Nghệ sĩ, nhà văn và nhà khoa học trong quá khứ nghĩ về biến đổi khí hậu 

Người ta đã khám phá ra cách các trí thức phương Tây nhìn nhận về khủng hoảng khí hậu từ giữa năm 1780 và 1930 như thế nào.

Bức “View on the Stour Near Dedham” (1822) của John Constable. Bảo tàng Nghệ thuật, văn học và vườn thực vật Huntington.

Vào năm 1884, nhà phê bình nghệ thuật Anh John Ruskin miêu tả tình trạng ô nhiễm không khí do quá trình công nghiệp hóa của thế kỷ 19 như “đám mây bão – hoặc chính xác hơn, đám mây dịch hạch”, báo trước sự tiến triển nhanh chóng của biến đổi khí hậu do con người. Vào năm 2022, khoảng 140 năm sau khi Ruskin đưa ra nhận xét này, Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính, 99% dân số thế giới phải thở thứ không khí ô nhiễm liên quan đến những phát thải nguy hiểm từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than.

Những cụm từ mang điềm báo của Ruskin và những quan sát tiên tri khác về hậu quả của công nghiệp hóa lên môi trường đã được sắp đặt trôi nổi trên những bức tường của một triển lãm, “Mây dông bão: Phác họa bức tranh nguồn gốc khủng hoảng khí hậu của chúng ta” tại Bảo tàng Nghệ thuật, thư viện và Vườn thực vật Huntington ở San Marino, California. Với những bộ sưu tập ở khắp các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và lịch sử tự nhiên – được tài trợ bằng tiền từ việc xây dựng đường sắt mở rộng về phía Tây – bảo tàng Huntington phù hợp là nơi để người ta nhìn vào cách người châu Âu và Mỹ chứng kiến và ghi lại khủng hoảng khí hậu được định hình giữa năm 1780 và 1930.

“Mây giông bão” là một phần của PST Art, một sáng kiến năm năm một lần do Getty tổ chức. Các thành viên giám tuyển của Huntington hướng tới mục tiêu sử dụng các bộ sưu tập sách và nghệ thuật của bảo tàng để phát hiện gốc rễ lịch sử của khủng hoảng khí hậu và chứng tỏ “sự kết nối không thể chối bỏ của nghệ thuật và khoa học”, theo đồng giám tuyển Melinda McCurdy. Triển lãm hướng tới mục tiêu kết hợp một cách sâu sắc và thuyết phục gần 200 xuất bản khoa học và văn học, công trình nghệ thuật và những đồ trưng bày đi mượn từ các bảo tàng khác, bao gồm những hóa thạch Cúc đá (thuộc nhóm các loài động vật không xương sống biển trong phân lớp Ammonoidea thuộc lớp chân đầu), những con Bọ ba thùy (thuộc lớp động vật chân khớp biển đã tuyệt chủng) và cả một xương sọ thằn lằn cá.


Triển lãm “Đám mây giông bão” nhấn mạnh vào những đóng góp đã bị lãng quên của phụ nữ trong khoa học (và nghệ thuật), thông qua công trình của những họa sĩ minh họa khoa học như Orra White Hitchcock và các nhà sưu tầm hóa thạch và cổ sinh vật học như Mary Anning…

Hiểu biết lịch sử của biến đổi khí hậu

Nhiều người nghĩ “chúng ta đã hiểu được bức tranh đầy đủ về khủng khoảng khí hậu trong vòng 20 đến 30 năm qua”, đồng giám tuyển Kristen Anthony nói. “Nhưng điều đáng ngạc nhiên là hiểu biết về tác động của con người lên môi trường lại có sớm hơn rất nhiều so với phần lớn hiểu biết hiện nay”.

Nhà khoa học Eunice Newton Foote đã viết về hiệu ứng bẫy nhiệt của carbon dioxide (một hiện tượng giờ được coi như hiệu ứng nhà kính) từ năm 1856, tuy nhiên những thông tin mang tính đột phá ấy lại chỉ được biết đến trong một hội thảo, và những đóng góp của bà đã bị mờ khuất đi bởi phát hiện của nhiều năm sau của một nhà vật lý nam, John Tyndall.

Bài báo của Foote giờ được đưa vào triển lãm cùng những xuất bản cảnh báo về việc sử dụng than – nguồn tác động lớn nhất tới mức tăng nhiệt độ toàn cầu – và dầu mỏ. Chúng cũng được khắc sắc nét lên các thạch bản treo trên các bức tường gần đó, hiển thị những ống khói nhà máy tỏa khói như những dấu hiệu rõ ràng về quá trình công nghiệp. 

Các bộ sưu tập của Huntington bao gồm vô số những hiện vật ngành đường sắt. Một bức họa năm 1867 được mượn từ Bảo tàng Autry cho thấy một con tàu đang đi tới như một tiến trình báo trước, với những con hươu  đang nhón gót chạy trước luồng ánh sáng lóe rạng từ đầu tàu. Khung cảnh này đã phác họa được tác động phá hủy hệ sinh thái của đường sắt.

“Những tiếng nói từ thế kỷ 19 trong triển lãm này không hề giống nhau”, đồng giám tuyển Karla Ann Merino Nielsen nói. Một số là “lời than thở trước tác động của công nghiệp, hoặc tiếng kêu ai oán về hệ quả mà thế giới tự nhiên phải gánh chịu”, một số khác lại “ca ngợi công nghiệp và rất phấn chấn về công nghệ”. Nhìn tổng thể, Nielsen nói “Chúng tôi muốn chứng tỏ luôn luôn có nhiều phản hồi nhưng những tiếng nói cảnh báo đã bị bỏ qua trong quãng thời gian dài”.

Minh họa trong cuốn sách in năm 1815 “Researches About Atmospheric Phenomena” của Thomas Forster. Bảo tàng Nghệ thuật, văn học và Vườn thực vật Huntington.

Mối quan hệ giữa khoa học và nghệ thuật

“Đám mây giông bão” áp dụng cách tiếp cận điển hình cho phép các vị khách thưởng lãm hiểu được những góc nhìn lịch sử và phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học nảy sinh từ giai đoạn này, bao gồm địa chất, băng hà học, khí hậu học và sinh thái học. Triển lãm “Đám mây giông bão” nhấn mạnh vào những đóng góp đã bị lãng quên của phụ nữ trong khoa học (và nghệ thuật), thông qua công trình của những họa sĩ minh họa khoa học như Orra White Hitchcock và các nhà sưu tầm hóa thạch và cổ sinh vật học như Mary Anning…

Triển lãm cũng nhấn mạnh vào cách nghệ thuật đã từng là một phần trong lịch sử khoa học, cụ thể trước khi các kỹ thuật cơ khí hiện đại của việc tái tạo hình ảnh, khi những quan sát chỉ được ghi lại bằng đôi tay. Phần thời gian địa chất đã cho thấy các nhà giáo dục như Hitchcock miêu tả những ước tính tuổi Trái đất bằng việc mô tả các thành hệ địa chất trong những bản đồ màu sắc cũng như những bức phác họa những tập hợp hóa thạch để hiểu và phổ biến những phát hiện của con người về sự sống cổ đại.

McCurdy, Nielsen và Anthony còn muốn nhấn mạnh vào sự giao thoa của các lĩnh vực thông qua công trình của các nhà môi trường Mỹ như Henry David Thoreau, người từng tìm cách nương náu trong tự nhiên về mặt triết học qua tác phẩm Walden năm 1854. Thoreau từng làm điều tra địa lý sau khi xuất bản cuốn sách này và bản đồ khảo sát của ông về sông Concord, được sắp đặt cạnh cây gậy đi đường của ông và bản thảo Walden, chứng tỏ những quan sát của ông về thế giới tự nhiên vừa thực tế vừa đầy chất thơ.

Công nghiệp hóa và thế giới tự nhiên

Vào cuối thế kỷ 18, các khái niệm “đẹp như tranh” – sự sắp xếp lý tưởng, nghệ thuật phong cảnh – và “siêu phàm” khơi gợi cảm xúc đã định hình nghệ thuật Anh và thiết kế cảnh quan. Các nghệ sĩ cảnh quan như John Constable đã dành nhiều thời gian phản ánh những hệ quả của công nghiệp hóa trong tác phẩm của mình và tạo ra những phản hồi thẩm mỹ với sự xuất hiện của dữ liệu về khí hậu – một chủ đề người ta thấy trong những nghiên cứu về mây của Constable.

Bức View on the Stour Near Dedham, được Constable vẽ năm 1822 cũng có mặt trong triển lãm, miêu tả một khung cảnh dường như là đồng quê nhưng lại chứa những gợi ý về cơ sở hạ tầng công nghiệp của dòng sông, với những kênh đào về tạo điều kiện cho vận chuyển thuận lợi.


Trong “Mây giông bão”, các công trình hiện đại của Binh Danh, Rebeca Méndez, Jamilah Sabur, Leah Sobsey và Will Wilson được kết hợp với những vật liệu lịch sử để làm phong phú thêm các lăng kính của triển lãm và đưa cả những phản kháng chủ nghĩa thực dân cũng như những cái nhìn về môi trường từ những phản kháng ấy.

Khi Anh và Mỹ chuyển đổi một cách nhanh chóng từ xã hội nông nghiệp trồng trọt sang các nền kinh tế đô thị và công nghiệp trong thế kỷ 19, sự chuyển đổi cũng được lãng mạn hóa và lý tưởng hóa trong nhiều bức họa và văn học với những tầng lớp đô thị mới. Phong trào Lãng mạn này cũng truyền cảm hứng cho nhiều người đánh giá và tận hưởng thiên nhiên – có thể dễ thực hiện việc này thông qua các chuyến đi bằng các tiện ích của quá trình công nghiệp hóa – và cũng dẫn đến những nỗ lực bảo tồn. Thế giới công nghiệp, qua đó, cũng giúp tinh chỉnh và tạo ra phiên bản mới, lý tưởng của thế giới tự nhiên cho tầng lớp trung lưu đông đảo và giàu có. Thậm chí nó còn được lãng mạn hóa trong những sáng tác đầy kịch tính, siêu nhiệm như các bức họa của Philippe Jacques de Loutherbourg về các xưởng đúc tại Coalbrookdale, Anh.

Các nghệ sĩ, các nhà văn và trí thức khác cũng cất lên tiếng nói phản đối công nghiệp. Một phần của cuộc triển lãm về mối quan hệ giữa con người và loài vật để giải thích cách hai nhà hoạt động nữ thành lập Hội Massachusetts Audubon để phản đối cuộc tàn sát chim chóc trên diện rộng như một thú tiêu khiển thời thượng. Một trong những chiếc mũ từ những năm đầu 1900 cũng được trưng bày, với một con gà lôi cổ vòng dường như đang sà xuống, toàn bộ phần lông đuôi ngất nghểu phía sau. Việc sử dụng lông hải ly làm mũ cũng thúc đẩy ngành công nghiệp đánh bẫy chim thú của Mỹ cho đến khi lụa thay thế, cho phép số lượng hải ly được phục hồi. Những câu chuyện về sức tác động thảm họa của con người lên hệ sinh thái đã minh họa cách các quan điểm có thể thay đổi, và có tác động làm dịch chuyển các chuẩn mực văn hóa. 

Chủ nghĩa thực dân và biến đổi khí hậu

Từ ‘sương mù’ do ô nhiễm của London đến khói sương Los Angeles, triển lãm đặt trọng tâm là người Mỹ gốc Anh, với việc họ khai thác thuộc địa ở Caribbe, thông qua các bộ sưu tập của Huntington cũng như ô nhiễm công nghiệp: về mặt lịch sử, người Mỹ và châu Âu đã là hai thủ phạm lớn nhất trong phát thải khí nhà kính toàn cầu.

“Biến đổi khí hậu là hệ quả của quá trình công nghiệp hóa gắn liền với chủ nghĩa thực dân”, Deborah Coen, một nhà sử học tại ĐH Yale cho biết. Nhìn rộng hơn nữa, bà cho biết thêm, “Khoa học cũng gắn liền với chủ nghĩa thực dân và công nghiệp hóa. Chính những hiểu biết khoa học cũng nảy sinh từ những nguồn lực lịch sử đó”.

Trong “Mây giông bão”, các công trình hiện đại của Binh Danh, Rebeca Méndez, Jamilah Sabur, Leah Sobsey và Will Wilson được kết hợp với những vật liệu lịch sử để làm phong phú thêm các lăng kính của triển lãm và đưa cả những phản kháng chủ nghĩa thực dân cũng như những cái nhìn về môi trường từ những phản kháng ấy. “Chúng tôi chọn các nghệ sĩ có thể đem đến cuộc đối thoại với hiện tại để nhấn mạnh thêm những tiếng nói đa dạng và cũng nghĩ về một số tác động của sự bất công về môi trường, như người chịu đựng sống trong điều kiện tồi tệ nhất do tác động môi trường hay những người tồn tại ở những vùng đất chịu nhiều tổn thương của các chính sách khai thác quá mức”, Nielsen nói.

Những phản hồi của những người đứng đầu các bộ lạc, những nhà khoa học, nghệ sĩ đương thời trong một số tác phẩm chọn lọc, có lẽ khiến người  ta ám ảnh, ví dụ câu hỏi của nhà sinh thái học Suzanne Pierre “Với não trạng thực dân hóa, có phải mỗi thiên đường mới là một cuốn sổ kế toán?”

Những phản chiếu đương đại lên khủng hoảng khí hậu

Một mã QR của triển lãm đưa những người dự triển lãm đến một trang web có biểu đồ các mức carbon dioxide từ năm 1000 đến nay. Đồ thị cho  thấy một con dốc thoải cho đến những năm 1840, sau đó một đường dốc đi lên. Dữ liệu này, bên cạnh danh sách các mức carbon dioxide trong lịch sử tại thời điểm các tác phẩm được hình thành nhắc nhở người xem về chủ đề cấp thiết của triển lãm. Theo Anthony, điều đó có thể truyền cảm hứng cho các nhà vận động khí hậu trẻ như Greta Thunberg, người chia sẻ mức carbon dioxide trong năm mà họ sinh ra như một mốc đáng nhớ, “để chứng tỏ cách CO2 tăng nhanh trong vòng đời ngắn ngủi của mỗi người, vì vậy con người ngày một quen thuộc hơn với các con số”.

Sự giao thoa giữa nghệ thuật, văn học và khoa học để khắc họa tự nhiên và quá trình công nghiệp hóa không chỉ tiết lộ sự tương liên cốt yếu của khoa học và nghệ thuật trong thế kỷ 19 mà còn chứng tỏ những miêu tả có ảnh hưởng đến hiểu biết ngày nay của chúng ta về hệ sinh thái. “Chúng ta biết rằng khủng hoảng khí hậu đã bị chính trị hóa”, McCurdy nói. “Những gì chúng ta đang cố gắng làm là ghi lại và lịch sử hóa nó”.

Năm 2019, nhà tiểu luận Brian Dillon viết rằng bài giảng về đám mây giông của Ruskin “đã xé toạc tinh thần tự kiềm chế thời đại Victoria và chỉ lên bầu trời một cách phẫn nộ mà từ đó những cơn ác mộng có thể đến rất nhanh”. Triển lãm này cũng được thiết kế với mục tiêu như thế, khi chọn lọc những hiện vật chính từ quá khứ để minh họa cho hiện tại, trong một thế giới khủng hoảng khí hậu.□

Tô Vân dịch

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/history/how-artists-writers-and-scientists-of-the-past-documented-climate-change-180985199/

Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025

Tác giả

(Visited 54 times, 13 visits today)