Mỹ: Xuất khẩu than và… khí thải
Theo hai nhà hoạt động môi trường thuộc CO2 Scorecard, từ năm 2007 đến 2012, Mỹ giảm được 86 triệu tấn CO2 do giảm tiêu thụ than đá; nhưng cũng trong thời gian này, lượng CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt điện của nhiều nước khác chạy bằng than đá nhập khẩu từ Mỹ lại là 149 triệu tấn CO2.
Nhưng tám năm nay, khi công nghệ Fracking [kỹ thuật bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đất đá, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá] giành thế đột phá, mỗi năm Mỹ khai thác 265 tỷ mét khối khí đốt từ đá phiến ở trong lòng đất thì tình hình có sự thay đổi triệt để. Từ đó người ta nói “King Coal is dead” (Vua Than chết rồi).
Từ 2007 đến 2012, việc dùng than đá để sản xuất điện ở Mỹ giảm tới 25%. Cũng trong thời gian đó, khí đốt ngày càng khẳng định thế thượng phong của mình. Sản lượng điện từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tăng 36%, lượng khí thải độc hại trong lĩnh vực sản xuất năng lượng ở Mỹ giảm đáng kể vì so với than đá, khí thải trong quá trình sử dụng khí đốt giảm trên 50%.
Fracking để chống biến đổi khí hậu – đây là lập luận chủ đạo của ngành công nghiệp Fracking khi tuyên truyền cho các mũi khoan khai thác khí đốt. Tiếc rằng sự đời lại không đơn giản như vậy.
Xuất khẩu khí thải
Thực tế thì ngành khai thác than đá không hề chết mà vẫn sống khỏe, theo lập luận của Shakeb Afsah và Kendyl Salcito thuộc CO2 Scorecard, một sáng kiến bảo vệ môi trường của Mỹ. Hai ông cho rằng, thay vì để nguồn tài nguyên này nằm yên trong lòng đất thì các mỏ than vẫn không ngừng hoạt động. Trong bối cảnh tiêu thụ than ở Mỹ giảm, do đó giá than trên thị trường liên tục xuống, người ta chuyển hướng sang xuất khẩu than đá vì nhu cầu đối với than đá của thị trường thế giới vẫn tăng. Và xuất khẩu than đá thì đồng nghĩa với xuất khẩu khí thải. Hai tác giả này viết:
“Khi xem xét lượng khí thải do xuất khẩu than đá gây nên chúng ta sẽ thấy chẳng có lý do gì để reo hò tán thưởng vì khí đốt đã đẩy lùi được than đá. Lượng khí thải độc hại từ than đá xuất khẩu cao hơn tới 60 triệu tấn trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2012 so với lượng hạn chế CO2 nhờ dùng khí đốt thay than đá.”
Để có kết luận này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành ba bước:
– Đầu tiên, họ tính xem từ năm 2007 đến 2012, ngành điện của Mỹ giảm được bao nhiêu lượng khí thải nhờ tăng cường dùng khí đốt – con số tính ra được là 86 triệu tấn CO2.
– Bước thứ hai, họ xem xét sự bùng nổ Fracking đã làm tăng mạnh xuất khẩu than đá. Đầu tiên là tám nước sản xuất điện thuộc EU và các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Chile đã nhập khẩu nhiền than của Mỹ vì giá cả thuận lợi. Lượng than xuất khẩu của Mỹ đã tăng thêm 91 triệu tấn.
– Cuối cùng, họ tính toán lượng CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt điện của các nước khác trong thời gian từ 2007 đến 2012 khi chạy bằng lượng than nhập khẩu từ Mỹ là 149 triệu tấn. Như vậy, Mỹ đã tạo thêm ra 63 triệu tấn lượng khí thải CO2.
Qua phân tích đơn giản của CO2 Scorecard thì than đá và khí thải đã trở thành hai mặt hàng xuất khẩu mới của ngành công nghiệp nguyên liệu Mỹ.
Điều này làm chúng ta nhớ đến một trong những sự thật cay đắng về biến đổi khí hậu trong thời đại toàn cầu hoá: Vấn đề không phải là lượng khí thải tương đối hay lượng khí thải của từng quốc gia mà vấn đề là lượng khí thải tuyệt đối của cả thế giới. Và lượng khí thải tuyệt đối này của thế giới sẽ còn tiếp tục tăng vì nhu cầu về năng lượng của thế giới đang không ngừng tăng lên.
Xuân Hoài dịch