Ngọt – cuốn hút từ sự chân thật
Sự ra đời của Ngọt thổi một làn gió tươi mới vào đời sống âm nhạc Việt Nam, và nó chứng minh rằng vẫn có những nghệ sỹ trẻ hoàn toàn tự tin vào sự cuốn hút của mình mà không cần tới sự hậu thuẫn của bất kỳ “ông lớn” showbiz nào.
Vì “đã xuất hiện quá nhiều” nên sắp tới, Ngọt sẽ “nghỉ” một thời gian và tập trung sản xuất album thứ hai, theo Vũ Đinh Trọng Thắng. Trong ảnh: Các thành viên của Ngọt hiện nay (từ trái qua): Nguyễn Hùng Nam Anh, Nguyễn Chí Hùng* (guitar lead mới), Vũ Đinh Trọng Thắng, Phan Việt Hoàng – tác giả: Maika Elan.
Người nghe cảm thấy gần gũi với Ngọt dù ban nhạc này chưa bao giờ tổ chức gặp mặt người hâm mộ. Ra đời từ cuối năm 2013, Ngọt chủ yếu được biết đến qua mạng xã hội: Facebook và Soundcloud (dịch vụ upload nhạc và các file audio miễn phí rất thịnh hành trong giới sáng tác nhạc độc lập). Ngọt không có người phụ trách truyền thông chuyên nghiệp, thậm chí thoạt đầu không có người quản lý, các bài hát của họ đều là “sleeper hit”1. Trung bình mỗi bản thu mà Ngọt tải lên – phần lớn là những bản thu trực tiếp từ những buổi biểu diễn ở các tụ điểm âm nhạc – có hơn 56 nghìn lượt người nghe, trong đó có bài gần 200 nghìn lượt người nghe2. Họ cũng có hơn 46 nghìn người “thích” và “theo dõi” trên Facebook. Album đầu tay của họ – “Ngọt” – đã bán hết 1.000 bản đầu tiên chỉ trong vòng bốn ngày.
Ngọt được thành lập bởi ba người sinh năm 1995: Vũ Đinh Trọng Thắng (sáng tác và hát chính, guitar đệm), Nguyễn Hùng Nam Anh (trống, hát bè) và Trần Bình Tuấn (guitar lead). Biết nhau từ khi học cấp Một, đến cuối cấp Hai, họ cùng lập ra một ban nhạc chuyên chơi cover những bài hát nước ngoài, “chỉ là để hiểu hai người chơi tương tác với nhau khác gì so với việc chơi nhạc cụ một mình”, Vũ Đinh Trọng Thắng nói. Một “chị bạn” của Thắng lập ra một sân khấu nhỏ ở quán cà phê của mình cho ban nhạc biểu diễn. Ban nhạc tồn tại không lâu; cho đến khi vào đại học, các thành viên mới tập hợp lại và thành lập Ngọt, tự sáng tác và biểu diễn những bài hát của mình. Cả ba thành viên đều không được đào tạo bài bản về mặt âm nhạc (nhưng mày mò học chơi nhạc cụ từ tiểu học), không xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật và trước khi thành lập Ngọt, họ cũng không tham gia vào các sinh hoạt âm nhạc ở Hà Nội, ngoại trừ Thắng. Hai tay chơi bass của Ngọt đều đến sau khi ban nhạc đã ra đời, trong đó tay bass hiện nay là Phan Việt Hoàng (sinh năm 1991, làm trong lĩnh vực truyền thông).
Nhạc là nhạc thôi
Ngọt không nổi tiếng một cách ngẫu nhiên. Họ có tuyên ngôn âm nhạc riêng. Trước Ngọt, hầu hết các ban nhạc đều hài lòng với việc lặp lại một phong cách rock nào đó và thể hiện sự khác biệt ở cách làm các bài hát phức tạp trong cấu trúc và phô diễn các kỹ thuật chơi nhạc khó. Vũ Đinh Trọng Thắng nhận thức được điều đó rất rõ. Trong quá trình “lê la” làm thành viên của hết ban nhạc này đến ban nhạc khác hồi cấp Ba, “để xem nếu mình làm thủ lĩnh của ban nhạc thì mình cần cái gì, concept như thế nào”, anh cảm thấy “các ban nhạc sáng tác ngày càng ít dần ít dần đi” và rằng ban nhạc rock không nhất thiết phải “giật tóc móc mắt” cũng như rocker hoàn toàn có thể là người bình thường. Mặc dù Ngọt chơi indie rock nhưng Thắng từ chối việc phân định cụ thể dòng nhạc mình theo đuổi. “Tôi muốn xóa bỏ rào cản giữa pop, rock và các nhạc khác bởi vì nhạc là nhạc thôi. Tôi cũng mong mọi người chuẩn bị tinh thần cho sự giao hòa giữa tất cả các thể loại nhạc với nhau vì nhạc hiện đại sẽ là như thế”, anh nói.
Các thành viên của Ngọt nghe và dung nạp nhiều thể loại nhạc, trong đó ảnh hưởng đáng kể đến từ alternative, indie pop/rock, bên cạnh những âm hưởng new wave, dream pop, J-rock. Các đoạn solo guitar chỉn chu và rất “mượt” cho thấy các anh chàng này cũng có nghe blues. Thậm chí những ca khúc như “Xanh” còn cho thấy cả ảnh hưởng của jazz/ bossa nova. Đó là chưa kể đến chất indie folk trong Những chuyến phiêu lưu hay nhạc ska trong Vì Ai, Be Cool, Khắp xung quanh. Trong một buổi diễn live, có khán giả tinh ý nhận ra Thắng có một đoạn solo guitar lấy cảm hứng từ bản psychedelic rock kinh điển Comfortably Numb của Pink Floyd. Ngọt không cần kỹ thuật cao siêu mà vẫn dung hòa được những chất nhạc đa dạng thành một thứ âm nhạc riêng. Họ thoải mái tự tin làm chủ âm nhạc, không cần gồng mình thể hiện bất kì điều gì. Âm nhạc của Ngọt vì thế thật quen, thật dễ chịu mà cũng hết sức mới.
“Ca từ luôn là những bài thơ”
Vũ Đinh Trọng Thắng chia sẻ, “Đúng ra là bọn tôi không biết những kỹ thuật khó để mà phô diễn”. Chất liệu âm nhạc của Ngọt không quá phức tạp, tất cả chỉ dừng lại ở mức vừa đủ. Cấu trúc các bài hát không phá cách, không quá xa rời kết cấu truyền thống verse – chorus – verse. Kỹ thuật trình diễn nhạc cụ không cao siêu. Album của Ngọt thu âm khá “mộc”, không lạm dụng các kỹ thuật của phòng thu. Cách hát tự nhiên, bỏ qua nhiều quy tắc thông thường của thanh nhạc, thậm chí cả quy tắc bỏ dấu khi hát tiếng Việt. Sự tối giản về kỹ thuật là phông nền để phô diễn một sự hấp dẫn khác không thể chối cãi của ban nhạc này: lời ca.
Ngoại trừ bài “Một ngày không mưa” do tay trống và hát bè Nam Anh viết, còn lại ca từ của Ngọt đều do Vũ Đinh Trọng Thắng sáng tác. Cảm hứng của Ngọt đến từ bất kì điều gì mà họ quan tâm: tình yêu mơ mộng hão huyền (Vì ai, Xanh), ký ức tuổi thơ và những chuyến đi (À ơi, Những chuyến phiêu lưu); cảm giác ham chơi, muốn khám phá (Cho tôi đi theo); phản kháng việc bị áp đặt, chụp khuôn (Không làm gì); triết lý về sự lựa chọn trong cuộc sống (Cá hồi); và trên hết, các vấn đề “đau đầu” của tuổi trẻ đều có thể tan biến trong phút chốc khi chơi nhạc (Be Cool). “Bạn chỉ cần một ý tưởng, một gợi ý, một câu khơi mào rồi nuôi dưỡng và phát triển nó thành một bài hát”, Thắng nói trong một buổi phỏng vấn với and of other things – trang web độc lập viết về nghệ sĩ và nghệ thuật ở Hà Nội.
Trao đổi với Tia Sáng, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh không ngần ngại tặng ban nhạc những lời tán dương đầy hào phóng: “Ca từ của Ngọt là hàng đầu vì Just Thắng [Vũ Đinh Trọng Thắng] xuất sắc ở cả thơ vần và thơ tự do.”
“Xanh, mơ một giấc mơ màu xanh, âm nhạc lướt đi thật nhanh, như một thói quen của anh. Con đường màu xanh, xanh màu lá, xanh đại dương, em là nắng anh là sương, không còn nhớ, không còn thương, thiên đường.
…
Chỉ khi con mắt kéo anh vào đêm tối, không có thời gian cho anh từ chối, anh mới nhận ra những gì mình quên lãng, nơi ta gặp nhau đó đây cùng năm tháng, nhiều khi anh đã cố đi tìm vội vã, để có một giây viết nên tình ca, em lặng lẽ đi rất nhanh vượt qua anh, giờ anh nhìn thấy bóng em bên trong màu xanh” – Xanh (trích)
Thắng nắm bắt những cảm xúc lãng đãng và mênh mang của con người và diễn đạt bằng ngôn ngữ hết sức giản đơn, mang tính tự sự cao, như một cuộc trò chuyện với người nghe. “Bước một, đeo tai nghe. Bước hai, bật nhạc của Ngọt lên. Bước ba, nghe. Không có bước bốn”, Thắng trả lời câu hỏi “Làm thế nào để nghe được nhạc của Ngọt?” của một người trên ask.fm. Câu trả lời hiển nhiên nhưng ẩn dưới đó là “lời dặn”: nghe nhạc của Ngọt không cần suy nghĩ. “Các giá trị khác người nghe cứ nghe nhiều là tự thấm qua nhạc và lời hòa quyện một cách xuất sắc”, Nguyễn Thế Hoàng Linh bình luận. Anh cho rằng, người sáng tác trẻ thường bị ảnh hưởng bởi giáo điều của người đi trước nhưng đó không phải là trường hợp của Ngọt.
Sức hấp dẫn của Just Thắng
Trong ban nhạc, Thắng là một thành viên đặc biệt đáng chú ý. Theo Nguyễn Thế Hoàng Linh, chàng trai này “có sẵn bản năng nhạc và thơ nên dễ dàng bơi lội giữa các thể loại”. Thắng luôn cố gắng không lặp lại những gì đã có và càng không lặp lại chính mình. “Thỉnh thoảng tôi vô tình tạo ra một thứ nghe khá giống với những giai điệu đã có sẵn, tôi đành bỏ đi, dù biết có thể tạo ra một bản nhạc hay với nó nhưng tôi không muốn sự lặp lại. Có lẽ nếu một ngày nào đó ngẫu nhiên tạo ra được những giai điệu tương tự như Canon [của Pachelbel], tôi cũng phải bỏ qua nó” – Thắng trả lời phỏng vấn and of other things.
Không chỉ có sức sáng tác tốt (nhiều lần trao đổi với báo chí, Thắng cho biết số bài hát chưa tung ra của anh dư sức lấp đầy hai album nữa), Thắng còn là “bộ mặt” của ban nhạc trên sân khấu. Theo lời kể của phóng viên tự do người Anh ở Hà Nội, Eliza Lomas, trong lần biểu diễn cách đây ba năm tại tụ điểm âm nhạc CAMA ATK do cô quản lý, các thành viên của Ngọt cực kì lúng túng trên sân khấu, Thắng là người duy nhất không nhìn vào nhạc cụ của mình mà nhìn vào khán giả.
Khi biểu diễn, Thắng có vẻ lãng tử, phóng túng (rất hút các fan nữ) nhưng quan trọng là sự tự nhiên sống với âm nhạc giúp cho Thắng làm chủ sân khấu và kết nối với khán giả rất dễ dàng. Thắng kiệm lời nhưng cũng đủ để khán giả vui bằng sự hóm hỉnh và hài hước của mình. Không chỉ vì thứ âm nhạc của Ngọt là âm nhạc chia sẻ, đối thoại, truyện trò mà còn bởi cách biểu diễn ngẫu hứng và khoáng đạt của Thắng khiến cho Ngọt diễn live hay hơn so với bản thu.
Tương lai của ban nhạc dường như phụ thuộc nhiều vào Thắng. Sau khi ra album đầu tiên, Trần Bình Tuấn đã rời Ngọt để chuẩn bị đi du học và vị trí guitar lead được dành cho một người mới là Nguyễn Chí Hùng. Việc người đến rồi đi, với Thắng là chuyện hết sức bình thường mặc dù “tôi sợ nhất là không có ban nhạc”. “Nhưng ngay cả khi không có ban nhạc, tôi vẫn hát và sáng tác”, anh nói.
Thắng coi đàn ca là sự nghiệp của mình, mặc dù với rất nhiều người, kể cả những ban nhạc rock đã và đang nổi tiếng, việc kiếm sống từ nghề này là một điều mơ hồ. Từng ở trong nhiều ban nhạc được lập ra để chơi cho vui, song giờ đây với Thắng, tư tưởng đó quá nguy hiểm vì nó luôn đi đôi với nguy cơ giải thể ban nhạc. Nhiều người hỏi về nguồn gốc cái tên Ngọt, nhưng với Thắng, nó không có nhiều ý nghĩa. “Họ [nhiều ban nhạc] cố nghĩ ra cái tên như thể nó là quan trọng nhất. Nhưng tôi nghĩ ra tên của ban nhạc rất nhanh, quan trọng là giữ ban nhạc được lâu. Một cái tên ý nghĩa nhưng không giữ ban nhạc được lâu thì cũng chẳng để làm gì”.
Bài viết được thực hiện với sự đóng góp nội dung của Nguyên Hải (Chủ biên tạp chí Rock Vision, 2003 – 2005) và đạo diễn điện ảnh Hữu Tuấn.
————
1 Thuật ngữ chỉ những sản phẩm nghệ thuật được đón nhận nồng nhiệt trong một thời gian dài mặc dù nhà sản xuất truyền thông rất ít hoặc không truyền thông.
2 Ca sĩ Trung Quân, vốn nổi tiếng trên soundcloud, cũng chỉ có lượng người nghe trung bình là hơn 42 nghìn lượt/bản thu âm.
* Sửa lại phiên bản báo in là Nguyễn Chí Hiếu