Người nghệ sĩ đằng sau mật mã không thể phá vỡ

Hơn một thế kỉ đã trôi qua, nhưng những gì nhà soạn nhạc Edward Elgar để lại vẫn khiến các nhà mật mã phải đau đầu.

Đó là năm sẽ diễn ra đại lễ kim cương của nữ hoàng Victoria (đánh dấu 60 năm trị vì của bà), năm 1897 với viễn cảnh nước Anh đầy hi vọng và vinh quang. Mùa hè năm ấy, Edward Elgar, người được coi như nhà soạn nhạc hàng đầu đất nước, tròn 40 tuổi. Để chuẩn bị cho lễ kỉ niệm, ông đã viết The Imperial March (hành khúc đế vương), tiền thân cho bản Pomp and Circumtance (hành khúc uy phong và lộng lẫy” mà rồi sẽ khiến ông trở nên nổi tiếng. Trước đó, ông đã trình bày bản King Olaf, khởi đầu cho một loạt bản hợp xướng và giao hưởng sẽ đưa ông trở thành một tên tuổi xuất sắc như The Dream of Gerontius (Giấc mơ của Gerontius) và Variations on an Original Theme (Enigma), được biết đến dưới cái tên Enigma Variations (Biến tấu Enigma).
 
Thư gửi Dorabella
 
Tháng 7 năm ấy, Elgar đang viết một bản nhạc dành cho lễ hội, Te Deum và Benedictus. Ông làm việc trong một chiếc lều lớn đặt giữa khu vườn nhà ông ở Malvern, miền Nam nước Anh, nơi ông sống cùng với vợ và con gái. Một ngọn cờ được cắm trên nóc lều ám chỉ nhà soạn nhạc đang làm việc. Bên trong, giữa ngổn ngang các bản nhạc, Elgar làm việc điên cuồng, chỉ thỉnh thoảng ngừng lại để phóng tầm mắt nhìn ra những ngọn đồi và tàn tích của người Celt thời kì Trung cổ cách đó 40 dặm, mà vẫn luôn là niềm cảm hứng cho ông.
Elgar có vẻ ngoài là một người hiền lành với vóc dáng cao, gầy và bộ ria độc đáo. Ông là con trai của một người lên dây cho đàn piano, hoàn toàn tự học âm nhạc “từ hòa âm đến fugue”. Ông là một người luôn vội vã và đầy mâu thuẫn, say mê nhưng cũng liên tục chán nản âm nhạc, luôn bị giằng xé giữa sự phấn kích và tuyệt vọng, và có một nỗi ám ảnh khôn nguôi với mật mã, câu đố và những “chuyện thần thoại dân gian”, theo như nhà phê bình âm nhạc và người bạn lâu năm Ernest Newman của ông viết.
Vào ngày 14 tháng 7, sau chuyến viếng thăm vào cuối tuần trước tới nhà vài người bạn của gia đình, Elgar đã đưa cho vợ mình, Alice, một tờ giấy trông giống như một bức vẽ hoặc một bức thư nguệch ngoạc để đính kèm vào lá thư cảm ơn. Nó được dành cho Dora Penny, một người hâm mộ ông cuồng nhiệt, 23 tuổi, thành viên của nhóm hợp xướng địa phương và thích nhảy đầm. Họ đã biết nhau khoảng một năm rưỡi nhưng cô không phải là tình nhân của ông. Đúng hơn, cô chỉ là người giải khuây, giống như một nàng bướm Aquarian sặc sỡ bay cùng khi ông đạp xe, thả diều, dạo qua những bụi cỏ xanh mướt và hoa chuông tím ở Malvern. Cô là một người không chỉ đọc nhạc đủ tốt để có thể giúp ông lật trang của bản nhạc trên đàn piano khi biểu diễn mà còn là người ông có thể nói về bản đồ, về thời trang cũng như đội bóng Wolverhampton Wanderers yêu thích của ông. Ông đặt biệt danh cho cô là Dorabella.
Những dòng chữ viết nguệch ngoạc của Elgar thực ra là một mật mã. Nó bao gồm 87 kí tự, trải đều trên ba dòng. Nó chứa 24 biểu tượng khác nhau, mỗi biểu tượng có một, hai, ba nét móc hoặc đường cong. Các kí tự có thể có tám góc nghiêng khác nhau. Dora thoạt nhìn không hiểu chúng có ý nghĩa gì, cô cất vào ngăn tủ và không hề nhìn tới nó trong 40 năm sau. 

Những dòng chữ nguệch ngoạc đó gọi là mật mã Dorabella, một trong những bí ẩn vẫn chưa có lời giải đáp, bên cạnh những câu đố nổi tiếng khác như Bản thảo Voynich (một bản mã 240 trang có từ thế kỷ 15), Đĩa Phaistos (một mảnh đất sét có vẻ như bằng đồng được tìm thấy ở Belarus năm 1908) và mật mã Zodiac Killer của thập niên 1960 và 1970. Vô số nhà mật mã học đã cố gắng dùng các công cụ toán học hoặc phân tích để bẻ khóa Mật mã Dorabella và một vài trong số họ tự nhận mình đã giải quyết được nó.  Tuy nhiên, Hiệp hội Elgar (một tổ chức thiện nguyện thành lập từ năm 1951 nhằm quảng bá cho âm nhạc của Elgar) không cảm thấy thuyết phục. Họ muốn một lời giải hiển nhiên và rõ ràng đến mức bất kì một người hâm mộ Elgar nào cũng phải nhìn nhau gật gù: “Ồ đúng rồi, tại sao trước đó mình không nhìn ra nhỉ?”

Thế nhưng dường như Mật mã Dorabella lại mang tính chủ quan, mỗi người có thể diễn giải theo một kiểu, đi ngược lại hoàn toàn quan niệm truyền thống cho rằng việc giải mã thuần túy chỉ là vấn đề toán học, chỉ có một đáp án duy nhất đúng. Chính vì vậy, là một mật mã nhưng Dorabella lại mang bản chất của một câu đố tuyệt vời. 
Marcel Danesi, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Toronto và là tác giả của quyển sách “Bản năng giải đố: Ý nghĩa của những câu đố trong đời sống con người” (The Puzzle Instinct: The meaning of Puzzles in Human Life”) cho rằng việc giải mã những câu đố như mật mã Dorabella cũng giống như tìm câu trả lời cho những vấn đề lớn trong triết học hay khoa học, đó là một quá trình “dẫn đến sự sáng tạo và một sự hiểu sâu sắc hơn về thế giới.”
Nghệ sĩ bản chất đã là những người tạo ra câu đố. Trong các tác phẩm của họ luôn có các yếu tố khiến chúng ta phải đau đầu ghép chúng lại, tìm ra các hình mẫu và các ý nghĩa, khuấy động trí tưởng tượng của chúng ta. Elgar, một nghệ sĩ hoàn hảo, thích giải đố và gây tò mò cho bạn bè cũng như khán giả của mình. Dù đáp án của nó là gì đi chăng nữa, một điều chắc chắn về Mật mã Dorabella là nó sẽ được mở theo “tinh thần Elgar”.
 
Elgar và sở thích với mật mã
 
Minh chứng rõ ràng nhất cho nỗi ám ảnh của Elgar với việc tạo ra và duy trì những bí ẩn chính là bản nhạc Biến tấu Enigma, ra mắt vào năm 1899. Tác phẩm dài 32 phút, dành cho organ và dàn nhạc, là một loạt các phác thảo âm nhạc, có chứa mật mã ám chỉ những người ông quen, trong đó có cả chú chó bull của một người bạn và Dora. Sau này trong cuốn sách hồi kí của mình, Dora nói cô cảm thấy một cơn lốc của niềm vui, niềm tự hào và gần như xấu hổ khi biết ông có thể viết một bản nhạc đáng yêu như vậy về cô… Dù ban đầu Dora không hiểu ý nghĩa của bạn nhạc đó, nhưng sau này chúng ta đều biết cô cũng là nạn nhân của sự “hài hước thâm sâu” của Elgar, bởi vì ông ghi lại cả kiểu dậm chân khi lo lắng của cô trong bản nhạc. 
Mật mã Dorabella đã đi vào biên niên sử của ngành mật mã học dù ban đầu nó chỉ xuất hiện trong phần phụ lục của cuốn hồi kí của Dora với lời chú thích rằng, cô không có, dù chỉ một chút ý niệm về ý nghĩa của lời nhắn đó. 
Trong thực tế, mật mã Dorabella là một tin nhắn mã hóa cổ điển. Có vẻ như, mà mỗi kí tự trong tin nhắn tượng trưng cho một hoặc vài chữ trong một bảng chữ cái nào đó. Ngay từ đầu, các nhà giải mã đã phải đối mặt với hai trở ngại cơ bản. Một là vấn đề về tần suất: trong bất cứ ngôn ngữ nào, một vài chữ cái hoặc kí tự được sử dụng phổ biến hơn, và dựa vào đó chúng ta có thể bắt đầu quá trình phân tích mã. Tuy nhiên với Dorabella, chúng ta không có đủ chữ cái để mà phân tích. 
Thứ hai chính là mối quan hệ giữa người gửi và người nhận: Elgar quen biết Dora được 20 tháng và đã từng gửi cho cô hai bức thư khác trong thời gian đó. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông từng gửi cho cô bất kỳ mật mã nào khác, trước hoặc sau tháng 7 năm 1897. Hơn nữa, Elgar không cố gắng che giấu mật mã (thể hiện bằng việc ông đưa nó cho vợ mình để nhờ giao cho Dora). Tại sao ông lại gửi một câu đố như vậy cho một người quen biết bình thường, người mà chẳng hề có hứng thú giải mã nó? Chẳng lẽ ông đang cố gắng giấu Dora điều gì? 
“Lời giải” đầu tiên được đưa ra vào năm 1970 bởi Eric Sams, một thần đồng đã theo học ở Cambridge vào năm 16 tuổi, sau đó làm việc trong ngành tình báo Anh trong Thế chiến II và rồi trở thành một học giả Shakespeare, một nhà âm nhạc học nổi tiếng. Ông đặc biệt chú ý đến cách các nhà soạn nhạc như Schumann và Brahms dùng mật mã trong âm nhạc của họ. Sams đã đề xuất một giải pháp cho Mật mã Dorabella dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp. Sams đã nghĩ ra một chìa khóa để liên kết các biểu tượng trong mật mã của Elgar với các nguyên âm và phụ âm (dựa vào tần số của chúng, hình dáng và góc quay). Với chiếc khóa đó, ông đề xuất một đáp án cho mật mã như sau: 
Mở đầu: Chim sơn ca! Nơi đây nhưng một chiếc áo choàng đã che khuất những chữ cái mới của tôi, A, B (alpha, beta – chữ cái Hy Lạp hay alphabet) 
Phía dưới: Tôi làm chủ bóng tối khiến E.E thở dài khi em rời xa tôi.
STARTS: LARKS! IT’S CHAOTIC, BUT A CLOAK OBSCURES MY NEW LETTERS,
A, B (alpha, beta, i.e., Greek letters or alphabet)
BELOW: I OWN THE DARK MAKES E.E.
SIGH WHEN ARE YOU ARE TOO LONG GONE.
Trong một chú thích, Sams viết “dòng suy nghĩ” dẫn đến lời giải của ông – “hỗn loạn, áo choàng, che đi, chữ cái, alphabet, bóng tối” cùng với biệt danh mà Dora đặt cho Edvard Elgar “E.E”, khiến cho lời giải của ông thật sự mang phong cách Elgar. 
 
Những nỗ lực vô vọng
 
Dù đáp án của Sam vẫn được coi là rất tốt, nếu không nói là đúng nếu đặt trong tương quan với nhiều lời giải cho mật mã Dorabella khác thì vẫn có thêm nhiều nỗ lực đi tìm câu trả lời hoàn hảo cho câu đố của Elgar. Vào năm 2007, các anh tài giải mã Dorabella lại hội tụ khi Hiệp hội Elgar đã tổ chức một cuộc thi để tìm ra ý nghĩa đằng sau bức mật mã nổi tiếng, hứa hẹn 1.500 bảng Anh cho người chiến thắng. Kevin Jones, giáo sư hồi hưu của Đại học Âm nhạc Kingston, London, chủ tịch hội đồng giám khảo, tuyên bố rằng lời giải phải “có phương pháp” và “thật hiển nhiên”
Có bảy đáp án với nỗ lực nghiêm túc, chúng đi theo một trong hai chiến lược sau. Một là cách giải mã truyền thống, sử dụng một bảng thay thế (để biết cách đối chiếu từ ký tự trong bức thư của Elgar với các chữ cái trong bảng alphabet) và một danh sách các chữ cái tùy ý (mà Elgar thích dùng) để dịch thành văn bản vừa đọc được, vừa gần với ngụ ý của Elgar. Cách tiếp cận khác là xây dựng trước một quá trình giải mã khả dĩ, rồi dò ngược lại xem quá trình đó có đúng không.
Một giải pháp tương đối hấp dẫn đến từ Tim S. Roberts, một giảng viên tại Đại học Central Queensland ở Úc, và là một người giải đố kỳ cựu. “Tôi có chỉ số IQ đạt hơn 170”, Roberts nói với Nautilus qua một email, “nhưng thật không may, ngoài việc giải đố ra, tôi lại vô dụng trong hầu hết các việc khác”. Roberts tiếp cận mật mã Dorabella một cách khá thực dụng. Ông cho rằng thông điệp này không mấy quan trọng; nó được viết bằng tiếng Anh; và, xem xét xu hướng viết nhạc rất nhanh của Elgar, bức mật mã có thể có lỗi. Ông cũng cho rằng đây phải là một thông điệp đơn giản do Dora thiếu kiến thức về mật mã. Từ đó, ông đã áp dụng cách tiếp cận dùng bảng thay thế, nhưng với một điểm khác biệt so với chiến lược truyền thống. Nếu thông thường một ký tự chỉ tượng trưng cho một chữ cái, Roberts quyết định rằng hai ký tự có thể đại diện cho cùng một chữ cái – một kỹ thuật đã được sử dụng để giải mã các biểu tượng của người Maya. Cuối cùng, Roberts tìm ra tên “Penny” trong một nhóm các ký tự và đưa ra chìa khóa để giải mã “Bà Penny, viết mật mã thật là một công việc bận rộn.”
Ông áp dụng vào bảng chữ cái của mình và đưa ra đáp án như sau: 

Tái bút: Bây giờ, nhặt hết những hạt giống màu be trong đó – hoàn toàn ngu ngốc – trên khắp cả một cái giường ! Luigi Ccibunud trìu mến lên dây hai lần cho studio của Liuto.

P.S. Now droop beige weeds set in it—pure idiocy—one entire bed! Luigi Ccibunud lovingly tuned Liuto studio two.
Theo Roberts, đáp án chỉ đơn giản là đặt hai dòng suy nghĩ lại gần nhau, một ý nghĩ liên quan đến làm vườn, vì điều đó đã được nhắc đến trong cuốn hồi ký của Dora chỉ vài ngày trước đó, và ý nghĩ thứ hai là theo một bản nhạc được viết bởi một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến Elgar thời điểm đó (Luigi Cherubini). Có lẽ ba sở thích lớn nhất của Elgar vào thời điểm này là, theo thứ tự, âm nhạc, câu đố và làm vườn, thật thú vị khi thông điệp đặc biệt này có liên quan đến cả ba!
Một đáp án đáng chú ý khác đến từ Tony Gaffney, một nhà mật mã nghiệp dư, người đã giải được một số mật mã rất khó. Ông khẳng định Elgar đã tạo ra một khóa chữ cái cho các ký hiệu của mình dựa trên sơ đồ giống như đồng hồ trong một trong những cuốn sổ tay của ông. Với khóa đó, theo Gaffney , các ký hiệu sẽ được đọc như sau:
BLTACEIARWUNISNFNNELLHSYWYDUO
INIEYARQATNNTEDMINUNEHOMSYRRYUO
TOEHO’TSHGDOTNEHMOSALDOEADYA
Gaffney lưu ý rằng Elgar yêu thích và thường sử dụng cách phát âm  (Ví dụ như Dorabellllla yêu dấu của tôi, bao nhiêu chữ llll cho đủ), và nói ngược, ví dụ như từ “cipher” (mật mã) trở thành “crehpi”. Áp dụng cách nói ngược, và có tính đến cách phát âm, Gaffney chắc chắn với đáp án của mình: 
B (Bella) mèo mun là thứ chiến tranh sử dụng? Những vỏ trứng của gà mái là lí do tại sao
nhà sưu tầm cổ vật kéo gấu áo em, xin lỗi em
Ôi chúa ơi, tôi tạm biệt E (Elgar)
B (Bella) hellcat i.e. war using ?? hens shells is why your
antiquarian net diminishes hem sorry you
theo oh ‘tis God then me so la do E (Elgar) Adieu
Trong lời giải thích của mình, Gaffney viết: “Câu đầu tiên chẳng có ý nghĩa gì với tôi cho đến khi tôi nhớ mình đã đọc một câu trong lá thư Elgar gửi Dora Penny ngày 24/9/1898: “… và Chủ nhật nào đó tại Wolverhampton, em có thể đãi chúng tôi trà và trứng rán như dạo trước”.
Sau khi phân tích các đáp án, Giáo sư Johns và ban giám khảo không tìm ra câu trả lời nào thắng cuộc, dù John có đánh giá cao một số người tham gia có “tham vọng đầy ấn tượng và những phân tích sâu sắc”. Nhưng ông không ấn tượng với cách diễn giải dựa trên cách phát âm của các chữ cái hay các từ. Những đáp án đó, ông viết, “đọc lên giống như một chuỗi âm thanh kì quặc, cứ như một đầu óc ảo tưởng tự gộp đại những chữ cái ngẫu nhiên với nhau, và không có ý nghĩa gì mấy”.  (Gaffney dĩ nhiên không dễ gì thừa nhận mình bị hạ gục. “Hiệp hội Elgar là cái thá gì mà dám nói lời giải của tôi là sai? – Anh viết cho Nautilus qua email).
Nick Pelling, một lập trình viên người Anh, người có hẳn một trang web nổi tiểng và một cuốn sách tự xuất bản về mật mã, đã đưa ra lý do tại sao giải pháp do Roberts và Gaffney đề xuất khó có thể thành công. Họ đưa ra “một nỗ lực rất phức tạp để giải mã, nhưng đó không phải là lời giải trọn vẹn tí nào cho bí ẩn lịch sử này. Và chúng ta cần phải giải quyết cả hai cùng một lúc.” 

Pelling đã tin rằng mật mã Dorabella thực sự là một hiệu ứng văn bản giấu tin (stegotext) phi toán học, một mật mã đồ họa, một hình ảnh. Ông chú ý đến việc Elgar gọi ngôi nhà ở Malvern của mình (và dùng nó trong địa chỉ) là Forli theo tên của một họa sĩ người Ý thời Phục hưng đầu tiên vẽ tranh thiên thần. Sử dụng từ đó, Pelling đã đưa ra phương án cho phần đầu của bức thư:
Pelling đã không tiếp tục giải mã nhưng ông cho rằng mật mã thật ra là một câu đố hình ảnh của Elgar hơn là một mật mã truyền thống. Có thể nó đơn giản chỉ ám chỉ đến một địa điểm nơi Elgar và Dora gặp nhau mấy ngày trước đó, nhưng Dora đơn giản là không nhìn sự việc theo hướng đó. 
***
Thật lạ lùng khi Dora Penny không hề quan tâm đến bức thư mà Elgar gửi cho cô, mà hai năm sau sau đó, cô có phản ứng hoàn toàn ngược lại với những bí ẩn âm nhạc có liên quan đến biến tấu Enigma. Cô viết trong hồi ký: “Tôi gần như thức dậy vào ban đêm để suy nghĩ và bối rối, và tất cả đều không vì mục đích gì cả”. Thật vậy, đã có lúc cô trở nên khó chịu và đi gặp Elgar, yêu cầu được biết bí mật. Có phải chủ đề là bản nhạc Auld Ang Syne? Hay bản nhạc nhắc đến Mozart ? Ông nhìn cô theo kiểu nửa nóng nảy, nửa bực tức và búng tay, nhưng rồi sau đó lại chỉ nói đơn giản: “Cô phải tự mình tìm ra.” 
Julian Lloyd Webber, một nghệ sĩ cello nổi tiếng và là em trai của nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber, là chủ tịch của Hiệp hội Elgar. Ông coi mật mã, và tất cả các khía cạnh khác của những bí ẩn xung quanh Elgar, là bản chất của nhà soạn nhạc. “Tôi nghĩ ông luôn muốn kích thích trí tò mò và đánh đố mọi người, biết trước rằng họ sẽ nhắc đến ông – thời điểm các tác phẩm ra đời và rất lâu sau này nữa”, Lloyd Webber nói. “Ông cũng là một người tinh quái. Ông thích chơi khăm mọi người, và một trong những trò đó là gửi cho cô gái tội nghiệp một mật mã mà ông thừa biết rằng cô hoàn toàn không thể giải nổi”.□
Hạnh Duyên dịch

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)