Những câu chuyện được kể lại

Thành công của Công ty gốm sứ Minh Long I, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Tập đoàn Mỹ Lan và Misfit tuy xuất phát từ những bí quyết và bài học kinh nghiệm riêng nhưng đều có công thức chung là sử dụng chất xám Việt vào hoạt động R&D và phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo. 

Họ đã chia sẻ câu chuyện thành công này tại buổi tọa đàm “Những doanh nhân tiên phong công nghệ sáng tạo trên trang báo Tia Sáng” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Thành công nhờ tin tưởng vào chất xám Việt

Trái ngược với xu hướng chung của các công ty công nghệ Mỹ thường tập trung bộ phận R&D tại Silicon Valley và đưa các công việc đơn giản về các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ…, bí quyết làm nên thành công của Misfit, như CEO Lê Diệp Kiều Trang của công ty, chia sẻ, là xây dựng bộ phận R&D ngay tại Việt Nam. Nhận thấy “tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ được học về công nghệ một cách bài bản ở nước ngoài, rất lớn nhưng ít có công ty tận dụng được một cách hiệu quả để có được những sản phẩm thương mại mang tầm quốc tế”, Misfit đã thành lập bộ phận R&D tại TP. HCM, bao gồm những thành viên tuổi đời còn rất trẻ nhưng đam mê sáng tạo sản phẩm mới, tập trung vào nghiên cứu những thuật toán cao cấp chuyên biệt, cơ sở để phát triển và thiết kế phần mềm của các dòng sản phẩm như Misfit Shine, Misfit Flash, Misfit Home… Chính năng lực và sự sáng tạo của họ đã giúp sản phẩm của Misfit có được sự khác biệt và được đánh giá cao dù không phải là sản phẩm đi tiên phong. Đến nay, đội ngũ làm R&D của Misfit đã lên tới khoảng 200 người, trong đó chủ yếu là các nhà nghiên cứu trẻ tuổi người Việt, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng nở rộ, sản xuất ra hàng triệu sản phẩm và đến nay thu hút được tới 60 triệu USD vốn đầu tư, kết quả không tồi cho một startup.

Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp Việt Nam thành công nhờ tin tưởng giao phó trách nhiệm làm R&D cho các nhà nghiên cứu, sáng chế trong nước, trong đó không chỉ có những startup trẻ trung năng động, mới ra đời vài năm như Misfit, mà còn có cả những doanh nghiệp của Nhà nước, với bộ máy quản lý cũ kỹ, rệu rã, thậm chí từng có nguy cơ phá sản như Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trước đây. Tổng giám đốc Rạng Đông, ông Đoàn Thăng cho biết, đã có lúc phải đóng cửa nhà máy trong vòng sáu tháng vì bế tắc đầu ra, sản phẩm không cạnh tranh nổi trên thị trường nội địa. Vì vậy, ban lãnh đạo Rạng Đông quyết định thành lập Trung tâm R&D vào năm 2011 nhằm nghiên cứu các công nghệ hiện đại để tiến tới giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất thay vì chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm tích lũy như trước đây. Một trong những thành quả đầu tiên mà Rạng Đông có được trong hợp tác với nhà khoa học là phương pháp thu hồi bột huỳnh quang từ ống thủy tinh chì tráng lớp phát quang phế phẩm của PGS. TS Phạm Thành Huy (Viện Tiên tiến KH&CN, ĐH Bách khoa) đem lại hai sản phẩm bột huỳnh quang tinh sạch và thủy tinh nguyên liệu. Kết quả này giúp Rạng Đông tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, và đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về thành công trong ứng dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, mà theo bộc bạch của ông Đoàn Thăng “nếu không có sự hỗ trợ của họ thì doanh nghiệp không thể ‘sống’ được”.

Tuy nhiên, bài toán R&D không phải dễ áp dụng với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi họ chưa có nhiều thông tin và kinh nghiệm. Chia sẻ cách giải quyết vấn đề, Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan, ông Thanh Mỹ, cho rằng, trong nhiều lĩnh vực như điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa…, Việt Nam có khả năng tiếp cận trình độ quốc tế nhưng vẫn bộc lộ điểm yếu là không biết cần tập trung đầu tư vào hướng nào để tạo ra sản phẩm đặc trưng. Vì vậy, doanh nghiệp phải “biết được mình cần làm gì”, lấy đó làm cơ sở chọn công nghệ phù hợp với năng lực của mình và phát triển nó thành sản phẩm riêng biệt.

Cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học

Để làm R&D ở doanh nghiệp thành công thì cả doanh nghiệp và nhà nghiên cứu đều phải vượt qua rào cản từ chính mình: doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn, lo ngại về chi phí đầu tư, độ rủi ro trong nghiên cứu và khoảng cách lớn từ nghiên cứu đến ứng dụng… trong khi nhà khoa học mới quen giải các bài toán khoa học mà thiếu hiểu biết về những vấn đề trong thực tiễn sản xuất. Theo các diễn giả tại tọa đàm, việc hợp tác thành công phụ thuộc rất nhiều vào việc “nhà khoa học có tinh thần doanh nhân và doanh nhân có tinh thần khoa học”.

Để phát huy tinh thần doanh nhân trong các nhà khoa học, trước hết họ phải biết cách trở thành nhà công nghệ, đưa ý tưởng và kết quả nghiên cứu thành sản phẩm được thị trường đón nhận. Bà Kiều Trang đưa ra ví dụ, khi viết phần mềm cho sản phẩm, có nhà nghiên cứu trong nhóm R&D của Misfit đã áp dụng một thuật toán chuyên biệt “rất cao siêu” nhưng khiến chương trình điều hành của sản phẩm mỗi lần tích hợp với điện thoại của người sử dụng phải chạy tới… 15 phút. Rõ ràng, khi viết phần mềm cho sản phẩm, nhà nghiên cứu đó chưa đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng.

Cũng đồng tình với nhận định của bà Kiều Trang, ông Thanh Mỹ cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến khả năng ứng dụng của sản phẩm trong thực tế. Các nhà khoa học Việt Nam có thể thực hiện tốt nhiều đề tài nghiên cứu nhưng còn vướng mắc ở khâu định hình khả năng ứng dụng. Họ thường không biết mình cần làm gì, chọn hướng nào để phát triển công nghệ mà mình đã nghiên cứu. Vì vậy, nhà khoa học Việt Nam vẫn bị động trong định hướng nghiên cứu, dễ bị “hùa theo” xu hướng đám đông, dẫn đến việc các đề tài nghiên cứu chỉ ở thế lưng chừng, khó có khả năng thương mại hóa sản phẩm thành công.

Để phát huy tinh thần khoa học trong các doanh nhân, theo ông Đoàn Thăng, doanh nhân cần phải mạnh dạn đầu tư kinh phí cho R&D, hiểu về khả năng rủi ro trong nghiên cứu khoa học, “nếu từ 10 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đem lại được hai, ba kết quả thành công đã là quý”. Tuy độ rủi ro lớn nhưng khi áp dụng vào thực tế nếu thành công sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn như với trường hợp bóng đèn led của Rạng Đông, “dù là sản phẩm mới nhưng trong vòng ba năm, sức tiêu thụ đèn led năm sau gấp ba năm trước. Năm 2013, Rạng Đông bán trên 1,2 triệu chiếc, năm 2014 trên 2,7 triệu, và riêng chín tháng đầu năm năm 2015 đạt 3,2 triệu, ông Đoàn Thăng cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông Đoàn Thăng, hơn hết, doanh nghiệp cần có cơ chế đặt hàng nhà khoa học và trao cơ hội cho họ tự do thực hiện những ý tưởng của mình, và chỉ có như vậy nhà khoa học mới thực sự tâm huyết và phát huy hết năng lực của mình. Ông lấy dẫn chứng về các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm R&D của Rạng Đông, để tập trung tìm phương án giải quyết đề xuất mà công ty đặt ra, các nhà nghiên cứu đã có mặt ở Trung tâm từ thứ hai đến thứ bảy, thậm chí chủ nhật, dù trước đó từng đặt vấn đề chỉ làm việc hai ngày mỗi tuần.

Tạo môi trường làm việc phát huy đổi mới sáng tạo

Hiện nay, doanh nghiệp trong nước còn phải dựa nhiều vào công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng để thành công trong lâu dài thì tất yếu họ phải tìm cách phát huy hiệu quả nguồn chất xám Việt, mà muốn vậy thì trước hết doanh nghiệp phải tìm cách xây dựng một môi trường làm việc kích thích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ngay trong những người nhân viên bình thường nhất.

Đây là bài học kinh nghiệm rất rõ rút ra từ Minh Long I, công ty gốm sứ hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Theo quan niệm thông thường, gốm sứ là ngành thủ công truyền thống, không cần đến công nghệ hiện đại nên Minh Long khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Về lâu dài nếu không có biến chuyển về nguồn nhân lực, Minh Long sẽ khó duy trì được thế mạnh. Để khắc phục điều này, Minh Long đã nhập các dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại của nước ngoài vào các xưởng sản xuất nhằm tạo ra một hình ảnh mới cho ngành gốm sứ. Song song với đó, Minh Long yêu cầu mọi thành viên của công ty tìm ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong từng công đoạn sản xuất, bởi “những thay đổi dù nhỏ nhất cũng đều mang đến biến chuyển lớn”, theo quan điểm của ông Sáng. Vì vậy, công nhân cũng có cơ hội đóng góp những sáng kiến có giá trị không kém các kỹ sư và việc tận dụng được sức đổi mới sáng tạo của đội ngũ công nhân cũng đem lại cho Minh Long nhiều cải tiến kỹ thuật đáng kể. Bài học mà Minh Long rút ra là “dụng nhân như dụng mộc”, cần tìm ra ưu điểm trong từng con người và tạo động lực để họ đem đến những cải tiến trong công việc.

Cùng quan điểm này với Minh Long, ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, việc thành lập Tập đoàn Mỹ Lan của ông ở Trà Vinh gắn liền với việc tạo dựng một môi trường làm việc văn minh, minh bạch và hình thành một lối suy nghĩ mới mẻ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên Tập đoàn với khoảng 500 người, độ tuổi trung bình 27. Ông đem lại cho họ cơ hội nghĩ khác, làm khác và dám đưa ra những ý tưởng mới, dám đổi mới sáng tạo không ngừng. Tất cả các thành viên đều được tạo điều kiện phát huy khả năng của mình để có thể làm nên sự thay đổi. Đây chính là bí quyết để Mỹ Lan có được nguồn nhân lực chất lượng cao, ngay cả khi người giỏi đã tập trung về các thành phố lớn. Trong quá trình phát triển tập đoàn, ông Thanh Mỹ còn tính đến những giải pháp lâu dài như liên kết với trường Đại học Trà Vinh mở Khoa Hóa học ứng dụng và đích thân giảng dạy. Hằng năm sau mỗi khóa học, Mỹ Lan có thêm cơ hội tuyển dụng sinh viên xuất sắc ngay tại địa phương để bổ sung vào các công ty thành viên của Tập đoàn.

“Để tồn tại, doanh nghiệp cần có hai yếu tố, tinh thần doanh nhân và tinh thần công nghệ. Chính sự đóng góp của các doanh nghiệp đã góp phần mở rộng ứng dụng KH&CN vào thực tiễn. Vì vậy để KH&CN Việt Nam giữ được vị trí thứ ba trong khối ASEAN, không chỉ phụ thuộc vào cộng đồng khoa học mà còn vào cả cộng đồng doanh nghiệp, với những doanh nhân có tinh thần công nghệ. Bộ KH&CN sẽ cố gắng tạo ra cơ chế thông thoáng nhất để doanh nghiệp phát huy được tinh thần này.”

(Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)