Nghiên cứu đầu tiên về mức độ nhiễm norovirus trên lợn ở miền Bắc Việt Nam

Norovirus (NoV) được xác định là tác nhân chính gây ra các triệu chứng viêm dạ dày và ruột cấp tính ở cả người và một số động vật như lợn. Đây là một trong những virus phổ biến và rất dễ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị bệnh. Norovirus thường gây khởi phát cấp tính các triệu chứng nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy.


Trên thực tế, NoV Genogroup II (GII) đã được phát hiện lần đầu tiên trên lợn ở Mỹ. Sau đó, một số quốc gia đã ghi nhận sự xuất hiện của GII NoV ở cả lợn ốm và lợn bình thường. Các chủng NoV lưu hành trên lợn ở các nước trên thế giới được xác định có kiểu gene GII.11, II.18 và II.19. 

Việt Nam lần đầu ghi nhận ca nhiễm NoV ở người vào năm 1999. Tỷ lệ dương tính NoV ở trẻ tiêu chảy là 5,4 % (72/1339). Phân tích di truyền các chủng virus cho thấy các chủng thu được thuộc GII chiếm 73%, các chủng còn lại là GI.4, I.8, II.1, II.3 và II.7. Cho đến nay, nước ta vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc NoV ở lợn. 

Với mong muốn xác định tình trạng nhiễm virus ở lợn và đặc điểm các chủng NoV từ lợn tại Việt Nam, TS. Đồng Văn Hiếu, ThS. Trần Thị Hương Giang (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với các nhà khoa học quốc tế khảo sát đàn lợn tại các tỉnh phía Bắc gồm Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Hưng Yên. 

Cụ thể, từ tháng 7/2022 đến tháng 3/2023, nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu phân của 102 con lợn (gồm lợn nái, lợn vỗ béo và lợn con) có dấu hiệu lâm sàng bị tiêu chảy và mất nước. Bằng kỹ thuật PCR, họ đã phát hiện ra bộ gene virus trong 5 mẫu (4,9%) từ 5 trang trại khác nhau tại Hà Nội, Hải Phòng và Hưng Yên. Năm chủng vi khuẩn này được đặt tên là Vietnam/PNoV/VNUA-06, -22, −35, −40 và −56. Tất cả năm chủng PNoV đều là virus kiểu gene II.19. “Chúng tôi không tìm thấy mối liên hệ nào giữa các chủng NoV thu được ở lợn Việt Nam với NoV ở người”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Phân tích phát sinh chủng loại chỉ ra rằng năm NoV được phát hiện là virus kiểu gene II.19. Về mặt di truyền, các chủng này có liên quan chặt chẽ với chủng NoV ở lợn được ghi nhận ở Trung Quốc năm 2009. Dựa trên độ tuổi, có bốn mẫu dương tính là những con lợn 18-24 tuần tuổi, một mẫu dương tính là lợn 10 tuần tuổi. Không có mẫu dương tính ở lợn con dưới 21 ngày tuổi hoặc lợn trên 50 tuần tuổi. 

Ngoài ra, nhóm cũng phân loại ba cấp độ quy mô trang trại: cấp 1 (<100 con lợn), cấp 2 (100–300 con lợn) và cấp 3 (>300 con lợn). Trong số năm mẫu dương tính, có ba mẫu được thu thập ở trang trại cấp 2, hai mẫu ở trang trại cấp 1, và không phát hiện mẫu dương tính nào tại các trang trại chăn nuôi lợn cấp 3.

Như vậy, trong nghiên cứu này, bộ gene NoV được phát hiện ở 5 (4,9%) trong số 102 mẫu phân của lợn có dấu hiệu tiêu chảy và mất nước. Theo nhóm nghiên cứu, “tỷ lệ này hơi thấp, tương tự với ở một số và vùng lãnh thổ nước châu Á như Hàn Quốc (0,5%), Đài Loan (7,2%) và Nhật Bản (10%), cũng như các nước châu Âu như Slovenia (1,2%) và Bỉ (4,6%), nhưng thấp hơn ở Hoa Kỳ (20%) và Canada (25%).”

Hiện tại, nghiên cứu này là báo cáo đầu tiên về tình trạng nhiễm NoV ở lợn miền Bắc Việt Nam và về đặc điểm phân tử của các chủng virus trong nước. Một trong những khía cạnh mà nhóm nghiên cứu mong muốn có thể mở rộng trong tương lai, đó là tiến hành khảo sát ở cả những con lợn khỏe mạnh chứ không chỉ ở lợn có triệu chứng tiêu chảy như hiện tại, bởi các nghiên cứu quốc tế ghi nhận các ca nhiễm NoV không chỉ ở lợn bệnh mà cả lợn khỏe mạnh. 

Kết quả nghiên cứu đã được chia sẻ trong bài báo “Genetic detection and analysis of porcine norovirus in pigs farmed in north Vietnam” trên tạp chí Heliyon.

Bài đăng Tia Sáng số 12/2024

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)