Nghệ thuật hại não của Robert Lang
Suốt một cuối tuần tháng sáu oi bức, hơn 600 người đam mê gấp giấy từ khắp thế giới tập hợp ở New York để dự hội thảo thường niên của nước Mỹ về origami.
Trước những năm 1980, người ta nghĩ rằng không gấp được các loài chân đốt bằng origami. Nhưng nhờ kỹ thuật thiết kế mô hình toán học do Lang phát triển, giờ đây người ta có thể gấp những mô hình chi tiết thật chưa từng thấy: côn trùng sáu chân, tám chân, rồi xòe cánh, có cả cánh trước và cánh sau…Ảnh: langorigami.com
Các phòng học theo lối cuối thập niên 1950 tại Viện Công nghệ Thời trang ở khu Chelsea, nơi hội thảo diễn ra, toàn màu be: từ vải sơn lót sàn, tới các bức tường, rồi các ma-nơ-canh được dẹp vào một góc của các nhà tạo mẫu. Trong một phòng học như thế, hai mươi học viên tuổi từ 9 tới khoảng 65 háo hức chờ đợi, những tập giấy màu sặc sỡ đã trải sẵn ra trên những cái bàn dài và hẹp trước mặt. Giáo viên của lớp này, Robert Lang, nhận xét rằng số lượng học viên thật ấn tượng, mặc dù họ không hề được cho biết mẫu gấp từ trước. Dĩ nhiên, họ đến đây chỉ để gặp Lang.
Hấp dẫn như một ngôi sao nhạc rock
Những người cho rằng origami là trò chơi gấp giấy đơn giản của trẻ con hẳn sẽ ngạc nhiên nếu biết sự tồn tại của những nghệ sỹ origami chuyên nghiệp, và không những thế, một nghệ sỹ origami chuyên nghiệp có bằng thạc sỹ Stanford và kỹ sư, tiến sỹ vật lý Caltech. Một thập kỷ trước, Lang từ bỏ một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực laser và điện tử quang học để gấp giấy toàn thời gian.
Robert Lang.
Khoảnh khắc ông cầm lên một tờ giấy vuông màu tím và bắt đầu gấp nó giữa không trung, những ngón tay thuôn dài di chuyển với sự chính xác của một kỹ sư kết hợp với sự uyển chuyển của một nghệ sỹ, rõ ràng ông đã nghe thấy tiếng gọi của trái tim mình. Lang, người hiện được công nhận rộng rãi là một trong những nhà tiên phong của môn nghệ thuật hiện đại này, đã công bố hơn 500 nguyên mẫu origami. Tác phẩm của ông được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York, ở khu phố ngầm Carrousel du Louvre ở Paris, ở Bảo tàng Origami ở Kaga, Nhật Bản, và nhiều nơi khác. Ông cũng khởi xướng việc dùng toán học và khoa học máy tính để thiết kế những mô hình origami phức tạp đến nỗi khó mà tin nổi chúng từng chỉ là một tờ giấy hình vuông.
Tài gấp giấy của Lang đã mang lại cho ông những đơn đặt hàng cao cấp – như một lá cờ Mỹ cho trang bìa của tạp chí Thời báo New York, hay những chữ cái và phong cảnh bằng origami cho những quảng cáo trên truyền hình của Mitsubishi và McDonald – và công việc tư vấn giúp giải các vấn đề công nghệ cao bằng các kỹ thuật gấp giấy. Các nhà sưu tầm nghệ thuật có thể mua các tác phẩm làm sẵn của ông với giá trong khoảng từ 200 đến 1500 USD; còn giá tác phẩm đặt hàng thường từ 500 đến 3000 USD.
Khi hết giờ học và các lớp ùa ra ngoài hành lang, người ta chào đón Lang như một ngôi sao nhạc rock. Họ xin chụp ảnh cùng ông, nhờ ông ký tặng sách và mô hình, ông dũng cảm nhận lời. Với một người đam mê origami bình thường, hội thảo là một dịp để gặp gỡ và gấp giấy bên cạnh các thần tượng. Với Lang, đó là một cơ hội để cho lại những gì mình đã nhận.
Trong lúc đi bộ xuống bảy tầng cầu thang, ông kể về niềm yêu thích gấp giấy khi còn là một đứa bé lớn lên ở bang Georgia trong những năm 1960. Thời đó “chưa có cộng đồng hay hội thảo origami.” Bắt đầu tuổi thiếu niên, Lang có được địa chỉ của Neal Elias, một người gấp giấy biệt lập nhưng sáng tạo, tác giả của một số kỹ thuật trong đó có kỹ thuật gấp hộp. Ông viết thư cho Elias và họ bắt đầu trao đổi thư từ thường xuyên. Lang nói việc đó khiến ông cảm thấy được kết nối, và nó truyền cho ông cảm hứng để tạo ra những mẫu của riêng mình.
Gấp giấy có một lịch sử lâu đời ở Nhật Bản, nó vốn được dùng trong các nghi lễ tôn giáo và xã giao truyền thống. (Nghĩa gốc của từ origami gần với từ diploma trong tiếng Hy Lạp.) Những ghi nhận đầu tiên về việc gấp giấy “giải trí” ở Nhật Bản có từ cuối thế kỷ 18. Những thiết kế khi đó là những hình đơn giản, mang tính tượng trưng khái quát, như hình con hạc quen thuộc. Một số người gấp giấy sáng tạo đã tạo ra các hình mới từ việc mày mò với những hình cơ sở – chim, cá, ếch, diều – và cho ra đời vài trăm thiết kế khác nhau.
“Chắc anh nghĩ rằng trong hai trăm năm, cái gì làm được thì người ta đã làm ra hết cả,” Lang nói. Nhưng rồi Akira Yoshizawa (1911 – 2005), “cha đẻ của origami hiện đại”, xuất hiện. Yoshizawa, một người tự học phi thường, tạo ra hàng chục nghìn thiết kế mới. Cách hiểu chặt chẽ về các quy tắc của “sosaku origami,” hay gấp giấy sáng tạo – chỉ một tờ giấy, không cắt – cùng với phong cách tự nhiên của ông đã nâng tầm trò chơi thủ công dân gian này thành một môn nghệ thuật.
Lá cờ Mỹ do Lang gấp chỉ bằng một tờ giấy, xuất hiện trên trang nhất của New York Times.
Có lẽ quan trọng hơn cả là việc Yoshizawa đã phát triển một ngôn ngữ hình ảnh gồm những đường nét đứt và mũi tên để diễn đạt hướng và thứ tự các nếp gấp của các mô hình của ông. Hệ thống ký hiệu này (với một chút thay đổi) đã trở thành tiêu chuẩn trên toàn thế giới, nó cho phép trao đổi các ý tưởng vượt qua rào cản ngôn ngữ, và mở toang cánh cửa cho origami lan tỏa sang phương Tây.
Năm mươi năm trở lại đây chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ về số lượng các nguyên mẫu origami, mà cả về độ phức tạp của chúng. Trước thập kỷ 1950, các mô hình có tối đa khoảng 30 bước, và có thể được gấp trong vài phút, thậm chí bởi một người không chuyên. Giờ đây, việc một mô hình có hàng trăm bước và phải mất hàng giờ để gấp, bởi một chuyên gia, không có gì là lạ.
Lang cho biết sự thay đổi nằm ở việc phát hiện ra bản chất toán học ẩn đằng sau, và việc áp dụng một cách tiếp cận thuật toán đối với gấp giấy. Nếu gỡ một mô hình origami ra, bạn thu được một hình tạo bởi các nếp gấp trên giấy. Người ta bắt đầu nhận thấy sự tồn tại của những quy luật toán học về mối liên hệ giữa các hình nếp gấp [khi trải phẳng] với hình đã gấp hoàn chỉnh.
Lang là một trong những người đầu tiên hệ thống hóa những ý tưởng này và viết chúng ra thành một phương pháp để người khác có thể làm theo. “Trong những năm 1960 và 1970, người ta sáng tạo bằng cách làm theo những thuật toán trong đầu mà họ biết là sẽ ra kết quả,” ông nói. “Họ chỉ không biết giải thích tại sao.” Sức mạnh của những kỹ thuật này đã thay đổi cách tiếp cận của mọi người để tạo ra những nguyên mẫu origami, từ “thực nghiệm theo trực giác” sang, theo cách nói có phần ngạo mạn của Lang, “kỷ nguyên thiết kế thông minh.”
Kết nối những nếp gấp
Lang cũng thích toán từ nhỏ, và khi vào đại học, ông quyết định theo học toán. Thế nhưng những môn “toán lý thuyết” ông học ở Caltech không giống như ông mong đợi. Thay vào đó, ông ngả sang kỹ thuật điện tử vì “thích xây lắp các thứ”. Sau một buổi học ở phòng thí nghiệm với một trong những người phát minh ra laser argon, ông bắt đầu hứng thú với quang học. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục “thách thức giới hạn” với origami, “cố làm những thứ chưa bao giờ được làm, hoặc thậm chí có vẻ bất khả thi”.
Ông bắt đầu thấy những liên kết giữa origami và toán. “Một trong những điều anh học được trong một môi trường đào tạo kỹ thuật – vật lý hay kỹ thuật – là khi bước chân vào một lĩnh vực, anh cố gắng xây dựng một mô hình toán học cho những hiện tượng trong đó. Và một khi có được một mô hình toán học, anh có thể sử dụng các công cụ toán học để vận hành mô hình đó và nói một cách nào đó là được học miễn phí,” ông nói. “Origami cũng thế. Rõ ràng ẩn sau nó có những quy luật tự nhiên giới hạn những gì anh làm được hay không làm được. Và nếu tôi có thể xác định được chính xác các quy luật đó là gì, tôi có thể dùng các công cụ toán học để tạo ra những thứ tôi thực sự muốn tạo ra.”
Đầu những năm 1980, ở Stanford, Lang tiếp tục học một chương trình kỹ thuật điện “nặng về quang học”, trong khi làm việc một ngày rưỡi mỗi tuần ở IBM ở San Jose. Ông cũng bắt đầu viết và vẽ các sơ đồ cho cuốn sách đầu tay sẽ được xuất bản năm 1988 với tiêu đề “Cuốn sách đầy đủ về Origami.” “Đó là một tiêu đề kinh khủng”, ông thừa nhận, bởi “nó còn xa mới đầy đủ”. Kể từ đó, ông đã xuất bản hơn một chục cuốn sách chứa hướng dẫn gấp hơn 170 hình.
Sau Stanford, ông quay lại Caltech để làm tiến sỹ vật lý ứng dụng rồi sang Đức để làm post doc về laser bán dẫn. Cuộc sống ở Ludwigsburg, gần dãy núi Rừng Đen nổi tiếng, truyền cảm hứng cho tác phẩm nổi bật nhất của Lang: một chiếc đồng hồ cúc cu theo tỷ lệ thật với một cái đầu hươu có cả cặp sừng, một con chim đậu trên một cái bệ dài, một mặt đồng hồ có kim giờ và kim phút, những quả nặng trang trí hình quả thông, và một quả lắc. Nó được thiết kế trong ba tháng, và được gấp trong sáu giờ, từ một tờ giấy cỡ khoảng 30 cm x 3 m. [Khi đó] nó là thứ phức tạp nhất từng được gấp từ chỉ một tờ giấy, và nó khẳng định danh tiếng của Lang trong các cộng đồng origami kỹ thuật.
Xung quanh khoảng thời gian này, Lang kể, ông bắt đầu muốn viết một kiểu sách origami khác. Nó sẽ không chỉ trình bày các “công thức” gấp vài ba chục mô hình; nó sẽ dạy người ta cách thiết kế mọi mô hình họ muốn gấp. “Tôi làm thế nào để gấp sáu chân chứ không phải tám hay bốn?” ông nói. “Khi đó tôi đã phát triển nhiều cách để có được đúng sáu chân. Và nếu anh muốn một số dài thế này, một số dài thế khác, anh cũng gấp được”.
Cuốn sách này ông ấp ủ hơn 14 năm. Bí mật thiết kế origami: Phương pháp toán học cho một nghệ thuật cổ xưa được viết xong trong một năm rưỡi và ra mắt năm 2003. Trong đó, Lang mô tả cách mỗi cái “cánh” – sẽ trở thành một cái cánh hoặc một cái chân trong mô hình hoàn chỉnh – cần một vòng tròn hoặc một phần vòng tròn. (Bán kính của vòng tròn xác định độ dài của cái “cánh”). Sự sắp xếp, hay sự “đóng gói”, của các phần hình tròn này trong tờ giấy vuông tạo thành cơ sở cho hình nếp gấp.
“Một người có thể vẽ các hình tròn trên một tờ giấy, nhìn xem chúng sắp xếp như thế nào, rồi vẽ các đường thẳng giữa chúng. Việc đó cho biết hình nếp gấp và từ đó có thể bắt đầu gấp,” Lang nói. “Cách tiếp cận tôi chọn khi viết Bí mật thiết kế nhấn mạnh sơ đồ đó, vì đó là những thứ gần như ai cũng sẵn có: bút chì, giấy và các ý tưởng”.
Thấu kính thiên văn vũ trụ Eyeglass của phòng thí nghiệm Livermore, Mỹ dựa trên mẫu gấp origami của Lang. Ảnh: Bảo tàng quốc gia Mỹ.
Đó là một cuốn sách đột phá. Những đồng nghiệp của ông không tiếc lời ca ngợi. “Những cuốn sách của ông ấy có ảnh hưởng cực kỳ to lớn,” Tom Hull, giáo sư tại Đại học Western New England, chuyên gia về toán học của gấp giấy, nói. “Khi người ta nghĩ về thứ origami có kỹ thuật thực sự phức tạp, họ nghĩ đến Robert Lang.” Ngay cả trong giới làm toán, Hull nói thêm, Lang nổi tiếng là “một người biết làm toán.”
Những kỹ thuật thiết kế của Lang đã thúc đẩy những người gấp giấy trẻ tuổi tài năng, như Brian Chan, sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đạt tới những đỉnh cao mới của sự phức tạp. “Trước cuốn sách của ông ấy”, Chan nói, “đã có nhiều cuộc thảo luận ở Nhật về nhiều khía cạnh kỹ thuật khác nhau của thiết kế origami, nhưng không có tài liệu sẵn có nào để giúp cho những người thiết kế origami triển vọng. Các lý thuyết origami ‘đóng gói hình tròn’ và ‘phân tử’ của Lang đã giúp tôi cũng như nhiều người gấp giấy phức tạp khác bắt đầu thiết kế những thứ có thể trở thành những origami phức tạp nhất trên thế giới”.
Dĩ nhiên, phẩm chất kỹ thuật trong gấp giấy chỉ mình nó thì không tạo nên nghệ thuật. “Với các công cụ thiết kế,” Lang nói, “anh không phải tốn năng lượng cho phần đó, vì thế anh được giải phóng để dành hầu hết năng lượng của mình cho việc tạo ra cuộc sống”. John Montroll, một đại tiên sinh origami và là một tác giả sung sức, đã cộng tác với Lang viết một số cuốn sách, nói rằng ảnh hưởng lớn nhất của công trình của Lang đối với mình là nó “đưa ông tới một hiểu biết sâu sắc hơn về những cách thức hoạt động nội tại” của các mô hình origami. “Robert mang đến một tầm cao chưa từng có trước đó cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn về tính nghệ thuật”.
Điều này đặc biệt dễ nhận thấy ở các mô hình lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên của Lang. “Những nếp gấp lấy của tôi nhiều thời gian và công sức nhất là những cái làm tôi rung động nhất khi nhìn thấy hình mẫu thật,” ông nói. “Một con chim có đôi cánh, cái đầu, cái đuôi, và, nếu thích, cả đôi chân, tất cả chỉ có thế. Nhưng cái rung động cảm xúc của tôi khi nhìn thấy một con chim ưng đuôi đỏ thật đang bay liệng mới là cái tôi muốn tóm được trong nếp gấp. Và tôi liên tục làm việc, và tôi nghĩ rằng mỗi lần làm một con chim săn mồi mới, tôi lại tóm được cái cảm xúc đó một cách tốt hơn.”
Phương pháp thiết kế này khác hẳn cách tuần tự mà người ta dùng trước đó để phát triển những mô hình origami mới. Khi gấp từ một hình nếp gấp, không có gì bảo đảm rằng có một thứ tự gấp sẽ đưa từ tờ giấy phẳng đến mô hình hoàn chỉnh. Trong hầu hết các trường hợp, toàn bộ hoặc một số lớn các nếp gấp phải được làm cùng một lúc. Trong origami, nó được gọi là “sự sụp đổ”, và có thể mất hàng giờ để thực hiện.
Sự may mắn tình cờ
Tương tự, trong cuộc sống, có khi nhiều sự kiện rời rạc, rải trên nhiều năm, hội tụ để mở ra con đường phía trước. Nó có một tên gọi mỹ miều hơn: sự may mắn tình cờ.
Khoảng một năm trước khi Lang quyết định bỏ thế giới laser để làm origami toàn thời gian, ông nhận được một cuộc gọi từ một nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence ở Livermore. Người này đang tìm cách gấp gọn một thấu kính to cỡ một sân bóng bầu dục để phóng lên vũ trụ. Ông ta tìm thấy một bài báo Lang viết năm 1996 cho một hội nghị hình học tính toán, và không biết rằng tác giả của bài báo sống cách mình có năm dặm, ở Pleasanton, California. Hơn nữa, hội nghị mà Lang gửi bài – bài đầu tiên của ông trong lĩnh vực khoa học máy tính – có tính cạnh tranh rất cao. Lang tin rằng mình đã may mắn khi một trong các thành viên của ban tổ chức hội nghị khi còn là nghiên cứu sinh đã xuất bản một tạp chí về origami và tác phẩm của Lang có xuất hiện trong đó.
Lang đưa ra một thiết kế đối xứng tròn để gấp một bản mẫu lớn năm mét của thấu kính của kính thiên văn vũ trụ Eyeglass thành một hình trụ đường kính 1,2 m và cao 0,6 m (không khác mấy cách một cái ô cụp lại). Mặc dù kính thiên văn không bao giờ được phóng lên vũ trụ, công việc Lang làm với Phòng thí nghiệm Livermore dẫn tới những công việc tư vấn khác: với NASA về một tấm vải mặt trời; với một công ty sản xuất thiết bị y tế về một thiết bị cấy trợ tim; với một công ty kỹ thuật xe hơi về chương trình máy tính mô phỏng túi khí; với một công ty sản xuất điện thoại di động muốn giấu ăng-ten vừa vặn trong thân máy.
Nhiều nếp gấp tình cờ khác đưa Lang và vợ đến ngôi nhà hiện tại ở Alamo, California, nằm giữa Khu bảo tồn vùng Los Trampas và Khu bảo tồn bang Mount Diablo, với một studio nghệ sỹ tách rời. “Trước đây tôi còn không dám mơ về cái gì như thế. Tôi nghĩ mình sẽ thuê một văn phòng trong một con hẻm dơ dáy ở đâu đó”, ông nói.
Giữa hệ động vật sau vườn, Lang làm việc để tinh chỉnh những con chim săn mồi và tạo ra một con bọ tuyệt vời hơn. Trong những tác phẩm mới nhất ông đang làm có một con bọ bổ củi có râu tua rua, “một trong những thứ khó nhất tôi từng gấp”. Sát thủ, quả đúng như vậy. □
Nguyễn Hoàng Thạch lược dịch
Nguồn: https://stanfordmag.org/contents/the-mind-bending-artistry-of-robert-lang