Nam Phi: Bước nhảy vọt về năng lượng tái tạo
Thị trường điện của Nam Phi có những đặc điểm rất giống Việt Nam: Eskom - một tổng công ty nhà nước độc quyền thị trường năng lượng suốt hơn 90 năm qua (đây cũng là một trong bảy nhà sản xuất điện lớn nhất thế giới với tổng sản lượng điện chiếm 40% toàn châu Phi); chính phủ muốn giữ giá điện phải thật rẻ và quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt điện (94% sản lượng điện của Nam Phi là điện than, thậm chí nước này còn dùng than để vận hành máy bay và ô tô). Nam Phi cũng là nước có tiềm năng dồi dào cho điện gió với đường bờ biển dài và điện mặt trời với 2500 giờ chiếu sáng mỗi năm.
Nhà máy điện gió Cookhouse, lớn nhất Nam Phi. Nguồn: aurecongroup.com.
Bước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với kinh nghiệm gần như bằng 0, Nam Phi ngay lập tức thất bại, không thể đạt được mục tiêu đặt ra rất khiêm tốn là năng lượng tái tạo trong mười năm (bao gồm điện gió và điện sinh khối) chiếm 2% tổng sản lượng điện quốc gia trong 10 năm từ 2003 – 2013.
Tuy nhiên, chỉ từ 2011 đến nay, Nam Phi đã có một cuộc chuyển mình ngoạn mục để trở thành một trong những thị trường điện tái tạo nóng nhất thế giới, các nhà đầu tư tư nhân tranh nhau nhảy vào lĩnh vực này ở Nam Phi mà có người đã ví đây giống như “cơn sốt vàng” ở California, Mỹ vào đầu những năm 1950.
Ác mộng năm 2008
Động lực nào đã làm lay chuyển Chính phủ Nam Phi và cơ chế độc quyền thị trường điện dành cho Eskom chỉ trong một thời gian ngắn đến vậy? Không ngạc nhiên khi với tổng sản lượng điện chủ yếu là điện than, Nam Phi luôn đứng vào “hàng ngũ” top 10 những nước phát thải CO2 nhiều nhất thế giới. Từng đăng cai COP 17 vào năm 2011, Chính phủ Nam Phi cam kết sẽ giảm 42% lượng phát thải vào năm 2025 và đó là lí do mà điện gió và điện mặt trời phải được chú trọng. Một nguyên nhân khác, quan trọng hơn là Nam Phi đã “trải nghiệm” cảm giác thiếu điện trầm trọng: vào năm 2008, nước này đã trải qua việc mất điện hàng loạt, làm tê liệt các nhà máy và hầm mỏ trong vòng nhiều ngày, do cầu vượt cung, giá điện đã tăng vọt lên 300% trong vòng 10 năm từ 2007 đến nay.
Eskom một mình không thể gánh nổi trọng trách sản xuất và phân phối điện đủ nhiều và nhanh cho toàn bộ Nam Phi. Thực tế cho thấy rằng, có ba triệu hộ dân nước này không có điện để sử dụng. Để không lặp lại kịch bản năm 2008, Eskom đã vội vàng đầu tư hàng chục tỉ USD cho những nhà máy nhiệt điện mới nhưng không kịp vì phải mất 10 năm mới hoàn thành một nhà máy. Trong khi đó, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời và điện gió chỉ mất 1-2 năm và Eskom cũng tính đến điều này nhưng đây là lĩnh vực quá mới mẻ đối với họ. Tổng giám đốc Eskom e sợ nếu tự phát triển năng lượng tái tạo, giá điện sẽ vượt quá khả năng chi trả của người dân.
Chỉ cần minh bạch và chuyên nghiệp
Dự án làm thay đổi diện mạo thị trường năng lượng của Nam Phi là Chương trình mua điện của các nhà sản xuất độc lập (Renewable Energy Independent Power Producer Procurement Programme – REIPPPP) ra đời năm 2011. Theo đó, chính phủ cho phép các nhà phát triển điện năng trong nước và nước ngoài đấu thầu công khai để triển khai các dự án điện gió. Giá của các gói thầu bao gồm 70% là chi phí xây dựng nhà máy và 30% dành cho việc phát triển năng lực, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế của địa phương. Sản lượng điện sản xuất ra sẽ được nối lưới và được Eskom mua lại với giá thỏa thuận (họ phải có hợp đồng thỏa thuận với Eskom trước khi tham gia đấu thầu). Tiền đầu tư cho các dự án được lựa chọn đến từ vốn vay của các ngân hàng thương mại các quỹ đầu tư và từ Ngân khố quốc gia (National Treasury). Trước khi tham gia đấu thầu, các nhà phát triển phải tự chi trả cho chi phí tìm kiếm, xác định, đo đạc địa điểm triển khai và đánh giá tác động môi trường của dự án của mình.
Hiện nay, Nam Phi đã trải qua bốn vòng đấu thầu với 64 dự án, 100 nhà phát triển tham dự, trong đó 46 nhà phát triển đầu tư nhiều hơn một dự án. Cơ chế này về cơ bản vẫn để Eskom độc quyền cung cấp điện nhưng quá trình sản xuất đã “chia sẻ” nhiều cho khu vực tư nhân. Theo lời của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nam Phi, Tina Joemat Pettersson, quốc gia này đã thêm 4.322 GW cho công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo gần bốn năm, chỉ bằng chưa đầy một nửa thời gian thi công nhà máy điện than lớn nhất Nam Phi là Medupi cũng với công suất lắp đặt tương đương đến nay vẫn chưa hoàn thiện để đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, do các nhà đầu tư đã có kinh nghiệm và nhiều nhà phát triển nước ngoài tham gia, trong những vòng đấu thầu gần đây, giá bán điện gió của các nhà phát triển đưa ra thấp hơn cả điện than. (khoảng 7.5 US cent/kWh).
Trả lời tờ The Financial Times, Alessandro Albrighi, người sáng lập một quỹ đầu tư của Thụy Sỹ đang tư vấn cho một loạt các dự án điện mặt trời tại Nam Phi, cho biết: “Tôi thấy đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Nam Phi còn an tâm hơn cả một vài nước châu Âu”. Chương trình REIPPPP phải đảm bảo tất cả quy trình và tài liệu đấu thầu diễn ra minh bạch để tạo lòng tin cho khối tư nhân. World Bank đã có một báo cáo chi tiết lý giải về sự thành công của chương trình này, trong đó đội ngũ và cách thức quản lý dự án là hai yếu tố quan trọng nhất.
REIPPPP được quản lý bởi một cơ quan thuộc Bộ Năng lượng, chuyên phụ trách các nhà máy sản xuất điện tư nhân ở Nam Phi. Các thành viên của nhóm quản lý dự án rất giàu kinh nghiệm trong làm việc với khối tư nhân, họ không chỉ có uy tín với những nhà sản xuất điện mà còn với các chủ ngân hàng, luật sư và các công ty tư vấn tài chính – kỹ thuật. Họ thường xuyên túc trực và giải đáp các thắc mắc của những người dự thầu suốt quá trình diễn ra dự án và được phép linh hoạt, không cần tuân thủmột cách khắt khe các quy định của chính phủ trong việc giải quyết vướng mắc diễn ra. Các tài liệu dự thầu được thiết kế rất rõ ràng, sẵn có trên website riêng của chương trình. Đội ngũ này cũng chưa bao giờ sai lệch bất kì một thời hạn nào họ đặt ra trong quá trình gọi thầu. Bên cạnh đó, trong suốt các vòng đấu thầu đều có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn độc lập ngoài nhà nước, phần lớn đến từ các công ty giàu kinh nghiệm của nước ngoài như Erst &Young, PwC… trong việc thiết kế chương trình, rà soát các gói thầu.
Tiến độ giải ngân các dự án cũng kịp thời do khối ngân hàng ở Nam Phi hiểu đặc điểm của dự án, chấp nhận việc cho vay dài hạn (15-17 năm) và có kinh nghiệm làm việc với những dự án công – tư trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là một điểm rất tiến bộ bởi ngân hàng nhà nước ở châu Phi nói chung được đánh giá là rất bảo thủ và quan liêu.
REIPPPP cũng có nhiều mặt giới hạn, tuy nhiên, nó để lại những bài học quan trọng để triển khai năng lượng tái tạo trong những thị trường đang phát triển. Nó cho thấy, chi phí sản xuất điện tái tạo đang giảm dần và khối tư nhân sẵn sàng đầu tư vào năng lượng tái tạo nếu quy trình xây dựng dự án và mua bán điện được chính phủ thiết kế rõ ràng và minh bạch.
Hảo Linh tổng hợp