Ngành vận tải biển Thụy Sĩ: Niềm kiêu hãnh của một quốc gia không có biển

Nằm ở Trung Âu, tiếp giáp Đức, Italia, Pháp, Áo và Lichtenstein, Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì và đường bờ biển là 0 km. Trong điều kiện ấy, thật khó tin rằng vận tải đường biển là một trong những ngành kinh tế phát triển mạnh và có khả năng cạnh tranh cao của Thụy Sĩ trên thế giới.

Thụy Sĩ có lẽ là một minh chứng rõ nét cho mô hình phát triển dựa vào sức mạnh của xã hội dân sự, nhường nhiều không gian cho khối tư nhân. Trong ngành vận tải đường biển cũng vậy. Họ có một đội tàu buôn rất mạnh, chuyên chở hàng hóa thuê cho nước khác. Đội tàu này neo đậu ở cảng Basel trên bờ sông Rhine – con sông được mệnh danh là “dây rốn” nối Thụy Sĩ với đại dương ở rất xa. 

Năm 2003, tàu Alinghi của Thụy Sĩ là con tàu đầu tiên của một nước không có biển giành Cup America. Ngay trong dân chúng Thụy Sĩ cũng có nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng có ít nhất 35 con tàu đăng ký ở Basel và treo cờ Thụy Sĩ. Những Lausanne, Silvaplana, Appenzell, Lugano, Curia, Turicum, San Bernardino, Matterhorn… bồng bềnh trên biển, đi vòng quanh thế giới với lá cờ chữ thập kiêu hãnh. Lịch sử của đội tàu buôn này không dài. Điều đó càng cho thấy trong nhiều trường hợp, kẻ “đi sau” có thể vươn lên mạnh mẽ để “về trước”, nếu đi đúng hướng.

Chiến tranh – nơi khởi đầu câu chuyện

Từ thế kỷ 19, chính phủ Thụy Sĩ đã nhận được nhiều lời đề nghị hỗ trợ thành lập đội tàu buôn để kinh doanh vận tải. Đề nghị đến từ giới thương nhân hoặc những công ty thương mại Thụy Sĩ có chi nhánh ở nước ngoài. Cũng đã có những công ty Thụy Sĩ tự mua tàu và tự vận hành, đăng ký ở cảng của các nước khác.

Hiện tượng một quốc gia không có biển như Thụy Sĩ đứng thứ năm trên thế giới về kinh doanh vận tải biển khiến chúng ta không khỏi phải suy nghĩ. Trong khi các con tàu của họ treo cờ quốc gia một cách kiêu hãnh, chưa kể các chủ tàu nước ngoài cũng mong muốn treo cờ Thụy Sĩ lên tàu của họ, thì thực trạng ở Việt Nam là nhiều chủ tàu ngại treo cờ trong nước. Báo Giao thông Vận tải từng có bài viết phản ánh rằng trong nhiều năm qua, đội tàu biển Việt Nam luôn nằm trong “danh sách đen” và đương nhiên được “ưu tiên” kiểm tra tại các cảng biển nước ngoài. Trung bình mỗi năm, có khoảng trên 30 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ” (do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng…).

Tuy nhiên, tình hình chỉ thực sự đổi khác nhờ một hoàn cảnh đặc biệt: chiến tranh. Trong Thế chiến II, Thụy Sĩ bị các nước thù địch bao vây và bị cô lập hoàn toàn trên mọi phương diện. Sông Rhine bị phong tỏa. Đất nước này lại không có tài nguyên thiên nhiên, nên nguồn lực sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Dân số 4 triệu vào thời điểm đó đã là quá đông và không đủ lương thực cung ứng. Chế độ phân phối lương thực-thực phẩm thời chiến quy định mỗi người chỉ được một quả trứng một tháng. Khẩu phần xuống tới mức thấp kỷ lục khi mỗi người không hấp thụ nổi 2.000 calorie một ngày.

Chính phủ Thụy Sĩ nhận thấy yêu cầu khẩn cấp lúc đó là thuê một đội tàu buôn làm nhiệm vụ chuyên chở lương thực-thực phẩm và nguyên vật liệu thô chỉ riêng cho Thụy Sĩ. Thủy thủ đoàn bắt buộc phải là công dân các nước trung lập. Con tàu đầu tiên do Chính phủ đứng ra mua và vận hành nhằm đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu. Chính những con tàu trong giai đoạn này của Thụy Sĩ đã trở thành nền tảng của một ngành công nghiệp hoàn toàn mới.

Tư nhân sở hữu và quản lý

Sau Thế chiến, một đội tàu buôn tư nhân xuất hiện. Họ được Nhà nước trợ giúp một phần hoạt động cho tới năm 1953, khi Thụy Sĩ ban hành luật hàng hải, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của đội tàu buôn và việc thành lập Văn phòng Hàng hải Thụy Sĩ. Văn phòng này làm chức năng cấp giấy phép cho những tàu đã đăng ký, và giám sát việc các công ty tàu biển thực thi quy định về an toàn, thiết bị, bảo vệ môi trường v.v. Việc thanh kiểm tra do các tổ chức xếp hạng độc lập và có uy tín thực hiện.

Kể từ đó, đội tàu của Thụy Sĩ hoạt động mạnh và cứ “liên tục phát triển”. Năm 2006, đội có 26 con tàu với tổng tải trọng gần 500.000 tấn, do 5 công ty điều hành và treo cờ Thụy Sĩ. Năm 2010, con số lên tới 37 tàu, tổng tải trọng lên tới 1 triệu tấn và do 6 công ty tàu biển quản lý. Ngày nay, những con tàu của Thụy Sĩ rất hiện đại: chỉ một vài tàu được đóng trước năm 2000 và không có tàu nào đóng trước 1995. Thủy thủ là người nước ngoài, hoặc công dân Thụy Sĩ được đào tạo ở nước ngoài (Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha…).

Phát triển cùng toàn cầu hóa

Ông Michael Deslarzes, CEO tập đoàn Massoel, nhận xét: “Đội tàu Thụy Sĩ tuy nhỏ nhưng hiện đại và hoạt động hiệu quả. Tất cả tàu đều được đóng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao và vì thế tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế (IMO) trong lĩnh vực an toàn, an ninh và môi trường”. Gần đây Văn phòng Hàng hải Thụy Sĩ bắt đầu nhận được những đơn đề nghị của các chủ tàu nước ngoài mong muốn được treo cờ Thụy Sĩ lên tàu của họ. Điều này phản ánh uy tín cao mà đội tàu Thụy Sĩ đã tạo dựng được.

Hoạt động kinh doanh vận tải đường biển của Thụy Sĩ ngày càng phát triển mạnh cùng với quá trình toàn cầu hóa và với sự xuất hiện của các thị trường đang nổi lên như Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác. Các nền kinh tế mới nổi này cần nhiều nhiên liệu và nguyên vật liệu thô để sản xuất, rồi lại cần tiêu thụ sản phẩm ra khắp thế giới, nên nhu cầu trao đổi mậu dịch và vận tải rất lớn.

Tác giả

(Visited 76 times, 1 visits today)