Những câu hỏi từ một vụ cổ phần hóa bất thành

Trong những ngày vừa qua, một trong những tiêu điểm quan tâm của công luận là việc thí điểm CPH (CPH) bệnh viện (BV) Bình Dân của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Ngay từ chủ trương, đề án này đã vấp phải những băn khoăn chính đáng. Liệu có cần thiết hay không việc thực hiện CPH tại một trong những lĩnh vực hết sức nhạy cảm đụng chạm đến nguyên tắc tồn tại của chế độ - chăm sóc sức khỏe nhân dân? Liệu CPH có phải là biện pháp duy nhất và tối ưu để cải thiện hiện trạng còn nhiều bất cập của lĩnh vực này? Và cùng với thời gian, những bước hiện thực hóa đề án này càng ngày càng phải đối đầu với những ý kiến phản đối mà đỉnh điểm là cuộc họp lấy ý kiến về đề án do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức hôm 5.6 với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lí kinh tế và trước sức ép của dư luận, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có quyết định tạm ngưng đề án này và sẽ chọn một đơn vị khác để tiến hành thí điểm.

Việc UBND TP Hồ Chí Minh quyết định tạm ngưng đề án CPH BV Bình Dân một mặt thể hiện thái độ cầu thị nghiêm túc của các cấp lãnh đạo thành phố đồng thời cũng thể hiện bản chất dân chủ của xã hội Việt Nam hiện nay. Dẫu vậy, đây dù sao cũng chỉ là một ứng xử có tính chất “vụ việc”. Đề án CPH này chỉ là một trong số rất nhiều dự án CPH đã và đang được thực hiện trên cả nước nhưng những bất ổn và thất bại của nó lại là một “cơ hội vàng” để xem xét lại một cách nghiêm túc, từ đó tìm ra một lời giải thích hợp cho việc thực hiện một trong những chủ trương lớn có tác động đến nhiều mặt đời sống của nhân dân và sự tồn tại của chế độ.
Trước hết, đó là câu hỏi về bản chất của quá trình CPH. Không cần phải bàn cãi, chủ trương CPH là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ nhằm giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào quá trình vận hành của nền kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội và cải thiện nhiều lĩnh vực còn yếu kém trong đời sống kinh tế xã hội. Tuy vậy, liệu CPH có đồng nghĩa với tư nhân hóa? Hệ quả của nó sẽ là liệu chúng ta có chấp nhận hay không tư nhân hóa nền kinh tế, chấp nhận đến đâu, trong những lĩnh vực nào và với một tỉ lệ ra sao để không làm đe dọa định triệt tiêu định hướng Xã hội chủ nghĩa với một trong những lí tưởng cao đẹp và thiêng liêng nhất là vì lợi ích của đại bộ phận nhân dân. Y tế không phải là lĩnh vực duy nhất. Cùng với y tế, còn có hàng loạt lĩnh vực quan trọng khác như giáo dục, năng lượng, bưu chính viễn thông. Cần phải nhắc lại là trong những ngày gần đây, một trong những tiêu điểm khác thu hút sự chú ý của công luận là đề án thành lập Công ty mua bán điện của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN).
Khi CPH và đi cùng với nó là tư nhân hóa một phần nền kinh tế đã được chấp nhận như một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường thì vấn đề tiếp tục cần phải được đặt ra đó là quy trình thực hiện CPH. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc cần phải gióng lên tiếng chuông báo động về việc CPH đang trở thành “lỗ hổng” làm thất thoát tài sản của Nhân dân. Làm thế nào để CPH đừng trở thành cơ hội để khối lượng tài sản đó tập trung vào một số cá nhân một cách bất chính? Qua vụ CPH BV Bình Dân, một vấn đề nổi cộm cần sớm được giải quyết chính là khâu định giá doanh nghiệp cả tài sản hữu hình và vô hình như thế nào để đừng diễn ra cảnh tài sản quốc gia được “cho không” một số cá nhân bằng một số cách thức không bình thường. Bài học đau đớn của quá trình cải cách nền kinh tế của nước Nga trong giai đoạn Hậu Xô Viết buộc chúng ta không thể làm ngơ trước thực trạng này.
Một vấn đề cũng cần được nghiêm túc đặt ra là tính minh bạch của những nguồn tài chính tham gia tiến trình CPH. Liệu cơ chế pháp luật của chúng ta đã đủ mạnh để nhận diện được tất cả những thành viên tham gia quá trình CPH và kiểm soát được tính hợp pháp của nguồn tài chính mà họ huy động? Và liệu có bình thường hay không việc ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, khi mà người lao động bắt buộc phải “bán lúa non” quyền được mua cổ phiếu ưu đãi của mình vì không đủ khả năng tài chính (điều này thực tế đã xảy ra ở BV Bình Dân dù quá trình CPH doanh nghiệp này mới chỉ ở dạng đề án) thì những vị lãnh đạo doanh nghiệp, một số quan chức nhà nước hoặc họ hàng thân thích của họ lại trở thành những cổ đông chính của doanh nghiệp sau khi đã CPH? Và liệu tình trạng làm ăn thua lỗ của nhiều doanh nghiệp nhà nước dù nhận được rất nhiều ưu đãi có phải là toan tính của một số cá nhân nào đó trong việc nhanh chóng biến tài sản của Nhân dân thành tài sản cá nhân thông qua con đường CPH? Đó là những câu hỏi mà cả xã hội cần phải ý thức và trả lời rốt ráo để quá trình tăng trưởng nền kinh tế đừng diễn ra theo con đường một vài cá nhân thu lợi bằng cách làm nghèo đi đại bộ phận còn lại của cộng đồng.
Rộng hơn, từ vụ CPH bất thành BV Bình Dân, đi ra ngoài phạm vi của một chính sách kinh tế, người ta bắt buộc phải nghĩ đến thực trạng của những chính sách an sinh xã hội và giáo dục ở Việt Nam. Liệu ở tình trạng hiện nay, bệnh viện, trường học có phải là một nơi mà người nghèo có thể dễ dàng tiếp cận? Có bao nhiêu người nghèo không được chữa bệnh vì lí do kinh tế? Có bao nhiêu con em của các gia đình nghèo không được tiếp cận với giáo dục đào tạo. Chỉ mấy tháng trước đây, dư luận đã phải bàng hoàng trước những trục trặc của Quỹ Bảo hiểm y tế. Đó liệu có phải là điều đáng để chúng ta suy nghĩ. Trước chủ trương CPH BV Bình Dân, nhiều người băn khoăn rằng với chính sách này, bệnh viện sẽ trở thành nơi chăm sóc sức khỏe cho người có tiền. Băn khoăn đó là hợp lí và có giá trị về đạo đức. Nhưng ngay cả khi không CPH, liệu BV Bình Dân đã thực sự là Bệnh viện của người Bình Dân hay chưa? Đó thực sự là câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng trước tất cả chúng ta, đặc biệt những nhà hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.

Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)