Những điều Nhà nước cần cân nhắc trước khi đầu tư mạo hiểm vào các startup
Chính phủ không nên giúp startup1”, đó là tựa đề và cũng là khuyến nghị từ ban biên tập trang Bloomberg mới đăng trung tuần tháng bảy vừa qua, khi nhận xét về xu hướng chính phủ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, dự định trực tiếp bỏ tiền đầu tư mạo hiểm cho các startup.
Ý kiến từ trang Bloomberg cho rằng việc Nhà nước trực tiếp bơm tiền vào các startup thì có khả năng họ sẽ nuôi dưỡng những công ty yếu kém, và người dân hẳn sẽ không hài lòng nếu tiền đóng thuế của họ chẳng may bị đầu tư vào những công ty đổ bể. Vì vậy, họ cho rằng, những nước giàu như Singapore có thể đổ tiền một cách kiên nhẫn để ươm tạo các doanh nghiệp trong nước, những nước khác tốt hơn hết là đầu tư vào “những nền tảng căn bản” như cơ sở hạ tầng (đặc biệt là đường truyền internet), hệ thống luật pháp đơn giản, chặt chẽ nhất quán; và nghiên cứu cơ bản.
Quan điểm trên từ ban biên tập Bloomberg khá thiên về một chiều, tuy nhiên, có lẽ nó rất đáng cân nhắc nếu xét trong bối cảnh của Việt Nam. Mặc dù chính phủ một số nước như Israel, Singapore, Malaysia… đã có mô hình đầu tư đối ứng với các quỹ đầu tư mạo hiểm tương đối thành công, nhưng các mô hình này hiện rất khó thực hiện ở Việt Nam do môi trường và nguồn lực chưa đủ, theo đánh giá của Phan Hoàng Lan, một trong những tác giả của Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng năm vừa qua.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, các quỹ đầu tư đối ứng với tư nhân cho khởi nghiệp đòi hỏi số tiền rất lớn, từ hàng chục triệu USD (như Malaysia, Thái Lan), hàng trăm triệu USD (như Israel, Singapore) cho đến hàng tỉ USD (như Ấn Độ). Thực tế cho thấy Việt Nam đã có nhiều quỹ với giá trị nhỏ hơn nhiều lần nhưng hoạt động chưa hiệu quả (tiến độ giải ngân chậm) thì việc lập ra một quỹ đối ứng với quy mô lớn như ở các nước trên là không khả thi. Hơn nữa, Việt Nam chưa có quy định công nhận thế nào là quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, khóa tăng tốc khởi nghiệp nên rất khó đưa ra tiêu chí để đối ứng.
Môi trường pháp lí ở Việt Nam bao gồm Luật đầu tư, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp chưa cho phép tiền ngân sách đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC). Đồng thời, quy định về “bảo toàn vốn nhà nước” sẽ không cho phép các khoản đầu tư bị lỗ. Nếu lỗ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm lớn. Tuy nhiên, bản chất của đầu tư mạo hiểm hầu hết là lỗ và chỉ có một số khoản lãi. Thậm chí có thể lỗ liên miên cho đến khi 5-7 hoặc 10 năm sau mới có thể lấy được khoản lãi sau khi thoái vốn thành công từ startup. Như vậy không quỹ nào của nhà nước hiện nay “dám” đầu tư vào startup, trừ khi họ có đặc cách về pháp lý.
Ngoài ra, rào cản lớn nhất chính là việc chúng ta có chấp nhận đối ứng vốn với các VC nước ngoài? Trên thực tế, tất cả các nước đối ứng vốn đều có mục đích thu hút VC nước ngoài vào đầu tư trong nước. Hơn nữa, họ hiểu rằng chỉ có VC nước ngoài mới có thể có know-how để nâng hiểu biết của thị trường đầu tư mạo hiểm trong nước và lợi ích cuối cùng nằm ở các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sẽ có ý kiến phản đối: “Tại sao phải cho các VC nước ngoài vay tiền để làm lợi cho họ, còn không ủng hộ các bên của nước mình?”
Cuối cùng, đầu tư xong thì thoái vốn thế nào? Các nhà đầu tư hiện nay vẫn coi đó là một bài toán khó ở Việt Nam.
——-
1 http://www.bloomberg.com/view/articles/2016-07-14/governments-aren-t-venture-capitalists