Nhà Trường Mới như chúng tôi đã có

LTS – Tia Sáng hỏi nhà giáo Phạm Toàn có ý kiến gì về việc xã hội đang xôn xao chuyện nhà trường mới nhà trường cũ. Nhà giáo đã trả lời bằng bài viết sau, và giải thích qua điện thoại: mình không góp ý này nọ về chuyện đó. Mình gửi vài điều đã làm xong và đang làm nốt để gợi ý xây dựng một mô hình nhà trường mới như thế nào…

Cô giáo Tạ phương Anh và Minh Hạnh giúp
học sinh lớp 1 Út Tịch 1 hoàn thiện “Từ điển
chính tả theo nghĩa”.

Từ mấy bài văn học sinh Lớp 1
Các cô giáo Đinh Phương Thảo và Vũ Thị Loan, hai người cùng đến thông báo tình hình học sinh Lớp 1 cuối năm học 2015-2016 trường “Út Tịch” của Nhóm Cánh Buồm. Điển tích Út Tịch, sau đây sẽ được giải thích. Chỉ biết lần này, đọc xong mấy bài văn của học sinh Lớp 1 mình thực sự cảm động. Mình có hơi bị cay cay mắt nhưng khe khẽ thôi. Thật à? Thật sự cuối Lớp 1 các em viết văn như vậy à? Bẵng đi ba tháng mình không đến dự giờ, mà đã thế này à?

Xin trình làng tạm hai bài văn của các em Lớp 1 trường Út Tịch số 2 của Nhóm – bài ký tên hai tác giả vì sau khi hai bạn đóng vai với nhau thì cùng viết ra:

Ông trăng và con trâu
– Chào cháu trâu.
– Cháu chào ông trăng.
– Sao tối rồi mà cháu còn ăn cỏ ngoài đồng?
– Vì bạn chăn trâu chưa làm xong chuồng cho cháu ạ.
– Sao cháu không bảo bạn ấy nhanh lên?
– Tại bạn ấy ngủ quên ông ạ.
– Cháu ở ngoài thế này có lạnh không?
– Cháu có lớp da cứng lắm, không bị lạnh đâu ạ.

(Trần Chí Kiên, Đỗ Khôi Nguyên)

Truyện về Hai Bà Trưng
Trưng Trắc và Trưng Nhị đi gặp dân làng.
Trưng Trắc: Mọi người ơi, có ai muốn làm quân sĩ của chúng tôi không?
Trưng Nhị: Đúng thế! Hãy giúp chúng tôi với! Có ai muốn giúp chúng tôi không? Chúng ta hãy cùng nhau đánh giặc.
Cả hai: Hãy giúp chúng tôi! Hãy giúp!
Dân làng: Đồng ý! Đồng ý! Đồng ý!
Tất cả mọi người: Giúp đỡ! Xung kích! Tấn công quân giặc Hán thôi mọi người!
Cuối cùng quân giặc tan vỡ. Cả hai bà lên làm vua. Nhân dân rất vui mừng.
Nhân dân: Trưng Vương muôn năm! Muôn năm!

(Nguyễn Thanh Mai)

Các em viết văn và còn tự trình bày bài văn của mình, nâng niu bản thảo chẳng kém gì các nhà văn chuyên nghiệp! Làm cách gì để những trẻ 7 tuổi 8 tuổi viết ra những bài văn không theo mẫu nào, chỉ theo cảm hứng của mình và nâng niu bài văn của mình như vậy?

Hệ thống kỹ thuật

Câu trả lời có thể nằm trong ý này: trong cuộc sống nói chung, và trong sự nghiệp Giáo dục nói riêng, cần những ý tưởng quy tụ xung quanh một tư tưởng đổi mới; nhưng kèm theo một ý tưởng  hay, rất hay, thậm chí vô cùng hay, còn cần đến một hệ thống kỹ thuật thực thi.

Tư tưởng Giáo dục của nhóm Cánh Buồm là tạo ra những con người có năng lực sống hòa hợp trong nền văn minh đương thời. Con người đó phải biết cách học chứ không chỉ là con người nhặt nhạnh kiến thức. Mà cách học quan trọng nhất là làm ra điều mình cần học.

Tư tưởng này (làm ra điều mình cần học) được “kỹ thuật hóa” như thế nào?

Hệ thống việc làm mang tính “kỹ thuật” đó gói gọn trong phương thức sau: làm lại những thao tác chắt lọc nhất của người đi trước khi họ làm ra sản phẩm. Ở đây, muốn cho trẻ em làm ra sản phẩm nghệ thuật để có tư duy nghệ thuật – là mục đích của việc học môn Văn – đó là làm lại những cảm xúc để biết thương yêu con người (như người nghệ sĩ hoặc nhà thơ, nhà văn, người diễn viên… đã từng “tự làm ra” cho họ). Dễ hiểu vì sao sách Văn Lớp 1 Cánh Buồm lại có chủ đề suốt năm học là ĐỒNG CẢM và học thông qua việc làm là những trò chơi đóng vai. Tiếp theo, trẻ em ngay từ bậc tiểu học phải học các thao tác làm ra tác phẩm, đó là TƯỞNG TƯỢNG, LIÊN TƯỞNG và SẮP XẾP (BỐ CỤC) tác phẩm. Sách Văn Lớp 2, Lớp 3 và Lớp 4 Cánh Buồm đều có chủ đề suốt năm học là từng thao tác đó.

Tất cả các điều mông lung như những “tư tưởng” hoặc “ý tưởng” đó đều được soạn ra cụ thể trong từng cuốn sách, chi tiết đến từng tiết học. Những điều đó không do các tác giả trong giây phút “thông minh đột xuất” nghĩ ra. Tất cả đều được làm thử, làm đi làm lại nhiều chục năm ròng, và làm ra trên mảnh đất Việt Nam mang cốt cách dân tộc Việt Nam, để có một hoặc vài ba kết quả “giản dị”, “dễ như bỡn”, dùng được một cách tự nhiên thoải mái như công việc hằng ngày của Nhà trường trong ngày hôm nay.

Thay đổi một công cuộc Giáo dục không được cóp nhặt và càng không thông qua những hình thức bề ngoài. Chẳng hạn như thay đổi số học sinh một lớp, học theo “nhóm”, giơ cái mặt nạ màu đỏ để hỏi thay cho giơ tay xin nói… những thay đổi vặt vãnh đó không thay thế được sự nung nấu thực thi một tư tưởng Giáo dục không còn mang tính chất giáo điều, cổ lỗ, cục mịch.

Vai trò giáo viên hay Công việc của giáo viên?

Đừng bao giờ nghĩ đã “lấy học sinh làm trung tâm” thì nhà giáo không còn vai trò gì nữa. Không thể có “lớp học ngược” cho trẻ em tự học hoàn toàn, thậm chí trẻ em hướng dẫn lẫn nhau. Quan niệm đó là buông xuôi vai trò giáo viên, và cũng chỉ là đi theo lối “cải cách hình thức bên ngoài”.

Vai trò giáo viên thể hiện trước hết và tập trung ở cách tổ chức việc học của học sinh. Không nên nói chung chung và hào nhoáng về “vai trò” đó. Tốt nhất là nên quy định người giáo viên làm những việc gì khi tổ chức việc học của nhiều chục học sinh trong một lớp học bất kỳ.

Công việc đó có thể bao gồm trong mấy điều sau:

(1) Giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Năm nay, tuần này, và nhất là trong tiết học này, các bạn sẽ học điều gì. Khác hoàn toàn với việc “học” không cần có ý thức học trước đó, từ tiết học đầu tiên của em học s inh Lớp 1 đã là tiết học có ý thức về việc mình sẽ học gì và sẽ học theo cách học như thế nào.

(2) Làm mẫu cho học sinh thấy, tiết này học điều gì thì học bằng cách gì. Làm mẫu không phải là giảng giải và hoàn toàn khác với giảng giải. Làm mẫu là cho học sinh nhìn thấy bằng mắt và nghe thấy bằng tai cái thao tác học được diễn ra như thế nào.

Liên quan đến học tiếng Việt ở bậc Tiểu học, thì giáo viên làm mẫu cách phân tích ngôn ngữ. Liên quan đến học Văn ở bậc Tiểu học, thì làm mẫu cách kể chuyện ở ngôi thứ ba (người kể đứng bên ngoài) hoặc cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (người kể thâm nhập vào một nhân vật trong câu chuyện) và làm mẫu cách đóng vai sau khi thâm nhập vào nhân vật “ngôi thứ nhất” đó.

(3) Sau khi làm mẫu thao tác, thì theo dõi cách học sinh thực hiện ở các trình độ khác nhau. Trình độ học sinh ở lớp nào với số lượng bao nhiêu thì cũng có ba loại để biết cách đối xử riêng:

Các em trung bình là đông đảo học sinh có thể làm lại được thao tác đã học với những vật liệu khác nhau. Các em này sẽ được “lặp lại” mẫu cho cả lớp xem, rồi để các em tự động làm việc với nhau theo nhóm. Bây giờ thì tha hồ làm việc theo nhóm mà không mang tính “hình thức”.

Các em học sinh trung bình khi đó sẽ hòa với nhóm học sinh giỏi và giáo viên có thể “thả nổi” để những em này tự luyện tập với nhau (dĩ nhiên là có sự kiểm soát khéo léo từ xa của giáo viên). Nhưng sự kiểm soát khôn ngoan nhất là xem các sản phẩm – mà sản phẩm đọng lại rõ nhất là các “vở diễn” và bài viết của từng em. Không có cái “tinh thần thi đua” siêu hình nào nằm ngoài sản phẩm hết! Sau này, lớn lên, các em sẽ quen với lối sống mới đó, một lối sống thực sự được rèn luyện qua việc làm ở một nhà trường muốn tự thay đổi để mang tính chất Nhà Trường Mới.

Với học sinh chậm, yếu kém, thì giáo viên phải đến giúp đỡ tới từng em. Giúp đỡ không phải là giảng giải, mà là giúp em đó làm lại thao tác như giáo viên đã làm mẫu mà em đó theo không kịp hoặc vụng về khi áp dụng. Như vậy là một giáo viên vẫn làm việc được với ba nhóm trình độ học sinh khác nhau để vẫn có kết quả gần như “đồng loạt”.
 
Chương trình học, sách giáo khoa, huấn luyện giáo viên

Làm cách gì để giáo viên biết và làm theo đúng một cách dạy học khác dựa trên tổ chức việc làm của học sinh, thay thế cho cách dạy học cũ? Trả lời câu hỏi này liên quan đến ba điều:

(1) Một chương trình học là một lý tưởng đào tạo kèm theo một hệ thống giải pháp kỹ thuật bảo đảm thực hiện lý tưởng đào tạo đó. Một chương trình không do những viên chức ngồi sắp đặt với nhau bao nhiêu tiết Toán, bao nhiêu tiết Lý, bao nhiêu tiết Sử Địa…

Một chương trình Giáo dục phổ thông – theo quan điểm và lấy thí dụ từ chương trình của Nhóm Cánh Buồm – sẽ được hiểu như sau: đó là con đường thực hiện lý tưởng đào tạo thanh niên thiếu niên cả dân tộc thành những con người có năng lực sống hòa hợp với nền văn minh hiện đại. Năng lực trung tâm của con người lý tưởng đó – ngay từ tiết thứ nhất của cuộc đời đi học ở Lớp 1 – là biết cách tự học.

Một chương trình như thế liên quan đến các bậc học, trong đó bậc Tiểu học là bậc học phương pháp học (học cách học ngay từ tiết thứ nhất vào Lớp 1) – bậc Trung học cơ sở là bậc dùng phương pháp học để tự trang bị kiến thức phổ thông cơ bản để vào đời theo ba hướng: tự kiếm sống, học nghề, học lên đại học thông qua giai đoạn chuyển tiếp (Trung học phổ thông hiện thời) là bậc Dự bị đại học do từng trường đại học tổ chức cho tiết kiệm thời giờ và có chất lượng cao. Tiết kiệm, chẳng hạn như: vào trường Âm nhạc, trường Văn khoa và trường Xiếc… có cần học tính đạo hàm như vào mọi trường khác không? Chất lượng cao hơn thì rất dễ thấy: tất cả các phòng thí nghiệm thô sơ ở tất cả các trường phổ thông cấp III cộng lại (số lượng rất lớn) chắc gì bằng một góc chất lượng phòng thí nghiệm một trường đại học nghiên cứu?

(2) Sau chương trình, sách giáo khoa sẽ không là “pháp lệnh” với giáo viên, mà là người bạn đường tin cậy. Nó giúp giáo viên cách giao việc cho học sinh thực hiện, nó bày cho giáo viên cách làm mẫu thao tác học để giáo viên tự tin là mình hướng dẫn cách học đúng (chứ không phải cách giảng giải đúng) cho học sinh, và sau nữa nó gợi cho giáo viên những cách kiểm soát kết quả việc làm của học sinh – cả những kết quả bày ra bên ngoài để ai cũng nhìn thấy được, và cả những kết quả trong tư duy của học sinh khó thấy bày ra bên ngoài.

Điều đặc biệt là ngay trong sách giáo khoa đã phải có những yếu tố kỹ thuật cụ thể để đánh giá kết quả học tập của học sinh – cả cách tự đánh giá lẫn cách theo dõi kết quả tự đánh giá. Thay đổi công việc đánh giá không đơn giản là thay điểm số bằng lời hoặc bằng chữ viết cái lời vẫn thường được nói ra ngoài bằng con số hoặc chữ A chữ B. Người Nga cho điểm từ 1 đến 5 và người Đức cho điểm từ 5 đến 1 có khác gì nhau, và cũng có gì khác đâu với những lời nhận xét từ trên dội xuống?

Thay đổi cách đánh giá không hề dễ đối với cái hệ thống vẫn chỉ quen coi bất kỳ ai không là học sinh thì đều được coi là cao hơn, giỏi hơn, có đạo đức hơn những em học sinh tội nghiệp muôn đời thấp cổ bé họng. Việc đánh giá lý tưởng nhất ở trường học (và cả ở ngoài đời) phải là tự đánh giá. Công việc đó phải được tập thực hành ngay từ bộ sách giáo khoa bậc thấp nhất. Và kể từ Lớp 6, thì việc tự học và tự đánh giá sẽ phải trở thành niềm vui, thành thói quen, thành nếp sống của con người. Xã hội sẽ ổn định nhờ những con người tự giác thật sự nhờ thấy chính bản thân mình có những năng lực thực sự gì – và cảnh 220 nghìn cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp phải đi học nghề lại sẽ chấm dứt. Chấm dứt luôn cả cái cảnh “đồng chí này là con đồng chí nào” như ta đang thấy!

(3) Việc thứ ba là huấn luyện giáo viên.

Trường Sư phạm là trường học nghề. Nghề dùng một hệ thống nghiệp vụ gửi cụ thể trong bộ sách giáo khoa đã được nghiên cứu và thực nghiệm đủ kỹ. Đó không là một trường thuần túy “thực hành”. Giáo sinh cần học để biết chắc về lý thuyết vì sao lại có sách mới này? Giáo sinh cần làm lại những thực nghiệm Tâm lý Giáo dục chỉ được nghe mô tả. Giáo sinh cần thực hành tất cả các mẫu việc làm và mẫu thao tác học đủ để tự tin mình ra trường thì làm việc có kết quả ngay với trẻ em, không thua, thậm chí có thể và phải hơn tay nghề những giáo viên lâu năm đã quá kiêu hãnh với “nghề” giảng giải nhai đi nhai lại mỗi năm – mặc dù chưa hề biết đến “nghề” mới của nhà giáo là tổ chức hệ thống việc làm mà mục đích là giúp học sinh tập tự học và thực sự tự học.

Vậy sẽ cư xử thế nào với những giáo viên đã quen với phong cách dạy học giảng giải cũ? Không khó nếu có một bộ sách giáo khoa lý tưởng như đã được mô tả bên trên. Xin tự giới thiệu: người viết bài này đã từng đi tiên phong mở trường lớp mang tên “Thực nghiệm Hồ Ngọc Đại” từ năm 1984 tại 13 tỉnh và thành phố, đến những năm 1990 (đã mở rộng tại 43 tỉnh và thành phố). Trong khi làm công việc huấn luyện lại các giáo viên có trình độ 7 cộng 1, cộng vài ba, cho đến những giáo sinh đang đào tạo bài bản, người viết bài này đã chiêm nghiệm một điều: bộ sách giáo khoa mới phải chứa đựng trong nó cả một tư tưởng mới và những kỹ thuật mới để thực thi có kết quả cao của giáo viên. Vì vậy, thật dễ hiểu vì sao nhóm Cánh Buồm đã bắt tay chữa lại sách cho đúng hơn, hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn. Và chính vì thế, từ năm 2013 tới nay, nhóm Cánh Buồm đã “tay không bắt giặc” và chẳng có xu nào vẫn có hẳn 5 Út Tịch, 3 ở Hà Nội, 1 ở Bắc Giang, và 1 ở Sài Gòn.

Cô Đinh Phương Thảo ra đề thơ cho các em học sinh lớp Út Tịch 4 nhân chuyện cá chết ở miền Trung. Cô Thảo trêu các em, giả vờ rằng “thôi, thây kệ chuyện cá chết…” và bị các em nhao nhao phản đối. Rồi Thảo giả vờ xuống nước: “Mình không ăn cá nữa thì sao…”, và học sinh của Thảo trả lời cô bằng thơ:

NHỊN ĐÓI
(Lời của một em bé vùng biển)
Cá biển đang chết rất nhiều
Mẹ đừng ra biển buổi chiều mẹ ơi
Nhà mình đành ăn bó xôi
Ngay mai thì phải nhịn thôi mẹ à!
(Hạo Nhiên – Lớp 4)
                
BUỒN
Cá biển đang chết rất nhiều
Có thể do biển nhiễm nhiều thủy ngân
Biển đang thêm nhiều tủi thân
Khiến cá chết hết, người cần cá thêm.
(Khôi Nguyên – lớp 3)

CÁ CHẾT
Cá biển đang chết rất nhiều
Mọi người thôi việc buổi chiều ra khơi
Ngư dân đáng thương mẹ ơi
Họ đang trong cảnh cuộc đời đắng cay
Hôm nào cũng bị trắng tay
Họ buồn biết kể chuyện này với ai?
(Đặng Chí Kiên – lớp 4)

 

Ngày đáng nhớ

Tình cờ hôm nay ngồi viết bài này lại vào ngày 19 tháng 8. Với thế hệ những U90 sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đó là một ngày đầy kỷ niệm. Ngày 17 tháng 8, tôi đứng như một quan sát viên ở phố Tràng Tiền nhìn đoàn người vạm vỡ hơn thân hình mảnh dẻ của mình, tay nắm đấm giơ ngang tai hô “Việt Nam độc lập”, “Đả đảo phát xít”, “Ủng hộ Việt Minh”… Mắt tôi dõi theo những thanh niên kiệu nhau trên vai mang lá cờ đỏ khác lạ trong khi một lá cờ lớn thả xuống từ gác Nhà hát lớn…

Bao nhiêu năm qua đi, tôi vẫn nguyên vẹn con người mơ mộng như xưa, và xin hứa sẽ mơ mộng cho đến chết. Điều khác biệt đôi chút là con người mơ mộng giờ đây có pha thêm chút cảnh giác, và không còn sự hoài nghi nữa mà đã có những kết luận riêng dứt khoát. Không có những kết luận riêng, tôi không thể sống mười năm trên miền núi Hà Tuyên chỉ để soạn lại cách dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Không có kết luận riêng, chắc chắn tôi không thể cúc cung tận tụy làm Giáo dục thực nghiệm trên ba mươi năm với giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhất là không thể có cuộc tập hợp được những em trong nhóm Cánh Buồm bây giờ vào năm 2009. Từ thuở ban đầu có dăm bảy em, nay đã có thêm cả các Cụ, nhóm Cánh Buồm đã có 4 Thê đội. Thê đội 1 là những bạn trẻ từ thuở ban đầu. Thê đội 2 gồm các giáo viên cũng trẻ ở 5 Út Tịch. Thê đội 3 gồm mấy ông già chuyên dịch sách để làm bộ Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm sắp ra đầu sách thứ 4. Thê đội 4 gồm vài chục thành viên cả trẻ cả già, trên 90 tuổi có nhà giáo Kiều học Nguyễn Thế Anh và người biên soạn kiêm biên tập viên Mạc Văn Trang, có nhiều giáo sư cả ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài làm việc qua Internet…

Những ai hay nói “sinh bất phùng thời” là vì thất vọng không kiếm chác được ở “Thời”. Tôi lại thấy mình lúc nào cũng gặp Thời – tôi đang gặp Thời Internet, thời của những tâm hồn Tự do, Trách nhiệm, và có Sức để sống tự do và trách nhiệm.

Một số bài thơ dịch từ các học sinh lớp 5 của cô Hải Hà, trường Út Tịch 1 Hà Nội, theo lời thách của nhà thơ Hoàng Hưng:

Night in the garden
Moonlight drops softly
From small flowers. Night wind sings
Like a lost lover
Gele Mehlam 17 tuổi, lớp 11 (Ohio)

Ánh trăng mơn man
Gió cất lời từ những nụ hoa
Như người tình xưa
(Anh Kiệt dịch)

Ánh trăng nhẹ rơi
Từ nhành hoa nhỏ. Gió và đêm cùng hát
Như chuyện tình đã qua
(Gia Kiên dịch)

Ánh trăng từng giọt nhẹ rơi
Từ bông hoa nhỏ, gió cất lời
Nó hát về người yêu đã mất.
(Ngô Minh Hà dịch)

Ánh trăng rớt xuống nhẹ nhàng
Từ bông hoa nhỏ. Đêm về gió hát
Như người tình lạc mất nhau.
(Thùy Trang dịch)

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)