Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Mở đến mức nào?

Theo Báo cáo Kinh doanh 2006 (Doing Business 2006) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty tài chính quốc tế (IFC) công bố, nếu bạn muốn mở một doanh nghiệp ở Lào, bạn sẽ phải mất 198 ngày để hoàn thành được các thủ tục để khởi nghiệp. Còn ở Syria thì bạn phải chuẩn bị một khoản vốn tối thiểu là 270.000 đô la (số tiền này gấp 51 lần thu nhập bình quân hàng năm trên đầu người). Còn nếu bạn quản lý một doanh nghiệp ở Guatemala, bạn sẽ phải mất 1.459 ngày để giải quyết một vụ tranh chấp đơn giản tại tòa. Và nếu nghiêm túc trả hết các loại thuế kinh doanh ở Sierra Leone, bạn cần số tiền lớn gấp 164% lợi nhuận trước thuế của công ty bạn. Còn ở Việt Nam thì thế nào?

Đã mở những chưa thoáng Trong năm 2004, 185 cải cách đã được đưa ra tại 99 nước (tức là 2/3 số nước mà Báo cáo kinh doanh thực hiện) nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Những cải cách này đã đơn giản hóa một số mặt trong việc đăng ký kinh doanh, củng cố quyền sở hữu, giảm chi phí xuất nhập khẩu, giảm thuế, và tăng cơ hội tiếp cận tín dụng. Chúng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty phát triển và tạo nhiều công ăn việc làm hơn. Nhiều công ăn việc làm mới cũng đồng nghĩa với việc có nhiều người lao động được hưởng các chế độ hưu trí, được đảm bảo bởi các quy định an toàn lao động và các chế độ y tế.

Những cải cách tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn trong năm 2004 có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, Việt Nam tuy có cùng số lượng cải cách (5 hạng mục) trong năm 2004 nhưng vị trí chính thức thứ hai trong số các nước có nhiều cải cách nhất lại thuộc về Georgia. Nước có nhiều cải cách nhất là Serbia và Montenegro (8 cải cách trên 10 tiêu chí đánh giá). Và trong phần “Quốc gia nào đang cải cách mạnh nhất” của Báo cáo, tên của Việt Nam cũng không được nhắc đến. Tuy nhiên, một số cải cách này cũng được đề cập tới trong các phần sau của bản Báo cáo. Thí dụ như việc Việt Nam thông qua Luật Xây dựng nhằm đơn giản và giảm thiểu các thủ tục cấp phép, giúp thời gian cần thiết để có giấy phép xây dựng chỉ còn khoảng 5 tháng so với gần một năm trước kia. Luật phá sản mới được Quốc hội thông qua của Việt Nam cũng được coi là “rõ ràng” hơn so với bộ luật của năm 1993. Những điều kiện để một doanh nghiệp được coi là phá sản cũng đã rành mạch hơn.
Một điều rất thú vị là mặc dù có những cải cách đáng kể trong năm 2004, vị trí xếp hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức 99 trên tổng số 157 nước được xếp hạng. Trong khi đó vị trí xếp hạng của các nước láng giềng lần lượt là: Trung Quốc: 91; Thái Lan: 20; Malaysia: 21, Philipines: 113 và Indonesia: 115. Như vậy, Việt Nam ở vị trí gần như tương đương với nước láng giềng Trung Quốc nhưng lại kém xa Thái Lan và Malaysia. Những nước có vị trí xếp hạng khá cao như Hồng Kông (7) và Nhật Bản (10) vẫn có từ 1-2 hạng mục cải cách để tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Tất cả những điều nói trên chứng tỏ Việt Nam mặc dù đã có một môi trường kinh doanh “mở” hơn so với trước nhưng dường như vẫn chưa thực sự “thoáng”.
Những cải cách cần tiếp tục
Liên quan tới môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, New Zealand đứng đầu danh sách, tiếp đến là Singapore và Mỹ đứng hàng thứ 3. Trong số các nước Đông Á, khu vực được coi là có nhiều cải cách nhất trong bản Báo cáo năm nay, có tới 5 nước nằm trong top 30 (Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc). Trong số top 30, đáng kể là có tên một số nước thuộc khu vực Baltic như Lithuania, Estonia và Latvia, những nước đã có rất nhiều những nỗ lực trong khoảng một thập kỷ cải cách vừa qua. Điều này cũng chứng tỏ các nước đang tiến hành cải cách còn một chặng đường dài trước mắt.

Cần nhớ là kể từ năm 2003, tốc độ trung bình hình thành doanh nghiệp ở các nước giàu nhanh hơn các nước nghèo tới 33%. Và thời gian cần thiết để một doanh nghiệp mới hình thành đã rút đi 10 ngày, tức là trung bình chỉ mất 19 ngày. Chi phí để thành lập một doanh nghiệp mới cũng giảm 26%, từ 9% thu nhập bình quân GDP/đầu người xuống còn 7%. Trong khi đó, thời gian giảm cho việc xin phép kinh doanh ở các nước nghèo chỉ là 10% (từ 62 xuống 56 ngày). Chi phí thành lập doanh nghiệp mới vẫn ở mức cao: 113% thu nhập bình quân GDP/đầu người. Và số vốn tối thiểu để doanh nghiệp hoạt động chiếm tới 299% thu nhập bình quân GDP/đầu người, tức là gấp 10 lần số vốn cần thiết ở các nước thuộc Tố chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế-OECD. Đơn giản những điều này đã cho thấy các nước nghèo (trong đó có Việt Nam) luôn cần tiếp tục những cải cách để môi trường kinh doanh ngày một thông thoáng hơn.

Theo Báo cáo, những cải cách cần tiến hành trước mắt đối với việc thành lập công ty là: doanh nghiệp không cần phải đăng thông báo trên báo chí, sử dụng các mẫu đăng ký thành lập doanh nghiệp chuẩn và bãi bỏ chế độ xin gia hạn kinh doanh hàng năm. Việc Việt Nam trong năm 2004 tiến hành hệ thống kiểm tra điện tử tên doanh nghiệp đăng ký mới được coi là một tiến bộ lớn trong việc cấp giấy phép, giúp giảm thời gian đăng ký xuống còn 1 tuần.
Nếu xét các tiêu chí mà Việt Nam chưa đạt được, những lĩnh vực trước mắt cần cải cách ở Việt Nam là khả năng tiếp cận tín dụng, chế độ thuế, điều kiện thương mại và các vấn đề liên quan tới tuyển và sa thải lao động. Những điểm cần cải cách mà Báo cáo khuyến cáo chung cho mọi nước trong việc tuyển và sa thải lao động là: kéo dài tuổi làm việc đối với người lao động tại các nước có nhân công trung bình già; tính thời điểm về hưu ngang bằng bình đẳng đối với cả đàn ông và đàn bà; trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và có hợp đồng đối với những người thử việc.

Một quốc gia được xếp ở một vị trí cao về mức độ thuận lợi trong kinh doanh không có nghĩa nước này không có luật lệ gì cả. Để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ và nhà đầu tư, cũng như là để thành lập hay nâng cấp những trung tâm thông tin tín dụng thì cần có nhiều quy định hơn chứ không phải là ít quy định hơn để có thể lọt vào danh sách 30 quốc gia hàng đầu về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.


 Các công ty tư nhân ở Việt Nam vẫn khó tiếp cận các nguồn tín dụng nhà nước.

Ảnh: Quốc Tuấn

Tất cả các nước đứng đầu danh sách xếp hạng đều giám sát doanh nghiệp, thế nhưng họ thực hiện theo những cách thức tốn ít chi phí và ít phiền hà. Năm quốc gia vùng Bắc Âu đều đứng trong danh sách 30 nước đứng đầu: Na Uy (thứ 5), Đan Mạch (thứ 8), Iceland (thứ 12), Phần Lan (thứ 13) và Thụy Điển (thứ 14). Những nước này không phải là ít kiểm soát doanh nghiệp mà thực ra họ đưa ra các quy định đơn giản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, và tập trung can thiệp vào những hoạt động cần thiết như bảo vệ quyền sở hữu và cung cấp các dịch vụ xã hội.

Thuế kinh doanh ở các nước vùng Bắc Âu thuộc loại trung bình và cao – 52% trên lãi trước thuế ở Phần Lan và Iceland, 53% ở Thụy Điển, và 60% ở Na Uy. Thế nhưng chỉ có 8% các hoạt động kinh tế diễn ra tại các doanh nghiệp không đăng ký (khu vực không chính thức). Lý do là vì các doanh nghiệp được sử dụng các dịch vụ công cộng rất tốt từ số tiền thuế mà họ trả. Ví dụ như Đan Mạch có cơ sơ hạ tầng tốt nhất thế giới. Na Uy đứng đầu về chỉ số phát triển con người do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc công bố, và Thụy Điển đứng thứ hai. Ở những nước này, cũng như các nước khác trong danh sách 30 nước đứng đầu, các nhà cải cách không phải lựa chọn giữa hoặc là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, hoặc là bảo hộ những lợi ích xã hội; mà họ đã tìm ra cách để thực hiện tốt cả hai việc này cùng một lúc. Đây cũng là những bài học rất tốt cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam

Hạnh Nam 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)