Ngành cà phê Việt Nam vùng dậy

Hầu hết mọi người khi nghĩ đến cà phê thường không nghĩ đến Việt Nam. Nhưng, năm nay, quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua Brazil trong tư thế một nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Hiện nay, ngành cà phê của Việt Nam đang cố gắng rũ bỏ tai tiếng là một nước xuất khẩu cà phê chất lượng thấp.

Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt đến mức cao nhất thế giới trong năm nay, tiếp sau thời tiết xấu tại Brazil. Nhưng gần như tất cả số cà phê đó đều là cà phê robusta – chất lượng thấp, nồng độ caffeine cao dùng để làm loại cà phê espresso và cà phê hòa tan.

Trung Nguyên, công ty cà phê lớn nhất Việt Nam, muốn thay đổi tiếng tăm của Việt Nam là một nước xuất khẩu cà phê giá rẻ. Chủ tịch công ty Đặng Lê Nguyên Vũ uống 10 cốc cà phê một ngày và muốn những người khác cũng làm như vậy để nâng cao mức tiêu thụ cà phê thấp trong nước và văn hóa cà phê. Ông Vũ nói:

Chúng tôi có cà phê robusta đủ số lượng và chất lượng, đứng số một trên thế giới. Nhưng chúng tôi thiếu một điều là công nghiệp đóng gói, công nghiệp trình bày, và công nghiệp quảng cáo, làm cho thế giới hiểu được chính xác những gì thế giới cần đến. Việt Nam phải là một quốc gia lớn, không chỉ về số lượng.

Cách pha chế cà phê của Việt Nam chịu ảnh hưởng của người Pháp, nước đã du nhập cà phê vào cựu thuộc địa của họ. Nhưng ngành công nghiệp này chỉ vươn lên trong vài thập niên qua và văn hóa cà phê của Việt Nam tương đối không được biết tại nước ngoài.

Ông John Owens, người Mỹ và là giáo sư Anh văn, đến Việt Nam để thưởng thức hương vị mạnh của cà phê pha theo kiểu nhỏ giọt của địa phương:

Trước khi đến đây, tôi chưa bao giờ nghe nói đến cách phà cà phê theo kiểu này. Tôi không nghĩ họ quảng cáo trên thị trường hay đưa ra thương hiệu. Tôi nghĩ họ pha mọi loại cà phê theo cách này.

Công ty Trung Nguyên đang cố thay đổi điều này bằng cách quảng cáo trên thị trường những sản phẩm cà phê độc đáo và cũng đang hợp tác với những người trồng cà phê để tìm cách cải tiến chất lượng và hiệu quả.

Ông Ma Chương đã trồng cà phê hơn 30 năm. Ông nói hệ thống thủy lợi tưới tiêu do công ty tài trợ giúp tiết kiệm nước và lao động và cho năng suất cao hơn.

Trong năm đầu tiên trước khi lắp hệ thống này, năng suất của chúng tôi chỉ có 8 tạ một hécta thôi. Nhưng, trong năm thứ hai, sản lượng là một tấn tư một hécta. Còn thu hoạch năm vừa rồi qua quá trình ghi chép thì từ khi hái cho đến kết thúc rẫy này là hai tấn bốn chục ký.

Nhưng, theo ông Lê Ngọc Báu, Giám đốc Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông-Lâm Tây Nguyên, mức sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể sắp đi đến chỗ tột đỉnh. Ông  nói vị thế nước xuất khẩu cà phê số một trên thế giới của Việt Nam sẽ không kéo dài. Ông giải thích:

Nhà nước Việt Nam không có chủ trương mở rộng diện tích cà phê, và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong tháng 8 năm 2012 cũng đã có quyết định phê duyệt qui hoạch phát triển ngành cà phê đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và theo qui hoạch này thì tới năm 2020 thì diện tích cà phê Việt Nam sẽ giảm xuống còn 500.000 hécta.

Trong khi đó, những người trong ngành cà phê nói dù mức xuất khẩu có thể chững lại, nhưng họ có thể làm việc để tăng tiến chất lượng cà phê.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)