Não bộ thích nghi với những lời nói dối

Một nghiên cứu mới của Đại học London cho thấy sự thích ứng của não bộ trong quá trình con người nói dối với mức độ tăng dần. Kết quả nghiên cứu này có khả năng ứng dụng cao trong các phân tích về hành vi gian lận hoặc phạm tội.

Các nhà nghiên cứu ở đại học London (University College London – ULC) đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm và chứng minh rằng não bộ sẽ dễ dàng thích ứng với việc nói dối liên tiếp như thế nào. “Nghiên cứu này là bằng chứng thực nghiệm đầu tiên chỉ ra rằng hành vi nói dối sẽ leo thang khi được lặp lại”, Neil Garret, nhà nghiên cứu ở Khoa Tâm lý học thực nghiệm của ULC, tác giả chính của nghiên cứu này cho biết.

Để thực nghiệm, các nhà thần kinh học tại ULC đã thiết lập một tình huống, trong đó, tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được khuyến khích để nói dối nhiều lần và được trao thưởng bằng tiền dựa trên mức độ nói dối đó. Nhóm nghiên cứu đã bố trí để cho 80 tình nguyện viên nhìn vào các bức ảnh của những chiếc lọ thủy tinh có chứa đầy các đồng xu với mệnh giá khác nhau. Sau đó, các tình nguyện viên này sẽ tương tác với một người khác (mà họ chưa từng gặp bao giờ) thông qua một chiếc máy tính và khuyên họ nhìn vào những bức hình về những chiếc bình chứa đồng xu đó và cùng đoán có bao nhiêu xu ở trong chiếc bình.

Trong bài kiểm chứng đầu tiên, các tình nguyện viên được khuyến khích là hãy đưa ra các dự đoán thật. Garret cho biết “Những tình nguyện viên được hướng dẫn là nếu cả họ và đối tác đưa ra các dự đoán càng chính xác thì hai bên càng nhận được nhiều tiền hơn”. Còn trong bài kiểm chứng thứ hai, các tình nguyện viên lại được khuyến khích nói quá lên số lượng tiền trong chiếc bình đó bằng cách tăng tiền thưởng theo mức mà mọi người nói quá về số tiền xu trong bình. “Mọi người nói dối nhiều nhất khi điều đó tốt cho họ và cho cả chính người bị nói dối nữa. Còn khi biết rằng nói đối có thể tốt cho mình nhưng lại làm tổn thương người khác, họ sẽ nói dối ít hơn”, TS. Tali Sharot, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết. Trong suốt bài kiểm chứng nói dối, những tình nguyện viên này có cách nói dối khác nhau, và cũng tăng dần cường độ nói dối lên theo thời gian.

Trong toàn bộ quá trình tham gia thí nghiệm, những người tham gia thử nghiệm được quét cộng hưởng từ (MRI). Các nhà nghiên cứu nhận thấy, các hạch hạnh nhân – phần não bộ dùng để xử lý cảm xúc có phản ứng mạnh (ở trạng thái sáng nhất) khi người ta nói dối lần đầu tiên. Và khi người ta nói dối nhiều hơn, cấp độ nói dối cao hơn thì hạch hạnh nhân đó có phản ứng giảm giần (dần dần ít sáng hơn). Quá trình này được các nhà nghiên cứu gọi là “thích ứng xúc cảm”.

“Ví dụ, lần đầu tiên bạn nói dối về thuế, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ về điều đó. Nhưng lần sau, khi bạn tiếp tục dối trá về thuế thì bạn sẽ dần thích ứng với nó và bạn bớt dần cảm xúc xấu hổ đi”, Sharot nói. Sharot cũng cho biết, cho dù đó là sự phản bội, sử dụng doping trong thể thao hay làm dữ liệu khoa học, gian lận tài chính… khi một người nói dối tăng dần theo thời gian thì não bộ cũng “thích ứng xúc cảm”.

Bảo Như tổng hợp.

http://www.biosciencetechnology.com/news/2016/10/brain-adapts-dishonesty-leading-bigger-lies-study-suggests

http://www.dw.com/en/dont-you-ever-lie-study-shows-brain-adapts-to-dishonesty/a-36153051

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)