Một tham vọng nghệ thuật đáng được ghi nhận
Tôi muốn được dùng từ tham vọng để nói về Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), khai trương hôm 6/6 mới đây.
Một không gian trưng bày tại VCCA. Ảnh: VCCA
Tham vọng có thể thấy được từ những điều nhỏ nhất như đèn rọi tranh, máy kiểm tra độ ẩm trong các phòng trưng bày và kho lưu trữ tác phẩm nghệ thuật cho đến việc thuê giám đốc nghệ thuật có uy tín quốc tế. Nhưng khoan hãy bàn tới tất cả những câu chuyện ấy. Thời điểm mà VCCA ra đời là lúc mà hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam đang tập trung làm thương hiệu thông qua đầu tư cho các chương trình ca nhạc chất lượng thị trường có tính giải trí dễ xem dễ nghe. Nói như chuyên gia marketing Phạm Vũ Tùng: “Đặc trưng của các thương hiệu làm marketing văn hóa ngắn hạn này là các chương trình chắp vá, lắp ghép, không liên tục. Một số các thương hiệu có ngân sách lớn cho marketing nhưng không có chiến lược marketing văn hóa cụ thể. Điều này có thể mang tới sự chú ý nhất thời cho thương hiệu nhưng không có hiệu quả lâu dài.” Ngược lại, chương trình hòa nhạc Toyota Classic là một cách tiếp thị và xây dựng thương hiệu qua các hoạt động văn hóa xã hội bài bản. Họ tài trợ cho Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với ba mục đích: có tiền để mua nhạc cụ và các phụ kiện thay thế, sửa chữa định kỳ như dây đàn, mặt trống; tổ chức những buổi hòa nhạc cổ điển thường niên; trao học bổng cho các sinh viên của nhạc viện Hà Nội. Concept này họ làm bền bỉ đã nhiều năm rồi. Hoặc một ví dụ nữa là chương trình hòa nhạc cổ điển Hennessy: năm nay đã là năm thứ hai mươi mốt họ mời những nghệ sĩ xuất sắc nhất đến Việt Nam biểu diễn. Đó là một chiến lược có hoạch định chi tiết chính xác.
Trở lại câu chuyện VCCA, vạn sự khởi đầu nan nhưng ít nhất họ có tầm nhìn “mở ra những cơ hội thưởng thức cái đẹp và trải nghiệm nghệ thuật cho tất cả mọi người, mang tới cộng đồng những sản phẩm và hoạt động nghệ thuật chất lượng, góp phần xây dựng nền nghệ thuật trong nước phát triển bền vững, trở thành một trung tâm sáng tạo và kết nối với mỹ thuật đương đại thế giới”. Mô hình hoạt động của VCCA bao quát toàn bộ những gì liên quan tới lĩnh vực mỹ thuật. Phòng trưng bày ở Royal City với diện tích bốn nghìn mét vuông có gallery, có thư viện, bên cạnh đó là khu đấu giá và phòng trưng bày bộ sưu tập tác phẩm của các bậc thầy hội họa Việt Nam. Ngoài ra còn có phòng hội thảo, câu lạc bộ giáo dục mỹ thuật cho trẻ em, khu vực lưu trú – sáng tác, có kho tranh cho thuê với chế độ bảo hiểm, bảo vệ, ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ… đạt chuẩn quốc tế; cũng như kế hoạch kết nối và tiếp thị với các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng nghệ thuật toàn cầu.
Cộng đồng yêu nghệ thuật Việt Nam hãy đón xem những gì mà VCCA sẽ làm. Làm được đến đâu và có làm được hay không sẽ là một câu chuyện khác nhưng rõ ràng tham vọng ấy đã là một điều đáng ghi nhận. VCCA ra đời đã làm thay đổi mô hình hoạt động cũng như định nghĩa về trung tâm mỹ thuật.
Vẫn biết đầu tư cho văn hóa nghệ thuật thì tốn kém, thì lâu dài mà hiệu quả không thể nhìn thấy ngay và chưa chắc đã tính được bằng vật chất. Nếu doanh nghiệp Việt Nam, người hưởng thụ nghệ thuật Việt Nam không quyết tâm tự thân mà chỉ trông chờ vào bên ngoài thì ai sẽ là người bắt đầu? Nếu người Việt không tôn vinh thì ai sẽ tôn vinh? Nếu ai cũng chỉ làm ca nhạc thị trường thì ai sẽ làm nghệ thuật?