Nghiên cứu làm ra máy “mần” thốt nốt giúp dân đỡ vất vả
Việc nghiên cứu chế tạo máy bóc, tách trái thốt nốt không những giúp người dân tiết kiệm thời gian, sức lao động mà còn có thể tạo nên diện mạo hoàn toàn mới cho ngành sản xuất các sản phẩm liên quan đến đặc sản từ trái thốt nốt.
Mong mỏi sớm có máy gọt, tách trái thốt nốt
Ở vùng biên giới tỉnh An Giang – nơi tiếp giáp với Campuchia, cách sống và nét sinh hoạt của người dân nơi đây ít nhiều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Khơme. Những nơi văn hóa giao thoa với nhau, mọi người dễ dàng bắt gặp nhiều nét đặc trưng làm nên những di sản thiên nhiên vô cùng phong phú, độc đáo, và thu hút hơn hết là văn hóa ẩm thực.
Dọc các tỉnh lộ vùng ven biên giới thuộc TP.Châu Đốc, H.Tịnh Biên và H.Tri Tôn đa phần là ruộng lúa, điểm thêm nhiều hàng cây thốt nốt chạy dọc bên đường. Cây thốt nốt (có người gọi là thốt lốt – PV) thoạt nhìn giống cây cọ, tán lá xòe như cánh quạt, thân cây lại giống thân dừa nhưng ít xù xì hơn. Trái của nó cũng mọc thành quầy giống dừa, màu tím sẫm, đội thêm chiếc mũ màu xanh. Tuy nhiên, trái thốt nốt không có nước bên trong như dừa, khi muốn ăn phải bổ ra lấy phần thịt mềm mịn bên trong.
Tại tiệm bán trái thốt nốt của cô Nga (xã Châu Lăng, H.Tri Tôn) bày bán nhiều quả thốt nốt có đường kính từ 10 – 17cm, vỏ đen, chia thành nhiều múi. Mỗi múi to gấp 2-3 lần múi mít, trắng ngần, mềm, ngọt mát và thơm hơn cùi dừa. Phần cùi này được bao bọc trong một lớp vỏ lụa màu nâu vàng. Cô Nga thoăn thoắt dùng tay chặt, tách, gọt lớp vỏ cứng trái thốt nốt bằng loại dao yếm, chỉ trong vài phút hàng chục múi thốt nốt tươi màu trắng đục nằm gọn trong thau. Cô Nga cho biết trung bình mỗi ngày, gia đình cô chặt khoảng 500 trái thốt nốt tươi bán lẻ và gửi hàng đi các tỉnh.
“Do làm thủ công nên mọi người rất tốn sức. Lúc trước chưa quen công việc này mấy người trong gia đình thường kêu đau nhức tay vào mỗi buổi tối. Hiện nay số lượng đặt hàng thốt nốt tươi gấp đôi. Vì vậy, cả gia đình xúm lại giúp sức, chỉ sợ số lượng nhiều và trong quá trình tách gọt, sơ ý bị thương ở tay là điều khó tránh khỏi. Tôi chỉ mong ai sáng chế ra cái máy nào gọt, tách trái thốt nốt để mọi người đỡ tốn công sức, thời gian mà số lượng tách, gọt nhanh hiệu quả là tôi mua liền”, cô Nga mong mỏi.
Cũng theo cô Nga, không riêng bản thân cô đang gặp khó khăn trong công việc này vì thiếu máy gọt tách mà đó cũng là bài toán rất nan giải của hàng trăm hộ dân buôn bán loại đặc sản này tại nơi đây.
Sẽ giải bài toán khó
Ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết, cách đây vài tháng, ông cùng thầy cô Trường cao đẳng nghề An Giang dắt díu nhau lên vùng Bảy Núi quan sát cách dùng tay chặt hàng ngàn trái thốt nốt bán lẻ và gửi hàng đi các tỉnh.
“Tuy nhiên, do làm thủ công nên người dân nơi đây rất tốn sức cũng như thời gian để tách trái thốt nốt. Vì vậy, chỉ sơ suất nhỏ trong quá trình gọt, tách có thể bị thương. Ý tưởng nghiên cứu chế máy bóc, tách trái thốt nốt không những giúp bà con tiết kiệm thời gian, sức lao động mà còn có thể tạo nên diện mạo hoàn toàn mới cho ngành sản xuất các sản phẩm liên quan đến đặc sản từ trái thốt nốt đã làm mọi người lên kế hoạch trong những ngày qua”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết thêm, khi ghi nhận những khó khăn trong quá trình sản xuất của bà con, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang đã phối hợp Trường cao đẳng nghề An Giang nghiên cứu chiếc máy này để giúp bà con tiết kiệm thời gian, sức lao động, đảm bảo an toàn.
“Hiện trung tâm tiến hành mời các thêm các doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ vốn trong việc nghiên cứu chế tạo chiếc máy. Khi thành công chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ, rồi từ đó chiếc máy đến được tay bà con. Khi sử dụng chiếc máy này bà con sẽ không tốn sức lại mang tính hiệu quả cao, an toàn tốt hơn”, ông Hiếu nhận định.
Ông Nguyễn Đức Tài – giảng viên cơ điện tử, Trường cao đẳng nghề tỉnh An Giang, thông tin hiện nhà trường đã lên kế hoạch và có đề xuất với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang theo 2 định hướng nghiên cứu chế tạo máy gọt, tách thốt nốt. “Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng máy gọt, tách cơ trợ lực nhằm tiết kiệm chi phí cũng như dễ dàng di chuyển, không phụ thuộc vào nguồn điện. Đối với các hộ kinh doanh quy mô lớn nên dùng hệ thống máy bóc, tách lớn sử dụng điện để rút ngắn thời gian sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm”, ông cho biết.
Theo 1thegioi