Nhà khoa học di cư được trích dẫn nhiều nhất
Một bài phân tích công bố trên Nature gần đây cho thấy, tính trung bình, những nhà nghiên cứu “dịch chuyển” nhiều được trích dẫn nhiều hơn 40% so với những đồng nghiệp không dịch chuyển.
Phân tích dữ liệu từ 14 triệu bài báo khoa học được công bố trong giai đoạn từ 2008 đến 2015 của 16 triệu tác giả, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy 4% trong số đó (khoảng 595.000 tác giả) là những người “cơ động”, có hợp tác với các cơ sở nghiên cứu ở nhiều hơn một quốc gia. Khoảng 73% trong số họ, được nhóm nghiên cứu gọi là “người hay đi”, vẫn giữ chân trong cơ sở nghiên cứu ở trong nước; 27% còn lại được nhóm nghiên cứu gọi là “người di cư”, không còn gắn với cơ sở nghiên cứu ở quê hương nữa.
Những học giả di cư được trích dẫn nhiều nhất, nghiên cứu chỉ ra, kể cả khi tính đến yếu tố năng suất, hay lượng công bố của mỗi nhà nghiên cứu. Còn nhìn chung, tỷ lệ các học giả “dịch chuyển” nhiều được trích dẫn nhiều hơn so với các đồng nghiệp không dịch chuyển, nhưng mức độ khác nhau thế nào tùy thuộc vào khu vực địa lý nơi họ “xuất phát”. Cụ thể, các học giả Đông Âu có tỷ lệ trích dẫn của tăng tới 173% khi họ “dịch chuyển”, trong khi các đồng nghiệp Bắc Mỹ chỉ vào khoảng 11%.
Kết quả trên không đồng nghĩa với việc các nhà khoa học luôn được trích dẫn nhiều hơn nếu họ “dịch chuyển”, mà đúng hơn sự “dịch chuyển” góp phần làm tăng cơ hội được trích dẫn cho những người vốn đã sẵn có thành tích về trích dẫn hoặc có tiềm năng được trích dẫn trong tương lai.
Nghiên cứu “được thực hiện rất xuất sắc”, Henk Moed – người trước đây từng nghiên cứu về các phương pháp đánh giá trong khoa học tại ĐH Leiden (Hà Lan) và đã có báo cáo toàn diện về tình hình di cư trong khoa học, nhận xét. Tuy nhiên, GS Cassidy Sugimoto thuộc ĐH Indiana – tác giả chính của nghiên cứu, thừa nhận: một trong những hạn chế của nghiên cứu là mới chỉ xem xét sự dịch chuyển của nhà khoa học từ nước này sang nước khác mà chưa tính đến sự dịch chuyển ở trong nước. Ngoài ra, 7 năm là khoảng thời gian ngắn để có thể nắm bắt được gì nhiều về sự dịch chuyển, bà nhấn mạnh.
Giới hoạch định chính sách nhập cư có thể tham khảo nghiên cứu này. Chẳng hạn, mặc dù những chính sách chống nhập cư như lệnh đình chỉ nhập cảnh đối với công dân những nước thiên về Hồi giáo nhằm vào những người muốn đi hẳn đến một nước khác nhưng chúng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến những học giả cần được cấp visa ngắn hạn, Sugitomo lưu ý. Cản trở những chuyến đi ngắn hạn đó có thể ảnh hưởng đến việc hợp tác trong khoa học, bởi vậy “tính đến những chuyến lưu trú ngắn hạn khi hoạch định chính sách [nhập cư] thật sự là quan trọng,” theo GS Sumitomo.
Những thông điệp rút ra được từ nghiên cứu là: “Khoa học là một hoạt động mang tính toàn cầu,” và khi nhà khoa học dịch chuyển, họ làm việc tốt hơn”.
Hải Đăng dịch
Nguồn:
http://www.sciencemag.org/news/2017/10/migrating-researchers-are-cited-most-study-finds