Mỹ muốn dẫn đầu về xuất khẩu khí đốt
Đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, mới đây Chính phủ Mỹ đã phê duyệt một dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá hàng tỷ USD.
Việc cấp phép cho các bến phục vụ xuất khẩu khí đốt đông lạnh (LNG Export Terminal) đã được trông đợi từ lâu, tuy nhiên dư luận bất ngờ vì nó được ban hành khá sớm và nếu nhìn vào chính sách năng lượng của Mỹ cho đến nay thì đây là một bước ngoặt.
Trước Freeport, một dự án hạ tầng xuất khẩu khí đốt khác đã được thông qua, đó là việc cải tạo cơ sở Sabine-Pass ở bang Nam Louisiana, từ nhập khẩu thành xuất khẩu khí đốt. Sự kiện này diễn ra hồi tháng 05/2011 nhưng sau đó Mỹ lại quyết định trì hoãn việc tăng cường xuất khẩu khí đốt.
Giờ đây, lần đầu tiên kể từ hai năm qua, Chính phủ Mỹ lại ra tay và ngay lập tức gây chú ý đối với nhiều nhà đại công nghiệp. Họ hy vọng việc đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sẽ đem lại các khoản lợi nhuận hàng tỷ USD.
Công nghệ khai thác gây tranh cãi
Hiện đang có tranh luận, đối với Mỹ xuất khẩu bao nhiêu khí đốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn nhất.
Những người ủng hộ cho rằng, qua xuất khẩu sẽ chấn chỉnh được cán cân thương mại của Mỹ. Hơn nữa, so với sử dụng than thì công nghệ này gây ít tổn hại hơn hẳn đối với khí hậu; đó là chưa kể những đồng minh lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ về chính trị.
Những người chỉ trích lại cho rằng, việc xuất khẩu sẽ làm tăng giá năng lượng ở thị trường nội địa, gây tổn hại đến nền công nghiệp cũng như người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, sẽ có cạnh tranh trên thị trường thế giới về khí đốt đang trong giai đoạn hình thành với một số nước như Australia và Qatar có lợi thế cao hơn tại các khu vực nhập khẩu quan trọng.
Một điều không gây tranh cãi là công nghệ khai thác khí đốt Fracking đang được áp dụng rộng rãi bị người dân Mỹ kịch liệt phản đối và nhiều nhà khoa học cho rằng gây tổn hại đến môi trường.
Theo công nghệ Fracking, lượng khí nằm rải rác trong lòng đất sẽ được bơm với áp lực lớn rồi thu gom. Công nghệ này tiêu hao một lượng nước rất lớn và nhiều hóa chất độc hại bị nén vào lòng đất, khiến giới hữu trách lo ngại về nguy cơ ô nhiễm không khí và nước ngầm, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người dân trong vùng.
Thêm dự án chờ được thông qua
Trong khi công nghệ Fracking bị chỉ trích mạnh mẽ ở Đức thì ở Mỹ, nó đã được áp dụng rộng rãi. Hiện tại, Mỹ đã có khả năng thỏa mãn 83% nhu cầu về khí đốt. Tới đây, khi Mỹ tăng cường xuất khẩu khí đốt thì công nghệ Fracking sẽ có dịp bùng nổ mạnh mẽ.
Với dự án Freeport, Chính phủ Obama đã tiến một bước theo hướng này và từ đó gợi lên sự thèm khát. Bộ Năng lượng Mỹ đã tiếp nhận 26 đơn xin xây dựng LNG Export Terminal, và nếu tất cả các dự án được chấp thuận thì Mỹ có khả năng xuất khẩu 50% sản lượng khí đốt của mình hiện nay. Các tập đoàn cũng như các nhà đầu tư hy vọng, những dự án tiếp theo sẽ được phê duyệt trong nay mai và họ không phải không có cơ sở bởi về phía Chính phủ Mỹ, gần đây có nhiều tín hiệu ủng hộ. Cuối năm 2012, Bộ Năng lượng Mỹ công bố một nghiên cứu cho thấy việc xuất khẩu năng lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng không muốn tạo ra quá nhiều hy vọng bằng cách nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thị trường khí đốt và mọi quyết định về việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu khí đốt sẽ phụ thuộc vào sự phát triển thực tế của thị trường này.
Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ thận trọng mở rộng năng lực xuất khẩu và trong thời gian tới, Chính quyền Obama sẽ không ào ạt xuất khẩu khí đốt ra thị trường thế giới. Bà Mihoko Manabe, chủ nhiệm một công trình nghiên cứu của Rating-Agentur Moody’s nói về tương lai thị trường khí đốt Mỹ, cũng có quan điểm như trên. Tuy nhiên, trong tương lai gần, hai dự án bến bãi cho xuất khẩu khí đốt sẽ được thông qua – một ở Richmond thuộc bang Virginia, một ở San Diego thuộc bang California.
Xuân Hoài dịch