Năm bài học cho các mentor
Đầu tiên, tôi phải thú nhận rằng, hơn một thập kỷ trước, khi bắt đầu thiết kế các chương trình kinh doanh cho các doanh nghiệp, tôi đã tự hình dung ra cách để giúp các nhà khởi nghiệp rồi dựng ra một nội dung na ná với những gì người khác đã làm. Một chương trình như vậy thường có kế hoạch đào tạo kinh doanh, tư vấn từ các chuyên gia như kế toán và luật, và… những sự kiện vô bổ. Rồi đơn giản nghĩ rằng “đấy, vậy là ta đã có một chương trình khởi nghiệp”. Thật xấu hổ! Tôi đã sai. Sau đây là những bài học để trở thành một mentor (người cố vấn và huấn luyện cho các doanh nhân khởi nghiệp) hiệu quả mà tôi nhận ra từ thực tế.
Mentor các doanh nghiệp thay vì đề cao cái tôi cá nhân
Bốn năm về trước, khi dự Startup Weekend1, lần đầu tiên tôi được thấy thế nào là mentor một cách thực sự chuyên nghiệp. Đó là khi tôi có thể cảm nhận được năng lượng truyền từ những doanh nhân thành đạt khi họ tương tác với các nhà khởi nghiệp trẻ. Vai trò của tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ trong giải quyết các vấn đề chiến lược thông qua việc phát hiện ra những vấn đề của họ và đưa ra lời khuyên hợp lý cho các bước tiếp theo. Trước đây, tại những sự kiện lớn, chẳng hạn như Startup Weekend, tôi thường “đóng vai” một siêu anh hùng và ba hoa về khả năng của mình trong việc giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp. Nhưng rồi, tôi đã nhận ra động cơ thực sự đằng sau những “tư vấn” ấy, đó là khoe kiến thức của mình chứ không thực sự giúp đỡ các doanh nghiệp vừa chớm hình thành.
“Thiên tài chỉ có 1% từ cảm hứng còn 99% từ sự kiên trì” 2
Không may thay, các vấn đề của doanh nhân khởi nghiệp là vô tận. Trước kia, thường mỗi khi tôi tưởng rằng sự tư vấn của mình đã giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề nào đó của họ thì ngay lập tức một vấn đề khác lại nảy sinh. Sau đó, tôi nhận ra mình có thể tạo ra tác động hiệu quả hơn nếu gặp từng cá nhân khởi nghiệp một cách định kỳ. Thay vì tập trung mổ xẻ các chiến lược, các mô hình kinh doanh, bài thuyết trình với các nhà đầu tư, tôi chuyển sang tập trung vào việc đảm bảo rằng họ đang thực hiện nhiệm vụ và theo sát kế hoạch hành động đã đặt ra. Tôi đặt những câu hỏi như: “Sản phẩm sắp tới thế nào?”, “Việc tiếp cận thị trường Mỹ ra sao?”, “Tìm được người đồng sáng lập chưa?” Tôi vẫn thường thấy các doanh nghiệp trẻ không thực hiện theo những chiến lược và kế hoạch mà họ đã đề ra. Vì vậy, bằng việc đặt ra các câu hỏi trên tiến trình phát triển của doanh nghiệp, tôi buộc họ phải có trách nhiệm với bản thân, và qua đó tôi bắt đầu nhìn thấy những kết quả tích cực. Các thảo luận định kỳ như vậy giúp các nhà khởi nghiệp tập trung hơn, hoặc tự nhận ra mình còn chưa đủ đáp ứng để khởi nghiệp thành công. Thay vì khuyên các doanh nghiệp đi theo một chiến lược cụ thể mà tôi cho là đúng, tôi thấy rằng cách tiếp cận mới này tác động mạnh mẽ hơn đến họ, giúp khuyến khích và thúc đẩy họ học hỏi và hành động.
Mentor cho những startup còn đang chập chững là điều có ích nhất cho cộng đồng [khởi nghiệp]
Theo thời gian, tôi nhận ra rằng, mentor là chìa khóa để tạo ra một chương trình khởi nghiệp thành công. Trong ba năm gần đây, tôi đã phân tích chương trình tư vấn phát triển Infodev, một công cụ được World Bank giới thiệu và thấy rằng mentor có tác động rất tích cực đến các doanh nghiệp non trẻ, giúp họ tăng khả năng phát triển và thu hút đầu tư.3
Nhưng không phải ai cũng là mentor tốt
Việc mentor thường đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên tôi học được rằng không phải lúc nào nó cũng hiệu quả. Ví dụ, hiện nay nhiều người đưa ra lời khuyên về khởi nghiệp tinh gọn và đó là lời khuyên tốt. Nhưng với tư cách là mentor, chúng ta phải nhận ra rằng thật dễ dãi nếu chỉ nói với startup rằng họ phải thử nghiệm giải pháp của mình trên thị trường trước khi đầu tư công sức vào việc phát triển sản phẩm và marketing. Giảng dạy và đưa ra lời khuyên thì đơn giản, nhưng thực hiện chúng mới thực sự khó khăn. Vì vậy, điều các nhà khởi nghiệp mong muốn là được trao đổi với những người đã thực sự trải nghiệm việc thực hiện chính những điều mà họ khuyên startup, kể chuyện về những thất bại đau đớn, đồng cảm với những vất vả và giải thích cách họ đưa ra những lựa chọn khó khăn như thế nào. Các nhà khởi nghiệp cần phải được học cách làm thế nào để trở nên bền bỉ và đương đầu với cảm giác bị liên tục thất bại. Ngày càng nhiều các chuyên gia về khởi nghiệp nhưng không phải tất cả bọn họ đều trải qua những gian khổ cần thiết để tạo ra sự khác biệt.
Những nhà khởi nghiệp trẻ thường ít muốn lắng nghe những người chưa từng được thử thách. Tôi cũng từng chứng kiến một vài doanh nhân cực kỳ thành công làm mentor, những người vô cùng tiêu cực và khó tính, [không những chẳng mang lại sự động viên mà còn] làm tan vỡ những giấc mơ của các doanh nhân khởi nghiệp trước khi họ có cơ hội để bước tiếp. Ở đây, các doanh nhân thành đạt cần thấy được lý do đúng đắn khi làm công việc mentor, đó là không phải vì bản thân mình mà nhằm tạo ra những doanh nghiệp trong cộng đồng của họ, tạo ra sự đa dạng trong nền kinh tế địa phương và tạo ra công ăn việc làm.
Cuối cùng, để công việc mentor hiệu quả, bạn cần những nhà khởi nghiệp nghiêm túc, những người sẵn sàng nỗ lực vượt qua trở ngại. Không gì dập tắt mong muốn làm mentor hơn là làm việc với những “đứa trẻ” có ý tưởng hay ho nhưng chẳng hề có ý chí hiện thực hóa nó.
Năng lực chuyên môn và lời khuyên là rất quan trọng:
Mặc dù những nghiên cứu hiện tại về công việc của mentor chưa chỉ ra sự liên hệ chặt chẽ giữa năng lực chuyên môn của người làm mentor và thành quả người đó mang lại, nhưng quan sát của tôi lại khác một chút. Tôi từng chứng kiến những điều tuyệt vời diễn ra khi tôi mang những doanh nhân thành đạt tới một quốc gia khác để mentor cho những nhà khởi nghiệp ở đó. Những kiến thức sâu sắc của họ về các thị trường, các lĩnh vực, các phương thức thực hành kinh doanh và những xu hướng công nghệ giúp cho những doanh nhân khởi nghiệp nâng cao kiến thức nền của họ lên rất nhiều.
Cần nói thêm rằng, để hỗ trợ những doanh nhân khởi nghiệp, các mentor cần đưa ra các tình huống cụ thể cùng với mỗi lời khuyên, bởi mỗi ý kiến chuyên môn hay quan điểm có thể mang những ý nghĩa rất khác biệt trong các tình huống khác nhau. Chẳng hạn, thay vì nói rằng bạn không thích một ý tưởng hay sản phẩm, hãy đưa ra lí do sâu xa đằng sau quan điểm của bạn. Mô tả hiểu biết của bạn về thị trường mà họ đang phát triển các giải pháp và tại sao bạn không nghĩ rằng sản phẩm hay ý tưởng của họ khả thi. Đưa ra các ví dụ về những sản phẩm tương tự mà bạn thấy là thất bại. Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực hay công nghệ của họ, hãy cứ nói rằng đây là quan điểm riêng của bạn và bạn thực sự không có nhiều hiểu biết về nó. Những dữ kiện này sẽ giúp các doanh nhân khởi nghiệp hiểu họ nên làm gì trong những bước tiếp theo.
Thu Quỳnh dịch
——-
* Để đọc thêm về vai trò của mentor, độc giả có thể tham khảo bài viết “Mentor trong khởi nghiệp: hơn cả một người bạn” của tác giả Nguyễn Đặng Tuấn Minh đăng trên số ra ngày 20/10/2015 của Tia Sáng.
1 Một sự kiện vào cuối tuần quy tụ các nhà khởi khiệp và những đối tác liên quan để chia nhóm, hình thành ý tưởng và tạo ra sản phẩm thử nghiệm (prototype, demo) trong vòng 54 tiếng.
2 Câu nói nổi tiếng của Thomas Edison
3 Có thể tìm thấy một số nghiên cứu ở: https://s3.amazonaws.com/startupcompass-public/StartupGenomeReport1_Why_Startups_Succeed_v2.pdf
The Journal in International Entrepreneurship and Management
https://www.researchgate.net/publication/225629671_The_role_of_mentoring_in_the_learning_development_of_the_novice_entrepreneur?enrichId=rgreq-a1142dd5-3250-44ce-9881-
http://www.endeavor.org/content/uploads/2015/03/nycTechReport.pdf
http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.467.7316&rep=rep1&type=pdf