Nghiên cứu hướng tới ngăn chặn ung thư phát triển

Những protein được gọi là yếu tố phiên mã có vai trò giống như cảnh sát giao thông. Chúng sẽ cho gene biết khi nào thì dừng và khi nào được đi. Nếu những “cảnh sát” này bị trục trặc - điều mà các nhà khoa học gọi là rối loạn điều hòa - chúng sẽ ngừng điều phối biểu hiện gene khỏe mạnh và thay vào đó trở thành nhân tố gây ra các bệnh như ung thư. 

Công ty tin rằng phương pháp tiếp cận của họ sẽ cho phép phát triển phương pháp điều trị một số bệnh ung thư liên quan đến rối loạn chức năng phiên mã. Nguồn: iStock.

Các yếu tố phiên mã rối loạn đã thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà nghiên cứu với hy vọng sẽ tạo ra cách điều trị mới cho căn bệnh này. Nhưng rất khó dùng thuốc cho yếu tố phiên mã, một phần vì chúng hoạt động trong bối cảnh rất nhiều phân tử tín hiệu tương trợ nhau trong tế bào.  

Công ty chuyển giao (spinout) Kronos Bio của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) do phó giáo sư Angela Koehler thành lập đang nghiên cứu những mạng lưới tín hiệu lớn hơn nhằm tìm ra các phương pháp mới để làm gián đoạn hoạt động của yếu tố phiên mã. Bằng cách nhìn nhận các yếu tố phiên mã trong bối cảnh tế bào tự nhiên, công ty này tin rằng họ có thể phát triển cách điều trị hữu hiệu hơn với nhiều căn bệnh bắt nguồn từ quá trình phiên mã mất kiểm soát.

Một công nghệ hỗ trợ quan trọng cho Kronos là công cụ sàng lọc. Nó cho phép các nhà khoa học nghiên cứu yếu tố phiên mã tương tác thế nào với những phân tử khác. 

Từ đầu những năm 2000, Koehler đã quan tâm tới yếu tố phiên mã và tham gia vào một nhóm phát triển cách sàng lọc phân tử có đặc tính liên kết khác nhau  với chi phí thấp. Phương pháp này đã thu hút được sự chú ý của các công ty dược, với ưu điểm là không cần tinh chế protein để chạy chương trình sàng lọc. Người dùng có thể đưa vào các phức hợp protein lớn từ tế bào, hay thậm chí là tế bào bệnh nhân và tìm kiếm mục tiêu quan tâm trong phức hợp đó.

Khi Koehler mở phòng thí nghiệm ở MIT, bà đã sử dụng phương pháp này để tìm phân tử liên kết với protein MYC. Trong nhiều thập kỷ phát triển thuốc, nhiều nỗ lực nhắm tới MYC đã thất bại bởi vì phân tử rất khó dính vào protein này. Nhưng Koehler và các đồng sự đã làm được điều chừng như không tưởng. Dựa trên thành công này, bà đã thành lập Kronos Bio vào năm 2017.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, Kronos đã và đang nhắm mục tiêu vào căn nguyên của mọi yếu tố phiên mã liên quan tới bệnh tật là MYC. MYC nằm trong mọi tế bào, nhưng một số tế bào ung thư biểu hiện quá mức MYC, dựa vào sự phiên mã liên tục của nó để thúc đẩy ung thư phát triển. Kronos hiện đang tiến hành nghiên cứu giai đoạn 1/2 với các bệnh nhân có khối u phụ thuộc MYC tái phát hoặc kháng thuốc, gồm bệnh nhân ung thư buồng trứng và ung thư vú  ba âm tính (không có 3 proteins thường tìm thấy trong tế bào ung thư vú: thụ thể ER, PR và HER2). Loại thuốc khác của công ty trong những thử nghiệm lâm sàng nhắm vào một phân tử liên quan đến rối loạn phiên mã trong bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Nếu các thử nghiệm thành công, Kronos tin rằng phương pháp của họ sẽ cho phép công ty này phát triển phương pháp điều trị cho một số bệnh ung thư khác liên quan tới rối loạn phiên mã. Bởi lẽ, “khi nhìn vào Bản đồ hệ gene ung thư, chúng ta sẽ thấy gần một nửa số loại u đã khuếch đại MYC, đối với ung thư vú ba âm tính và ung thư buồng trứng thì con số này là 80%. Nếu tìm ra được loại thuốc giảm mức độ MYC khuếch đại thì chúng ta có thể loại bỏ một loạt các khối u ở người mà MYC là tác nhân gây ra kiểu hình ác tính. Đó là một cơ hội lớn để cải thiện cuộc sống của bệnh nhân” – Norbert Bischofberger, CEO của Kronos Bio, cho biết.

Các loại thuốc tiềm năng của công ty chỉ cần uống mỗi lần một ngày, bệnh nhân không cần thường xuyên tới bệnh viện để truyền tĩnh mạch. Ngoài việc nhắm tới các khối u phụ thuộc vào MYC, thuốc của Kronos cũng được thử nghiệm trên người để giải quyết các bệnh ung thư liên kết phiên mã như sarcoma (một loại ung thư được tìm thấy trong các tế bào mô liên kết). □

Phương Anh dịch

Nguồn: https://news.mit.edu/2023/studying-cancer-context-spinout-kronos-bio-0929 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)