Những mong ước từ đồng ruộng

Mang những mong ước giản dị và hồn nhiên từ đồng ruộng tới cuộc gặp mặt do Bộ KH&CN tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội, những nhà sáng chế không chuyên trông đợi được lắng nghe và giải đáp các thắc mắc bấy lâu của họ…  

Mong được lắng nghe

63 đại biểu được lựa chọn từ danh sách 254 nhà sáng chế không chuyên do các địa phương đề xuất tham dự cuộc gặp gỡ lần thứ nhất. Họ được lựa chọn theo những tiêu chuẩn chặt chẽ như kinh phí dành cho nghiên cứu sáng tạo không dùng ngân sách nhà nước, sản phẩm sáng tạo được ứng dụng rộng rãi và chứng thực trong đời sống, đã tham gia các cuộc thi sáng chế kỹ thuật các cấp…

Dù đến từ vùng miền nào, có sản phẩm sáng tạo thuộc lĩnh vực nào của đời sống xã hội như phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy sạ hàng, máy gặp đập liên hợp, máy tuốt lúa, máy bóc lạc, máy vò chè, xe đa năng…) hay những vấn đề thường nhật (thuốc mỡ sinh cơ, dụng cụ thu hái trái cây, tạo hình bưởi hồ lô, bẫy chuột, máy thái hành tỏi, máy xe chỉ dừa…), những nhà sáng chế không chuyên đều có một mẫu số chung: sự say mê tìm tòi sáng tạo. Ít người trong số họ có điều kiện trải qua trường lớp đào tạo chuyên môn, thậm chí học còn chưa hết bậc phổ thông như ông Dương Xuân Quả (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), tác giả lò sấy tĩnh vỉ ngang tự động đầu tiên của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sành (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) – máy bóc thái hành tỏi, ông Nguyễn Văn Gia (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) – máy lu nền ruộng muối, ông Văn Đức Quynh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) – máy bóc hạt ngô, ông Nghiêm Đại Thuận (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) – máy xe chỉ dừa… Chính niềm say mê đã đưa họ vượt qua những khó khăn gặp phải trong suốt quá trình dai dẳng “thai nghén” sản phẩm.

Có sản phẩm được tín nhiệm và ứng dụng rộng rãi song phần lớn các nhà sáng chế không chuyên vẫn cảm thấy bối rối và e ngại khi tiếp xúc với các cấp lãnh đạo, như lời bộc bạch của ông Đào Viết Thoàn (Quỳnh Phụ, Thái Bình), lương y có bài thuốc mỡ sinh cơ hay ông Quách Văn Ba (Kiên Giang), tác giả máy gặt đập lúa… Họ hồi hộp đến Hà Nội tham dự cuộc gặp gỡ lần thứ nhất này với những câu hỏi, liệu lãnh đạo Bộ KH&CN có thấu hiểu những suy nghĩ, khúc mắc của mình không, có lắng nghe những đề xuất mà mình muốn đề đạt không? Những băn khoăn về hỗ trợ vốn đầu tư, bảo hộ sản phẩm, cách tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, kết nối với nhà phân phối, cách thức điều hành, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn… mà họ mang đến cuộc gặp mặt cũng chính là những gì các nhà sáng chế khác trên toàn quốc đang tâm tư.

Vốn sản xuất là nỗi lo thường trực của các nhà sáng chế nông dân, bởi nhiều sản phẩm phải mất tới vài năm trời mới thành hình nên “công sức tiền bạc bỏ ra đôi khi không thể kể xiết” như tâm sự của ông Nghiêm Đại Thuận hay “làm sáng chế thì luôn gặp khó khăn về tài chính, vì khi nghiên cứu thử nghiệm thì chỉ có đưa tiền ra chứ không có tiền thu về. Sáng kiến có giá trị càng cao thì càng đòi hỏi đầu tư nhiều chi phí”, theo lời ông Phạm Hoàng Thắng (Cần Thơ), tác giả máy gieo hạt, gặt đập liên hợp. Cũng chung nỗi niềm này, ông Lê Phước Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang), tác giả sáng kiến dụng cụ cắt tỉa cành, bao trái cây đề nghị “cần chính sách hỗ trợ về vốn, các nhà sáng chế không chuyên như chúng tôi không dám đầu tư lớn vào các sản phẩm cải tiến, thử nghiệm vì sợ nếu thất bại sẽ không có vốn mà làm ăn tiếp, chúng tôi chỉ mong nhà nước thấy ý tưởng nào khả thi thì hỗ trợ”.

Bên cạnh vấn đề về vốn, các nhà sáng chế còn mong muốn có một tổ chức hoặc mạng lưới để việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các nhà sáng chế được thuận lợi hơn. Đề cập đến nguyện vọng này, ông Nguyễn Tấn Biền (Ninh Hòa, Khánh Hòa), tác giả máy bóc vỏ đậu xanh và ông Lê Văn Trung (Thạch Lợi, Vĩnh Long), tác giả sáng kiến tạo giống rau củ, mong “các cấp lãnh đạo tiếp tục tổ chức các cuộc gặp gỡ để chúng tôi có dịp trao đổi kinh nghiệm sáng tạo và tìm nguồn vốn”, hoặc “nếu có thể thì lập trang thông tin điện tử và Hội những nhà sáng chế không chuyên”. Ông Lê Văn Trung còn mạnh dạn đề xuất thêm: “Các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, các nhà đầu tư hãy cùng chúng tôi liên kết bốn nhà để máy móc, sản phẩm do chúng tôi chế tạo có thể đến được với nhiều người, nhiều vùng trong cả nước”.

Ngay bên lề cuộc gặp gỡ, nhà sáng chế máy gọt vỏ dừa tươi Lê Tân Kỳ (xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre), từng xuất máy sang Mỹ, Úc, Bangladesh, Đài Loan, đã liên hệ với nhà sáng chế ít tuổi nhất Trần Lan Anh (Tiền Hải, Thái Bình), tác giả máy đánh bắt ngao vạng hiện đang được áp dụng ở tất cả các vùng nuôi ngao Thái Bình, với mục đích “tìm hiểu thông tin về sản phẩm để đem về giới thiệu cho bà con Bến Tre, vốn rất cực nhọc khi thu hoạch ngao bằng cào mà năng suất thấp. Có thể bà con cũng sẽ mê chiếc máy vừa vừa hiệu quả lại vừa tốn ít sức này”.

Cùng tháo gỡ khúc mắc, tâm tư

Tham dự cuộc gặp mặt và lắng nghe những phát biểu của các nhà sáng chế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương tinh thần năng động sáng tạo của họ, những người đã “nghiên cứu sáng tạo để để sản xuất đỡ vất vả, nặng nhọc hơn, giảm chi phí sản xuất thấp hơn, đạt hiệu quả và chất lượng cao hơn”. Nhắc lại kỷ niệm từ những ngày còn trong quân ngũ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thủ tướng kể: “Hồi kháng chiến, tôi đi bộ đội và có tham gia lao động sản xuất, đi cắt lúa cùng bà con nông dân. Khi đó, ai cũng làm ngoài đồng từ sáng sớm tới gần hai giờ chiều mới nghỉ mà chỉ cắt được một công, tức là tương đương 1000m2. Bây giờ, máy móc [của các nhà sáng chế] đã làm được 10 ha, bằng mấy chục người cộng lại. Có thể thấy, sự tham gia của máy móc vào quá trình lao động sản xuất khiến cho năng suất lao động tăng lên, con người bớt vất vả hơn”.

Đề cập đến những hoạt động sáng tạo, Thủ tướng cho rằng, đây là một trong những yếu tố quyết định đem lại sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành, tăng năng suất chất lượng. Chỉ khi tiến hành hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mới tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Vì vậy Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan lưu ý một số vấn đề “tạo mọi thuận lợi, tạo mọi chính sách khuyến khích cho công tác nghiên cứu sáng tạo, sáng chế của mỗi người dân Việt Nam. Mỗi sáng tạo sáng chế phải được trân trọng, phải được hỗ trợ hình thành. Nếu làm được điều này chắc chắn chúng ta sẽ thành công”.

Vậy tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên theo hướng nào? Thủ tướng cho rằng, “mọi nghiên cứu sáng tạo đều phải được tạo điều kiện thuận lợi bằng sự hỗ trợ kịp thời để từ nghiên cứu ra được sản phẩm như cần hỗ trợ về vốn cho các sáng chế, khi các loại máy móc sáng chế đã được thẩm định về công nghệ rồi cần đưa ra thị trường giới thiệu rộng rãi”. Thấu hiểu trường hợp các nhà sáng chế muốn có cơ sở sản xuất phải có đất đai, mặt bằng hay những ưu đãi về thuế dành cho doanh nghiệp [có sản phẩm máy móc từ sáng chế] mới tạo dựng cơ nghiệp, Thủ tướng đề nghị “phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Các nhà sáng chế cần rất nhiều những yếu tố hỗ trợ nhưng tóm lại cần có những yếu tố cơ bản như về vốn, đưa sản phẩm ra thị trường, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ về quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường để phát huy sáng tạo, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới… Tôi đề nghị Bộ KH&CN và các địa phương hết sức quan tâm hỗ trợ các nhà sáng chế những vấn đề này”.

Trước những chia sẻ và cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, nhà sáng chế Quách Văn Ba (Kiên Giang) như trút được gánh nặng. Ông bày tỏ: “Khi viết tham luận chuẩn bị cho cuộc gặp mặt, tôi có rất nhiều tâm tư, e ngại nhưng qua lời phát biểu của Thủ tướng và bộ trưởng, tôi mới biết rằng những vấn đề mình vẫn tâm tư thì Chính phủ và bộ đã hiểu rồi”.

Giải đáp những băn khoăn của các nhà sáng chế về vốn đầu tư sản xuất, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ sáng kiến từ nguồn ngân sách nhà nước để Bộ có thể kịp thời khen thưởng người dân có sáng kiến sáng tạo kỹ thuật có giá trị, đồng thời sẽ hướng dẫn việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ việc ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm.

Nhân dịp này, Bộ KH&CN đã gửi bản dự thảo mới nhất của thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13 [về Ban hành điều lệ sáng kiến năm 2012 của Chính phủ] về hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước cho sáng kiến của người dân tới 63 nhà sáng chế không chuyên. Bộ trưởng Nguyễn Quân hy vọng, “chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà sáng kiến không chuyên nghiệp là đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chính sách này để sớm hoàn thiện và kịp thời ban hành thông tư phục vụ phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cả nước”. 


Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)