Một ý tưởng hay, giàu tính lãng mạn
Ý tưởng xây dựng Thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột của anh Đặng Lê Nguyên Vũ là một ý tưởng hay và giàu tính lãng mạn. Nhưng có thành công vượt trội nào mà không có tính lãng mạn? Trên tinh thần đó, tôi hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của anh Đặng Lê Nguyên Vũ. Vấn đề là Thủ phủ cà phê sẽ được xây dựng theo mô hình như thế nào?
Tôi cho rằng, khi nói đến Thủ phủ cà phê thì phải lấy cà phê làm trung tâm. Nhưng xoay quanh cà phê còn phải có nhiều hoạt động khác. Người ta đến với cà phê để rồi đến với những hoạt động gắn với vùng đất cà phê, và ngược lại, đến với những hoạt động đó để rồi bị lôi cuốn bởi “hương vị” cà phê.
Khi nói lấy cà phê làm trung tâm nghĩa là cà phê phải tạo ra trung tâm cuốn hút mọi người. Mặc dù chúng ta đứng thứ hai trong rất nhiều nước trồng cà phê như Brazil, Colombia, Indonesia…, và là nước đứng đầu về cà phê Robusta, nhưng nếu chất lượng cà phê không tốt, không có nhiều sản phẩm độc đáo có hương vị đặc sắc, không tạo được thương hiệu riêng thì làm sao thu hút được các nhà kinh doanh cà phê, các “công dân cà phê”? Nhất là khi có nhiều nước trồng cà phê đã đi vào cơ chế thị trường sớm hơn ta. Mặt khác, nếu chỉ tạo ra những sản phẩm cà phê độc đáo không thôi cũng không đủ, bởi có thể nhiều nước cũng làm được điều đó. Hơn nữa, thậm chí người ta có thể ngồi ở Paris ngắm tháp Effel mà vẫn thưởng thức được hương vị độc đáo của cà phê Tây Nguyên.
Từ những phân tích nói trên, mô hình Thủ phủ Cà phê có thể được xây dựng đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Phát triển bền vững cà phê; tăng tính hấp dẫn của cà phê Tây Nguyên trên cơ sở tạo ra nhiều sản phẩm cà phê sạch và chất lượng cao, có hương vị độc đáo; xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột.
2. Biến Buôn Mê Thuột thành một trung tâm giao dịch cà phê tầm cỡ.
3. Xây dựng các tụ điểm thưởng thức cà phê với phong cách kiến trúc độc đáo để khách du lịch khắp nơi có thể nhâm nhi cốc cà phê thơm lựng trong âm hưởng của đàn Đá và âm nhạc cồng chiêng.
4. Xây dựng bảo tàng cà phê, không chỉ có cà phê Việt Nam mà còn cả cà phê thế giới, tái hiện lịch sử phát triển cây cà phê Việt Nam với bao mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu nữa. Không phải lo ngại rằng việc giới thiệu về cà phê thế giới sẽ tạo ra sự cạnh tranh với cà phê Việt Nam. Mục đích của điều này là để những người yêu cà phê chỉ cần đến Buôn Mê Thuột là có thể tìm hiểu cả thế giới cà phê…
5. Phát triển các hoạt động du lịch gắn với bản sắc văn hoá độc đáo và phát triển du lịch sinh thái trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.
6. Hoàn thiện lễ hội Hoa Cà phê sao cho phong phú hơn, đặc sắc hơn, gắn kết chương trình thưởng thức cà phê với các chương trình du lịch khác.
7. Xây dựng chiến lược quảng bá Thủ phủ cà phê ra nước ngoài.
Trên đây là phác thảo sơ lược những ý tưởng của tôi về mô hình Thủ phủ cà phê toàn cầu. Tất nhiên những hoạt động nói trên phải đảm bảo yêu cầu về an ninh chính trị trên vùng đất khá nhạy cảm này. Mong rằng, các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa sẽ phản biện và bổ sung sâu sắc hơn để ý tưởng về Thủ phủ cà phê toàn cầu có thể trở thành hiện thực