Nhìn nhận lại các chương trình công nghiệp hóa

 Cách đây chỉ hai thập kỷ, "tự lực tự cường" là mong muốn của nhiều quốc gia. Nay, cố gắng để “không bị phụ thuộc vào thị trường thế giới” chỉ báo hiệu sự cô lập dẫn đến tất yếu phá sản.

Có nên đi theo thành công của người khác?
Là những nước đi sau hàng mấy thế kỷ, các nước đang phát triển và DN của họ thường học tập kinh nghiệm, làm lại cái các nước phát triển và DN của họ đã làm. Trong TGP, các nước, DN nhỏ cần làm cái khác các nước phát triển, các DN lớn làm. “Cái khác” này nên hỗ trợ, bổ sung cho cái mà DN lớn đang làm hoặc hòa vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của họ hoặc nối dài thêm vào chuỗi giá trị của sản phẩm của họ. Cạnh một hàng phở phát đạt, mở thêm một hàng phở chưa chắc lãi bằng mở hàng cà phê, hay trở thành nhà cung cấp bánh phở, thịt bò… cho họ. Cạnh Trung Quốc, người ta không nên phát triển những ngành công nghiệp hay sản xuất các sản phẩm mà họ đã rất thành công, mà nên tích hợp vào chuỗi của sản phẩm của họ. Ngành công nghiệp ô tô, thép, xi măng, điện tử… của ta đang làm theo đúng những cái họ đang làm tốt. Cần nhìn nhận lại các chương trình công nhiệp hóa vì đó thực chất là cố gắng sản xuất – kinh doanh nhiều sản phẩm tương tự như những sản phẩm người khác đã làm và bán rất tốt ngay ở nước mình.

Phụ thuộc lẫn nhau

Thế giới phẳng đem lại sự bất định sâu sắc (profound uncertainty), mọi thứ xảy ra nhanh hơn, tính bất khả tiên lượng (unpredictability) cao hơn, các quy luật có giá trị trong thời hạn ngắn hơn. Các chiến lược, masterplan, dự báo… không thể làm cho thời gian dài như trước. Các “định hướng”, “tầm nhìn” xa đến cả 20-30 năm chỉ mang tính hình thức và không thể là căn cứ để hành động.
Thế giới phẳng đặt mọi tổ chức, quốc gia vào một giao diện với vô số yếu tố tác động từ mọi phía. Các dự án, sự kiện không còn thuộc một lĩnh vực cụ thể. Để giải quyết công việc, các phòng ban cứng nhắc theo lĩnh vực như ở thế kỷ 20 cần được thay bởi các tổ công tác (taskforce), tổ dự án (project team) mang tính đa lĩnh vực (inter-disciplinary). Các tổ chức quốc tế, công ty toàn cầu có nhiều tổ công tác, tổ dự án, cán bộ chương trình hơn các phòng ban cố định và biến các phòng ban này thành các đơn vị hỗ trợ. Ứng phó với tác động từ ngoài và yêu cầu phải hiểu rõ mình bắt các DN phải “nhìn người” và “nhìn mình” kỹ hơn (thay vì chỉ nhìn  “mình” hoặc dập khuôn theo “người”như hiện nay).
Cách đây chỉ hai thập kỷ, “tự lực tự cường” là mong muốn của nhiều quốc gia. Nay, cố gắng để “không bị phụ thuộc vào thị trường thế giới” (theo như nghiên cứu khả thi của một ngành công nghiệp quan trọng ở ta) chỉ báo hiệu sự cô lập dẫn đến tất yếu phá sản.

Xúc tiến đầu tư trong thế giới phẳng
Xúc tiến đầu tư trong công nghiệp khác với xúc tiến đầu tư thông thường. Các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của khu vực và thế giới không nhiều. Vì vậy, ta có thể nhằm rõ đối tượng để xúc tiến đầu tư. Qua Internet và các thông tin chuyên ngành, có thể biết được các nhà đầu tư tiềm năng. Có thể đặt quan hệ với họ và xúc tiến đầu tư ban đầu qua web, Email mà chưa cần ra nước ngoài để xúc tiến đầu tư. Nếu muốn làm gia công (“bán” công đoạn) thì không đem sản phẩm đi trưng bày mà đem kỹ năng, công đoạn đi để thể hiện.
Để “vào” các chuỗi cung ứng, cần làm việc với các công ty khống chế của chuỗi cung ứng đó. Xúc tiến đầu tư với các DN thành viên của chuỗi không có tác dụng.
Xúc tiến đầu tư có hiệu quả là ta phải tìm đến nhà đầu tư, chứ không phải họ tìm đến ta như hiện nay. Kinh doanh trong thế giới phẳng là không chờ đầu tư vào (in-vestment) mà phải chủ động đầu tư “ra” (out-vestment).
Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ những ngành nghề nào dễ out-sourced nhất. Có thể xem các nghiên cứu đó để tìm ra khả năng cho outsourcing. Rất nhiều thông tin về cơ hội sản xuất – kinh doanh có rất sẵn trên internet.
Các phòng hợp tác quốc tế (HTQT) của các Bộ, ngành, doanh nghiệp chưa chắc đã là công cụ tốt cho hội nhập. Thực ra, điều đó lại chứng tỏ nơi đó chưa thực sự “hội nhập”, vì cán bộ các phòng nghiệp vụ chưa có những cân nhắc toàn cầu ngay từ khâu đầu tiên của công việc (và phải cần phòng HTQT để “nắn” công việc cho phù hợp với thế giới). Các công ty toàn cầu, các tổ chức quốc tế không có phòng HTQT!

Quan niệm lại về “Nền kinh tế quốc dân”
Với sự hợp tác đan xen của thế giới phẳng, nền kinh tế quốc dân không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia. Ấn Độ thừa người lập trình khi “đóng”, nhưng lại thiếu khi “mở”, Singapore không có nông nghiệp nhưng vẫn “thừa” rau quả… Sự “mất cân đối” khi “đóng” có thể là “cân đối” khi “mở” và ngược lại. Các “cân đối quốc gia” truyền thống (giữa các ngành của nền kinh tế) không còn mang ý nghĩa.
Các tỉnh, ngành ở ta vẫn đưa ra chiến lược dựa trên cân đối theo kiểu “đóng”. Sản lượng thép, xi măng, đường, số lượng kỹ sư, v.v… được tạo ra tính theo dân số như thể dân ta phải dùng đồ ta và đồ ngoại không được bán ở ta. Trong thế giới phẳng, chuỗi “ngoại” tác động lớn. Vì vậy, không sản xuất – kinh doanh sản phẩm gì khi chưa biết về các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm đó ở khu vực và thế giới. Cần lưu ý rằng: chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị có thể phát triển ngoài ý định của bất kỳ quốc gia nào. Đi trái với các chuỗi toàn cầu là điều các nước cần tránh. Ta đã đi từ cân đối theo làng, theo tỉnh, theo vùng, rồi theo nước. Vậy khi nào cân đối theo khu vực, theo thế giới là phù hợp?

Đinh Thế Phong

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)