Nhân rộng OCOP để giải “nút thắt” trong phát triển nông thôn
Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) ở Quảng Ninh là một cách phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hoá ở nông thôn, cần được tham khảo nhân rộng ở các tỉnh khác trên cả nước.
Quang cảnh Hội nghị
Đó là một trong những kết luận quan trọng được đưa ra tại Hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” (Hội nghị) vào ngày 2/3 tại Quảng Ninh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh trong cả nước.
Kinh nghiệm OCOP giải “nút thắt” phát triển nông thôn
Quảng Ninh là một trong những tỉnh có nền kinh tế mạnh, mức sống người dân cao, tuy nhiên chênh lệch giàu nghèo vẫn rất lớn. “Nếu như cư dân vùng công nghiệp có thu nhập bình quân đầu người vào khoảng hơn 4.000 USD/ năm thì người dân vùng làm nông nghiệp chỉ thu nhập bằng khoảng hơn 1/3 số đó; chưa kể các vùng có tập quán làm nông nghiệp nhỏ lẻ, tự cung tự cấp thì bức tranh nghèo đói vẫn còn rất nặng nề”, theo chia sẻ của ông Đặng Huy Hậu, phó chủ tịch UBND Quảng Ninh tại Hội nghị. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã mời một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp trên quy mô lớn, nhưng cho đến vài năm trước, “bài toán” phát triển nông nghiệp ở những vùng sâu, vùng xa vẫn còn chưa có “lời giải”, ông Hậu cho biết.
Đó không chỉ là tình trạng riêng của tỉnh Quảng Ninh mà còn là “nỗi lo” chung trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong cả nước, theo nhận định của PGS.TS Trần Văn Ơn, từ công ty Dkpharma, trưởng nhóm tư vấn cho chương trình OCOP Quảng Ninh. Luồng di dân từ nông thôn vào thành thị ngày càng phổ biến, một mặt làm suy giảm lực lượng lao động cần thiết để phát triển nông nghiệp hàng hoá, mặt khác lại gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị. Mặt khác, nếu chỉ “trông chờ” vào các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, thì người nông dân mãi mãi chỉ là người làm thuê trên chính quê hương mình mà không thể phát huy sức sáng tạo cá nhân. Trong khi đó, mỗi địa phương trong cả nước có rất nhiều sản vật độc đáo nhưng hầu như vẫn chưa được thúc đẩy trên quy mô hàng hoá, “vươn ra” thị trường toàn quốc và quốc tế. Vấn đề là làm sao thúc đẩy tinh thần “làm chủ” và sáng tạo của người nông dân để phát huy được những sản vật độc đáo vốn là thế mạnh của nhiều địa phương, PGS. TS Trần Văn Ơn trăn trở.
Trước thực trạng trên, từ năm 2008, trong cả nước đã có một số địa phương thí điểm phát triển chương trình “mỗi làng một sản phẩm” hoặc “mỗi làng một nghề” nhưng mang tính “lẻ tẻ”, chưa đồng bộ. Riêng Quảng Ninh đã tiên phong tham quan mô hình của nước ngoài (Thái Lan, Nhật Bản) mời đơn vị tư vấn độc lập (DKpharma) để lập Đề án phát triển Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (Đề án) từ năm 2013, trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách bài bản, có hệ thống, từ việc hình thành bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện, ban hành cơ chế, chính sách, đến hướng dẫn qui trình triển khai… Trong Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai là: Xây dựng quy trình thực hiện từ đăng ký ý tưởng sản phẩm; lập các dự án sản xuất; phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng cộng đồng; xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, phân cấp quản lý quyết định đầu tư cho cấp huyện, cấp xã; xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và thi xếp hạng sản phẩm; tổ chức thi thiết kế logo, kiểu dáng công nghiệp, bao bì sản phẩm; quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm và điểm bán hàng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tổ chức xúc tiến thương mại và Hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thường niên,… Sau ba năm thực hiện, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã thu được những kết quả tốt, tổng giá trị hàng hóa bán ra trong chương trình này tại Quảng Ninh là trên 670 tỷ đồng (gấp 3 lần kế hoạch), thu hút tổng số hơn 2100 lao động, số hộ, nhóm hộ đăng ký tham gia ngày càng nhiều.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan ruốc hàu – sản phẩm OCOP được xếp hạng 5 sao của Quảng Ninh.
Nhân rộng mô hình OCOP
Kết quả trên cho thấy OCOP là hướng đi đúng, sáng tạo của Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh của địa phương, theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Do vậy, ông Cường yêu cầu các sở nông nghiệp trong cả nước tham khảo quá trình xây dựng Đề án và kinh nghiệm thực hiện trong thực tiễn ở Quảng Ninh, từ đó xây dựng kế hoạch ở mỗi địa phương một cách “sáng tạo”, phù hợp với điều kiện đặc thù ở từng tỉnh (có tiến hành thí điểm). Về phía Bộ Nông Nghiệp, thứ trưởng Trần Thanh Nam sẽ làm trưởng nhóm thu thập tài liệu từ trường hợp OCOP Quảng Ninh và biên soạn bộ quy trình hướng dẫn thực hiện để các Sở nông nghiệp tham chiếu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kinh nghiệm quý báu của OCOP Quảng Ninh và đề nghị “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan hữu quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng Đề án ‘Chương trình mỗi xã một sản phẩm’ trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp”. Ông nhấn mạnh trong quá trình tái cơ cấu sản xuất phải “lấy người dân làm chủ thể, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm động lực trong việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường và xây dựng thương hiệu. Chỉ khi các doanh nghiệp vào cuộc, thì họ mới tự vận động tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tổ chức cho người dân tham gia sản xuất, đồng thời phân phối lợi ích”.
Về phía các địa phương, ông yêu cầu: “căn cứ trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ và định hướng một số nội dung, giải pháp phát triển làng nghề và chương trình “Mỗi xã nông thôn mới một sản phẩm chủ lực”, chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng địa phương để tổ chức thực hiện”.