Nghiên cứu về chim hót: Suy nghĩ về sự đa dạng của khoa học
Trong hơn 150 năm, các nhà khoa học cho rằng chỉ có ở chim trống mới có tiếng hót nhưng hai thập kỷ vừa qua lại cho thấy ở nhiều loài chim, cả trống lẫn mái đều hót, nhất là ở vùng nhiệt đới. Những kết quả đột phá này được cho là nhờ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu này.
Hình: Cây phát sinh loài của chim biết hót (bộ phụ Passeri thuộc bộ sẻ) cho thấy chim mái hót (màu đỏ) là hiện tượng phổ biến. (Nguồn: Nature 10.1038/ncomms4379).
Người Mỹ thường lý tưởng hoá hình tượng các nhà khoa học là những người quan sát khách quan, không thiên lệch. Nhưng cũng như trong những lĩnh vực khác, người làm khoa học đều bị những thành kiến chủ ý hoặc vô thức tác động. Lĩnh vực nghiên cứu hành vi cất tiếng kêu ở chim cho thấy rõ ràng phương thức làm việc chịu tác động của người thực hiện đến mức nào.
Trong hơn 150 năm, ít nhất là kể từ lúc Charles Darwin viết các công trình về chọn lọc giới tính, các nhà khoa học nhìn chung đều cho rằng tiếng chim hót là tính trạng trống. Quan điểm được chấp nhận rộng rãi là: tiếng chim hót là tiếng kêu phức tạp, kéo dài do chim trống tạo ra trong suốt mùa sinh sản, còn chim mái hót là chuyện hiếm có hoặc bất thường.
Nhưng trong 20 năm vừa qua, nghiên cứu đã cho thấy cả chim trống lẫn chim mái ở nhiều loài đều hót, đặc biệt là ở những khu vực nhiệt đới. Ví dụ, nhóm nghiên cứu của chúng tôi (tác giả K. Omland, E. Rose, và K. Odom) đã nghiên cứu tiếng hót của chim mái và hiện tượng song ca trống–mái ở loài chim Icterus icterus – đây là loài chim biểu tượng quốc gia của Venezuela, có tập tính hót quanh năm để bảo vệ lãnh thổ. Chúng tôi cũng nghiên cứu hành vi hót ở chim mái thuộc loài ôn đới Sialia sialis – chim mái hót để giao tiếp với đối tượng giao phối của mình trong mùa sinh sản.
Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chim mái hót là một hiện tượng phổ biến, và có khả năng là tổ tiên của mọi loài chim có tiếng hót đều có con mái biết hót. Hiện nay, thay vì đặt ra câu hỏi vì sao chim trống ban đầu tiến hoá có được tiếng hót, ta phải hỏi vì sao cả hai giống đều ban đầu tiến hoá có tiếng hót rồi chim mái ở một số loài bị mất đi tính trạng này.
Trong một công bố gần đây, chúng tôi tổng kết 20 năm nghiên cứu hiện tượng chim mái hót và nhận thấy rằng những người đóng vai trò chủ chốt trong những nghiên cứu đột phá này là phụ nữ. Nếu số phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này mà ít hơn trong thực tế vừa qua thì chúng tôi tin rằng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa ta mới có được mức độ hiểu biết như hiện nay về cách thức tiếng chim hót tiến hoá. Chúng tôi coi đây là minh chứng xác đáng nhất cho việc vì sao cần tăng cường sự đa dạng trong mọi lĩnh vực nghiên cứu.
Những tiếng nói mới đưa đến những góc nhìn mới
Từ lâu rồi, phần lớn nghiên cứu về chim biết hót là do nam da trắng ở những nước bắc bán cầu thực hiện. Người làm nghiên cứu ở những nước như Hoa Kỳ, Canada, Anh, và Đức đã tập trung phần lớn công việc của họ vào các loài chim di trú sinh sản ở những vùng ôn đới phía bắc.
Nhưng kể từ thập niên 1990, các nghiên cứu mới xuất hiện đã bắt đầu đi ngược lại những quan điểm cũ. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng những nghiên cứu trước chỉ chủ yếu tập trung vào những khu vực ôn đới, còn thực ra thì con mái ở nhiều loài chim nhiệt đới hót rất cừ khôi. Các nhà nghiên cứu từ đó mới bắt đầu nghiên cứu chim mái dùng tiếng hót của mình ra sao, học hót như thế nào, và vì sao ở một số loài thì chúng lại hoà giọng với đối tác phối ngẫu để tạo ra những bản song ca hoà điệu rất nhịp nhàng.
Chúng tôi lưu ý thấy tác giả viết ra những công trình chủ chốt về hiện tượng chim mái hót này trong những năm gần đây là phụ nữ, và từ đó đặt ra câu hỏi không biết có sự liên quan nào không. Để xem có phải đúng là phụ nữ có xu hướng công bố nhiều hơn về hiện tượng chim mái hót so với đồng nghiệp nam, chúng tôi tìm tất cả những bài báo khoa học đã công bố trong 20 năm qua có cụm từ “tiếng hót chim mái” (“female song”) trong tựa đề hay tóm tắt. Chúng tôi cũng tập hợp các bài báo của các tạp chí đó trong cùng năm nhưng chỉ công bố về “tiếng chim hót” (“bird song”) nói chung.
Đối với mỗi bài báo, chúng tôi đều xác định giới của mọi tác giả cho dù họ đứng tên đầu, giữa, hay cuối cùng. Người đứng tên cuối thường là tác giả chính, chẳng hạn như trưởng nhóm nghiên cứu.
Khi tập trung vào tác giả đứng tên đầu, chúng tôi thấy rằng 68% số bài báo về hiện tượng chim mái hót là do phụ nữ viết, tỷ lệ này trong các bài báo về chim biết hót nói chung chỉ là 44%. Do đó, xác suất nam nghiên cứu chim mái hót là ít hơn nữ 24%, hay nói ngược lại thì khả năng nữ tiến hành nghiên cứu chim mái hót là cao hơn nam 24%.
Các tác giả đứng tên giữa trong các bài báo về chim mái hót cũng có tỷ lệ nữ nhỉnh hơn nam một chút. Tuy nhiên, các tác giả đứng tên cuối vẫn có tỷ lệ nam cao hơn nhiều ở cả các bài báo về chim mái hót lẫn chim biết hót nói chung. Nói cách khác, trưởng nhóm nghiên cứu của những công trình này vẫn có khả năng cao là đàn ông.
Trong các nghiên cứu về chim mái hót, 58% số tác giả đứng tên cuối là nam. Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù lĩnh vực điểu học hiện nay đã khá cân bằng về giới tính, chúng ta vẫn cần có nhiều phụ nữ tham gia hơn ở vai trò lãnh đạo để họ có thể đưa ra những quyết dịnh chủ chốt về hướng nghiên cứu, kinh phí và đề tài cụ thể cho sinh viên.
Các góc nhìn đa dạng giúp thúc đẩy khoa học tiến bộ
Một trong những mục tiêu chính trong nghiên cứu của chúng tôi là nhìn nhận và thúc đẩy các quan điểm đa dạng của những người làm nghiên cứu có xuất thân và bản sắc khác nhau. Tuy vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải nhìn lại ít nhất là 20 năm qua, vì đó là quãng thời gian mà thay đổi cơ bản này diễn ra. Vì nhiều lý do, nhiều tác giả từ thời đó khó có thể liên hệ được trực tiếp.
Trong tương lai, cho phép tác giả tự xác định cho nghiên cứu giới và quyền tác giả trong hàng loạt các lĩnh vực khác có thể sẽ giúp ta có được số liệu về giới chính xác hơn, và cho phép cả những người xác định mình có giới tính không theo những định nghĩa giới nam–nữ thông thường.
Nghiên cứu của chúng tôi về tình hình nghiên cứu chim biết hót đưa ra chứng cứ mạnh mẽ cho việc người làm nghiên cứu là ai, từ đâu đến, và những trải nghiệm của họ có ảnh hưởng như thế nào đến công việc khoa học mà họ làm. Các nhóm nghiên cứu đa dạng hơn sẽ có thể đặt ra những câu hỏi cũng đa dạng hơn, tận dụng những phương pháp khác lạ hơn, và tìm cách xử lý vấn đề từ những góc độ rộng lớn hơn.
Giới tính chỉ là một trong nhiều khía cạnh bản sắc con người có thể ảnh hưởng đến chủ đề, quan điểm tiếp cận, và phương pháp luận cụ thể trong hàng loạt nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau. Nhiều yếu tố khác như màu da, sắc tộc, vị trí địa lý, và vị thế kinh tế xã hội cũng có thể có tác động quan trọng đối với nghiên cứu khoa học.
Những sự việc gần đây đã chứng minh rõ ảnh hưởng của thành kiến chủng tộc trong nhiều lĩnh vực, từ tư pháp hình sự cho đến các hoạt động giải trí ngoài trời. Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng tỏ vì sao việc giải quyết những thành kiến chủng tộc, giới và những kiểu thành kiến khác đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kết quả nghiên cứu, giảng dạy và tiếp xúc với công chúng tại các trường đại học khắp thế giới. □
Nguyễn Trịnh Đôn dịch
—
Ghi chú tác giả:
Kevin Omland là giáo sư sinh học và Evangeline Rose là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Maryland (Mỹ). Karan Odom là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Cornell (Mỹ).
Bài viết này dựa trên công trình vừa công bố trên tạp chí Tập tính động vật (Animal Behavior) do Casey Haines, sinh viên Đại học Maryland, làm tác giả đứng tên đầu. Bài viết cũng có sự trợ giúp của Michelle Moyer, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Maryland.