Mức độ nguy hại của thuốc trừ cỏ Glyphosat không đáng kể

Thuốc trừ cỏ Glyphosat bị nghi là nguyên nhân gây ung thư. Tuy vậy giáo sư Günter Neumann vẫn kiến nghị nên cho phép tiếp tục sử dụng thuốc trừ cỏ này trong nông nghiệp.


Máy phun phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang hoạt động trên đồng ruộng.

 
Giáo sư Günter Neumann, trường đại học Tổng hợp  Hohenheim, cho biết: “Trong những năm qua ngày càng có nhiều ý kiến hoài nghi về tính vô hại của thuốc trừ cỏ Glyphosat và các chất phụ trợ dùng trong nông nghiệp.” Nhiều doanh nghiệp hóa chất, đặc biệt ở Trung quốc, sản xuất loại hóa chất này. Có ý kiến cho rằng khi hóa chất này thâm nhập vào chuỗi thực phẩm thì có thể gây ung thư. Tuy nhiên Neumann phản bác rằng Glyphosat là một công cụ quan trọng, quý hiếm đối với ngành trồng trọt vì thế cần có sự ứng xử thích hợp với loại hóa chất này. “Thuốc trừ cỏ Glyphosat có hiệu quả đặc biệt trong việc tiêu diệt các loại cỏ dại có sức đề kháng cao, có thể tiêu diệt cả bộ rễ của cỏ dai,” ông nói.

Tuy nhiên vị giáo sư này cũng thừa nhận Glyphosat tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học. Song dù sao cũng không nên cấm sử dụng loại thuốc diệt cỏ này trong nông nghiệp.  Neumann lập luận, nếu cấm dùng thuốc trừ cỏ này, người nông dân buộc phải dùng các loại thuốc trừ cỏ khác, những hóa chất này còn độc hại hơn đối với quần thể động vật và môi trường sống nói chung. 

Hơn nữa nếu bỏ thuốc trừ cỏ thì phải thay đổi phương pháp canh tác, có nghĩa là lại phải cầy bừa kỹ loại bỏ triệt để cỏ dại, kể cả bộ rễ của chúng, do đó tốn nhiều năng lượng hơn, dễ gây xói mòn và làm tổn hại môi trường. Nếu không trừ cỏ bằng biện pháp cơ giới thì sau khi gieo hạt cây trồng không thể cạnh tranh nổi với cỏ dại. Diệt cỏ dại bằng thuốc trừ cỏ hạn chế đất bị rửa trôi.

Nhà khoa học Neumann còn cho rằng nếu cấm triệt để  Glyphosat cũng không thể thay đổi một cách cơ bản lượng tàn dư trong chuỗi thực phẩm. “Ngành công nghiệp thực phẩm và thức ăn gia súc nhập một khối lượng lớn đậu nành từ các giống đậu tương có sức đề kháng với Glyphosat,” ông cho biết.  Đậu tương được trồng chủ yếu ở Hoa kỳ và châu Á, giống đậu tương ở đây là giống biến đổi gien và có sức đề kháng với Glyphosat. Điều này không có ở châu Âu.

Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi sử dụng thuốc trừ cỏ này. Chỉ có những người được hướng dẫn chu đáo mới được tiếp cận với Glyphosat. Nên cấm dùng thuốc trừ cỏ này đối với các nơi công cộng cũng như trong vườn của các gia đình. Nông dân tránh lạm dụng thuốc trừ cỏ, cần áp dụng biện pháp luân canh để hạn chế sự phát triển của cỏ dại.

Xuân Hoài dịch theo “Tuần kinh tế Đức”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)