Người thợ rèn của các vị quân vương

Khách hàng của ông là thợ săn, những nhà sưu tầm và các vị quân vương, vua chúa. Họ có thể trả cho ông tới 50.000 Euro để mua một sản phẩm như gươm, giáo hay đại đao. Thế giới Ả rập rất hâm mộ những sản phẩm của người thợ thủ công này.

Jürgen Schanz (42 tuổi), chuyên nghề rèn dao kéo cao cấp ở bang Baden-Württemberg (Đức), nhận được một thư điện tử của nhà vua Bahrain, thoạt đầu ông tưởng đây là trò đùa của ai đó, với nội dung: “Ông Schanz, Đức vua Hamad Bin Issa Al Chalifa quan tâm đến những sản phẩm của ông, mời ông sang Anh Quốc, vé máy bay dành cho ông hiện gửi ở quầy vé”. Ông Schanz không tin vào mắt mình. Bức thư điện tử này không phải là thư giả.

Ít ngày sau, ông thợ rèn có mặt tại London và ngồi đối diện với một vị hoàng thân, ông này tự giới thiệu là cánh tay phải của nhà vua. Vị hoàng thân hỏi, “Ông có dám nhận lời cung cấp cho hoàng gia đơn hàng đó không?” Schanz gật đầu và cuộc trò chuyện chất dứt. Bốn tháng sau, ông nhận lời mời tới Bahrain. Tại đây, ông đã diện kiến nhà vua. Sau chuyến viếng thăm, ông nhận được một đơn đặt hàng lớn. Nhà vua đã đặt làm 20 cây kiếm và dao găm. Những sản phẩm đó sẽ là quà tặng của nhà nước dành cho các vị quốc khách.

Nghề chính thức của ông Schanz là thợ cắt gọt kim loại. Thời học nghề, ông từng học về rèn và cách mài dao kéo. Thường sau khi hết giờ làm việc, ông ở lại xưởng để mày mò biến những thỏi sắt thép thành những sản phẩm theo ý tưởng của mình. Khi thi tốt nghiệp trường nghề, ông đã rèn một sản phẩm có tên là Flammendolch (thanh kiếm lửa), sau này bài thi thợ cả của ông là rèn một thanh kiếm Nhật Bản. Khi đó ông 24 tuổi.
Ông Schanz kể, “Khi học nghề xong, tôi nhận thấy có thị trường cho những sản phẩm loại này. người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sản xuất bằng phương pháp thủ công và có chất lượng cao.” Khách hàng của ông thường là dân săn bắn và những nhà sưu tầm. Họ sẵn sàng chi tới 2.000 Euro cho một con dao dành cho thợ săn, 12.000 Euro cho một thanh kiếm. Giá kỷ lục mà ông thu được là 50.000 Euro cho một thanh đao nạm bạc và ngọc. Thanh đao đó đẹp tới mức ông làm thêm một cây thứ hai dành cho mình làm kỷ niệm, thay cho nạm ngọc, ông nạm đá Sapphire. Cây đao đó được cất giữ trong két sắt.

Bình quân mỗi năm ông làm khoảng 200 con dao và ba thanh kiếm. Ông có thể nhận thêm một thợ học nghề hoặc gọi thêm một thợ nữa để cùng làm bởi ông có đủ hợp đồng. Tuy nhiên ông Schanz lại thuộc diện thích cặm cụi một mình với công việc.

Xưởng sản xuất của ông cũng giống như nhiều xưởng truyền thống khác ở địa phương, nghĩa là khá rộng rãi. Ông chứa các dụng cụ, đồ nghề ngăn nắp trong những cái tủ đủ để sản xuất trong ba tháng. Ông Schanz rất tự hào là mọi công đoạn sản xuất ông đều làm thủ công, trừ khâu mài. Ông nói, “Tuy vậy, khi sử dụng máy, tôi vẫn dùng tay để điều chỉnh sản phẩm”. Ông nói, ở Nhật Bản, một số thợ làm dao, gươm, kiếm làm việc như cách đây dăm trăm năm, có nghĩa là riêng mài xong lưỡi gươnm có khi mất cả tháng trời.

Để làm một con dao, trung bình ông Schanz mất khoảng tám tiếng, một con dao gấp hết 30 đến 40 tiếng, làm một thanh gươm mất 50 tiếng. Hình dáng lưỡi gươm và chuôi hoàn toàn theo yêu cầu của khách. Việc nạm vàng, bạc hoặc ngọc, đá quý, ông thuê thợ kim hoàn. Ông Schanz khoe, thường ông nhận được đơn đặt hàng trước cả năm trời.

Để làm lưỡi gươm, ông dùng loại thép công nghiệp, nếu chơi sang hơn thì dùng thép Damast. Toàn bộ sản phẩm của ông khi xuất xưởng đều được mài rất kỹ nên lưỡi kiếm của ông sắc không kém gì dao cạo râu. Vậy phải chăng những sản phẩm đó là vũ khí giết người? Ông Schanz không thể trả lời những cáo buộc đó, ông chỉ nói: “Kẻ nào muốn dùng dao làm vũ khí thì không tội gì đi mua một con dao của tôi vì quá đắt, họ chỉ cần vào siêu thị là khắc có ngay.” Ông cho rằng những thanh kiếm của ông là vật trang trí, được để trong tủ kính để giới thiệu với bạn bè, khách quý.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush có thể cũng trưng một thanh kiếm như vậy. Vua Bahrain đã tặng ông thanh bảo kiếm do ông Schanz chế tác.

 Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)