Người trồng lúa ở châu thổ sông Cửu Long

Từ góc độ lịch sử môi trường và quan điểm lịch sử kinh tế, hai giáo sư Mỹ trình bày những vấn đề của người trồng lúa ở châu thổ sông Cửu Long, kèm theo những tham khảo trích dẫn kết hợp với khảo sát thực tế, nhắm tới đối tượng độc giả cũng là học giả không-phải-người-Việt-Nam như họ.

Quan sát người khác đi thực tế rồi đọc bài viết của họ là một thú vui, đôi khi cũng học hỏi được ít nhiều. Hai năm trước tôi tháp tùng hai học giả Mỹ trong một chuyến đi về vùng châu thổ sông Cửu Long để tìm hiểu về việc canh tác lúa và những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Một người là Mart A. Stewart, giáo sư ĐH Western Washington, chuyên về lịch sử môi trường, và một người là Peter A. Coclanis, giáo sư lịch sử và Giám đốc Viện Nghiên cứu toàn cầu trường ĐH Tiểu bang North Carolina.

Năm sau, một hội thảo quốc tế được tổ chức ở ĐH Cần Thơ và những tham luận có giá trị được NXB Springer tập hợp và xuất bản thành sách dưới tên “Biến đổi môi trường và sự bền vững canh nông ở châu thổ sông Cửu Long”(*) vào tháng 5/2011. Tôi gặp trong quyển sách này một bài viết của giáo sư Mart A. Stewart và Peter A. Coclanis: “Ruộng đồng bấp bênh: Cuộc sống không an toàn, không ổn định, không chắc chắn của người trồng lúa ở châu thổ sông Cửu Long.” Phản ứng đầu tiên khi tôi đọc tựa này là phì cười: Giáo sư đặt nhan đề vậy đó, trong một câu chứa cả định nghĩa lẫn tóm tắt nội dung cả bài: nội dung của bài viết là cuộc sống của những người trồng lúa ở châu thổ sông Cửu Long, và khái niệm “bấp bênh” được giải thích là “không an toàn, không ổn định, không chắc chắn” (Nếu diễn dịch theo phong thái và ngôn ngữ miền Tây Nam bộ thì không an toàn: liều mạng, không ổn định: rày đây mai đó, và không chắc chắn: được bữa nào hay bữa nấy.)

Người Việt Nam có cần ai bảo cho biết là nông dân mình khổ lắm? Cuộc sống gian khổ của người trồng lúa vùng châu thổ sông Cửu Long đã được viết thành sách, dựng thành tuồng cải lương, hát lên qua lời ru điệu hò… Ai muốn biết gian khổ như thế nào cứ tham khảo những nguồn đó. Chẳng hạn, bài viết có một số trích dẫn từ David Biggs, mà Biggs thì trích dẫn Sơn Nam. Stewart và Coclanis cũng trích dẫn trực tiếp từ ca dao ngay ở đầu bài viết của hai ông: Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày / Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Chỉ khác là học giả nước ngoài dùng ngôn ngữ khác và văn phong khác. Chúng ta hình dung về nông dân của mình bằng những cụm từ “chân lấm tay bùn”, “dầm mưa dãi nắng”, “mặt bám đất lưng bám trời”, “lênh đênh sông nước”, “nghèo rớt mồng tơi” … Nhưng Stewart từ góc độ lịch sử môi trường và Coclanis từ quan điểm lịch sử kinh tế, trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ bác học (chẳng hạn người ta “bươn chải kiếm sống”, thì họ coi đó là “chiến lược mưu sinh” ) kèm theo những tham khảo trích dẫn kết hợp với khảo sát thực tế, nhắm tới đối tượng độc giả cũng là học giả không-phải-người-Việt-Nam như họ. Người Việt mà đọc thì thế nào cũng thỉnh thoảng kêu lên: Chuyện này mình biết rồi, chuyện đó ai mà không biết. Tuy nhiên cũng có những điều để suy nghĩ.

Chẳng hạn, hai sử gia này viết: “Người trồng lúa ở châu thổ sông Cửu Long cũng giống như nhà nông ở nhiều vùng khác trong thế giới đang phát triển phải chịu đựng một loạt những vấn đề “tàn dư” lịch sử (chế độ thuộc địa, địa chủ bóc lột, chiến tranh, chính sách có lúc không hiệu quả không thích hợp của nhà cầm quyền.) Hậu quả là những sai lầm hay/và thiếu sót không tránh được trong hổ trợ cơ bản và quản lý cơ chế cần thiết cho sự phát triển điều hòa và bền vững, chẳng hạn thiếu hệ thống thông tin và vận chuyển hiện đại, việc xay xát, phận loại, kiểm tra gạo không đồng đều phẩm chất, kho trữ không đúng qui cách, cơ chế tài chánh nông nghiệp không hiệu quả và tốn kém, không có những biện pháp “điều tiết thu nhập” như bảo hiểm mùa màng và hợp đồng tương lai, thị trường đất biến động, giá thuê cao, chất lượng giáo dục ở nông thôn kém tính cạnh tranh, cơ sở nghiên cứu nông nghiệp không được tài trợ đầy đủ, lại còn nạn tham nhũng khắp nơi.” Điều để suy nghĩ trong đoạn này là “không có những biện pháp điều tiết thu nhập như bảo hiểm mùa màng” . Mấy năm nay chúng ta đã cố tiến gần đến xã hội phát triển, như có bảo hiểm y tế, một hình thức tương trợ của người (lúc) khỏe mạnh đối với người (lúc) bệnh tật. Trồng lúa ở xứ ta như đánh bạc với thiên nhiên, thời tiết thuận lợi thì “trúng” mùa bội thu, rủi gặp một cơn lũ sớm thì trắng tay, có khi nợ đìa ra rồi mất luôn nhà đất. Nếu có bảo hiểm mùa màng thì gặp lúc “xui” như vậy, nông dân nghèo không đến nỗi bán vợ đợ con.

Trong đoạn tiếp theo: “… một số vấn đề khác liên quan đến việc trồng lúa ở vùng châu thổ thực tiễn hơn những vấn đề đã nêu trên: đó là đất của mỗi hộ trồng lúa còn rất nhỏ, trung bình một hai mẫu, khiến việc cơ khí hóa không đạt hiệu quả cao, những máy móc đang được sử dụng còn thô sơ, gây thất thoát nhiều trong thu hoạch, và con người lao động vất vả với năng suất không tương xứng.” Hai ông giáo sư Mỹ so sánh: 56% dân số Việt Nam sống bằng nghề nông, tạo ra 21,4% GDP, so với Mỹ: 0.5% dân số làm nông nghiệp, tạo ra 1,2% GDP. Tôi nhớ có lần đi thăm một trang trại ở bang North Carolina, Mỹ, người chủ cho biết ông có nhận được hỗ trợ của nhà nước đối với các trang trại nhỏ, đất của ông chỉ có 300 acres (khoảng trên 100 hecta), nên hai vợ chồng ông làm tất cả mọi việc, từ cày bừa thu hoạch ngoài đồng đến vắt sữa bò. Trên 100 hecta mà được kể là hộ nông nghiệp nhỏ, thì một hai mẫu đúng là quá nhỏ. Nhưng so sánh diện tích đất đai với nước Mỹ làm gì? Trong điều kiện châu thổ sông Cửu Long đất chật người đông, văn hóa của người Việt phát triển những ưu điểm mà nền nông nghiệp đã công nghiệp hóa của Mỹ không có. Một hai mẫu đất mỗi hộ thì nông dân còn gieo trồng trên đất của mình. Những người hiện nay tập hợp được trăm mẫu lúa ở miền Tây là những người mướn nông dân mất đất cày cấy cho mình. Quá trình tập trung vốn đất, khiến nông dân mất đất rồi trở thành người làm mướn (tại chỗ hay tha hương), có lẽ đang diễn ra ở miền Tây, nhưng đó là điều khiến người làm văn hóa như tôi đau lòng.

Hai ông giáo sư cũng ghi nhận: “Nhiều chuyên gia đã cho rằng những vấn đề chính cản trở sự phát triển của châu thổ sông Cửu Long xuất phát từ thực tế là một bộ phận lớn của lực lượng lao động loay hoay trong ngành nông nghiệp không hiệu quả của nền kinh tế. Nhiều nông dân đã hành động theo những giả định này, bỏ hẳn nghề nông hay vừa làm nghề nông vừa xoay sở nghề khác, để tham gia đội ngũ người lao động ngày càng đông ở những khu công nghiệp. Nhưng nếu không có đủ công việc phi nông nghiệp và cơ hội làm việc bền vững thì cuộc sống của những người vốn là nông dân càng thêm bấp bênh.

Điều khiến ông sử gia môi trường quan tâm là “Thế kỷ 21 đem lại những thay đổi đáng kể cho người trồng lúa ở vùng châu thổ: Họ được hổ trợ của các nhà khoa học và các viện nghiên cứu về kỷ thuật và giống lai thích nghi với môi trường thay đổi, cho phép họ tăng mùa vụ và đạt năng suất cao. Đồng thời việc thâm canh khiến phân bón được dùng rộng rãi, cùng với hóa chất trừ sâu diệt cỏ, tác hại đến môi trường. Cảnh báo của những tác hại ấy đã khiến cho những nông dân tiến bộ thử nghiệm luân canh và dùng những giống lúa cũ tuy năng suất không cao nhưng tránh được những vấn đề của độc canh gây ra.”  Theo các tác giả thì nông dân miền Tây cũng nhận được hổ trợ của các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế về các giống lúa khác nhau và kỷ thuật canh tác bền vững, nhưng hiệu quả không đơn giản vì nông dân hoặc thiếu ý thức bảo về môi trường hoặc còn ngờ vực mà không chịu thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học và hóa chất độc hại dưới những thương hiệu “thuốc bảo vệ thực vật” đã thực tế giúp họ “trúng mùa”.

Tránh dùng nhiều phân bón và hóa chất độc hại, dùng phân bón hữu cơ, luân canh, phục hồi những kỷ thuật canh tác phù hợp tự nhiên, thân thiện môi trường là một phong trào đang lan ra ở nhiều nơi trên thế giới, vì xu hướng ưa chuộng thực phẩm sạch “organic” của những người quan tâm đến sức khỏe và môi trường. Gạo “organic”  có phẩm chất và giá bán cao, nhưng những người tiêu thụ giàu có không tin tưởng nguồn sản xuất từ Việt Nam, thị trường xuất khẩu của gao Việt Nam hiện vẫn là những nước đang phát triển, giá gạo thấp. Việc xây dựng một thương hiệu gạo Việt Nam cần nhiều thời gian và ý chí, như thương hiệu “gạo thơm Sóc Trăng”  phải mất 20 năm bền bĩ khôi phục danh tiếng có từ trăm năm trước.

Ông sử gia kinh tế thì chú ý đến vai trò của những “trung gian”  trong hệ thống thu mua và phân phối lúa gạo ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Từ cánh đồng của người trồng lúa đến người tiêu dùng ở trong và ngoài nước, hạt gạo Việt Nam phải qua tay nhiều tầng nhiều lớp trung gian khiến cho chênh lệch giữa giá bán trên quầy và giá nông dân nhận được rất lớn. Người trồng lúa nghèo có khi phải bán lúa non, hoặc không có phương tiện trữ lúa, thiếu thông tin thị trường, hoặc do nợ nần, ép giá, thiếu một chính sách giá cả hiệu quả, họ luôn là kẻ thiệt thòi nhứt.

Hai tác giả cho rằng: “Mặc dù có vài thành công nhỏ, công bằng mà nói thì những người cải cách còn phải nổ lực nhiều nữa mới khiến cho nông nghiệp châu thổ sông Cửu Long “cất cánh” và đạt tới tiềm năng lớn lao của vùng này. Những tiểu nông trong vùng, nhứt là nông dân nghèo ít học ở những vùng xa xôi hẻo lánh tiếp tục vất vả tranh đấu cho những nỗ lực nông nghiệp của họ hợp với những dàn xếp thị trường trong những hệ thống kinh tế lớn hơn, kiểu này hay kiểu khác. Vấn đề dân số đông đúc, tỷ lệ tăng dân cao, và những vấn đề môi trường đang lan rộng càng làm phức tạp thêm nổ lực cải cách nông nghiệp ở mọi cấp độ trong vùng châu thổ. Hiển nhiên hệ lụy của cuộc tranh giành môi trường trong quá khứ là một vấn đề quan trọng, nhưng chẳng đáng kể nếu so với những thảm họa tiềm tàng có thể xảy ra vì biến đổi khí hậu và những dự án xây đập (chủ yếu của Trung Quốc) phía thượng nguồn sông Mekong, điều này sẽ làm phức tạp thêm và rất có triển vọng làm bấp bênh thêm cuộc sống của nông dân và những người chọn vùng châu thổ sông Cửu Long này làm quê nhà.”

Biến đổi khí hậu không là khái niệm mới lạ đối với dân miền Tây: nắng mưa giông bão thất thường, nước biển dâng xâm nhập sâu hơn vào đất liền… dù cho là “chuyện ông trời” hay chuyện “toàn cầu”, thì nói cho cùng là chuyện ở ngoài tầm tay của nông dân. Nhiều vấn đề “địa phương” họ cũng không làm gì được, dù họ là kẻ nhận chịu hậu quả, chẳng hạn cát dười lòng sông bị khai thác với khối lượng khổng lồ để xuất sang những nơi như Singapore, khiến cho đất gần bờ sông trở nên bấp bênh, sụt lở. Rừng và đầm lầy ngày càng thu hẹp, sinh thái đặc thù cho nhiều động thực vật địa phương biến mất, môi trường vùng châu thổ ngày càng nghèo nàn. Chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp cũng như nông nghiệp không được xử lý gây ô nhiễm trầm trọng, đến nỗi một giáo sư về môi trường ở đại học Cần Thơ đùa là: trước khi nước biển dâng ngập thì mình đã chết vì nước sông ô nhiễm rồi. Một mối đe dọa lớn nữa đối với vùng hạ lưu sông Cửu Long là những đập đã đang và sẽ xây dựng ở thương nguồn, ban đầu ở Trung quốc, rồi đến Thái Lan, Lào, Campuchia. Nông dân vùng châu thổ, kể cả ngư dân, không chỉ cần nước sông để tưới tiêu mà còn nhờ phu sa màu mỡ mà kiếm sống, hiển nhiên là những kẻ thua thiệt. Họ bị kẹt ở giữa cảnh khốn khó, một đằng là những vấn đề do mực nước biển dâng lên, nước mặn xâm lấn, một đằng là những thay đổi trên thượng nguồn do việc xây đập, phá rừng và chất thải độc hại từ những vùng công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Sau khi khảo sát ba trường hợp cụ thể mà họ đã tiếp xúc với các hộ nông dân ở những địa phương khác nhau trong vùng châu thổ, hai ông giáo sư thấy là rất khó khái quát hóa những vấn đề canh nông và những quan hệ làm ăn phức tạp ở vùng châu thổ này. Dù vậy họ cũng kết luận:

Trồng lúa ở châu thổ sông Cửu Long luôn luôn là một hành động cân bằng (như đi trên dây) với môi trường – và khi mật độ dân số tương đối thấp, nông dân sản xuất chủ yếu đủ nuôi gia đình trên mảnh đất phì nhiêu ngập nước theo chu kỳ đều đặn, thì hành động cân bằng này có hiệu quả tốt. Nhưng khi việc thương mại hóa gia tăng, cường độ sản xuất ngày càng căng thẳng – biểu hiện qua việc xây đê bao để trồng thêm vụ lúa thứ ba hoặc vụ rau hay bắp cho chăn nuôi – và tập trung cho xuất khẩu, thì trò đi dây này không còn an toàn đối với nhiều người. Những gian khổ thâm niên mà nông dân cần trải qua để đối phó với môi trường thay đổi hằng năm trong một hệ sinh thái cực kỳ năng động và tràn trề sinh lực giờ đây trở thành những vấn đề phức tạp và nhập nhằng vì biến đổi khí hậu và xây đập, vì biến động kinh tế và chính trị xã hội. Những nỗi lo mới về kỷ thuật và môi trườngcùng với nền kinh tế gánh nhiệm vụ chính trị về sản xuất lúa gạo ở vùng châu thổ sông Cửu Long càng chất thêm những gánh nặng lên vai những nông dân vốn đã có quá đủ lo toan về đất và nước.

(*) Environmental Change and Agricultural Sustainability in the Mekong Delta, Mart A. Stewart và Peter A. Coclanis chủ biên, NXB Springer, 2011. Những đoạn in nghiêng được trích dịch từ chương 6 của sách này.

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)