Ngày hội STEM 2017: Thành công mới chỉ là bắt đầu
Ngày 14/5 vừa qua đã diễn ra Ngày hội STEM 2017 với số người tham dự đông gần gấp đôi năm ngoái, thành công vượt mong đợi của ban tổ chức. Tuy nhiên, sau những dư âm rộn rã của ngày hội, vấn đề cần quan tâm là làm sao đưa STEM vào giáo dục phổ thông một cách sâu rộng hơn.
Phụ huynh chăm chú quan sát mô hình sử dụng năng lượng mặt trời cho việc chiếu sáng trong các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
Sự tham gia của đại học, sự chủ động của người học
Trong phòng thí nghiệm PLMCC (Trung tâm đào tạo công nghệ quản lý vòng đời sản phẩm), các em học sinh thích thú trò chuyện với robot NAO với những cử động chớp mắt, xua tay, lắng nghe, đi lại như người thật. Ở phòng thí nghiệm của khoa Năng lượng, có một nhóm học sinh quan sát một pin nhiên liệu “vĩnh cửu” tích trữ năng lượng Mặt trời để vận hành một động cơ – rất có thể là mô hình trong tương lai 30 năm nữa của một chiếc xe ô tô điện. Đó là những hình ảnh của hoạt động Labtour diễn ra trong Ngày hội STEM 2017 tổ chức tại Đại học KH&CN Hà Nội (USTH), nơi đánh dấu lần đầu tiên một sự kiện STEM tại Việt Nam có sự tham gia đúng nghĩa của một trường đại học. Khác với những Ngày hội STEM trước, các trường đại học thường chỉ đóng vai trò là nơi cho thuê địa điểm, lần này USTH vừa tích cực tham gia vào hoạt động giảng dạy STEM, vừa cho tiến hành Labtour – theo đó toàn bộ các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế được mở cửa để mọi người có thể tới tham quan, làm thí nghiệm và hỏi về mọi vấn đề từ hoạt động của các thiết bị, máy móc thí nghiệm cho đến công việc thường ngày của các nhà khoa học. Trước khi ngày hội diễn ra, ngay cả ban tổ chức cũng không hình dung rằng những thí nghiệm được thiết kế với độ khó tương đương cho học sinh cấp THPT lại có thể hấp dẫn và thu hút các đối tượng ngoài dự kiến như trẻ em tiểu học và phụ huynh học sinh. Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Đại học USTH, phụ trách hướng dẫn phòng Lab của khoa Công nghệ Nano và vật liệu chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng em “sướng tỉnh cả người” khi nghe phản hồi của một bậc phụ huynh, là “lâu lắm rồi mới được nghe kiến thức mới thế này”.
Một khác biệt nữa của ngày hội STEM năm nay là các em học sinh, sinh viên không chỉ còn đóng vai trò thụ hưởng một cách thụ động, mà còn tích cực tham gia vào vai trò tổ chức. Các em học sinh trong CLB STEM tại các trường THCS như Trưng Vương, Tạ Quang Bửu, Olympia và các trường thuộc phòng giáo dục Hạ Long, Quảng Ninh tự thiết kế, biểu diễn và hướng dẫn người tham gia thực hiện các thí nghiệm khoa học. Số người đến thăm gian hàng của THCS Trưng Vương với những thí nghiệm giản đơn như đổi màu nước, làm núi lửa phun trào, nến bay…đông không kém gì gian hàng đối diện của những nhà khoa học chuyên nghiệp thuộc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia với thí nghiệm làm tên lửa bay từ que tăm và hộp diêm. Science show với các tiết mục nhảy hiện đại của robot NAO (Pháp) và giới thiệu chiếc xe tự hành trên Sao Hỏa mô phỏng chiếc Curiousity của NASA dành cho khối THPT là do sinh viên Đại học USTH tự chuẩn bị, trình diễn. Họ cũng là người thiết kế thí nghiệm và thuyết trình cho những người tham quan Labtour.
Phụ huynh học sinh cũng học hỏi được nhiều từ những buổi trò chuyện với các nhà khoa học. Họ ngạc nhiên thú vị, “ồ lên” trước những ví dụ của TS. Trần Đình Phong (Đại học USTH) khi anh kể về những ứng dụng công nghệ nano trong cuộc sống, lấy cảm hứng từ tự nhiên như sơn chống hà lấy ý tưởng từ cấu tạo của da cá mập, vải áo tự làm sạch lấy ý tưởng từ cấu tạo của mặt lá sen… Trước bài nói chuyện về giáo dục STEM với Công nghệ 4.0 của anh Nguyễn Thế Trung (Tổng giám đốc công ty DTT), PGS. Chu Cẩm Thơ (người sáng lập PoMath), TS. Đặng Văn Sơn (giám đốc Học viện Sáng tạo S3) và anh Đỗ Hoàng Sơn (Tổng giám đốc công ty cổ phần văn hóa – giáo dục Long Minh), mọi người cũng trăn trở và đặt ra nhiều câu hỏi về việc dạy con phương pháp giáo dục STEM như thế nào trước một viễn cảnh tương lai 30 năm nữa với những công việc giản đơn bị biến mất và thay vào đó là những công việc mới có những yêu cầu kỹ năng cao hơn.
Đưa STEM vào chương trình chính khóa?
Ngày hội STEM được Tia Sáng phối hợp với Liên minh STEM (bao gồm những cá nhân, đơn vị tâm huyết với phương thức giáo dục STEM) tổ chức lần đầu từ năm 2015, diễn ra tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, đến nay là lần thứ tư đã góp phần quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của công chúng tới phương thức giáo dục mới mẻ này.
Cách đây năm năm, nhờ sự vận động của một số thành viên trong Liên Minh STEM, giáo dục STEM đã được đưa vào các trường phổ thông với những chương trình theo chuẩn của Hoa Kỳ. Sau khi diễn ra ngày hội STEM lần thứ nhất vào năm 2015, Liên minh STEM đã vận động tổ chức các ngày hội STEM tại các trường phổ thông ở Thái Bình, Nam Định Quảng Ninh, Huế…theo hướng xã hội hóa. Các thành viên của Liên minh cũng tình nguyện đến các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận để huấn luyện cho gần 2000 giáo viên về giáo dục STEM. Tuy nhiên, đến nay, giáo dục STEM vẫn chỉ được coi là hoạt động ngoại khóa, được triển khai dưới dạng CLB Khoa học, sinh hoạt vài ba buổi/tuần, chưa thể tạo ra ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc.
Giáo dục STEM gần đây đã được chính phủ công nhận. Từ khóa này được nhắc đến trong Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới được ban hành ngày 4/5/2017 và Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. PGS. TS. Chu Cẩm Thơ cho biết, thành viên của Hội đồng quốc gia giáo dục và những người tham gia biên soạn chương trình tổng thể cũng đã công nhận rằng giáo dục STEM phải là một trong những hướng giúp thay đổi giáo dục Việt Nam, tạo ra chân dung của một nền giáo dục định hướng năng lực.
Tuy nhiên, giáo dục STEM còn cần sự cam kết của Bộ GD&ĐT và những nhà nghiên cứu giáo dục để có thể được giảng dạy chính thức. Theo PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, để có thể đưa giáo dục STEM vào chương trình tổng thể, ngoài những việc Liên minh STEM đã làm còn phải thiết kế nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và đo lường năng lực học sinh về giáo dục STEM sao cho phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam.