Năng lượng tái tạo: Một kịch bản mới cho tương lai ngành điện Việt Nam 2030.
Nếu muốn phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có mức giá bán điện năng (Feed-in tariffs) ở mức khả thi và cơ chế phê duyệt dự án minh bạch - hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company đề xuất trong buổi công bố sách trắng “Tìm kiếm một con đường khác cho tương lai năng lượng Việt Nam” ngày 23/1.
Các lựa chọn về kế hoạch năng lượng
Sự tiến bộ của công nghệ vật liệu và những đột phá trong thiết kế, lắp đặt các nguồn tái tạo đã khiến chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ hơn.
Theo tính toán của McKinsey & Company, tại Việt Nam, trong vòng 5 năm (2012-2017), giá vốn của điện mặt trời giảm 75% và điện gió giảm 30%. Năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn sản xuất điện mới rẻ nhất ở Việt Nam nếu tính dựa trên chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) (1).
Tính toán chỉ ra rằng năm 2017, giá trung bình của 1 đơn vị điện gió và điện mặt trời đã cân bằng với giá điện khí gas trong nước không được trợ giá ở mức 50 USD/Mwh và thấp hơn mức điện than khi không được trợ giá. Xu hướng đó sẽ còn tiếp tục giảm, đến năm 2023 sẽ cân bằng với chi phí giá trung bình ước tính của thủy điện, và giảm sâu hơn đến năm 2030.
Năng lượng tái tạo trở thành nguồn sản xuất điện rẻ nhất Việt Nam| Nguồn: McKinsey & Company
Báo cáo đề xuất một phương án mới về năng lượng của Việt Nam đến năm 2030 với tên gọi Renewables-Led Pathway, trong đó nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió sẽ được mở rộng gấp 5 lần so với Quy hoạch VII (điều chỉnh) để đạt công suất lần lượt là 61GW và 39GW. Để đảm bảo khả năng phát điện ổn định, chúng sẽ được bổ trợ bằng các thiết bị pin lưu trữ điện và khí thiên nhiên; các nguồn thủy điện vẫn sẽ tăng lên nhưng điện than duy trì như mức hiện tại.
So với mức tổng công suất Quy hoạch là 130GW, phương án đẩy mạnh phát triển năng lượng thay thế này có tổng công suất gấp 1.58 lần.
McKinsey & Company cho rằng, trong vòng 15 năm, phương án này có thể sẽ hiệu quả hơn so với Quy hoạch VII, nếu nhìn từ ba khía cạnh quan trọng là chi phí, môi trường sạch và an ninh năng lượng..
Hai phương án cho ngành điện và những tác động của chúng |Nguồn: McKinsey&Company
McKinsey & Company cho rằng, trong vòng 15 năm, phương án này có thể sẽ hiệu quả hơn so với Quy hoạch VII, nếu nhìn từ ba khía cạnh quan trọng là chi phí, môi trường sạch và an ninh năng lượng.
Theo kịch bản ước tính, tổng chi phí sản xuất điện từ năm 2017 đến 2030 sẽ giảm 10%, chủ yếu nhờ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu. Phát thải khí nhà kính và chất hạt sẽ giảm lần lượt 32% và 33%, nhờ đó sẽ giảm ô nhiễm không khí và có lợi cho sức khỏe người dân hơn.
Đồng thời cũng sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam hơn khi giảm 60% nhiên liệu nhập khẩu (từ Trung Quốc,…) so với con đường truyền thống, cũng như giảm được rủi ro từ việc biến động giá nhiên liệu. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn tạo ra hơn 465,000 việc làm mới so với cùng mức đầu tư.
Cần có chính sách thúc đẩy của chính phủ
Có một thực tế là năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn phát triển rất chật vật. Theo đánh giá của hãng tư vấn, thị trường năng lượng mặt trời và điện gió ở Việt Nam hiện vẫn ở mức sơ khai, với khoảng 0.2GW trên lưới điện là điện gió và điện mặt trời.
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Nam – Hội đồng phản biện tạp chí Năng lượng Việt Nam trong một bài báo đầu năm 2019 nhận xét rằng trước giai đoạn 2017, hầu như không có Quy hoạch quốc gia rõ ràng về điện gió và mặt trời, cho thấy định hướng phát triển hai nguồn điện này của nhà nước còn khá “sơ sài, chiếu lệ” nên không đủ vai trò là căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện đầu tư các dự án, nhưng khi chính phủ thêm cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (2) thì hàng loạt các dự án lại “bùng phát”.
“Không có phép màu nào để giải quyết các khó khăn của Việt Nam về năng lượng”, ông Antonio Castellano – Giám đốc Hợp danh kiêm Trưởng ban Điện năng – Khí tự nhiên khu vực Đông Nam Á của McKinsey & Company đánh giá, “Khả năng đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh trong khi vẫn duy trì được mức giá thành thấp sẽ phụ thuộc vào việc tạo lập cơ sở hạ tầng tài chính để khiến thị trường thu hút được các nhà đầu tư có năng lực phát triển năng lượng tái tạo hơn”.
Ông Antonio Castellano – Giám đốc Hợp danh kiêm Trưởng ban Điện năng – Khí tự nhiên khu vực Đông Nam Á của McKinsey & Company tại buổi họp báo 23/1/2019.
Theo tính toán của EVN, việc đầu tư và nâng cấp hệ thống năng lượng điện ở Việt Nam sẽ cần khoảng 150 tỷ USD đến năm 2030, nhưng theo tính toán của McKinsey & Co, con số đó còn có thể cao hơn ở mức 207 tỷ USD cho định hướng năng lượng tái tạo.
Sách trắng của McKinsey & Company cho rằng, “Việt Nam cần tìm một đối tác có thể cam kết vốn cho khoản 50 tỷ USD tăng thêm so với dự kiến 150 tỷ USD” bằng cách khiến “đầu tư tư nhân trở thành vai trò trung tâm cho việc cung cấp tài chính cho việc phát triển thêm các hạ tầng sản xuất điện”.
Để thực thi được vấn đề này, theo McKinsey & Company, chính phủ cần tạo được thị trường có giá bán điện năng sản xuất vào lưới điện (Feed-in tariffs) ở mức khả thi, quy định những hợp đồng mua bán điện (PPA) theo hướng giảm rủi ro cho nhà đầu tư hơn nữa, và xác lập cơ chế phê duyệt dự án minh bạch và dễ tiếp cận hơn để thu hút nhà đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Theo quan sát, thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã bắt đầu có một số tín hiệu tích cực.
Tính đến hết tháng 9/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã ký được thêm 35 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các nhà đầu tư điện mặt trời bên ngoài EVN, với tổng công suất dự tính là 2.27 GW. Dường như gần đây, chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang có những chuyển mình, mặc dù vậy vẫn đang chỉ ở tầm ngắn hạn.
Trong khi đó, các nhà đầu tư điện gió vẫn phải chờ các văn bản hướng dẫn bán điện theo giá mới, các nhà đầu tư điện mặt trời lại đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi về chính sách điện mặt trời sẽ thế nào sau 30/6/2019, khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực.
Hiện tại, quy hoạch điện của Việt Nam (2016) vẫn đang lệ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng nhiệt điện than. Tuy nhiên trong vòng 2 năm đây, nhiều báo cáo quốc tế và những diễn đàn lớn về năng lượng đều chỉ ra rằng đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là một lựa chọn khả thi cho Việt Nam. Rất có thể, dưới những thay đổi của bối cảnh, chính sách năng lượng trong dài hạn của quốc gia sẽ có những điều chỉnh mang tính bước ngoặt.
Ngô Hà
Nguồn: Báo cáo năng lượng của McKinsey&Co: https://www.mckinsey.com/featured-insights/asia-pacific/exploring-an-alternative-pathway-for-vietnams-energy-future
(1) Chi phí sản xuất điện quy dẫn (Levelized Cost of Energy, LCOE) là giá trị hiện tại ròng cho mỗi đơn vị điện được tạo ra trong suốt vòng đời của tài sản tạo ra điện, được tính bằng tổng chi phí trọn đời chia cho tổng sản lượng năng lượng tạo ra trong khoảng thời gian đó. Tổng chi phí bao gồm vốn đầu tư ban đầu, chi phí hoạt động và bảo trì, chi phí nhiên liệu và chi phí sử dụng vốn. LCOE không tính thiệt hại xã hội, ngoại ứng và các tác động môi trường. Cần thận trọng khi so sánh các nghiên cứu LCOE khác nhau do kết quả này phụ thuộc rất nhiều vào các giả định (đặc biệt là công suất), điều khoản tài chính và công nghệ triển khai được xem xét. )
(2) Năm 2011 mới có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và giá điện gió là 7,8 cent/kWh còn quá thấp nên đến năm 2018 nâng lên 8,5 cent/kWh đối với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh đối với điện gió trên biển theo Quyết định số 39/2018/TTg. Còn điện mặt trời mãi tới năm 2017 mới có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ban hành cơ chế khuyến khích, trong đó giá điện mặt trời là 9,35 cent/kWh).