Ngày xuân bàn về bí quyết trường thọ

Các dấu hiệu đặc trưng của quá trình lão hóa (hallmarks of aging) được xem như những cơ chế sinh học cơ bản dẫn đến sự suy giảm chức năng và tuổi thọ của cơ thể.

Nhiều giả thuyết cho rằng tuổi thọ tối đa của con người là cố định và bị chi phối bởi các giới hạn tự nhiên. Dựa trên dữ liệu nhân khẩu học thuần túy, giới hạn tự nhiên của tuổi thọ con người được ước tính nằm trong khoảng từ 115 năm1,2 đến 126 năm3. Hơn nữa, Olshansky và cộng sự cho rằng việc không có người nào sống quá 122 tuổi là bằng chứng cho thấy có giới hạn đối với tuổi thọ của con người4. Sinh lão bệnh tử là quy luật không tránh khỏi trong đời người nhưng chúng ta có thể chủ động lựa chọn để được sống lâu hơn và sống hạnh phúc hơn cho đến cuối đời. David Sinclair đã tổng kết trong cuốn sách “Lifespan: Why We Age – and Why We Don’t Have” những yếu tố quan trọng để làm chậm, thậm chí đảo ngược quá trình lão hóa một cách khá dễ hiểu, thông qua việc lựa chọn một lối sống tiến bộ, khoa học.

Lão hóa là một phần tất yếu trong quá trình phát triển của loài người trên Trái đất. Điều kiện sống trên hành tinh của chúng ta đã được hình thành qua hàng tỷ năm, từ môi trường khắc nghiệt ban đầu đến sự phát triển của các yếu tố cần thiết như nước, oxy, và hệ sinh thái đa dạng. Sự tiến hóa của bộ gene trong các sinh vật sống, từ các sinh vật đơn bào nguyên thủy đến loài người hiện đại, là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên và sự thích nghi với môi trường. Bộ gene của con người đã trải qua những thay đổi quan trọng, đặc biệt là trong các giai đoạn chuyển đổi từ tổ tiên vượn người đến Homo sapiens. Những thay đổi này không chỉ giúp loài người phát triển trí tuệ, khả năng giao tiếp và văn hóa cộng đồng mà còn định hình các cơ chế sinh học liên quan đến quá trình lão hóa. Quá trình tiến hóa này, dù mang lại lợi ích trong việc kéo dài tuổi thọ để đảm bảo sự sinh sản và chăm sóc thế hệ tiếp theo, song cũng đồng thời đặt ra giới hạn tự nhiên cho tuổi thọ tối đa. Sự lão hóa có thể được xem như một phần của chiến lược tiến hóa, nơi các nguồn lực sinh học dần suy giảm sau khi chức năng sinh sản đạt đỉnh điểm, phản ánh sự cân bằng giữa sự sống và các yếu tố giới hạn tự nhiên trong quá trình tiến hóa. Các dấu hiệu đặc trưng của quá trình lão hóa (hallmarks of aging) được xem như những cơ chế sinh học cơ bản dẫn đến sự suy giảm chức năng và tuổi thọ của cơ thể. Các dấu hiệu chính đã được xác định, bao gồm: (1) Tổn thương DNA, trong đó các đột biến và sự mất ổn định của bộ gene tích tụ theo thời gian; (2) Rút ngắn telomere, khiến tế bào mất đi khả năng tiếp tục phân chia; (3) Mất cân bằng biểu sinh, làm thay đổi hoạt động của gene mà không thay đổi trình tự DNA; (4) Suy giảm chất lượng protein, do các cơ chế gấp cuộn và tái chế protein bị lỗi; (5) Rối loạn năng lượng ty thể, làm giảm hiệu quả chuyển hóa năng lượng; (6) Rối loạn tín hiệu nội tiết, dẫn đến mất cân bằng các tín hiệu tế bào quan trọng; (7) Suy giảm chức năng miễn dịch, khi hệ miễn dịch yếu dần theo tuổi tác, giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và ung thư, bao gồm, tình trạng viêm mạn tính, thường được gọi là “inflammaging”, do sự kích hoạt hệ miễn dịch kéo dài gây ra; (8) Tế bào già hóa, khi các tế bào mất khả năng phân chia và bắt đầu bài tiết các yếu tố gây viêm; và (9) Cạn kiệt tế bào gốc, làm suy yếu khả năng tái tạo mô. Những dấu hiệu này không chỉ giải thích tại sao con người già đi mà còn cung cấp nền tảng để phát triển các phương pháp can thiệp nhằm làm chậm hoặc đảo ngược quá trình lão hóa, thông qua đó, mở ra hy vọng kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một bài học quan trọng từ LifeSpan của David Sinclair là chúng ta có thể chủ động chuẩn bị cho tuổi già khỏe mạnh thay vì chấp nhận lão hóa như một điều tất yếu. Quan điểm này mang tính cách mạng, mở ra một cánh cửa hy vọng rằng chúng ta không chỉ sống lâu hơn mà còn sống tốt hơn. Một số thói quen như nhịn ăn gián đoạn, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, và hạn chế lượng calo tiêu thụ không chỉ giúp duy trì sức khỏe hiện tại mà còn kích hoạt các cơ chế bảo vệ tự nhiên trong cơ thể. Nhịn ăn gián đoạn là một trong những chiến lược quan trọng mà Sinclair khuyến khích vì nó thúc đẩy quá trình tự thực bào (autophagy), giúp cơ thể loại bỏ các tế bào hư tổn và tái tạo năng lượng. Một lợi ích khác của nhịn ăn là giảm mức Insulin-like Growth Factor 1 (IGF-1), một hormone đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhưng khi ở mức cao lại liên quan đến lão hóa nhanh và nguy cơ ung thư. Bằng cách giảm IGF-1 thông qua nhịn ăn, cơ thể được đưa vào trạng thái sửa chữa và tái tạo, từ đó kéo dài tuổi thọ. Tuy vậy, trước khi bắt đầu thực hiện chế độ nhịn ăn gián đoạn, hãy tìm hiểu thật kỹ lưỡng về phương thức thực hiện, tần suất thực hiện, thực đơn phù hợp… để tránh những tác dụng phụ không đáng có.


Chúng ta có thể chủ động chuẩn bị cho tuổi già khỏe mạnh thay vì chấp nhận lão hóa như một điều tất yếu. Quan điểm này mang tính cách mạng, mở ra một cánh cửa hy vọng rằng chúng ta không chỉ sống lâu hơn mà còn sống tốt hơn.

Có thể thấy, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc kéo dài tuổi thọ và duy trì sức khỏe. Sinclair nhấn mạnh rằng việc giảm tiêu thụ thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn là cực kỳ quan trọng. Thịt đỏ, đặc biệt khi được chế biến dưới nhiệt độ cao hoặc ướp muối, thường chứa các hợp chất gây viêm và các chất gây ung thư như hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) và amin dị vòng (HCAs). Thực phẩm chế biến sẵn, với hàm lượng cao đường, muối, chất béo xấu, và chất bảo quản, có thể làm suy yếu chức năng tế bào và gây viêm mạn tính – một yếu tố quan trọng trong quá trình lão hóa. Bên cạnh việc hạn chế những thực phẩm có hại, việc bổ sung thực phẩm giàu NMN (nicotinamide mononucleotide) và resveratrol cũng đóng vai trò quan trọng. NMN, một tiền chất của NAD+, có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như bông cải xanh, bắp cải, dưa chuột, quả bơ, và đậu nành. NAD+ là một phân tử thiết yếu cho các hoạt động trao đổi chất và sửa chữa DNA. Trong khi đó, resveratrol – một polyphenol có trong nho đỏ, rượu vang đỏ, và sô-cô-la đen – kích hoạt sirtuin (các gene trường thọ) và bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa.

Ngoài ra, Sinclair nhấn mạnh lợi ích đáng kể từ việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Khi cơ thể đối mặt với môi trường lạnh, mô mỡ nâu (BAT) được kích hoạt để đốt cháy năng lượng, sản sinh nhiệt, và cải thiện trao đổi chất. Điều này không chỉ hỗ trợ kiểm soát cân nặng mà còn tăng cường độ nhạy insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa khác. Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh cũng kích thích sản sinh norepinephrine – một chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng, giảm viêm mạn tính, và tăng cường tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, điều kiện lạnh còn thúc đẩy chức năng ty thể và quá trình tự thực bào, giúp loại bỏ tế bào bị tổn thương và duy trì sức khỏe tế bào. Những hoạt động đơn giản như tắm nước lạnh, bơi trong nước lạnh, hoặc thậm chí chỉ đi bộ trong thời tiết lạnh cũng có thể mang lại những lợi ích lâu dài.

Một cụ bà đang khâu nón ở làng Chuông. Ảnh: CravenA/ Shutterstock.

Một yếu tố khác ít được nhắc đến nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và tuổi thọ là sự bất an xã hội. Bất an xã hội, bao gồm cảm giác lo lắng về tài chính, bất bình đẳng xã hội, và thiếu kết nối cộng đồng, không chỉ tác động đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến sinh lý cơ thể. Nó gây ra căng thẳng mạn tính, dẫn đến viêm mạn tính, rối loạn chuyển hóa, và suy yếu hệ miễn dịch – tất cả đều là những yếu tố thúc đẩy quá trình lão hóa. Thêm vào đó, cô lập xã hội – một hình thức của bất an xã hội – đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tử vong sớm tương đương với hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Ngược lại, kết nối xã hội mạnh mẽ là yếu tố bảo vệ quan trọng giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe. Các mối quan hệ tích cực, sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, và cộng đồng không chỉ cải thiện tâm trạng mà còn có tác động sinh lý tích cực, như giảm viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch. Chính vì vậy, việc xây dựng các mạng lưới xã hội và cải thiện công bằng xã hội đóng vai trò thiết yếu trong việc kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là trong thời kỳ các vấn đề tâm lý xã hội, các bệnh lý thần kinh đang có xu hướng gia tăng.            

Ngoài dinh dưỡng và lối sống, nghiên cứu bộ gene người đã trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn trong việc kéo dài tuổi thọ. Các tiến bộ trong giải mã bộ gene người cung cấp cái nhìn sâu sắc về các gene liên quan đến lão hóa và sức khỏe, như sirtuin, FOXO3, và các gene chịu trách nhiệm sửa chữa DNA. Những khám phá này mở ra cơ hội để phát triển các liệu pháp gene, điều chỉnh trực tiếp các gene liên quan đến tuổi thọ, hoặc thậm chí chỉnh sửa các đột biến di truyền gây bệnh thông qua công nghệ như CRISPR. Việc hiểu rõ bộ gene người cũng giúp xác định các dấu hiệu sinh học (biomarkers) liên quan đến lão hóa, từ đó phát triển các phương pháp dự đoán và phòng ngừa các bệnh tuổi già. Một trong những ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu bộ gene là công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR. Công nghệ này không chỉ cho phép sửa chữa các gene bị lỗi mà còn có khả năng tăng cường hoạt động của các gene bảo vệ, giúp cơ thể chống lại các yếu tố gây lão hóa. Ví dụ, CRISPR có thể được sử dụng để tăng cường biểu hiện của các gene sirtuin hoặc giảm các gene gây viêm, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể và kéo dài tuổi thọ.


Việc xây dựng các mạng lưới xã hội và cải thiện công bằng xã hội đóng vai trò thiết yếu trong việc kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là trong thời kỳ các vấn đề tâm lý xã hội, các bệnh lý thần kinh đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, công nghệ tế bào gốc cũng mang lại những hy vọng lớn lao, với khả năng tái tạo và sửa chữa các mô tổn thương, đồng thời cải thiện chức năng của các cơ quan bị lão hóa. Nghiên cứu tối ưu hóa việc sử dụng tế bào gốc, tăng khả năng tương thích và hiệu quả điều trị, đã và đang mở ra kỷ nguyên mới trong y học tái tạo. Bên cạnh đó, khám phá thuốc bằng AI (trí tuệ nhân tạo) đang thúc đẩy quá trình phát triển các hợp chất chống lão hóa. AI có khả năng phân tích khối lượng dữ liệu lớn từ nghiên cứu bộ gene, dự đoán các hợp chất tiềm năng, và tối ưu hóa việc nhắm mục tiêu vào các cơ chế sinh học cụ thể như NAD+ hoặc sirtuin. AI không chỉ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu mà còn giảm chi phí, mang lại lợi ích to lớn trong việc phát triển các liệu pháp chống lão hóa.

Tóm lại, việc xây dựng lối sống lành mạnh không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống y tế vốn đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch và ung thư. Với dân số đang già hóa nhanh tại Việt Nam, các bệnh này không chỉ tiêu tốn phần lớn ngân sách y tế mà còn tạo gánh nặng khổng lồ cho các bệnh viện và nhân viên y tế. Việc áp dụng những thói quen lành mạnh như ăn uống cân đối, tập thể dục thường xuyên, giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và hút thuốc lá không chỉ giúp người dân giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn tiết kiệm chi phí điều trị y tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, nếu các chương trình giáo dục cộng đồng và chính sách y tế công cộng được thực hiện tốt, chẳng hạn như Chương trình Sức khỏe học đường, hoặc khuyến khích việc tập thể dục tại các không gian công cộng, thì sẽ có khả năng tạo ra một tác động tích cực lâu dài, thúc đẩy sự phát triển bền vững về sức khỏe và giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn.□

Bài đăng Tia Sáng số 3/2025

Tác giả

(Visited 164 times, 2 visits today)