Nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ tuyên bố 3 USD một mũi vaccine COVID-19

Adar Poonawalla, một chủ doanh nghiệp dược phẩm người Ấn Độ muốn cứu cả thế giới khỏi virus corona, và sau đó thay đổi triệt để cục diện dược phẩm quốc tế.

Doanh nhân Adar Poonawalla trên con đường tiến tới việc ký hợp đồng một cách tốt nhất với các nhà phát triển vaccine chống Covid-19 triển vọng.

Doanh nghiệp người Ấn này dự kiến sẽ tung ra thị trường loại vaccine với giá cực kỳ cạnh tranh. 

Cách đây 54 năm, thân phụ ông, một tỷ phú Ấn Độ đã biến một trại nuôi ngựa thành nơi sản xuất dược phẩm có tên “Viện Huyết thanh Ấn Độ”. Hiện nay, hàng năm doanh nghiệp này sản xuất ra khoảng 1,5 tỷ liều vaccine dành cho các nước đang phát triển.

Theo số lượng liều vaccine bán ra thị trường, Viện Huyết thanh Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới với các loại vaccine phòng chống viêm màng não, sởi và bệnh dại. Mặc dù vậy, doanh nghiệp của Poonawalla hầu như không được truyền thông phương Tây biết đến. Nhưng nay điều này sẽ có thể thay đổi, bởi lẽ doanh nhân người Ấn Độ này đang trong quá trình chuẩn bị ký kết hợp đồng với các nhà phát triển vaccine chống Covid-19 triển vọng nhất. Mục tiêu của ông là sản xuất đại trà vaccine phòng chống Covid-19.

Poonawalla muốn sản xuất ra một tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển với giá mỗi liều chỉ khoảng 3 USD. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như hãng dược phẩm Moderna của Hoa Kỳ dự định bán mỗi liều với giá 35 USD. Viện Huyết thanh Ấn Độ dự định sẽ sản xuất 5 loại vaccine Covid-19 khác nhau trên thế giới, trong đó ba doanh nghiệp liên doanh với các hãng khác còn lại hai doanh nghiệp hoàn toàn của Ấn Độ.

Cho đến nay, Doanh nghiệp Ấn Độ này bán ra được một lượng lớn thuốc tiêm chủng như hiện nay là nhờ có Liên minh tiêm chủng quốc tế Gavi, một Tổ chức đối tác công-tư do Bill Gates thành lập cách đây 20 năm. Gavi đã dùng tiền quyên góp được mua một lượng lớn vaccine cung cấp cho các nước nghèo, nếu không, các nước này sẽ không thể kham nổi. 

Khi Gavi xuất hiện lần đầu tiên, giới công nghiệp dược lập tức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vaccine. Dominic Hein, người phụ trách mảng thiết kế thị trường của Gavi nói: “Việc kinh doanh vaccine trở nên không có lời vì chỉ có thị trường các nước phương Tây giàu có mới mua nổi vaccine với cái giá thật của nó”.

Ngày nay, Liên minh này đã giúp các nước nghèo thanh toán tiền mua thuốc tiêm chủng đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO. Giờ đây, Viện Huyết thanh Ấn Độ là nhà cung cấp vaccine đáng tin cậy của Gavi: Doanh nghiệp này sản xuất 4 trong số 10 loại vaccine được Gavi chi trả. Theo Hein, Viện Huyết thanh Ấn Độ này “đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các vaccine quý giá, giá cả hợp lý và có chất lượng cao”.

Bản thân Viện Huyết thanh Ấn Độ chưa hề tìm ra bất kỳ một loại vaccine nào. Toàn bộ mô hình kinh doanh của Viện này là sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản của các doanh nghiệp khác để từ đó tiến hành sản xuất vaccine với số lượng lớn một cách nhanh nhất và có giá cả hợp lý. Cho đến nay, hình thức này phát huy được hiệu quả tại các nước đang phát triển. Trong khi đó, ngành công nghiệp dược phẩm với những quy chế ngặt nghèo gây khó cho Viện Huyết thanh của Ấn Độ khi hoạt động trên thị trường các nước giàu có. 

Viện Huyết thanh ước tính khoảng 65% trẻ em trên thế giới được chủng ngừa  ít nhất bằng một loại vaccine của nhà sản xuất Ấn Độ. Một số sản phẩm của  Poonawalla được phát triển chỉ để phục vụ nhu cầu của các nước nghèo, ví dụ như vaccine Rotavirus dạng thuốc uống. Loại vaccine này có khả năng chịu nhiệt, không phải bảo quản lạnh, phù hợp với những nước không có mạng lưới cung cấp điện ổn định.

Một số loại thuốc khác là những sản phẩm đã được gia giảm từ sản phẩm chính hãng của các ông lớn trong ngành công nghiệp dược thế giới như Sanofi hay GlaxoSmithKline. Poonawalla cho hay, do chi phí sản xuất ở Ấn Độ thấp nên viện Huyết thanh Ấn Độ có thể cung cấp thuốc với giá cả rẻ hơn rõ rệt.

Đòi hỏi cải cách quy định về bằng sáng chế phát minh

Tuy nhiên, Poonawalla còn muốn đi xa hơn, ông muốn cải cách các quy định về bằng độc quyền sáng chế. Trong một thời gian dài, ngành công nghiệp dược đã kiên quyết giữ các quyền này. Thế nhưng, Poonawalla cho rằng, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Corona, việc bảo hộ bằng sáng chế cần phải được xem xét lại.

Đồng thời, Poonawalla cũng gây áp lực đối với các doanh nghiệp và chính phủ. Ông cho rằng hệ thống hiện nay đã cản trở người dân ở các nước đang phát triển được tiếp cận với việc tiêm chủng vốn có ý nghĩa sống còn với họ. Và ngay cả ở các nước giàu, giá thuốc cũng có thể được giảm đáng kể nếu hệ thống này được thay đổi. 

Tuy nhiên cho đến nay, giới công nghiệp vẫn chống đỡ thành công trước phần lớn các nỗ lực đòi nới lỏng các quy định về bằng sáng chế và về nhập khẩu. Ngay Bill Gate, một nhà tài trợ lớn cho Viện Huyết thanh Ấn Độ cũng là một người kiên quyết ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ, cho rằng giá thuốc cao ở thế giới phương Tây là chìa khóa cho vaccine giá rẻ ở các nước đang phát triển. “Chúng tôi chi tiền cho nghiên cứu, cho các đối tác của mình hoặc bản thân chúng tôi để tạo ra sở hữu trí tuệ”. Gate từng nói vào năm 2011, “qua đó chúng tôi thu được lợi nhuận từ tiền Quỹ mà chúng tôi tạo ra và chảy sang các nước giàu có. Bằng cách này chúng tôi có nhiều tiền hơn để nghiên cứu về các loại bệnh đã bị lãng quên hay các loại bệnh của người nghèo”.

Các hãng chế tạo dược phẩm Hoa Kỳ cũng chống lại những đòi hỏi sửa đổi luật bản quyền của Poonawalla. Dù sao thì đối với một số trường hợp, bản quyền vẫn do các tập đoàn dược phẩm độc quyền kiểm soát hàng chục năm nay đối với các sản phẩm do bản thân họ phát triển.

Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm Hoa kỳ PhRMA cũng có lập luận tương tự: “Quyền sở hữu trí tuệ – bao gồm cả bằng sáng chế – khuyến khích sự cạnh tranh và là cơ sở cho việc phát triển các phương pháp điều trị, các loại vaccine và thuốc chữa bệnh mới”, phát ngôn viên Hiệp hội này nói. “Nhiều loại thuốc thử nghiệm để điều trị Covid-19 được triển khai là nhờ có sở hữu trí tuệ và các biện pháp kích thích khác thúc đẩy sự hình thành và phát triển.”

Những lời khẳng định của Poonawalla đã làm nổ ra các cuộc tranh cãi về cấu thành giá thuốc chữa bệnh – cả ở Hoa kỳ cũng như ở EU. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu bằng sáng chế và các ưu đãi hợp pháp khác có bị lạm dụng để săn lợi nhuận hay không.

Mục đích của bằng sáng chế y học là nhằm để bù đắp cho doanh nghiệp về những  rủi ro và chi phí trong nghiên cứu và phát triển. Theo ước đoán của Liên minh nghiên cứu “Coalition for Epidemic Preparedness Innovations”, các doanh nghiệp dược phải chi tới 1,1 tỷ USD để một loại vaccine đi được tới giai đoạn cuối trong nghiên cứu lâm sàng.

Do chi phí ban đầu cao nên các cơ quan làm luật của Châu Âu và Hoa Kỳ đã cho phép những nhà phát triển các loại thuốc chữa bệnh mới được độc quyền kinh doanh các sản phẩm của mình trong một thời gian nhất định.

Đối với vaccine được sản xuất từ tế bào sống, có tên là dược phẩm sinh học, thì thậm chí còn có thể có nhiều cấp sáng chế khác nhau, ví dụ như: cấp sáng chế đối với thành phần hoạt tính, đối với chất phụ trợ để tăng hiệu lực, đối với các chất để nuôi dưỡng tế bào và những chất phục vụ cho quá trình sản xuất vaccine. 

Điều này làm cho các đối tượng tiềm năng muốn nhập cuộc khó nắm bắt được tất cả các thành phần đăng ký sáng chế để hạ giá bán các sản phẩm nhái. Ngay cả các doanh nghiệp dược phẩm lớn của Mỹ cũng thường xuyên kiện cáo lẫn nhau vì vi phạm bản quyền đối với dược phẩm sinh học.

Poonawalla vẫnquyết tìm bằng được con đường để thâm nhập thị trường phương Tây. Để đạt được điều đó, ông kêu gọi các chính phủ mở cửa thị trường của họ thông qua việc nới lỏng các tiêu chuẩn về bằng sáng chế và quy định bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Xuân Trang lược dịch

Nguồn bài và ảnh: https://www.welt.de/wirtschaft/plus212973820/Impfstoff-fuer-Entwicklungslaender-Dieser-Inder-will-die-Welt-vor-Corona-retten.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)