Năm lời khuyên để công ty khởi nghiệp vươn ra toàn cầu

Dù còn nhiều tranh cãi thì ở Việt Nam có thể nói tồn tại hai kiểu khởi nghiệp: những khởi nghiệp thuộc phạm vi trong nước và phạm vi toàn cầu.

Ở bình diện đầu tiên rõ ràng nhận thấy ba “ông lớn” là VNG, VC Corp và Vật Giá, còn ở bình diện thứ hai cũng có một số gương mặt nổi tiếng, trong đó xuất sắc nhất là DotGears, công ty có lập trình viên Nguyễn Hà Đông sáng tạo ra trò chơi Flappy Bird, cùng với những công ty khác như Not A Basement, TOSY, Misfit Wearables, INKredible, Adatao, KMS… Nhiều công ty trong số này thậm chí còn không muốn kết nối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước bởi họ chỉ muốn tập trung tối đa vào khởi nghiệp và sản phẩm của mình mà bỏ qua việc xác định thị trường trong nước hay quốc tế.

Ngay cả ba “ông lớn” đang cố thủ trong thị trường nội địa cũng tỏ ra ghen tị với các công ty khởi nghiệp nhỏ này bởi bản thân họ rất khó chuyển hướng sang một thị trường khác. Một khi đã bắt rễ sâu trong thị trường Việt Nam thì các nhà lãnh đạo công ty có thể bắt đầu suy nghĩ như thế nào về thị trường toàn cầu? Chắc chắn sẽ rất khó khăn bởi họ phải tuyển dụng đội ngũ mới và thiết kế lại chiến lược kinh doanh.

Hai công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Việt Nam nhưng vẫn duy trì mục tiêu toàn cầu nói rằng “Tôi không quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đơn giản là tôi bỏ qua nó”. Mặc dù nghe có vẻ cực đoan nhưng đó chính là nhuệ khí để một công ty vươn ra toàn cầu, thị trường Việt Nam chỉ khiến họ phân tâm hơn. Đây chính là một phần trong lời khuyên dành cho những ai muốn bước ra khỏi thị trường nội địa.

1. Bỏ qua môi trường xung quanh

Có nhiều điều người ta vẫn cảm thấy chưa hài lòng với môi trường Việt Nam, chủ yếu ở cách tư duy, cách quản lý, cách làm ra tiền, vấn đề giáo dục… Nhưng nếu muốn thành công, bạn cần phải vượt khỏi những điều đó. Và nếu muốn giành thắng lợi bên ngoài phạm vi Việt Nam, bạn không thể thuộc về Việt Nam mà chỉ ở trong Việt Nam. Cách tư duy và phương pháp luận phải xuất phát từ nơi khác, không nên để môi trường xung quanh cản trở suy nghĩ của bạn.

2. Đón nhận những người bạn, nhà cố vấn và đầu tư nước ngoài.

Cách tốt nhất để vươn khỏi môi trường Việt Nam là xây dựng mạng lưới và kết bạn với những người nước ngoài, qua đó nhận thấy rõ những gì xảy ra trên thế giới. Ví dụ như Nguyễn Hà Đông, tác giả của Flappy Bird, đã làm việc suốt một năm với các nhà thiết kế game Nhật Bản. Đó cũng là quãng thời gian Hà Đông khám phá chính mình và tìm được phong cách riêng. Việc tiếp xúc với những người nước ngoài đem lại cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn và giúp bạn suy nghĩ độc đáo.

3. Mời người nước ngoài hoặc người học ở nước ngoài về công ty của bạn

Nếu muốn bạn thật sự muốn tham khảo một cái nhìn từ bên ngoài, bạn cần có “con ngựa thành Troy” ở ngay chính công ty của mình. Điều đó có nghĩa là hãy thuê một người nước ngoài hoặc một người Việt Nam từng học ở nước ngoài về công ty của bạn. Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ đụng độ với người này. Ý tưởng và và văn hóa của hai bên khác nhau nhưng đó chính là những gì bạn cần. Bạn cần tầm nhìn rộng. Nếu không bạn sẽ bị mắc kẹt trong chính lối suy nghĩ của mình.

4. Hãy xuất sắc ở khâu thiết kế và sáng tạo sản phẩm

Tại Việt Nam, hai khâu còn yếu chính là thiết kế và sáng tạo sản phẩm. Nguyên do là lĩnh vực công nghệ còn non trẻ và các nhà thiết kế vẫn chưa được đề cao đúng mức trong cộng đồng. Nếu quan sát phần lớn các sản phẩm Việt Nam, bạn sẽ thấy chúng đầy rẫy những chi tiết mà người sử dụng hay nhà quản lý sản phẩm không cảm thấy nhất thiết phải có. Điều đó cản trở sản phẩm của bạn đến với thị trường toàn cầu. Các sản phẩm mang tính toàn cầu cần có tính năng nổi trội và một tính năng nổi trội còn quan trọng hơn hàng đống chi tiết vụn vặt.  

5. Tuyển dụng những người không cần phải đào tạo thêm

Như vậy là kỳ vọng quá nhiều. Nhưng phải tuyển những mà bạn chỉ phải đào tạo thêm ở mức tối thiểu. Họ phải chủ động và đủ thông minh để xây dựng được những sản phẩm trên sân chơi toàn cầu. Nếu công ty của bạn chưa ở trình độ toàn cầu mà bạn lại còn mất thời gian đào tạo nhân viên trẻ thiếu động lực, bạn sẽ lãng phí thời gian của chính mình. Đặc biệt là ở Việt Nam, con người không được chủ động cho lắm. Người ta sợ mắc sai lầm và những người mới thường xuyên cần được nhắc nhở những nhiệm vụ họ phải hoàn thành. Không nên tuyển những người như vậy. Hãy tuyển những người có thể bám trụ cả đêm để làm sản phẩm chỉ vì họ muốn như vậy. Đây chính là những người sẵn sàng cùng bạn lên chuyến máy bay cất cánh rời Viêt Nam.  

T.N dịch

 

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)