Mô hình tôm – lúa ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL
Một mô hình tôm - lúa có khả năng thích ứng với biến động của thời tiết và xâm nhập mặn sẽ được Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT thực hiện thí điểm tại hai huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) để xây dựng thành quy trình chuẩn trước khi chuyển giao cho các hộ nông dân triển khai trên diện rộng tại ĐBSCL.
Mô hình tôm lúa đã được áp dụng tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL nhưng chưa được chuẩn hóa và việc trồng lúa chủ mang tính chất cải tạo môi trường, chưa đem lại thu nhập cho người nông dân. Nguồn: Báo Nhân dân.
Chiều 22/3, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã cùng chủ trì phiên họp bàn báo cáo đề xuất nhiệm vụ KH&CN phục vụ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL.
Trước những biến đổi bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động của con người tới nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê kông, khu vực ĐBSCL đã phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống mà đỉnh điểm là đợt hạn hán hán và xâm nhập mặn đầu năm 2016 gây thiệt hại cho hơn 200.000 ha trồng lúa, 9.400 ha cây ăn trái, 2.000 ha nuôi tôm (số liệu công bố tại Hội nghị giao ban về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở Sóc Trăng ngày 28/4/2016 1).
Để có biện pháp KH&CN hữu hiệu ứng phó với tình trạng này, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đã đề xuất việc xây dựng mô hình sản xuất tôm – lúa, một mô hình đã được nhiều hộ nông dân khu vực ĐBSCL áp dụng, tuy nhiên do mô hình và các quy trình kỹ thuật đi kèm vẫn còn chưa được chuẩn hóa nên dẫn đến rủi ro mùa vụ rất cao, thậm chí lây lan dịch bệnh không kiểm soát. Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh đến vai trò của mô hình sẽ thực hiện thí điểm tại hai huyện An Minh, Anh Biên để có thể xác định được giống lúa, giống tôm phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như các quy trình kỹ thuật đi kèm được tối ưu bởi mục tiêu của mô hình tôm – lúa này là chuyển giao cho các hộ nông dân, tạo điều kiện sinh kế cho họ, góp phần giải quyết vấn đề nước sạch sinh hoạt, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp.
Trong cuộc họp, các đơn vị chức năng, viện nghiên cứu của hai bộ như Vụ KH&CN các ngành nghề kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN), Vụ KH&CN, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT)… đã nêu thực trạng này. Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, PGS. TS Tô Ngọc Thanh – Phó giám đốc Viện và GS. TS Tăng Đức Thắng, cho rằng, một trong những vấn đề mấu chốt của mô hình tôm – lúa là kiểm soát được nguồn nước, chủ động cung cấp các nguồn nước sạch cho các hộ nuôi tôm và thoát nước tốt, không để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tránh lây lan dịch bệnh, nếu xảy ra trường hợp này. Do đặc điểm của thời tiết khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn sớm hơn một đến hai tháng hiện nay mà nguồn nước ở khu vực ĐBSCL đang rơi vào trạng thái biến động, khó dự báo, dự báo trong tương lai, xu thế này sẽ còn khó lường hơn. Vì vậy, để có được sự thành công của mô hình tôm – lúa cần phải có những giải pháp về hạ tầng thủy lợi, giải pháp xử lý sự cố, đánh giá nguồn nước, xây dựng bản đồ xâm nhập mặn.
GS. TS Tăng Đức Thắng cho biết thêm, các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cụ thể để đưa ra những công cụ và quy trình kỹ thuật hữu hiệu như công cụ dự báo nguồn nước, quy trình xây dựng thông tin dự báo theo mùa, tháng, tuần, quy trình cảnh báo một số nguồn nhiễm mặn, dự báo lan truyền nước bẩn…, và đi kèm với nó là các giải pháp khắc phục mang tính tích hợp.
Là một trong những đơn vị quan trọng tham gia xây dựng mô hình tôm lúa, Viện Lúa ĐBSCL được giao nhiệm vụ lựa chọn các giống lúa thích hợp. TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng, nêu hiện Viện đã lai tạo được một vài giống lúa có khả năng chịu mặn 40/00 như OM 2517, OM 5451 với đặc điểm là thời gian sinh trưởng ngắn nhưng chất lượng gạo chưa cao. Trước đây, Viện cũng cùng hợp tác với một số đơn vị như Sở KH&CN Bạc Liêu chọn thuần, phục tráng giống lúa một bụi đỏ cho vùng chuyển đổi tôm lúa Bạc Liêu, thời gian canh tác kéo dài tới 6 tháng và chất lượng ở mức trung bình. TS. Tiên cho biết, có thể lai tạo, nâng cao phẩm chất đáp ứng khả năng chịu mặn của giống OM 2517 lên tới 60/00.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, Viện Lúa ĐBSCL cần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng gạo thương phẩm từ giống lúa OM 2517 nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con áp dụng mô hình tôm – lúa. Một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm gạo OM 2517 được giá cao trên thị trường là đạt tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy Viện Lúa ĐBSCL cần hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để có thể áp dụng rộng rãi. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 chọn giống tôm tốt để cùng kết hợp với giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL đưa mô hình tôm – lúa này thành mô hình sản xuất tôm sinh thái – lúa hữu cơ, một hướng đi nhiều tiềm năng cho bà con nông dân khu vực ĐBSCL khi áp dụng trên diện rộng.
Mục tiêu Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đặt ra là sớm thông qua các nhiệm vụ KH&CN về mô hình tôm – lúa trong tháng Tư để có thể triển khai thực hiện mô hình ngay trong năm 2017.
—————————————
1. https://www.soctrang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gLR1dvZ09LYwOL4GAnA08TRwsfvxBDRxNXA_2CbEdFAHq6-KI!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content/soctrangsite/trangchu/tintucsukien/tainguyenmoitruong/cacdiaphuongganketungphohanman