Nghiên cứu phát hiện, không nhất thiết nhiều tiền mới hạnh phúc

Nhiều người dân bản địa và các cộng đồng địa phương trên khắp thế giới đang có cuộc sống rất hài lòng, bất chấp việc họ chỉ có ít tiền bạc.

Mùa gặt ở Nghệ An. Nguồn: Shutterstock

Đây là kết luận của một nghiên cứu do Viện KH&CN môi trường của trường đại học tự trị Barcelona (Universitat Autònoma de Barcelona ICTA-UAB) thực hiện. Nghiên cứu này đã chứng tỏ, dù ở nhiều xã hội với thu nhập rất thấp nhưng người dân lại có sự hài lòng và vừa ý với cuộc sống ở mức cao một cách khác thường so với những người sống ở các quốc gia thịnh vượng.

Sự tăng trưởng kinh tế thường được coi là cách đảm bảo chắc chắn gia tăng phúc lợi cho những người sống ở các quốc gia thu nhập thấp. Nhiều cuộc điều tra toàn cầu trong những thập kỷ gần đây đã ủng hộ chiến lược này khi chứng tỏ là người sống ở các quốc gia thu nhập cao thường có mức hài lòng với cuộc sống cao hơn những người sống ở các quốc gia thu nhập thấp. Mối tương quan chặt chẽ này có thể dẫn đến một điều là chỉ ở những xã hội giàu có thì người dân mới cảm thấy hạnh phúc.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học ICTA-UAB hợp tác với trường đại học McGill ở Canada thực hiện đã đề xuất: có thể có những lý do chính đáng để nêu câu hỏi hỏi là liệu mối liên hệ này có phổ quát không? Hầu hết các cuộc khảo sát toàn cầu như Báo cáo Hạnh phúc thế giới, thu thập hàng trăm phản hồi từ các công dân sống tại các xã hội công nghiệp, song lại có xu hướng bỏ qua người sống ở các xã hội quy mô nhỏ bên lề các xã hội này, nơi sự trao đổi đồng tiền đóng một vai trò tối thiểu trong cuộc sống hằng ngày và sinh kế phụ thuộc trực tiếp vào tự nhiên.

Nghiên cứu này, được xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) 1, bao gồm một cuộc khảo sát 2.966 người thuộc các cộng đồng bản địa và địa phương tại 19 địa điểm phân bố trên toàn cầu. Chỉ có 64% các hộ gia đình được khảo sát có thu nhập bằng tiền mặt. Các kết quả cho thấy “thật đáng ngạc nhiên là nhiều cộng đồng với các mức thu nhập rất thấp lại cho biết là có các mức hài lòng cuộc sống ở các mức trung bình cao, với các điểm số tương tự như những người sống ở các quốc gia thịnh vượng”, theo nhận định của Eric Galbraith, nhà nghiên cứu tại ICTA-UAB và ĐH McGill và là tác giả đầu của nghiên cứu.

Niềm vui khi đến lớp của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái). Nguồn: QĐND

Điểm số trung bình về sự hài lòng với cuộc sống khắp các xã hội quy mô nhỏ được nghiên cứu là 6,8 điểm trên thang điểm 10. Không phải mọi xã hội đều cho là đang rất hài lòng với cuộc sống – mức trung bình thấp là 5,1 – bốn trong số các địa điểm được khảo sát có điểm số hài lòng trung bình cao hơn 8, điển hình là các quốc gia Scandinavia thịnh vượng ở các cuộc khảo sát khác, “và bất chấp nhiều xã hội thuộc số này đã từng phải nếm trải quá khứ bị gạt ra bên lề và áp bức”.

Những kết quả này phù hợp với quan điểm là các xã hội loài người có thể thúc đẩy con người có được cuộc sống hài lòng mà không nhất thiết phải có sự giàu có vật chất ở mức cao như được đo lường bằng tiền bạc.

“Mối tương quan mạnh vẫn được quan sát giữa sự hài lòng về thu nhập và hài lòng về cuộc sống không mang tính phổ quát và nó chứng tỏ là sự giàu có – vốn được tạo ra ở các nền kinh tế công nghiệp hóa – về cơ bản không nhất thiết đem đến cuộc sống hạnh phúc cho con người”, Victoria Reyes-Garcia, nhà nghiên cứu ICREA tại ICTA-UAB và người dẫn dắt nghiên cứu, nói.

Các phát hiện từ nghiên cứu này là tin tốt cho sự bền vững và hạnh phúc của con người vì nó đem lại bằng chứng thuyết phục là không cần thiết phải có sự tăng trưởng kinh tế dựa trên tài nguyên thì con người mới có thể trải nghiệm và đánh giá tốt được cuộc sống của mình cũng như các lĩnh vực và hoạt động cụ thể trong đời sống (subjective well-being SWB) 2.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, dẫu từ lâu họ đã biết thông tin là người thuộc các cộng đồng bản địa và địa phương có mức độ hài lòng với cuộc sống cao nhưng không thể giải thích được tại sao lại như vậy.

Nghiên cứu trước đây có thể đề xuất, sự hỗ trợ của gia đình và xã hội và các mối quan hệ, tâm linh/tinh thần, và những kết nối với tự nhiên là những nhân tố quan trọng hình thành nên hạnh phúc, “nhưng có thể là các nhân tố quan trọng đó khác biệt một cách đáng kể giữa các xã hội hoặc, ngược lại, một tập hợp nhỏ của các nhân tố lấn át mọi nơi. Tôi hy vọng, việc hiểu nhiều hơn về điều gì làm nên sự hài lòng trong cuộc sống ở những cộng đồng khác nhau có thể giúp những người khác có được cuộc sống hài lòng hơn trong khi có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng bền vững”, Galbraith kết luận.

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://phys.org/news/2024-02-indigenous-local-communities-happiness-doesnt.html

https://studyfinds.org/happiness-doesnt-cost-a-thing/

—————————————————

1. https://www.pnas.org/doi/10.1073/pnas.2311703121

2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK179225/#:~:text=Subjective%20well%2Dbeing%20(SWB),and%20activities%20in%20their%20lives.

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)