Một cuộc đổ vỡ tài chính mới?
Thế giới liệu có xảy ra một cuộc đổ vỡ tài chính mới? Các nền kinh tế mới nổi có thể chống chọi được khủng hoảng? Đó là những câu hỏi đang được rất nhiều người quan tâm sau khi xuất hiện hàng loạt nguy cơ đổ vỡ trên thị trường tài chính Mỹ. Thậm chí, chính phủ Mỹ đã phải tổ chức một cuộc đàm phán để thông qua kế hoạch giải cứu thị trường trị giá 700 tỷ USD nhưng vẫn chưa thể vãn hồi tình thế.
Thị trường tài chính thế giới từ mấy ngày nay giống như một con thuyền say sóng không có người cầm lái. Chỉ trong vòng một tuần, Chính phủ Mỹ đã ra hai quyết định hết sức bất ngờ: quốc hữu hóa hai hãng cung cấp tín dụng thế chấp khổng lồ Fannie Mae, Freddie Mac, với số tiền lên tới 200 tỷ USD, sau đó bỏ rơi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, rồi lại quốc hữu hóa hãng bảo hiểm AIG.
Khủng hoảng tài chính đã nổ ra như thế nào?
Tất cả bắt đầu từ thị trường cho vay tín dụng dưới chuẩn (subprime), hay còn gọi là tín dụng thế chấp rủi ro cao tại Mỹ. Các ngân hàng đã cấp tín dụng ồ ạt để mua bất động sản cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và khả năng trả nợ không cao, dựa trên giá trị tài sản của ngôi nhà định mua. Giá bất động sản tăng, hệ thống tín dụng này phát triển càng mạnh. Nhưng tới khi giá bất động sản của Mỹ bắt đầu giảm vào năm 2007, tác động ngược của cơ chế này bắt đầu xuất hiện. Các hộ gia đình không còn khả năng trả các nợ, các ngân hàng cho vay sụp đổ. Khủng hoảng bắt đầu lan truyền trong toàn bộ hệ thống tài chính do tác động của nghiệp vụ trái phiếu hóa giấy nợ (titrisation), một hình thức bắt đầu xuất hiện từ thập kỷ 1970, dựa trên việc biến các khoản vay ngân hàng thành trái phiếu.
Nói một cách tổng quát, khủng hoảng diễn ra do hậu quả của những hoạt động thái quá trên thị trường tín dụng Mỹ. Tín dụng cũng giống như một loại Doping kích thích tăng trưởng của Mỹ. Nhưng họ đã dùng quá liều. Nước Mỹ ngày nay đang cần được điều trị để giải độc”, nhà kinh tế học từng được giải thưởng Nobel năm 2001, Joseph Stiglitz giải thích.
Tại sao khủng hoảng không kết thúc
Khủng hoảng vẫn kéo dài bởi vì nó liên quan tới không chỉ lĩnh vực cho vay bất động sản rủi ro cao tại Mỹ. Tất cả các loại tín dụng (mua sắm ô tô, tiêu dùng…) đã được chuyển thành trái phiếu đều bị đụng chạm tới. Đây là thị trường có quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với thị trường cho vay bất động sản dưới chuẩn (ước tính khoảng 1.300 tỷ USD). Do đó, nó không chỉ tác động tới các ngân hàng cho vay tín dụng bất động sản dưới chuẩn tại Mỹ, mà cả các thiết chế đầu tư, thông qua trung gian của nghiệp vụ trái phiếu hóa, vào thị trường tín dụng (ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm, bảo hiểm, quỹ hưu trí…).
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng còn được tiếp sức thêm bởi tâm lý mất tin tưởng và thị trường liên ngân hàng. Các ngân hàng không thể biết đối tác của mình đã đầu tư bao nhiêu vào các loại chứng khoán liên quan đến giấy ghi nợ. Trong trường hợp này, ngân hàng từ chối cho nhau vay vì sợ không có khả năng thu hồi vốn. Chính điều đó làm tê liệt toàn bộ hệ thống tài chính.
Có nên lo ngại tác động của hiệu ứng Domino?
Nếu Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ năm của Mỹ, đã bị phá sản, nếu như giá trị của thiết chế tài chính có hơn 150 năm tuổi tan thành mây khói chỉ sau vài tuần lễ, thì về lý thuyết không có ngân hàng nào niêm yết trên thị trường chứng khoán thế giới có thể tin chắc tránh được khủng hoảng. Bởi vì các ngân hàng mong manh nhất, dễ bị tác động nhất chính là các ngân hàng cách đây chưa lâu còn hoạt động hăng hái nhất và mạnh nhất trên thị trường tài chính. Đó là trường hợp của các ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Wall Street như Morgan Stanley, Merrill Lynch, Goldman Sachs…
Tuy nhiên, các ngân hàng châu Âu, ngoại ttừ của Thụy Sĩ (UBS, Cr esdit Suisse) rất ít tập trung đầu tư vào các lĩnh vực chuyên biệt nên chính điều đó đã bảo vệ họ tránh được tác động từ rủi ro bên ngoài. Hay ít ra là phần nào tránh được. Họ chủ yếu kinh doanh trong các hoạt động bán lẻ, lĩnh vực có lợi nhuận cao, đồng thời cho phép giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra khi đầu tư vào tín dụng thế chấp dưới chuẩn. Các ngân hàng Pháp hiện nay có tỷ suất thanh toán khá cao, về lý thuyết bảo đảm cho họ có khả năng chống lại các cú sốc tài chính.
Ngoài các ngân hàng đầu tư trên thị trường chứng khoán Wall Street, hiện còn có những nỗi quan ngại về khả năng đứng vững của các hãng bảo hiểm Mỹ, đặc biệt là AIG, hãng đã đầu tư ồ ạt vào các loại cổ phiếu từ giấy nợ.
Liệu có xảy ra một cuộc đổ vỡ chứng khoán thế giới?
Theo đánh giá của một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra hiện nay là tồi tệ nhất kể từ năm 1929 – cuộc khủng hoảng đã làm cho thị trường chứng khoán Wall Street mất 46% trong vòng hai tháng. Thế nhưng cho tới nay các thị trường vẫn đứng vững. Về mặt kỹ thuật, chỉ có thể coi là xảy ra đổ vỡ tài chính nếu chỉ số chứng khoản giám 10% trong một phiên giao dịch. Nhưng trên các sàn giao dịch New York cũng như châu Âu, ngay cả trong giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng hiện tại, chỉ số chứng khoán giảm nhiều nhất cũng chưa tới 7%, chuyên gia phân tích Jean-Louis Mourir của hãng tư vấn Aurel nói: “Sau vụ đổ vỡ chứng khoán năm 1987 đã bắt đầu xuất hiện những nhân tố đóng vai trò như những tay vịn để ngăn chặn thị trường tụt giá quá nhanh, quá mạnh”. Bên cạnh đó, sự thừa thãi về tiền mặt, chủ yếu nhờ nguồn thu dầu mỏ dồi dào và các ngân hàng trung ương bơm ra nhiều, đã có tác dụng như các phanh hãm chống lại sự tụt giảm bất ngờ.
Hiện nay, các nhà đầu tư hay nói tới khái niệm “đổ nghiêng”, tức là thị trường giảm sút liên tục, không có phiên nào tăng điểm. Từ tháng 1/2008 tới nay, thị trường chứng khoán Paris đã giảm 25,74%, thị trường chứng khoán New York giảm 17,7%, Thị trường chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi bị tác động tương đối ít nhưng cũng không thể tránh khỏi phải điều chỉnh. Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Bombay đã mất lần lượt 61,72% và 34,77% giá trị trong vòng 9 tháng. Phần lớn các nhà đầu tư cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục do sự xấu đi của nền kinh tế thực. Tăng trưởng giảm và lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng giảm theo.
Tại sao phần còn lại của thế giới cũng bị ảnh hưởng?
Trái với những gì người ta hy vọng ban đầu, cuộc khủng hoảng cho vay bất động sản dưới chuẩn không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Mỹ. “Mỹ đã thành công trong việc xuất khẩu các vấn đề của mình ra thế giới”, một nhà quản lý đánh giá. Nhà kinh tế học Stiglitz thì cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa hy vọng bóng mây khủng hoảng sẽ không vượt quá biên giới Mỹ chỉ là điều hão huyền.
Sự tăng tốc của toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính diễn ra trong mấy thập kỷ gần đây đã làm cho nguy cơ lây lan khủng hoảng là không thể tránh khỏi. Bất cứ cú sốc diễn ra ở một nước nào, đặc biệt là ở Mỹ, đều sẽ tạo ra âm hưởng trên toàn thế giới. Một kiểu hiệu ứng cánh bướm. Các nhà đầu tư trên toàn cầu nắm trái phiếu hình thành từ nợ của Mỹ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hiện nay giữ khoảng 300 tỷ USD giấy nợ từ hai ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac.
Liệu các nền kinh tế mới nổi có đủ sức kháng cự?
Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm rung chuyển các nước công nghiệp phát triển nhưng cho tới nay vẫn tương đối ít đụng chạm tới các nền kinh tế mới nổi. Trong nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), tỷ lệ tăng trưởng không có dấu hiệu giảm sút đáng kể mà vẫn ở mức tương đối cao, đặc biệt là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng dự báo xấp xỉ 10%.
Khác với các cuộc khủng hoảng trước cho thấy sự phụ thuộc của các nước phương Nam khả năng tự chủ ngày càng lớn của các cường quốc kinh tế mới. Điều đó có thể lý giải thông qua mức sống ngày càng được cải thiện và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, đối tượng có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ đói nghèo ở Đông Á từ mức cao nhất thế giới năm 1981 (80%), đã giảm xuống còn 18% vào năm 2005.
Tuy nhiên, nhận định cho rằng Trung Quốc và các cường quốc kinh tế mới nổi khác có thể chống đỡ được cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn không được tất cả các chuyên gia kinh tế chia sẻ. Nhà nghiên cứu Jacques Mistral, thành viên của Trung tâm phân tích kinh tế Pháp (CAE) cho rằng “Yếu kém của chủ nghĩa tư bản Mỹ là một thực tế, nhưng các nền kinh tế mới nổi còn mong manh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều”. Theo ông, Trung Quốc rất dễ bị tác động bởi những dao động thất thường của các nền kinh tế phương Tây, vì Mỹ và châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa “Made in China”.
Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng?
Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng không thể giải quyết một cuộc khủng hoảng có phạm vi lớn như vậy chỉ bằng cách duy nhất là bơm thêm tiền mặt để hỗ trợ các ngân hàng đứng vững. Cần phải nghĩ tới tất cả các giải pháp đều điều tiết hệ thống tài chính thế giới. Cuộc thảo luận về giải pháp xoay quanh một số ý tưởng chính, đó là: bãi bỏ các khu vực không chịu sự điều tiết trong lĩnh vực tài chính (như các tổ chức phát hành tín dụng thế chấp của Mỹ), thắt chặt quản lý các công ty định giá rủi ro tín dụng doanh nghiệp (sự minh bạch, phương pháp…), hạ thấp tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế, thay thế nhóm G-7 bằng G-20, kết nạp thêm các nền kinh tế mới nổi để có thể đưa kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng nhờ sự dư thừa tiền mặt của họ…