Ngành trọng điểm lựa chọn như thế nào
Bất kỳ một quốc gia nào muốn trở nên giàu có và thịnh vượng luôn cần có những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, những ngành mà với một lượng đầu vào sẵn có hoặc có thể huy động được của đất nước mình có thể tạo ra giá trị đầu ra cao nhất trong dài hạn. Vì là dài hạn, nên các ngành lựa chọn phải đảm bảo sự hài hòa giữa bốn yếu tố: hiệu quả, cân bằng, công bằng và sự tiến triển (cân bằng 4E).
Lợi thế so sánh: chìa khóa của thành công
Ai cũng biết rằng, ở những nước nghèo, nền kinh tế dựa vào nông nghiệp là chính, các ngành công nghiệp thường non trẻ hoặc chưa có và các ngành dịch vụ ở giai đoạn rất sơ khai. Từ đó thường dẫn tới hai tâm lý: Thứ nhất là mặc cảm, tự ti với cái nghèo và cho rằng nguyên nhân nghèo là do chỉ quanh quẩn ở những cây trồng, vật nuôi hiện có. Như vậy, cách thoát nghèo tốt nhất là không được phụ thuộc quá nhiều, thậm chí đoạn tuyệt luôn với vào những gì mình đang có. Thứ hai, muốn có được sự giàu như “nhà hàng xóm” thì nên tìm hiểu xem “láng giềng” có gì tốt, có gì thành công để làm theo. Như vậy cái thường hay thấy nhất khi nhìn ra ngoài chính là những ngành đang “mốt” của thời đại. Thêm vào đó, người ta sẽ tự hào khi có những ngành sản xuất tầm cỡ như: máy bay, ô tô, điện tử, đóng tàu lớn, chứ ít ai tự hào là mình đã có những nhà máy có khả năng sản xuất qui mô lớn những thứ “nhỏ nhặt” như giấy vệ sinh, chổi quét nhà… Xu hướng lựa chọn của nhiều nước đang phát triển như vậy dĩ nhiên phụ thuộc vào thành công của các nước đi trước. Tuy nhiên, điều gì đã xảy ra trong thực tế sau đó?
Đã có rất nhiều nước thành công và đi trước thời đại khi lựa chọn được những ngành đúng “mốt” hay như Nhật Bản, Hàn Quốc (công nghiệp, công nghệ cao…), Đài Loan, Singapore (công nghệ cao, dịch vụ…), nhưng cũng không ít nước đã từng thất bại như Malaysia (ngành ô tô) hay Indonesia (ngành sản xuất máy bay)… Nguyên nhân của thành công và thất bại thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là nằm ở vấn đề lợi thế so sánh. Nước nào chọn được ngành hay chọn các công đoạn sản xuất có lợi thế so sánh thì nước đó thành công. Ngược lại, thất bại là điều khó tránh khỏi. Bây giờ, nhìn vào Hàn Quốc hay Đài Loan, ai cũng thấy họ đang chiếm lĩnh những ngành “mốt” như điện tử, tin học… Nhưng ít ai biết rằng, trong giai đoạn ban đầu, các nước này chỉ xuất khẩu đồ chơi hay các hàng gia dụng rẻ tiền. Thành công của họ có được ngày hôm nay, chỉ một phần nhỏ là nhờ định hướng và đầu tư trực tiếp của nhà nước vào cơ sở hạ tầng cứng, nguyên nhân sâu xa của sự thành công là nhờ các nước này đã thực hiện một chiến lược giáo dục đúng đắn đã tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng có kỹ năng cao là điều kiện quan trọng để phát triển các ngành công nghệ cao. Còn trường hợp thất bại của Indonesia hay Malaysia là do quy mô các ngành này không đủ lớn, không có sự tập trung và không có chiến lược phát triển các ngành phụ trợ. Nói chung là không phát huy được lợi thế so sánh.
Những ví dụ cụ thể
Ở một thái cực khác, có những nước đã rất thành công ở những ngành rất bình thường. Nếu có câu hỏi đặt ra là hiện nay trên thế giới, nước nào có đời sống xã hội sung túc nhất trên thế giới, chắc ai cũng trả lời là Thụy Điển. Nhưng nếu nói ra điều gì làm cho Thụy Điển trở lên giàu có chắc nhiều người sẽ bất ngờ. Đó là xuất khẩu giấy mà chủ yếu là giấy vệ sinh. Kim ngạch xuất khẩu ngành này lớn hơn kim ngạch của tất cả các ngành khác cộng lại. Thụy Điển sẽ gặp rắc rối nếu một lúc nào đó trên thế giới không có nhu cầu về giấy vệ sinh nữa, nhưng chẳng sao đối với họ nếu một ngày nào đó thương hiệu xe hơi Volkswagen hay điện thoại Ericsson biến mất. Sở dĩ có được điều này là Thụy Điển đã biết tận dụng lợi thế so sánh. Lợi thế của những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn. Trên cơ sở phát huy lợi thế này, ngày nay Thụy Điển đã có được công nghệ trồng rừng và chế biến giấy tiên tiến nhất thế giới chính là nhờ phát triển ngành giấy mà họ đã đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho rất nhiều người, làm cho tầng lớp trung lưu phát triển, trong xã hội chủ yếu là tầng lớp này. Những người rất giàu và rất nghèo chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng cách giàu nghèo không cao. Đây là tiền đề cơ bản để họ xây dựng một xã hội dân chủ phúc lợi, một mô hình xã hội là ước mơ của rất nhiều quốc gia. Tôi chưa có dịp gặp nhiều người Thụy Điển khác, nhưng giáo sư Ari Kokko của Trường Kinh tế Stockhom thì rất tự hào rằng nhờ phát triển ngành giấy mà Thụy Điển đã trở thành một quốc gia giàu có như ngày hôm nay.
Một thành công khác của việc biết phát huy lợi thế vốn có là Thái Lan. Họ đã tận dụng rất tốt lợi thế của mình để trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới không chỉ về khối lượng mà còn nổi tiếng về chất lượng, điều mà rất nhiều người Việt Nam, nhất là những người đã có dịp tham quan những cánh đồng trồng lúa, những nhà máy chế biến gạo của Thái Lan mơ ước. Một số thành công khác như Trung Quốc đã phát huy được lợi thế của quy mô nền kinh tế, lao động rẻ đã trở thành phân xưởng sản xuất của thế giới. Đối với Ấn Độ, một nước có quy mô về dân số và diện tích không kém gì Trung Quốc, nhưng họ không chọn cách tập trung vào sản xuất hàng hóa vật chất mà họ đã chọn ngành có lợi thế rất lớn là ngành công nghệ thông tin. Chính vì vậy, sau Hoa Kỳ, nước được nhắc đến nhiều nhất về sản xuất phần mền chắc chắn là Ấn Độ.
Thế mạnh của Việt Nam đang… bị lợi dụng
Lựa chọn phát triển các ngành trọng điểm là điều khó khăn của bất kỳ một quốc gia nào. Cần phải cân nhắc rất kỹ khi quyết định lựa chọn. Tiêu chí không thể thiếu là phải dựa vào lợi thế so sánh vốn có hoặc có khả năng sẽ có cho việc phát triển ngành đó.
Thái Lan có lợi thế về ngành gạo, chế biến thủy hải sản, nhưng họ vẫn lợi dụng thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào, nước mắm Phú Quốc của Việt Nam, chứng tỏ rằng, chúng ta rất có lợi thế về hai ngành này. Mặt khác, Thụy Điển lập luận rằng, nhu cầu những thứ khác có thể biến mất, nhưng giấy vệ sinh rất khó biến mất, chỉ có điều là người ta yêu cầu chất lượng của nó ngày càng cao hơn thôi. Tại sao chúng ta không lập luận rằng, dù có phát triển đến đâu, người ta vẫn phải ăn gạo, dùng thủy hải sản, do đó Việt Nam nên chọn ngành lúa gạo và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản làm ngành mũi nhọn và tập trung đầu tư nhiều cho nó. Nếu xây dựng chúng trở thành ngành trọng điểm thì hơn 70% dân số có cơ hội có được mức thu nhập cao và có đời sống sung túc. Như vậy, ước mơ có một nền kinh tế như Thụy Điển rất có thể trở thành hiện thực và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ là điều xảy ra nhanh hơn trong tương lai