Người nghèo là một động lực tăng trưởng

"Nến kinh tế toàn cầu hóa đang phớt lờ 5 tỷ người tiêu dùng. Các tập đoàn phương Tây đang bỏ qua thị trường cỡ bạc tỷ. Họ chỉ quan tâm đến tầng lớp giầu có ở Trung Quốc và Ấn Độ - đáng ra họ phải tìm cách thu hút người nghèo và coi họ là khách hàng của mình. Nếu biết làm ăn với người nghèo, các bên đều có lợi...”. Đó là ý kiến của Giáo sư ĐH Michigan Coimbatore Krishnan Prahalad, người Ấn Độ, từng là cố vấn cho nhiều tập đoàn như AT&T, Cargill, Citicorp, Oracle, Unilever, và được coi là một trong những nhà quản trị kinh doanh hàng đầu. Ông vừa trả lời phỏng vấn tạp chí Spiegel nhân dịp cuốn sách “Sự giàu có của thế giới thứ ba” của ông xuất bản bằng tiếng Đức.

Thưa giáo sư hàng triệu người Trung Quốc và Ấn Độ đang sống trong hoàn cảnh nghèo khổ – những người giàu có ở nước này vui mừng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước. Vậy điều có gì  ngăn trở không cho số đông được thụ hưởng sự thăng tiến này?
Đây không phải là vấn đề của Ấn Độ hay Trung Quốc mà là một vấn đề diễn ra rộng khắp trên thế giới. Nền kinh tế toàn cầu đang phớt lờ 5 tỷ người, những con người này không xuất hiện trên màn hình radar của các tập đoàn kinh tế thế giới. 80% dân số thế giới không được coi là khách hàng của họ. Ngay cả những doanh nghiệp mệnh danh là doanh nghiệp toàn cầu cũng mắc phải sai lầm này.  Người nghèo cũng muốn được tiêu dùng, được thụ hưởng kết quả của toàn cầu hóa và tăng trưởng. Họ cũng muốn vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thật là sai lầm nếu cho rằng người nghèo không thể mua sắm gì cả.

Giáo sư từng nói, nền kinh tế tư nhân có thể giải quyết tình trạng này thậm chí còn kiếm được lợi lộc nữa. Vậy tại sao thị trường lâu nay lại không có những hoạt động theo nhận định này?
Cũng đã có những dấu hiệu. Tôi tin rằng điều này sẽ được giải quyết ổn thỏa. Nếu như 5 tỷ người sẵn sàng mua những vật dụng thường ngày với mức giá phải chăng thì đây là những khả năng không tưởng đối với các nhà doanh nghiệp. Vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp phải biết tung ra thị trường những sản phẩm thích hợp. Qua đó sẽ mở ra những thị trường mới và từ đó sẽ tạo ra một sự tăng trưởng mạnh mẽ  đối với nền kinh tế thế giới…

Trong cuốn sách “Sự giàu có của Thế giới thứ ba”,  giáo sư thậm chí còn yêu cầu, phải nhận thức được rằng, những người nghèo nhất trong số những người nghèo – nghĩa là những người không kiếm nổi quá 2 đôla một ngày – là động cơ tăng trưởng.  Những người chỉ trích giáo sư cho rằng, với sự thay đổi quan niệm như trên, người nghèo dễ trở thành con mồi cho các tập đoàn.
Ai khẳng định như vậy thì thật vô cùng sai lầm. Vấn đề ở đây không phải là bóc lột hay bị lợi dụng. Vấn đề ở đây là liệu người nghèo có thể mua và tiêu thụ các sản phẩm như  các loại  shampoo (dầu gội đầu), xà phòng, thực phẩm và quần áo hay không. Liệu họ có thể kham nổi các hàng hóa có chất lượng tốt? Họ có quyền tự quyết định mua hay không mua mặt hàng nào đó – điều này đối với chúng ta cũng vậy thôi. Một số doanh nghiệp đã nhận ra điều đó. 70% sản phẩm dầu gội đầu bán tại thị trường Ấn Độ là loại đóng gói trong túi nhỏ chỉ sử dụng một lần. Những sản phẩm như thế thì người ít tiền cũng có thể mua được. Đối với các loại như chè, cà phê và cả thuốc aspirin cũng phải làm như vậy. Người nghèo có kiểu tiêu dùng của họ. Họ chỉ mua đủ để dùng, họ không dư giả để dự trữ. Các nhà sản suất hàng tiêu dùng dần dần đã nhận thức được điều này.

Những người nghèo nhất trong số người nghèo là khách hàng của các tập đoàn lớn giàu có – những người phê phán GS không thể chấp nhận quan điểm trên.

Tôi biết các ý kiến đó, nhưng giải pháp thay thế là gì? Phải chăng là người nghèo hãy tiếp tục ở trong những căn lều rách nát của họ, không được sử dụng shampoo, không được uống cà phê, không mua nổi thuốc chữa bệnh cho mình? Họ muốn nói như thế chứ gì? Họ sử sự như vậy là không công bằng và không thể giải quyết được vấn đề này.

Sự lo lắng ở các nước công nghiệp ngày càng lớn hơn một khi nhu cầu đối với những sản phẩm rẻ tiền tăng lên thì công ăn việc làm sẽ lại càng bị đưa sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc.
Chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển này và không phải chỉ có sự dịch chuyển lao động- xu hướng du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chữa bệnh ngày càng phát triển. Người Mỹ, người Châu Âu bay sang Ấn Độ để thực hiện các ca phẫu thuật, tại đây họ được điều trị hết sức hoàn hảo và được lưu trú dăm ba ngày trong những khách sạn sang trọng. Chi phí điều trị lại chỉ bằng hai phần ba so với trong nước. Ở Mỹ các hãng bảo hiểm y tế còn trả thêm tiền thưởng cho các bệnh nhân sang Ấn Độ phẫu thuật vì mỗi ca như vậy họ có thể tiết kiệm được 60.000 đôla. Hơn nữa tại sao người ta lại phải chi 200 đôla để mua một cái DVD trong khi cũng chất lượng ấy, mua máy của Trung Quốc sản xuất chỉ hết 30 đôla? Thế giới ngày nay đang đổi thay.

Nhờ ông Muhammad Yunus, một người vừa được giải thưởng Nobel Hòa bình, quan niệm kinh tế phục vụ người nghèo được nhiều người trên thế giới biết đến…
Đây là một ví dụ điển hình. Yunus đã thành lập Ngân hàng Grameen ở Bangladesh để giúp người nghèo, nhất là phụ nữ , để họ có thể vay những khoản tín dụng nhỏ làm vốn sản xuất kinh doanh.  Các vị đã nghe về những kết quả đạt được! Ngay cả chị em phụ nữ  Hồi giáo ở Bangladesh cũng có thể tự mình đứng ra lo cho cuộc sống của mình. Trong khi đó ngân hàng này lại kinh doanh có lãi và cho dù lãi suất có cao tuy vậy  dù sao cũng thấp hơn nhiều so với vay của tư nhân với lãi suất cắt cổ.

Phải chăng đây là một trường hợp thành công cá biệt?
Một ví dụ khác là thị trường điện thoại di động. Đến năm 2010 sẽ có 3 tỷ người có điện thoại di động. Riêng ở Ấn Độ cứ mỗi tháng lại có thêm 5 triệu người sử dụng điện thoại di động! Tại Nam Phi, Mỹ La tinh và ở Châu A, số người sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng.  Họ đâu phải chỉ toàn những người giàu có. Ngành Viễn thông đã nhận thức được tiềm năng tăng trưởng của ngành này thực sự khổng lồ  nếu như thu hút được đông đảo người nghèo. Họ chào bán thẻ trả trước với mức giá thuận lợi và nhiều nước còn có cả dịch vụ cho thuê điện thoại di động.

Điều này có thể áp dụng đối với tất cả các ngành không?
Chúng ta phải chấp nhận người nghèo cũng là khách hàng  có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, cho dù đó chỉ là tài khoản ngân hàng với vài đôla hoặc một thiết bị điện tử  hiện đại. Chúng ta phải nhận thức được thị trường to lớn này và chúng ta sẽ kiếm được tiền từ thị trường đó. Người nghèo thường rất có ý thức trách nhiệm – có điều người ta không cho họ cơ hội để họ chứng minh ý thức trách nhiệm đó.

Điều đó có thể diễn ra ở Ấn Độ hay Trung Quốc – nhưng ở những nơi khác thì sao?

Điều này cũng sẽ diễn ra ở Brazin, Nga, Nam Phi và nhiều quốc gia khác. Có lẽ điều này chỉ không thể diễn ra ở Darfur, một tỉnh đang bị khủng hoảng nghiêm trọng ở Sudan. Điều này không thể diễn ra ở Darfur vì ở đó thiếu hạ tầng cơ sở một cách nghiêm trọng. Nhưng trên thế giới có tới 3 tỷ người sinh sống ở những vùng có hạ tầng cơ sở hơn nữa còn có cả luật lệ và các quy định. Tại sao người ta lại không tìm những giải pháp mới để chống nghèo đói?

Vậy các doanh nghiệp cần chú ý điều gì?

Bất cứ ngành nào, các doanh nghiệp không được xem người nghèo là những người không có tài sản gì cả mà phải coi họ là người tiêu dùng –  người tiêu dùng cỡ nhỏ. Tất nhiên đối với mức sống của phương Tây thì  2 đôla là ít.  Nhưng người Ấn Độ sống theo hình thức đại gia đình. 5 người, mỗi người mỗi ngày tiêu 2 đôla vị chi là 300 đôla một tháng, 3600 đôla một năm. Đối với Ấn Độ đây là một khoản tiền lớn. Với khoản tiền đó người ta có thể mua tủ lạnh, tivi và nhiều hàng tiêu dùng thông thường.

Nhưng chẳng may bị ốm đau hay giá lương thực thực phẩm tăng đột biến thì số tiền đó quá ít để có thể tồn tại.
Tuy vậy người ta vẫn cứ phải bắt đầu có cái gì đó để bán và thu được tiền của họ. Các vị hãy tưởng tượng 2 đôla hiện nay sẽ biến thành 4 đôla mỗi ngày. Đối với điều kiện của Tây phương thì khoản tiền này vẫn quá nhỏ nhoi – nhưng thực chất đây lại là một sự tăng trưởng một trăm phần trăm.  Mức tăng này là một sự tiến bộ vượt bậc với những người nghèo khổ này, và đây sẽ là một sự tăng trưởng mà thế giới chưa từng được chứng kiến.

Nhưng cho dù mỗi ngày có được 4 đôla thì người ta cũng còn lâu mới dành dụm đủ để mua được một chiếc ô tô.
Đây là suy nghĩ sai lầm của nhiều người. Chúng ta chỉ nghĩ về chiếc ô tô – chứ không nghĩ về sự cơ động. Không phải mọi người đều cần có một chiếc ô tô riêng. Nhưng ai cũng muốn có điều kiện cơ động. Chúng ta cần có hệ thống giao thông công cộng và dịch vụ tắc xi tư nhân. Ai là người còn đi ô tô tại các thành phố lớn ở phương Tây như  London và  New York ?

Giáo sư nhận định về viện trợ phát triển kiểu kinh điển như thế nào?  Ông Yunus, người được giải thưởng Nobel Hòa bình nhìn nhận vấn đề này với con mắt phê phán.
Kinh nghiệm 50 năm qua cho thấy, viện trợ phát triển cần thiết đối với những nơi vô cùng  thiếu thốn: tại các vùng có trại tỵ nạn hay đối với các nước bị khủng hoảng như Ruanda, Somalia, Malawi và Angola. Viện trợ phát triển giúp các nước đó trong một thời gian ngắn để tạo  được một nền tảng cho cuộc sống và tạo dựng được hạ tầng cơ sở. Nhưng về lâu dài viện trợ phát triển không tạo dựng được một nền kinh tế lành mạnh, nơi mà người ta kiếm được những đồng tiền và biết đầu tư  những đồng tiền đó.

Xuân Hoài (Theo Spiegel 1.12.06)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)