Những đóa hoa diên vĩ của van Gogh
Cuộc triển lãm “Ultra-Violet: New Light on van Gogh’s Irises” (Tia cực tím: Ánh sáng mới rọi vào những đóa hoa diên vĩ của van Gogh) đã cho một cái nhìn khác vào những đóa hoa diên vĩ và làm chúng “chuyển màu”.
Vào ngày 9/5/1889, ngày danh họa Hà Lan Vincent van Gogh chuyển vào dưỡng trí viện ở Saint-Rémy, ông bắt đầu bị mảnh vườn nhỏ ở đó thu hút. Từ cửa sổ căn phòng ông ở có thể phóng ra một góc nhìn không thể đẹp hơn về một cánh đồng lúa mì, những gốc ô liu, những ngọn bách sẫm lại trên nền trời gần ngọn đồi ở Les Alpilles và gần hơn là những đóa hoa diên vĩ, poppy, tử đinh hương lẻ loi ngay sát cửa sổ.
Người ta nói rằng ngay sau khi tới dưỡng trí viện, van Gogh đã nhận thấy một số bụi diên vĩ đã bắt đầu nở rộ và cảm thấy háo hức được vẽ những bông hoa trong khu vườn nhỏ với hàng rào bao quanh này. Một trong những bức họa đầu tiên của ông là khắc họa các bông diên vĩ mang hương thơm của mùa xuân, thu lấy vẻ đẹp thoáng qua của những cánh hoa rực rỡ, với một bông màu trắng bừng nở giữa một biển những bông màu tím sẫm. Bên dưới những đóa hoa kỳ diệu này là những dải xoắn kỳ diệu của những chiếc lá dài màu ngọc lam và phía xa xa là những đóa hoa bồ công anh màu vàng cam. Van Gogh yêu thích cách các màu sắc bổ sung cho nhau.
Chỉ vài giờ sau khi tới dưỡng trí viện, van Gogh đã có được sự tin cậy của Giám đốc Théophile Peyron, và được phép vẽ. Sau bức đầu tiên, Théophile Peyron ngạc nhiên trước tài năng của van Gogh nên muốn ông tiếp tục vẽ. Dẫu những bức trước của van Gogh thuộc chủ nghĩa Tiên phong (avant-garde) còn gây tranh cãi thì những bức này lại tươi mới và trực quan nên Théophile Peyron lại càng tin tưởng vào tiềm năng tiến triển của điều trị.
Cuộc sống ở dưỡng trí viện thường tẻ nhạt nên việc xuất hiện một bệnh nhân, đồng thời là một nghệ sĩ nước ngoài như van Gogh cũng làm bầu không khí nơi đây xáo động. “Họ đến, vây quanh anh để xem anh làm việc như thế nào khi anh vẽ ở trong vườn”, Vincent viết trong bức thư gửi em trai Theo. “Sự sống chảy tràn trong khu vườn, không còn tâm trí nào để buồn nữa”.
Jill Whitehead, Tổng thư ký Hội Diên vĩ Anh, xác nhận rằng diên vĩ có thể sống sót qua những thời kỳ rất dài trong vườn và có thể đã từng tồn tại từ năm 1889. Sự ấm lên toàn cầu có thể là nguyên nhân khiến hoa nở sớm hơn.
Dường như van Gogh không cảm thấy bị làm phiền bởi những đóa diên vĩ đang độ đẹp nhất này không chỉ gợi cho ông cảm giác chia sẻ và quên đi sự cô lập giữa những bức tường dưỡng trí viện mà còn gợi về những bức họa Nhật Bản ông từng ngưỡng mộ. Các họa sĩ Nhật Bản cũng yêu thích chủ đề hoa diên vĩ và van Gogh cũng có những bản in tác phẩm của Utagawa Hiroshige, Horikiri Iris Garden (vẽ vào những năm 1850), thậm chí có thể cả Irises và Grasshopper (vẽ vào cuối những năm 1820) của Hokusai.
Ông viết thư cho em trai rằng sẽ có hai bức họa sẽ hoàn thành, một là bức về bụi tử đinh hương và một là ‘những đóa hoa diên vĩ màu tím violet’. Sau nhiều quãng thời gian chìm ngập trong u ám, mùa xuân dường như là thời gian đem lại sự tích cực trong tâm trạng danh họa bởi ông luôn luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn ngắm những đóa hoa. Không chỉ bức về hoa diên vĩ mà ngay cả bụi tử đinh hương cũng được ông tái hiện trên một khung màu xanh lá cây pha xanh lam nhạt, đem lại cảm giác hài hòa.
Sau khi van Gogh qua đời, Irises cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất và đắt giá nhất – được bán trong một phiên đấu giá của Sotheby’s năm 1987 với giá 53,9 triệu USD – được trưng bày ở bảo tàng J Paul Getty (Los Angeles), nơi đang diễn ra triển lãm “Ultra-Violet: New Light on Van Gogh’s Irises”.
Các bông hoa diên vĩ này nói điều gì với chúng ta? Liệu những gì chúng ta thấy ngày nay là những gì van Gogh muốn hiển thị? Một nhà bảo tồn tranh và một nhà hóa học ở bảo tàng J Paul Getty đã phát hiện ra những gì chúng ta thấy không phải là tất cả.
Từ những đóa hoa thật
Dự án nghiên cứu này bắt nguồn từ một nỗ lực bảo tồn của bảo tàng J Paul Getty. Timothy Potts, Giám đốc bảo tàng cho biết. “Trong nhiều năm, chúng tôi đã muốn thực hiện nghiên cứu về bức họa hoa diên vĩ của van Gogh mà chúng tôi có, một tác phẩm luôn luôn thu hút khách tham quan thưởng lãm tại bảo tàng Getty. Việc buộc phải đóng cửa bảo tàng trong đại dịch COVID khiến cho chúng tôi có cơ hội mang bức họa này vào phòng thí nghiệm để thực hiện nghiên cứu và phân tích mở rộng. Triển lãm về bức họa này phản ánh những thông tin trước đây chưa từng biết từ những nghiên cứu đó”.
“Một trong những thách thức với chủ đề nghiên cứu này là ở chỗ, bức họa là một trong những tác phẩm nghệ thuật được yêu thích nhất trong bảo tàng của chúng tôi, và nó luôn phải được treo để thưởng lãm. Vì vậy thật khó để hạ nó xuống và đưa vào phòng thí nghiệm hay phòng bảo tồn”, nhà hóa học Catherine Patterson của Viện Bảo tồn Getty, chia sẻ.
Ban đầu, dự án nghiên cứu về những đóa diên vĩ được kích hoạt từ những trang thư của chính van Gogh. Chúng ta nhớ là trong ngày đầu tiên ở dưỡng trí viện gần Saint-Rémy-de-Provence, nơi ông ở lại đó nguyên cả một năm để tĩnh trí sau đợt tự cắt tai trái, họa sĩ đã chia sẻ với em trai Theo “những bông hoa diên vĩ màu tím violet và bụi tử đinh hương… Cả hai đều có ở trong khu vườn nhỏ của dưỡng trí viện”. Điều này làm các chuyên gia của bảo tàng Getty, bao gồm nhà bảo tồn tranh Devi Ormond và nhà hóa học Catherine Patterson, nghi ngờ khi nhìn lại những đóa hoa diên vĩ màu xanh lam trong bức họa ở bảo tàng.
Để truy tìm manh mối, vào tháng 5/2022, họ tới Saint-Paul và có được đặc quyền vào bệnh viện từ giám đốc bệnh viện Jean-Marc Boulon, người cũng đang thử nghiệm một chương trình điều trị bằng liệu pháp nghệ thuật. Ông dẫn cả hai vào một gò đất nhỏ phía sau vườn mà ông tin rằng chính là nơi những bông hoa diên vĩ đã được vẽ – và là nơi những nhánh cây diên vĩ ngày nay vẫn được trồng. Những bông hoa diên vĩ có một màu tím rực rỡ.
Thoạt nghe thì ai cũng có nghi ngờ rằng đó chính xác là loại diên vĩ mà van Gogh đã thấy, và cho rằng một giống tương tự có thể được trồng trong thế kỷ 20 để tưởng nhớ danh họa. Martin Bailey, một chuyên gia hàng đầu về van Gogh và là nhà giám tuyển một số triển lãm tranh van Gogh, còn đi xa hơn khi tiếp tục thẩm tra về những cây diên vĩ trong vườn đó, nhận diện mỏm đất trồng từng tồn tại từ trước thời van Gogh – năm 1855, bắt nguồn từ một bản kế hoạch mà bệnh viện còn lưu giữ. Mỏm đất này đã xuất hiện trong bức vẽ bụi tử đinh hương, có những bụi diên vĩ ở phía bên trái và con đường bên cạnh.
Vào thời điểm Martin Bailey tới, tháng 4/ 2024, những bông hoa đều đã tàn nên ông cho là những cây diên vĩ đó thuộc giống nở sớm và tự hỏi liệu những đóa hoa diên vĩ có thể nở cùng một nơi gần 150 năm trước không. Và khi cẩn thận nhìn vào những bông hoa khô héo cuối cùng còn sót lại, ông nhận thấy chúng đều màu tím violet chứ không phải màu xanh lam như trong bức họa của van Gogh.
Danh họa đã tạo ra màu violet bằng việc trộn một loại màu đỏ được gọi là “Geranium Lake” (màu đỏ phong lữ), một màu hữu cơ đỏ sáng rực rỡ được trích xuất từ màu nhuộm eosin.
Nhưng có lý do để cho rằng, những cây diên vĩ ngày nay thực sự là hậu duệ của những cây hoa mà ngày trước van Gogh đã từng ngưỡng mộ. Jill Whitehead, Tổng thư ký Hội Diên vĩ Anh, xác nhận rằng diên vĩ có thể sống sót qua những thời kỳ rất dài trong vườn và có thể đã từng tồn tại từ năm 1889. Sự ấm lên toàn cầu có thể là nguyên nhân khiến hoa nở sớm hơn.
Sự phai màu của chất liệu vẽ
Dẫu vậy thì về màu sắc? Điều gì có thể lý giải sự khác biệt về màu sắc của hoa diên vĩ thật và hoa của van Gogh? Khi trở về bảo tàng, Ormond và Patterson thực hiện một cuộc kiểm tra bức họa. Họ phát hiện ra là danh họa đã tạo ra màu violet bằng việc trộn một loại màu đỏ được gọi là “Geranium Lake” (màu đỏ phong lữ), một màu hữu cơ đỏ sáng rực rỡ được trích xuất từ eosin, một màu nhuộm tổng hợp được tạo ra vào năm 1873 và sau đó được các họa sĩ ưa chuộng. Bản chất của màu đỏ này là nó rất nhạy sáng và dễ bị phai nhạt khi bị phơi nhiễm ánh sáng liên tục. “Đó là lý do giải thích tại sao, những bông hoa diên vĩ chúng ta thấy ngày nay lại có màu xanh lam”, Ormond cho biết.
Để biến một chất nhuộm dễ hòa tan vào nước như eosin thành một màu vẽ không dễ bị hòa tan, các họa sĩ phải dùng nó trong sự kết hợp một chất liên kết – những người thợ tạo màu vẽ gọi đó là quá trình hồ hóa.
Các nhà khoa học bảo tồn khác đã từng nhận diện được sự phân rã của màu đỏ phong lữ như thủ phạm làm mất màu đỏ và hồng trong nhiều tác phẩm của chính van Gogh, ví dụ như nhóm nghiên cứu do Aldo Romani ở Đại học Perugia dẫn dắt đã đề xuất là màu đỏ phong lữ bị phân rã do phơi nhiễm ánh sáng và quá trình ô xy hóa trong không khí. Trong tám bức thư gửi từ Arles, Saint-Rémy và Auvers-sur-Oise cho em trai, van Gogh đã đề nghị em gửi ông những ống màu Laque Géranium từ xưởng vẽ Tasset et L’Hôte ở Paris. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học có ở Bảo tàng Getty không thể chắc chắn xác quyết đây là nguyên nhân dẫn đến việc bay mất màu.
Ánh sáng thúc đẩy eosin Y hình thành trạng thái liên kết ba kéo dài. Liên kết ba lấy gốc hydro từ các acid béo trong chất kết dính của màu và hình thành gốc eosin Y mất màu một nửa, vốn có thể tái kết hợp với các phân tử hydro để tái hình thành eosin Y, hoặc có thể tương tác với oxy trong không khí và bị phá vỡ thành hai hợp chất không màu 2-(3,5-dibromo-2,4-dihydroxybenzoyl) benzoic acid và 2,6-dibomobenzene-1,4-diol.
Patterson nói nghiên cứu về mặt cơ chế như nghiên cứu của Romani giúp cô hiểu điều gì đã xảy ra với màu sắc của bức Hoa diên vĩ. “Rất nhiều công việc mà tôi đã phải làm về hóa phân tích”. Nhóm nghiên cứu của cô đã sử dụng các kỹ thuật không xâm lấn để nhận diện các vật liệu mà không cần chạm vào bức họa, ngay cả khi có thể. Với nghiên cứu này, họ đã sử dụng quang phổ huỳnh quang tia X để lập một bản đồ các nguyên tố của bức họa.
Một trong những nguyên tố họ phát hiện được là bromine, bằng kỹ thuật quang phổ huỳnh quang tia X macro (MAXRF). Từ góc nhìn hóa học, Patterson cho biết, màu đỏ chứa bromine bị phá vỡ theo thời gian nhưng vẫn còn được giữ lại trong màu vẽ.
Dẫu phát hiện không chỉ rõ cho họ thấy chính xác phân tử nào trên mặt toan có bromine nhưng đó cũng là một chỉ dấu tốt về nơi màu đỏ phong lữ đã được sử dụng, Patterson nói. Đó là bởi vì màu đỏ phong lữ là một trong số ít màu vẽ chứa bromine, và đó là màu vẽ duy nhất chứa bromine mà người ta biết van Gogh đã sử dụng.
Van Gogh và các họa sĩ cùng thời cũng biết là màu đỏ rực rỡ này dễ bị phai, Devi Ormond nói. Nhưng dẫu sao họ vẫn thích nó. Ormond kể thêm là chính van Gogh đã viết cho Theo trong một bức thư là ông đã tô những lớp màu dày hơn với hy vọng rằng nó sẽ bền màu hơn. Nhưng cuối cùng thì màu sắc đã tự mình phai nhạt đi. Tuy nhiên màu sắc nguyên bản của bức tranh này đã được bất tử hóa trong nhận xét của nhà phê bình nghệ thuật Félix Fénéon vào tháng 9/1889 khi viết về những “đốm màu violet” của các bông hoa bên cạnh những chiếc lá nhọn giống như kiếm.
Nhưng những người yêu tranh hiện đại lại không có cảm giác tương tự như những bậc tiền bối của thế kỷ trước, không thể thấy những đóa hoa này khi nó vẫn còn ướt. Do đó trong triển lãm lần này, các nhà khoa học của bảo tàng Getty đã hợp tác với quỹ di sản văn hóa phi lợi nhuận Factum Foundation for Digital Technology in Preservation để tái tạo những bông hoa trong màu sắc thực của chúng. Để làm được việc này, nhóm nghiên cứu của Getty đã quét bức họa nguyên bản bằng thiết bị quang trắc có độ phân giải cao và nhóm của Factum sử dụng dữ liệu này để tạo ra một bề mặt có thể nắm bắt được ứng dụng màu dày dặn và các nét cọ đặc biệt của van Gogh. Bề mặt đó được đổ khuôn vào một lớp chất liệu linh hoạt mà nhóm Factum có thể in màu sắc lên, sử dụng bảng màu mà nhóm Getty đã phát triển. Bức họa được tái tạo này sau đó được kéo dãn trên một mặt toan và sơn véc ni như một bức họa thật. Kết quả cho chúng ta thấy những bông hoa diên vĩ rực rỡ hơn, khi được xếp cạnh những đốm nhỏ màu vàng ở tâm bông hoa và màu vàng cam của hoa bồ công anh xung quanh. “Chúng tôi đã nhận thấy, trong triển lãm, người ta nói màu tía khiến cho bức họa được tái tạo thành ba chiều”, Patterson nói. “Họ có thể cảm nhận nó giống như một mảng màu tía cho những bông hoa mà họ chưa từng nhận ra”.
“Việc tái cấu trúc bức họa từ nghiên cứu cho phép chúng ta thấy Hoa diên vĩ trong một ánh sáng mới và tăng thêm hiểu biết về tầm nhìn của họa sĩ”. (Catherine Patterson)
Để hoàn tất cuộc triển lãm, bảo tàng Getty đã mượn bảo tàng Van Gogh chính bức thư van Gogh gửi em trai có đề cập đến màu “violet”, một thành công lớn bởi từ trước đến nay những người Hà Lan không muốn rời các bức thư vì lý do bảo tồn. Bên cạnh đó, họ còn mượn một số đồ dùng của họa sĩ như hộp len màu đỏ ông vẫn sử dụng để khám phá mối liên hệ giữa các màu trước khi vẽ.
Có rất nhiều điều thú vị khác ngoài mong đợi mà nhóm bảo tồn tìm thấy, ví dụ như một chút phấn hoa vàng quyện trong lớp màu vẽ ở góc trái bên dưới bức họa. Dường như đó là phấn hoa rơi ra từ những trái hình nón của một cây thông cũng mọc trong khu vườn dưỡng trí viện ở Saint-Rémy-de-Provence. Đó là bằng chứng cho thấy van Gogh vẽ bức họa ngoài trời, ngay trong khu vườn. “Chúng tôi hy vọng các vị khách sẽ rời triển lãm với cảm xúc sâu đậm về nơi chốn mà kiệt tác này hình thành và tầm quan trọng của khu vườn ở dưỡng trí viện với van Gogh”, Devi Ormond nói.
Sau khi Theo nhận được bức Hoa diên vĩ vào năm 1889, ông đề xuất gửi tới phòng tranh Salon des Indépendants ở Paris, nơi nó được trưng bày và bán. “Nó đập vào mắt người xem từ xa”, Theo hồi đáp trong một bức thư gửi anh trai mình. “Đó là một bức họa tuyệt đẹp tràn ngập không khí và sức sống”. Nhà phê bình nghệ thuật Pháp Octave Mirbeau, chủ nhân đầu tiên của bức họa này, tán dương “Ông ấy đã thấu bản chất đẹp đẽ và trang nhã của những bông hoa này một cách phi thường”.
Triển lãm đã tạo điều kiện cho người yêu tranh thấy được bức họa của van Gogh như khi ông vẽ nó. Như Catherine Patterson, trao đổi trong một thông cáo báo chí “Việc tái cấu trúc bức họa từ nghiên cứu cho phép chúng ta thấy Hoa diên vĩ trong một ánh sáng mới và tăng thêm hiểu biết về tầm nhìn của họa sĩ”. Thậm chí, dự án nhắc nhở cô tại sao lại chọn công việc này. “Nó khiến tôi nhớ tại sao các vật liệu này lại giúp kết nối với các họa sĩ: họ là những người có lịch sử, đời sống riêng biệt nhưng tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người khác ngày nay”.
Dẫu trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, van Gogh không mấy khi nhận được sự tán thưởng của người đương thời và ít bán được tranh. Tuy nhiên, ông vẫn yêu các bức họa của mình. “Tôi đặt trái tim mình và tâm hồn mình vào công việc, và tôi thực sự quên hết tất thảy trong khi vẽ”, van Gogh từng chia sẻ.
Chính xác một năm sau khi van Gogh sẽ thêm những bông hoa diên vĩ một lần nữa. Vào thời điểm đó ông đã cắt lấy một bó rồi cắm vào lọ, đặt chúng trước một bức tường màu vàng. Trong bó hoa này, có một nhánh rơi xuống và bị gãy, phá vỡ đối xứng của bức họa và nhắc nhở về sự phù du, thoáng qua của sự sống. Sau này khi ngắm bức họa này, Monet ngạc nhiên tự hỏi làm sao mà người họa sĩ làm nên kiệt tác đầy cảm xúc này lại luôn cảm thấy buồn bã?
Van Gogh nghĩ gì khi vẽ nên những kiệt tác này, đặc biệt là bức Hoa diên vĩ đầu tiên bằng những màu sắc rực rỡ mà ông biết rồi sẽ chóng tàn phai? Năm 1888, van Gogh viết thư cho em trai Theo “Anh chỉ mới kiểm tra – tất cả những màu sắc thời thượng mà trường phái Ấn tượng tạo ra đều không bền, và thời gian sẽ chỉ làm cho chúng phai màu đi rất nhanh”.
Trong một bức thư vào tháng 4/1889, ông viết, “các bức họa đều phai nhạt nhanh như những đóa hoa”.□
Tô Vân tổng hợp
https://www.getty.edu/news/getty-investigates-color-change-of-van-goghs-irises
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024