thể đồng sở hữu, nơi các thành viên có thể hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tinh thần của mô hình này là tạo ra sự liên kết giữa các thành viên để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và lợi ích hài hòa cho mọi thành viên tham gia.
Loại hình kinh doanh là công ty cổ phần nông nghiệp, người nông dân có thể đóng góp cổ phần như một cổ đông nhưng vẫn là một thành viên tham gia vào quá trình sản xuất. Do có cổ phần nên người nông dân không chỉ làm việc tích cực hơn mà còn ở một chừng mực nào đó còn có quyền tham gia vào quá trình hoạch định, đường hướng phát triển, nghĩa là vị thế của người nông dân ổn định hơn, có quyền giám sát quá trình kinh doanh, điều hành tốt hơn.
Loại hình kinh doanh ủy thác, người nông dân thực hiện sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp còn doanh nghiệp giữ vai trò chủ chốt trong việc triển khai kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi… nhằm đảm bảo cho người nông dân có kỹ năng làm việc tốt hơn, sản phẩm thu được có chất lượng cao hơn, cũng như đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định như cam kết.
Loại hình kinh doanh trang trại, người nông dân phải có trong tay một lượng đất đai nhất định và tự thực hiện một/một phần chuỗi sản xuất kinh doanh.
Cả bốn hình thức này đang được tạo ra thông qua sự vận động của thị trường, xã hội, mỗi hình thức đều có những điểm tích cực và cả những điểm chưa hoàn hảo, ví dụ hình thức hợp tác xã chưa phát huy được vai trò hỗ trợ đáng kể cho các hộ nông dân; công ty cổ phần nông nghiệp chưa gắn với xây dựng nông thôn, vai trò và vị thế của nông dân còn hạn chế; sản xuất ủy thác thì tính gắn bó giữa doanh nghiệp và nông dân trong không ít trường hợp còn hạn chế, nguy cơ phá vỡ hợp đồng không nhỏ; trang trại chưa phát huy hiệu quả kinh tế trên qui mô sản xuất lớn, chưa gắn với sự phát triển ở nông thôn và việc gắn kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Trong bối cảnh Việt Nam, những rào cản cho sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để như chưa có lợi thế về quy mô đất đai, chưa gắn với tiến bộ KH&CN, kết cấu hạ tầng chưa theo kịp, thị trường nông nghiệp còn nhiều méo mó, thiếu tính minh bạch… Vì vậy, các mô hình không phát huy được những điểm tích cực của mình như kỳ vọng. Và ở trong một số chừng mực, sự hạn chế của các mô hình này còn bắt nguồn từ lòng tin giữa các doanh nghiệp và nông dân chưa cao nên cách thực hiện các cam kết không thật sự đảm bảo cho lợi ích của các bên.
Mô hình tổ chức kinh doanh mới ở nông thôn
Bên cạnh sự đa dạng của các mô hình sản xuất nông nghiệp cùng với những tìm tòi hạn chế khiếm khuyết của chúng, theo tôi cần xem xét một mô hình sản xuất kinh doanh mới, tạo ra được lợi thế về quy mô sản xuất, hấp thụ được vốn đầu tư và công nghệ và quan trọng là gắn kết được các bên thành chuỗi giá trị: bộ phận đảm trách nghiên cứu và phát triển như trường đại học, viện nghiên cứu; bộ phận tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, cung ứng vật tư như công ty công nghệ; bộ phận cung cấp vốn như quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước; bộ phận chế biến và cung ứng nguyên liệu như các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, vận tải, phân phối, bán lẻ; bộ phận tiêu thụ và thương mại: doanh nghiệp quảng cáo, người tiêu dùng trong và ngoài nước… Mô hình này lấy người nông dân, tổ chức kinh doanh của họ làm một nòng cốt bởi với bối cảnh Việt Nam hiện nay, một vị trí trung tâm vẫn cần thuộc về họ và quyền sử dụng đất đai nên gắn với họ, qua đó có thể liên kết với doanh nghiệp thông qua các hình thức khác nhau để tạo lợi thế về quy mô và tạo ra chuỗi giá trị có giá trị gia tăng cao. Có thể tạm gọi mô hình này là mô hình tổ chức kinh doanh mới ở nông thôn.
Vậy cần những gì để mô hình này đạt được mục tiêu như mong muốn? Trước hết, nó cần quy tụ được người nông dân, mà muốn họ tham gia thật sự thì phải cho họ thấy vai trò, lợi ích của mình ở đó được thực hiện một cách nghiêm túc; thứ hai, mô hình này phải đạt hiệu quả trong kinh doanh thông qua các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do mô hình này không thuần về kinh doanh, nên muốn nó phát huy được hiệu quả cần phải gắn nó với một tổ chức mang tính xã hội cao và cần một quy trình dân chủ và minh bạch, tạo được người giỏi trong quản lý, điều hành. Hơn nữa, do mô hình có phần mới mẻ và phức tạp hơn các mô hình hiện hành nên Nhà nước cần thực hiện thí điểm để qua đó có thể nhận được những phản biện, phản hồi từ xã hội nhằm kịp thời điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Điều quan trọng nữa là thông qua việc thực hiện mô hình này, chúng ta thể hiện sự tôn trọng thị trường và để thị trường điều tiết việc sản xuất kinh doanh vì bản chất của thị trường gắn liền với tính hiệu quả.
Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, theo tôi, vấn đề lớn nhất để thực hiện được mô hình tổ chức kinh doanh mới ở nông thôn này là quá trình xây dựng và quản lý, điều hành nó phải gắn với sự minh bạch, dân chủ, bởi chỉ minh bạch mới đạt được hiệu quả thật sự trong kinh doanh và chỉ dân chủ mới đảm bảo được quyền lợi của người nông dân.