Nền kinh tế ĐMST: Không vội trông chờ đổi mới cấp tiến
Việt Nam cần những đổi mới dần dần chứ không thể ngay lập tức có các đột phá công nghệ như những nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đây là nhận định chung của các diễn giả tại hội thảo “Hướng tới nền kinh tế dựa vào ĐMST: Lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế” do Dự án “Đẩy mạnh ĐMST thông qua Nghiên cứu, KH&CN - FIRST” phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (NISTPASS) tổ chức ngày 14/3 vừa qua.
Ca sĩ Justin Bieber giới thiệu mROBO của Tosy ở Hội chợ công nghệ điện tử quốc tế CES 2012
Trong thời kỳ chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quốc gia nào có năng lực ĐMST cao sẽ có nhiều cơ hội vươn lên phát triển bền vững, do đó, nền kinh tế dựa vào hiệu suất của Việt Nam dù đã tăng trưởng tốt trong quá khứ nhưng không còn phát huy được ưu thế vào thời điểm hiện tại. Việt Nam đã bắt đầu rơi vào bẫy thu nhập trung bình và chỉ có thể thoát khỏi điều đó bằng việc thúc đẩy các hoạt động ĐMST và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện Việt Nam đã có một số sản phẩm bắt đầu có sức cạnh tranh toàn cầu như thiết bị dược Tiến Tuấn – xuất khẩu đi Đức, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Điển, Úc, Brazil và một số nước châu Á, sản phẩm đồ chơi Tosy – thường xuyên tham gia các triển lãm toàn cầu và nhận các giải thưởng quốc tế như Best of CES (Washington Post 2012), Best of CES (Huffington Post 2012)…
Tuy nhiên những sản phẩm này vẫn còn quá đơn lẻ, nguyên nhân là do Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn công nghiệp hóa – hấp thụ công nghệ, kỹ thuật tiến bộ của nước ngoài nên không thể ngay lập tức tạo ra được các sản phẩm đột phá, có sức cạnh tranh toàn cầu như các nước OECD. Vì thế, Việt Nam cần định hướng các sản phẩm ứng dụng, tập trung vào các đổi mới trên thị trường nội địa, dần thay thế việc nhập khẩu ở một số ngành tiêu dùng và công nghiệp như sản xuất nước mắm, dược hóa chất, xe máy, máy biến áp… và để thành công, việc đổi mới phải thực hiện từng bước nhỏ nhưng liên tục. TS. Michael Braun (Công ty tư vấn Proneos) gợi ý, áp dụng việc đổi mới theo cách này phải để xây dựng các hệ thống ĐMST vùng, thực hiện thí điểm sau đó nhân rộng ra. Ông giải thích, việc tương tác, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các bên tham gia rất quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm, ý tưởng mới. Vì vậy, cần tập trung các công ty trong cùng ngành hoặc ngành liên quan kết nối với nhau trong một khu vực địa lý nhỏ như mô hình “Pôle de Compétivité” (Nhóm cạnh tranh) ở Pháp hay cụm liên kết ở Đức.
Khi thúc đẩy hoạt động ĐMST thì một trong những vấn đề nảy sinh là cần đánh giá chất lượng của các hoạt động này? Theo ông Nguyễn Võ Hưng (NISTPASS), việc đánh giá hoạt động ĐMST tại Việt Nam còn một số hạn chế, trong đó có việc chỉ dựa vào các mô hình của nước ngoài trong khi hầu hết các mô hình và chỉ số đánh giá ĐMST trên thế giới là do các nước thuộc khối OECD xây dựng, nên nó chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở các quốc gia này. Vì vậy khi áp dụng cách đánh giá của quốc tế tại Việt Nam, cần tính tới những đặc thù của các nước đang phát triển như chất lượng thể chế còn yếu, năng lực của doanh nghiệp còn giới hạn… Bổ sung thêm vào ý kiến này, giáo sư Stefan Kuhlmann (trường đại học Twente, Hà Lan) cho rằng, thất bại về mặt lý thuyết – gồm cả việc bỏ qua các yếu tố quan trọng của bối cảnh kinh tế – xã hội là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao ở các nước đang phát triển, các tri thức, KH&CN và đổi mới chưa góp phần đáng kể vào tốc độ phát triển kinh tế như kỳ vọng. Việc áp dụng mô hình không phù hợp sẽ dẫn đến những nhận định sai lầm, hậu quả là không chỉ không giải quyết được các vấn đề hiện có ở các quốc gia đang phát triển mà còn tạo ra các vấn đề mới.