Myanmar cải cách toàn diện thị trường tài chính

Sau khi đã thay đổi cơ chế tỷ giá hồi đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ Myanmar nay đang nghiên cứu tiếp tục đổi mới hệ thống tài chính trên quy mô trộng hơn trong vòng ít tháng tới, với những kế hoạch xây dựng thị trường chứng khoán, bắt đầu sử dụng thẻ debit, và đặc biệt là gia tăng vai trò độc lập của Ngân hàng Trung ương.

Nhiệm vụ lớn nhất trước mắt đối với Ngân hàng Trung ương là thực hiện thành công cơ chế tỷ giá hối đoái mới. Cơ chế này thay thế cho cơ chế hai tỷ giá trước đây của Myanmar – trong đó một tỷ giá dành cho ngân sách Nhà nước, khoảng 6 Kyat ăn một dollar, và một tỷ giá chợ đen khoảng 800 Kyat một dollar. Việc thống nhất hai tỷ giá được các nhà đầu tư nước ngoài cho là vô cùng quan trọng, giúp thúc đẩy đầu tư, kinh doanh vào Myanmar, và giảm bớt rủi ro tỷ giá cho nhà đầu tư.

Theo cơ chế mới, khoảng hơn một chục ngân hàng thương mại ở Myanmar sẽ chào giá tới Ngân hàng Trung ương vào mỗi buổi sáng, qua đó Ngân hàng Trung ương tính toán mức tỷ giá phù hợp và công bố hằng ngày, theo lời ông Maung Maung Win, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương, trả lời tờ Wall Street Journal. Các tổ chức tài chính sau đó sẽ được mua và bán ngoại tệ theo biên độ hẹp so với tỷ giá chính thức.

Một số nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu Myanmar đã đủ năng lực kỹ thuật và đủ dự trữ ngoại hối để quản lý một hệ thống như vậy, đồng thời loại trừ được nạn đầu cơ. Nếu theo cơ chế trước đây, việc đầu cơ ngoại hối là khó khăn, do những quy định ngặt nghèo trong việc đưa ngoại tệ ra vào đất nước. Còn ngày nay, ông Maung Maung Win thừa nhận rằng những tác động từ bên ngoài tới tỷ giá ngoại hối sẽ là một vấn đề cho Myanmar, do quốc gia này có đường biên giới dài, gây khó khăn cho việc kiểm soát dòng vốn.

Ông cho biết ngân hàng Nhà nước đang hợp tác chặt chẽ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương Thái Lan, và các tổ chức khác nhằm cải thiện năng lực kỹ thuật và khả năng theo dõi các dòng vốn, trong đó nhà chức trách thu thập báo cáo hằng ngày từ tất cả mọi ngân hàng địa phương.

“Chúng tôi sẽ can thiệp ngay nếu biến động về tỷ giá” trở nên quá lớn, ông nói, nhưng cũng thừa nhận rằng nhà chức trách vẫn chưa xác định mức biến động như thế nào được coi là quá lớn.

Ông cũng cho biết dự trữ ngoại hối của Myanmar tương đương với 9 tháng rưỡi nhập khẩu, tuy không cho con số chính xác theo USD, và nói rằng Chính phủ vẫn đang cân nhắc liệu có công khai thông tin này cho công chúng. Các nhà kinh tế độc lập đã ước tính dự trữ ngoại hối của Myanmar vào khoảng 2 tỷ tới 7 tỷ USD.

Bất chấp các thách thức từ cải cách chính sách tỷ giá, “chúng tôi tin mình có thể quản lý được”, ông Maung Maung Win khẳng định.

Ông khẳng định Myanmar nhiều khả năng sẽ tăng mua vào USD sau khi các chính sách cấm vận từ phương Tây được gỡ bỏ. Ông cũng cho biết quốc gia này từng giữ chủ yếu là USD trong dự trữ ngoại hối, nhưng nay đang giữ Euro nhiều hơn USD, với tỷ lệ là 60 – 40.

Cải thiện hệ thống ngân hàng

Chính phủ Myanmar đang cân nhắc các kế hoạch cho phép ngân hàng nước ngoài được hoạt động tích cực hơn ở trong nước, tuy ông Maung Maung Win cho biết chính sách này sẽ cần thời gian. Hiện nay 16 ngân hàng nước ngoài đã có đại diện ở Myanmar, nhưng hoạt động tương đối hạn chế.

Các lựa chọn mới cho ngân hàng nước ngoài sẽ là lập liên doanh với các ngân hàng trong nước, hoặc mở chi nhánh đại diện với hoạt động không còn bị hạn chế như trước đây.

“Chúng tôi cần các ngân hàng nước ngoài để tiếp thu năng lực kỹ thuật của họ, sức mạnh đầu tư, và những kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế” ông nói. Nhưng “chúng tôi mới đang ở giai đoạn đầu của mở cửa kinh tế – chúng tôi cần cải thiện năng lực các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại trong nước. Sau đó chúng tôi mới cho các ngân hàng nước ngoài vào”. Khi được hỏi quá trình này sẽ kéo dài bao lâu, ông cho biết là “sẽ không tới nhiều năm”.

Nhà chức trách đang làm việc với các ngân hàng trong nước để thiết lập mạng lưới Swift, sẽ cho phép họ có thể giao dịch với các ngân hàng quốc tế và tăng cường năng lực. Các ngân hàng trong nước đang hiện đại hóa hệ thống thanh toán để giúp Myanmar không còn hoàn toàn phụ thuộc vào tiền mặt. Các nhà chức trách sẽ sớm hoàn thiện thiết lập một trung tâm dữ liệu quốc gia, cho phép sử dụng thẻ tín dụng. Chính phủ đang giúp các ngân hàng phát hành thẻ debit trong vòng ít tháng tới, và các nhà chức trách gần đây đã thảo luận với Visa và MasterCard về việc mở cửa cho thẻ tín dụng quốc tế sau khi các cấm vận được dỡ bỏ.

Tăng vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước

Nội các Myanmar đang xem xét các dự thảo quy định cho phép Ngân hàng Trung ương giữ vai trò độc lập hơn, do cơ cấu hiện tại “chưa đủ để có thể làm được nhiều hơn đối với  chính sách tiền tệ”. Ví dụ, hiện nay để thay đổi tỷ giá, Ngân hàng Trung ương vẫn phải thông qua Bộ Tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng số nhân viên từ 1200 như hiện nay lên 2000 người, ông Maung Maung Win cho biết. 

Bước tiếp theo để cải thiện vai trò độc lập của Ngân hàng Trung ương là mở rộng thị trường trái phiếu để các tổ chức của Nhà nước và chính quyền địa phương có thể tự phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì dựa vào nguồn tiền từ Ngân hàng Trung ương. Trong quá khứ, Chính phủ phải phát hành hàng lượng trái phiếu trị giá hàng tỷ USD để cấp kinh phí cho các hoạt động của mình, thông qua Ngân hàng Trung ương. Mục tiêu sắp tới là làm sao để các công ty quốc doanh có thể “tự đứng trên đôi chân của mình” bằng cách tự phát hành trái phiếu, ông Maung Maung Win nhận định, và để thực hiện điều này Myanmar sẽ cần thị trường trái phiếu đi vào ổn định từ năm 2015. 

Những cải cách này cũng song hành với kế hoạch xây dựng xong thị trường chứng khoán vào “khoảng 2015”. Theo lời ông Maung Maung Win, Myanmar hiện đã có một lượng nhỏ những giao dịch chứng khoán OTC.

Ông cho rằng lạm phát – dao động từ 5-10% trong những năm gần đây, theo Ngân hàng Phát triển châu Á – sẽ “tăng một chút”, sau khi cấm vận được dỡ bỏ và dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng. Nhưng ông tin là chính phủ sẽ kiểm soát cẩn trọng để lạm phát không trở thành vấn đề lớn.

IMF lạc quan

Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, hôm 21/4 đã ca ngợi chính sách cải cách toàn diện cơ chế tỷ giá của Myanmar. Bà cũng cho biết trong một cuộc họp báo là IMF đã và đang hợp tác với các cơ quan quản lý tiền tệ của Myanmar trong vấn đề cải cách cơ chế quản lý ngoại hối. “Chúng tôi đang hợp tác với Ngân hàng Trung ương Myanmar một cách rất tích cực”, bà cho biết.

“Đây là sự đền đáp cho những nỗ lực cải cách của họ … và họ đang làm rất thành công”. Tuy nhiên, bà Lagarde cũng cho rằng quá trình cải cách sẽ không thể thành công ngay lập tức. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật bất kỳ khi nào họ cần đến”, bà nói. “Bạn biết đấy, đây là một quá trình [phức tạp] diễn ra hằng ngày”.

Thanh Xuân lược dịch, tổng hợp

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)