Người tạo ra bộ não cho các cỗ máy

Nvidia đã đi trước một bước so với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khi Intel dự kiến sang năm mới có thể trình làng một bộ vi xử lý máy tính dành cho AI, Nvidia đã bán ra một số sản phẩm này ngay từ 2015. Sáu năm nay, những con chip thông thường của Nvidia đã được các nhà nghiên cứu coi như nền tảng để dạy cho robot học nhìn, nghe và hiểu. Và Jen-Hsun Huang, người đồng sáng lập Nvidia chính là người thúc đẩy Nvidia bước vào kỷ nguyên mới của máy tính.

Jen-Hsun Huang, nhà sáng lập hãng Nvividia

Cuối tháng chín năm 2016, tại Hội nghị công nghệ ở Amsterdam, Hà Lan đã xuất hiện những cỗ siêu máy (super machine) của tương lai: trước Trung tâm Hội nghị, gần nhà ga chính của Amsterdam có một xe minibus tự hành đi theo vòng tròn. Bên trong xe, một robot lăn có cánh tay bằng thép, cạnh đó là một vật thể bay không người lái có thể nhận biết mọi thứ nằm trên sàn xe, không khác gì chim ó bay lượn trên không và có thể nhìn thấy con mồi trên mặt đất. Nhà sản xuất chip Nvidia ở California, Mỹ được mời tham dự hội nghị này và đương nhiên cũng đã mang tới các loại robot thông minh để trình diễn. Hội thảo cũng hội tụ các nhà nghiên cứu, các start up công nghệ và các nhà chiến lược về IT ở khắp nơi trên thế giới. Các khách mời tại hội thảo đều muốn được gặp gỡ Jen-Hsun Huang, người đồng sáng lập Nvidia từ cách đây 23 năm và hiện tại vẫn là một trong những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp này. Ông chính là người thúc đẩy Nvidia bước vào kỷ nguyên mới của máy tính.

Khi Jen-Hsun Huang rảo bước lên khán đài, mọi người vỗ tay reo hò chào đón. Ông nói: “Chúng ta đang ở thời kỳ đầu của một cuộc cách mạng – kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Microsoft  bắt đầu làm cho máy tính gần như hiểu được ngôn ngữ như con người. Máy tính cũng có thể dịch khá chuẩn. Còn các phần mềm mới nhận biết hình ảnh tốt hơn con người”. Ông tiên đoán: “Không lâu nữa máy tính có thể làm cho chúng ta những việc mà hôm nay chúng ta chưa thể tưởng tượng ra. Và trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực kinh doanh có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất”.

Đi trước một bước so với các đối thủ trong lĩnh vực AI

Ông hoàn toàn không đơn độc với dự báo này. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu thị trường tại Tractica (một công ty phân tích thông tin thị trường công nghệ) thì doanh thu trên thế giới đối với phần mềm thông minh đến năm 2025 sẽ đạt 36,8 tỷ đôla. Theo các chuyên gia, những cỗ máy thông minh này sẽ làm được những nhiệm vụ như đơn giản như trả lời email cho tới chăm sóc người già hoặc phức tạp như chẩn đoán bệnh tật.

Và ông Huang lại muốn làm các bộ não cho những siêu người máy thế hệ kế tiếp. Ông cũng đã đi được một đoạn khá dài trên con đường đó. Trong khi Intel, đối thủ cạnh tranh của Nvidia dự kiến sang năm mới có thể trình làng một bộ vi xử lý máy tính dành cho trí tuệ nhân tạo, còn Nvidia đã bán ra thị trường một số sản phẩm này ngay từ năm 2015. Từ sáu năm nay những con chip thông thường của Nvidia đã được các chuyên gia phát triển và các nhà nghiên cứu coi như nền tảng để dạy cho robot học nhìn, nghe và hiểu.

Alex Linden, chuyên gia về học máy (Machine Learning) thuộc hãng tư vấn công nghệ thông tin Gartner nói “Nvidia là tập đoàn lớn đầu tiên về phần cứng đã phát hiện xu hướng học sâu (Deep Learning) còn non trẻ và đã dựa trên xu hướng này. Do đó so với các đối thủ cạnh tranh, Nvidia đã đi trước một bước khá xa”. Điều này nói lên sự nhạy bén của Huang.

Những người thấu hiểu Huang đều cho rằng, ông là một trong số ít người có khả năng suy nghĩ hết sức thấu đáo. Nhân viên dưới quyền nhận xét Huang là người chú ý đến mọi tiểu tiết, ưa sự hoàn hảo, rất năng nổ – và là người dễ gần.

Sinh năm 1963 ở Đài loan, khi còn là một đứa trẻ, Huang đã cùng bố mẹ định cư ở Thái lan. Nhưng khi tình hình chính trị ở nước này trở nên căng thẳng, năm 1973 bố mẹ ông buộc phải gửi cậu con trai mới 9 tuổi và người anh 10 tuổi sang ở với người dì tại Mỹ. Do nhầm lẫn khi đăng ký hồ sơ, nên Huang phải vào học ở một trường vốn dành cho “học sinh cá biệt” ở vùng nông thôn thuộc bang Kentucky. Ở trường này, Huang phải lau chùi nhà vệ sinh mỗi chiều, học chung với những người bạn ngỗ ngược, hung bạo và tự học cách tự đứng lên sau mỗi lần bị vấp ngã.

Sau này bố mẹ Huang cũng chuyển tới Mỹ và đón con trai về bang Oregon. Tại đây Huang theo học ngành kỹ thuật điện và đã gặt hái thành tích cao – lấy bằng thạc sỹ tại trường đại học danh tiếng Stanford. Học xong, ông phát triển microchip tại hãng AMD – một ông lớn công nghệ chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp. Ở tuổi 30, Huang cùng với hai cộng sự là Chris Malachowsky và Curtis Priem đã bắt đầu thực hiện một ý tưởng công nghệ hoàn toàn riêng. Hồi đó, máy tính còn chạy với hệ điều hành Windows 3.1, hầu như chưa mấy ai biết về Internet và video game hình thành từ những bức ảnh hai chiều. Huang nhớ lại: “khi đó bộ vi xử lý có tốc độ nhanh nhất cũng chỉ đạt 66 Megahertz”, nhưng Huang đã nghĩ tới việc tạo dựng một vũ trụ mới, một thế giới trong máy tính. Năm 1993 ông cùng hai chiến hữu của mình thành lập Nvidia. Năm 1995, Nvidia tung ra thị trường GPU (Graphics Processing Unit – là một bộ vi xử lý chuyên dụng nhận nhiệm vụ tăng tốc, xử lý đồ họa cho bộ vi xử lý trung tâm CPU) đầu tiên của mình. Microsoft đã sớm quyết định lắp đặt Nvidia-Chips vào game console Xbox của mình, và chỉ ít lâu sau Sony cũng đến gõ cửa và đề nghị Huang cộng tác để làm game Playstation 3 – console.

Cuối những năm 2000, Nvidia trở thành “ông vua” trên thị trường tiền tỷ về card đồ hoạ dành cho các video game. Đây là mảng kinh doanh rất có lãi: cổ phiếu của Nvidia tăng gấp 27 lần trong giai đoạn 1999 – 2007, có nghĩa là tăng nhanh hơn cổ phiếu của Apple trong cùng thời gian.

Thường xuyên “tái phát hiện bản thân”

Tuy nhiên Huang không phải típ người sau khi gặt hái thành công thì nghỉ xả hơi. Ông đã từng phát biểu trước sinh viên đại học Stanford: “Nếu bạn không thường xuyên tái phát hiện bản thân,  thì thực chất bạn đang nằm chờ một cái chết từ từ”. Từ năm 2012, có một số nhà nghiên cứu liên hệ với ông, họ phát hiện ra rằng, các tấm card đồ hoạ của ông hứa hẹn mang lại những tiến bộ to lớn trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo. Thông thường, các bộ vi xử lý hoạt động với bốn hoặc tám lõi tính toán và các bước tính toán diễn ra tuần tự – và chúng trở thành điểm nghẽn nút cổ chai đối với học sâu. Trong khi đó, các card đồ hoạ của Nvidia có tới hàng nghìn lõi hoạt động cùng một lúc. Ông Zuiderveld, giám đốc khu vực của Nvidia ở châu Âu nói: “Nó tương tự như một đường cao tốc có tới 8000 làn xe” – điều rất lý tưởng cho công nghệ AI mới.

Và Huang đã không do dự: ông thành lập một đội ngũ chuyên gia phát triển các vi xử lý mới chỉ để phục vụ trí tuệ nhân tạo. Kể từ năm 2015, máy tính Nvidia Deep-Learning đã khẩn trương  tung ra thị trường một con chip dành cho Robot, biết học nhìn; một loại siêu máy tính nhanh như 150 laptop – máy tính này có thể lắp trong xe ô tô tự lái và có thể xử lý, đánh giá dữ liệu do 12 camera ghi lại đồng thời. Các start-ups và các tập đoàn đua nhau giành giật sản phẩm này. Facebook và Google sử dụng nó trong các trung tâm dữ liệu của họ. Đã có 55000 chuyên gia phát triển phần mềm đăng ký với Nvidia để lập trình dựa trên cơ sở phần ứng ứng dụng học sâu của Nvidia. Tập đoàn Internet Baidu của Trung quốc sử dụng các ứng dụng này để tích hợp vào xe ô tô tự lái.

Huang, là người đi đầu và nắm vững lĩnh vực này hơn rất nhiều chuyên gia khác. Ông nói vo hơn hai tiếng đồng liền trong hội thảo ở Amsterdam về tương lai của những cỗ máy thông minh. Trong các cuộc trao đổi cá nhân, ông cũng luôn diễn đạt rất tập trung và đưa ra nhiều bằng chứng phong phú. Giọng nói của ông đôi khi có âm hưởng  như một lời tiên tri: “Học sâu như là một cây búa từ trên trời rơi xuống”. Và điều ông muốn là làm sao để công nghệ này “tới được với tất cả mọi người“. Theo ông Huang, hiện nay trên thế giới đã có 1500 Startup làm việc về học sâu. Và trong số đó có nhiều người sử dụng chip của Nvidia. Tập đoàn phần mềm SAP của Đức gần đây cũng đã hợp tác với Nvidia để đưa trí tuệ nhân tạo vào phần mềm của mình. Các nhà nghiên cứu rất thán phục khi công việc của họ tiến triển cực nhanh nhờ những con chip mới của Nvidia. Ngay cả Trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của Đức cũng sử dụng máy tính của Nvidia để giao tiếp với các robot của mình, nhờ đó chúng học tốt hơn, vận động nhanh nhẹn hơn và dễ dàng tương tác với các đối tượng khác. Trong tháng tám, Huang đã bàn giao cho Elon Musk – nhà sáng lập Tesla một siêu máy tính. Nhờ đó, phòng nghiên cứu OpenAI của Musk sẽ phát triển các chương trình mới.

Cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI diễn ra vô cùng khốc liệt. Riêng Intel, trong 13 tháng qua đã mua đứt ba start-up chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo, Google cũng có con chip riêng phục vụ nền tảng AI. Không ai được phép ngơi nghỉ trên mặt trận này. Huang cũng không nghĩ đến chuyện nghỉ xả hơi, trái lại, ông lại một lần nữa đi trước thiên hạ một bước: mới đây ông đã tạo một hệ điều hành dành cho ô tô tự lái. Bản thân ông cũng đã thử nghiệm một xe tự lái của phòng thí nghiệm Nvidia. Ông kể cho biết, “xe đã chạy thử trên đường cao tốc và đường bình thường”, hiện tại chưa phải là thời điểm chín muồi để có thể tung ra thị trường, tuy nhiên “chiếc xe đáp ứng về cơ bản các yêu cầu về kỹ thuật”. Hiện tại Nvidia hợp tác với trên 70 doanh nghiệp trên thế giới về giao thông. Trong hội thảo công nghệ ở Amsterdam, các chuyên gia phát triển thuộc các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Audi, Volkswagen, Porsche, Volvo cũng đều có mặt. Và trên khán đài hội nghị, Huang say sưa nói về việc, không lâu nữa trí tuệ nhân tạo sẽ giải quyết những khó khăn mà con người bấy lâu hằng mơ ước giải quyết được.

Xuân Hoài dịch theo “Tuần kinh tế Đức”.

Nguồn: http://www.wiwo.de/technologie/forschung/serie-kuenstliche-intelligenz-teil-ii-der-mann-der-maschinen-ein-gehirn-gibt/14949490.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)