Mô hình Trung Quốc không bền vững
Theo Giáo sư Daron Acemoglu, ứng viên giải thưởng Nobel người Hoa Kỳ,  thì sự lạm dụng quyền lực của các chính khách tham nhũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nghèo khổ. Những quốc gia thiếu một thể chế tốt về lâu dài nhất định sẽ thất bại.
Acemoglu: Những biến động về chính trị và kinh tế diễn ra ở Trung Cận Đông thực chất là một bước ngoặt và về lâu dài nó sẽ làm thay đổi một cách bền vững bộ mặt của những nước trong khu vực đó. Nhưng hiện tại tình hình còn nhiều yếu tố bất ổn và vẫn chưa biết sẽ đi về đâu. Yếu tố then chốt quyết định cho phát triển kinh tế không phải là người dân được bầu cử tự do, mà là họ có thành công hay không trong việc xây dựng một thể chế tốt đẹp.
Ý của giáo sư là?
Một thể chế tốt đẹp, ở đây tôi muốn đề cập tới cái gọi là “thể chế cởi mở” (Inclusive Institutions), là một thể chế giúp cho mọi người phát huy hết năng lực kinh tế tiềm tàng của mình để thúc đẩy sự thịnh vượng của quốc gia. Những vấn đề cơ bản ở đây là con người có quyền sở hữu chắc chắn, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi nhóm người trong xã hội đều có quyền tham gia về chính trị, và những hoạt động chính trị này gắn liền với các quy tắc tiến bộ. Các tiêu chuẩn xã hội và hệ thống giá trị cũng hết sức quan trọng, thí dụ mọi công dân phải thượng tôn pháp luật. Một thể chế cởi mở sẽ giúp quyền lực chính trị được phân bổ cân bằng để không một nhóm người nào có thể bóc lột nhóm người khác về chính trị hoặc kinh tế.
Tại phần lớn các nước vùng Trung Cận Đông thường có một nhóm tinh hoa ít ỏi kiểm soát toàn bộ nguồn tài nguyên. Khả năng thành lập doanh nghiệp cũng dành riêng cho tầng lớp tinh hoa đó. Điều thách thức ở đây là phải thay đổi tận gốc cái cấu trúc này.
Vậy cơ hội thành công của việc thay đổi cấu trúc chính trị này là như thế nào?
Sự giàu có về dầu mỏ trở thành một bất lợi của Libya
Không nên đánh giá quá cao vai trò của tài nguyên thiên nhiên. Đa số người dân Libya có cuộc sống rất nghèo khổ, mặc dù đất nước này có nguồn dầu mỏ phong phú với chất lượng rất cao. Chỉ có thể chế mới thực sự là yếu tố quyết định để biến nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào thành phúc hay là họa cho một quốc gia. Nếu nền chính trị, hành chính và tư pháp phục vụ sự duy trì quyền lực của những kẻ cầm quyền thì nguy cơ lớn là ở chỗ, bọn này sẽ vơ vét nguồn tài nguyên phong phú này cho bản thân mình. Đối với Libya thì sự giàu có về dầu mỏ lại là một điều bất lợi, khi đất nước này không thành công trong việc thay đổi cơ cấu nội tại của mình. Ngược lại một đất nước có nguồn tài nguyên phong phú và có một thể chế hoàn hảo, thí dụ như Na Uy hay Botswana thì nguồn tài nguyên phong phú là cái phúc với các quốc gia đó. |
Xuất phát từ kinh nghiệm lịch sử thì sẽ không dễ thành công. Khi những kẻ được coi là tầng lớp tinh hoa bị hất ra khỏi các vị trí của chúng, thì những nhà cầm quyền mới lại tiếp tục tìm cách khai thác cái cấu trúc đó vì lợi ích của mình.
Xin giáo sư cho một số ví dụ?
Hãy xem số phận nhiều quốc gia ở phía Nam sa mạc Sahara hay các nước ở Nam Á. Sau khi giành được độc lập từ các ông chủ thực dân thì nền độc lập đó lại rơi vào tay thế lực cầm quyền ở trong nước, và thế lực này cũng bóc lột, vơ vét tài nguyên của đất nước như những tên thực dân trước đó. Thậm chí ngay như Mỹ cũng từng lâm vào sự phát triển tương tự. Sau cuộc nội chiến chế độ nô lệ bị cấm, người da màu có quyền bầu cử. Nhưng tầng lớp tinh hoa cũ ở phía Nam vẫn khư khư bám lấy cái cấu trúc quyền lực cũ. Đó chính là nguyên nhân vì sao nền kinh tế ở các bang phía Nam của Mỹ hầu như không phát triển lên được.
Thưa giáo sư vậy yếu tố văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển?
Tôi hoàn toàn không cho rằng những khó khăn hiện nay ở khu vực Trung Cận Đông là do nền văn hóa Ả Rập gây ra. Đúng là những quan niệm cực đoan về tôn giáo và sự phân mảnh quá lớn về dân tộc có thể gây khó khăn cho sự phát triển nền dân chủ và các tiêu chuẩn xã hội. Nhưng thường thì chất lượng của thể chế là do căn nguyên lịch sử. Hãy lấy nước Anh làm ví dụ. Thông qua tự do báo chí mọi công dân ở Anh đều có quyền tham gia một cách dân chủ vào việc kiểm soát tầng lớp tinh hoa của đất nước và điều đó được coi là nghiễm nhiên. Nhưng điều nghiễm nhiên này không phải từ trên trời rơi xuống mà là kết quả của cả một quá trình phát triển kéo dài tới 400 năm.
Phải chăng điều đó có nghĩa là các quốc gia Trung Cận Đông cần có 400 năm để đạt được một thể chế có chất lượng như ở nước Anh hiện nay?
Nước Anh từng đi tiên phong trong việc phát triển thể chế cởi mở. Giờ đây các quốc gia Trung Đông có thể trải qua giai đoạn này nhanh hơn vì đã có những tấm gương trong lịch sử để noi theo. Nhưng con đường đó đầy chông gai và gắn liền với nhiều bất ổn.
Những nước thuộc địa trước đây như Ấn Độ hay Nam Phi có lợi thế hay không?
Kinh nghiệm mà các nước thuộc địa trước đây đã trải qua rất khác nhau. Ấn Độ, Hoa Kỳ, Singapore và Hồng Kông được hưởng lợi từ quá khứ thuộc địa, nhưng nhiều quốc gia châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara và các nước ở Trung Mỹ thì lại bị nhiều thiệt hại. Sự khác nhau này là do chiến lược của chủ nghĩa thực dân, và chiến lược này còn tác động cả đến phong trào giành độc lập sau này. Một khi chế độ thuộc địa chủ yếu nhằm vơ vét, bóc lột nguồn tài nguyên thì thường diễn ra nạn cưỡng bức lao động cùng với sự đàn áp khốc liệt. Còn ở những nước mà người dân chính quốc kéo đến thuộc địa với số lượng đông đảo để làm ăn sinh sống hoặc coi thuộc địa là địa bàn hoạt động thương mại thì các thuộc địa này thường có điều kiện thuận lợi hơn hẳn. Và khi chấm dứt chế độ thuộc địa thì các nước này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.
Sự phát triển mạnh mẽ từ nhiều năm nay của Trung Quốc liên quan thế nào tới thể chế của họ?
Trong quá trình vươn lên như chúng ta thấy, Trung Quốc có thể đạt được mức tăng trưởng cao trong nhiều thập niên mà không cần xây dựng một thể chế cởi mở. Nhưng mô hình này không bền vững.
Sự giàu có ngày càng tăng ở Trung quốc có tác động tích cực tới thể chế hay không?
Giả thiết hiện đại hóa này chưa được lịch sử chứng minh. Trong 100 năm qua có nhiều quốc gia đạt được sự tăng trưởng cao nhưng thể chế của các quốc gia đó không thay đổi nhiều. Nước Nga đạt mức tăng trưởng cao từ năm 1930 đến 1950, nhưng vẫn giữ nguyên một thể chế với mô hình phát triển thiếu bền vững, đó là phát triển theo xu hướng tận thu, khai thác triệt để các tài nguyên. Ả Rập Saudi cũng là một mô hình không bền vững, nhưng giả dụ giá dầu mỏ sẽ tăng gấp đôi thì quốc gia này vẫn tiếp tục ngày một giàu có, và điều đó sẽ làm giảm áp lực cần phải cải cách ở nước này.
Vậy thì, thưa giáo sư, điều gì sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi?
Không có một câu trả lời chung cho vấn đề này. Các nước phải tự thúc đẩy quá trình phát triển của chính mình. Các nước khác chỉ có thể tham gia hỗ trợ mà thôi.
Xuân Hoài dịch