Mùa Xuân Cải cách và Hội nhập

Để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải có một cuộc cải cách với khâu then chốt là chuyển từ nhà nước hành chính can thiệp sang nhà nước kiến tạo sự phát triển.


Một Mùa Xuân Đổi mới II

Đất nước ta đã có bước phát triển và tiến bộ trên nhiều mặt sau 30 năm Đổi mới, được thế giới thừa nhận, đã có thế và lực mới. Đồng thời, đất nước đang phải đôi mặt với những thách thức nghiêm trọng:

Nước ta chưa trở thành một nước công nghiệp hóa, với GDP/người năm 2015 đạt 2109 USD, kinh tế nước ta đã vượt qua ngưỡng nước thu nhập thấp (<1000 USD/người) nhưng vẫn thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, công nghiệp và xuất khẩu dựa quá nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp dân tộc còn quá nhỏ bé. Trong khi khoa học-công nghệ phát triển như vũ bão thì Chỉ số Tri thức (Knowledge Index KI) và Chỉ số Kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index KEI) của chúng ta còn quá thấp.


Kinh tế nước ta tăng trưởng dưới tiềm năng và có nguy cơ rơi vào “bãy thu nhập trung bình”, tức là sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt mức 11.000 USD/người để trở thành một nền kinh tế phát triển.

Chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại, giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0%, gỡ bỏ hầu hết các rào cản hành chính để bảo vệ cho nền công nghiệp còn non trẻ và câu hỏi lớn là nước ta sẽ công nghiệp hóa ra sao khi phải cạnh tranh không cân sức với các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới? Liệu kinh tế nước ta có rơi vào “bẫy tự do hóa thương mại” trước khi xây dựng được một nền công nghiệp dân tộc với doanh nghiệp và thương hiệu đại diện cho dân tộc và đất nước ta?

Trước những thách thức nghiêm trọng như vậy, đòi hỏi cần một cuộc đổi mới lần thứ hai một cách cơ bản và toàn diện với khâu then chốt là cải cách thể chế, chuyển từ mô hình nhà nước hành chính can thiệp sang mô hình nhà nước kiến tạo sự phát triển.

Thế giới đánh giá cao sự thông minh, khéo tay của người Việt Nam nhưng chất lượng lao động Việt Nam được xếp hạng rất thấp. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt là 4,94 và 5,59. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có hiệu lực từ 31.12.2015 với lao động có chứng chỉ thuộc 8 ngành nghề được 10 nước thành viên thừa nhận có thể di chuyển trong khối, liệu lao động giỏi của Việt Nam có sang các nước khác làm việc để có đồng lương cao hơn trong khi lao động của Philippines, Thái Lan sẽ tràn vào nước ta và lấy đi công ăn việc làm của người lao động trong nước? Kinh nghiệm cho thấy sau khi gia nhập Liên minh châu Âu, lao động chất lượng cao của các nước Hungary, Tiệp và Ba Lan đã chạy ra khỏi nước đến mức dân số Hungary đã bị giảm sút cơ học. Cải cách hệ thống giáo dục-đào tạo đã trở nên không thể trì hoãn được nữa và mỗi người lao động phải tự mình học tập, rèn luyện về kỹ năng sống, hợp tác tập thể, học ngoại ngữ để có thể tìm được việc làm và có thu nhập.

Bộ máy cồng kềnh, trùng lặp từ Đảng, Quốc hội, Chính quyền đến các đoàn thể, chi tiêu rất lãng phí đã quá sức chịu đựng của ngân sách, bội chi ngân sách ngày càng tăng lên, nợ Chính phủ quá lớn, gây lo ngại cho ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ máy ấy lại được thiết kế theo mô hình “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa là đại diện chủ sở hữu tài sản nhà nước, vừa bổ nhiệm cán bộ lại nắm cả pháp luật, tổ chức thực hiện vừa tự mình giám sát mình đã tỏ ra kém hiệu lực. Tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ là những căn bệnh trầm kha lâu nay lên án nhiều bằng những lời lẽ gay gắt nhất nhưng chưa dẹp được bao nhiêu, trong thực tế cho thấy có những vấn đề liên quan đến bản chất của hệ thống thể chế chưa được chỉnh sửa, nay chắc chắn phải sửa trong quá trình hội nhập nếu không muốn “thua ngay trên sân nhà”.

Xuân Bính Thân này là mùa xuân đầu tiên trên nước ta hơn một tháng sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống trong nước đã xuất hiện ngày càng nhiều hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia từ trái cây, kẹo bánh đến đồ chơi trẻ em v.v. Người tiêu dùng được lợi nhưng nếu chúng ta chỉ mua hàng của nước ngoài thì chúng ta trả lương cho công nhân nước ngoài, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp họ và nộp thuế cho ngân sách nước họ còn công nhân Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam thì sao?

Hy vọng mùa xuân hội nhập sẽ là mùa xuân của cải cách, Đổi Mới mạnh mẽ, và Đại hội XII sẽ lập được kỳ tích như Đại hội VI trước đây.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)