Những người bảo vệ hạt giống cho tương lai

Những người làm vườn ở Anh đang cố gắng lưu trữ hạt giống cây trồng để thúc đẩy sự bền vững, khả năng phục hồi và tính đa dạng của hạt giống trên toàn cầu.


Người giám hộ hạt giống Beth Richardson đào đất trong lô khu vực phân bổ của cô ấy ở Stroud. Ảnh: theguardian

Đó là một ngày đẹp trời, se lạnh và phủ lớp sương đầu tiên của mùa, một dịp quan trọng đối với bất kỳ người làm vườn nào, và cũng là một dịp mà những người bảo vệ hạt giống thuộc Ngân hàng Hạt giống Cộng đồng Stroud không thể thờ ơ. Beth Richardson, một nữ hộ sinh học việc 27 tuổi, và là điều phối viên tại ngân hàng hạt giống, gặp tôi khi bên cạnh cô là một đống phân trộn lớn đang bốc hơi vì tiếp xúc với không khí lạnh. Đống phân bón này, một nguồn tài nguyên đầy giá trị của nhóm, thuộc về mảnh đất mà Breth được phân bổ để trồng trọt. 

Trong các nhà kính và nhà kho sau vườn trên khắp các thị trấn, thành phố và làng mạc ở Vương quốc Anh, cộng đồng những người trồng trọt địa phương đang đào đất và gieo hạt để có được một hệ thống lương thực phong phú hơn, đa dạng hơn và bền vững hơn. Đó là một xu hướng quen thuộc trên khắp thế giới. 

“Hạt giống rất quyền năng, rất quan trọng đối với sự sống, nhưng phạm vi và chủng loại hạt giống mà các công ty lớn cung cấp lại rất hạn hẹp”, Josie Cowgill, một trong 30 thành viên tích cực trồng và lưu giữ hạt giống thuộc ngân hàng hạt giống Stroud cho biết. “Theo thiển ý của chúng tôi, chúng tôi đang cố gắng có thể tăng đa dạng sinh học trong mỗi khu vực của mình hoặc trên mảnh đất trồng thực phẩm của Stroud.”

Ngân hàng Hạt giống Cộng đồng Stroud ở Gloucestershire là một trong hàng trăm sáng kiến trên khắp Vương quốc Anh nỗ lực lưu trữ hạt giống thông qua “hạt giống thụ phấn tự do”, nghĩa là – miễn không có sự thụ phấn chéo – sẽ tạo ra những cây trồng đúng chủng loại hằng năm. Thay vì bị bó buộc trong chu kỳ mua hạt giống mới mỗi mùa, họ có thể lưu trữ hạt giống để sử dụng trong tương lai. “Những gì chúng ta cần làm để chống lại cơ sở di truyền hạn hẹp đối với hạt giống, đó là càng nhiều người trồng càng nhiều loại hạt giống càng tốt”, Kate McEvoy thuộc Real Seeds, một nhà sản xuất quy mô nhỏ chuyên về thụ phấn tự do đối với cây trồng hữu cơ, chia sẻ. 

Chúng ta có thể nghe thấy âm thanh từ khu vườn của Sally Oates trước khi tận mắt trông thấy nó. Tọa lạc trên những cánh đồng trống, mảnh đất nhỏ bé của cô dường như là một hòn đảo đơn độc với tiếng chim ríu rít. Oates cho biết khu vườn của cô, được bao quanh bởi những hàng rào xanh tươi, tự cung tự cấp phân trộn và hạt giống. “Tôi muốn khuyến khích những người làm vườn khác trong một địa phương tập hợp lại với nhau và hình thành cái gọi là vòng tròn hạt giống, và họ có thể trồng những hạt giống mà họ yêu thích. Khi họ có dư thừa hạt giống, họ có thể trao đổi chúng. Ngay cả khi chỉ có một vài người làm vườn phối hợp với nhau, họ vẫn có thể trao đổi khá nhiều loại hạt giống.”  


Người giám hộ hạt giống Deirdre Pyzer lưu giữ một lọ đậu từ vụ mùa này. Ảnh: theguardian

Simon Allen, một người bảo vệ hạt giống khác của Stroud, cho biết thêm: “Điều này không cần kiến thức về di truyền học, bạn chỉ cần quan sát và chăm sóc.” Richardson giải thích rằng “sau vài năm, hạt giống thích nghi hơn với đất, khí hậu và điều kiện nơi mà nó được trồng, nếu chúng ta chọn lọc được mẫu hạt giống tốt. Về cơ bản, nó sẽ trở thành một loại cây trồng tốt hơn, vì qua nhiều năm, nó đã phát triển phù hợp với điều kiện ở đây.” 

Người bảo vệ hạt giống Annie Page, người sở hữu nhiều nhà kính với cà chua đỏ tươi, mô tả khu vườn của mình hệt như một khu bảo tồn. Không khó để hiểu tại sao. Những hàng cải bắp và củ cải Thrupp kiêu hãnh vươn mình trong nắng mai chảy xuống thung lũng dốc. 

“Một trong những giống cây mà tất cả chúng tôi đều trồng là củ cải Thrupp. Thrupp là một ngôi làng ngay bên cạnh Stroud. Nó phát triển thực sự tốt trong khu vực của chúng tôi. Nó đã thích nghi với đất trồng nơi đây nên sẽ có phần khác so với hạt củ cải ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chúng tôi phát triển các hạt giống bằng cách lưu giữ chúng.” 


Annie Page bên cạnh củ cải Thrupp ‘có phần khác biệt so với hạt củ cải ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới’. Ảnh: Alex Turner. 

 Mặc dù trên thế giới đã có nhiều biện pháp bảo vệ nhằm bảo tồn hạt giống, chẳng hạn như Kho hạt giống toàn cầu Svalbard và Ngân hàng Hạt giống Thiên niên kỷ tại Kew, sự tiến hóa liên tục và thích nghi của những hạt giống đã lưu giữ này có giá trị đáng kể đối với sự bền vững, khả năng phục hồi và tính đa dạng của hạt giống trên toàn cầu. Sinead Fortune, giám đốc chương trình của Chương trình Chủ quyền Hạt giống, nhận xét: “Nhờ đó, hạt giống vẫn đang sống và phát triển. Chúng vẫn là một thực thể sống thực sự, chứ không phải là một hạt giống tĩnh bên trong ngân hàng nào đó.” McEvoy cho biết thêm: “Bạn càng phát triển những hạt giống ở quy mô địa phương với nhiều người tham gia, thì nó càng có khả năng phục hồi. Bạn không chỉ có một hạt giống ‘chết’ duy nhất. Bạn có nhiều bản sao lưu.”

Một trong số ít những mặt tích cực của việc phong tỏa trong năm qua là nhu cầu về hạt giống tăng mạnh. Những người bảo vệ hạt giống hy vọng đây có thể là mầm xanh của cuộc cách mạng “tự trồng” nhằm đa dạng hóa cây trồng lấy hạt. McEvoy cho biết vào mùa xuân, không chỉ ngân hàng hạt giống Stroud mà “tất cả các công ty hạt giống vườn nhà về cơ bản đều phải tạm dừng website của họ. Tuy nhiên, họ vẫn có nhiều đặt hàng hơn so với thực tế trước khi phong tỏa.” 

Fortune, người làm việc với nhiều nhà cung cấp quốc gia, tự hỏi liệu hạt giống có thể là một mặt hàng tương tự như cuộn giấy vệ sinh, và liệu mọi người có tích trữ nó để dùng dần trong đợt dịch hay không. Câu hỏi đặt ra là, liệu doanh số bán hàng có giảm đi hay không, nhưng “chúng vẫn liên tục tăng lên nhiều, cao hơn nhiều”, cô cho biết. “Điều này vô cùng hứa hẹn, vì nó có nghĩa là dường như đang có một sự thay đổi đang thực sự xảy ra.”

“Có những điều tuyệt vời đang diễn ra ở mỗi thành phố”, cô nói thêm. “Có những khu vườn cộng đồng và những khu vực trồng theo phân công. Nếu mọi người không có vườn hoặc không có đất, vẫn có những cách để họ tham gia. Tôi muốn thúc đẩy họ để xem điều gì có thể diễn ra.” 


Josie Cowgill với một nắm đậu mà cô để dành nhằm phân chia cho cộng đồng địa phương. Ảnh: Alex Turner

Đối với những người bảo vệ hạt giống ở Stroud và trên khắp đất nước, họ vẫn lặng lẽ làm công việc cơ bản, là làm khô hạt trên gờ cửa sổ và trong tủ. Cowgill tổng kết lợi ích của việc lưu giữ hạt giống trong bối cảnh hiện tại: “Chúng ta đang sống trong một giai đoạn khó khăn. Chúng ta có đại dịch, chúng ta có biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, mất môi trường sống và khủng hoảng kinh tế. Dù công việc này chẳng có gì đáng kể so với những thứ đó, chỉ là giữ lại các hạt nhỏ như hạt đậu và trồng trọt chúng, nhưng tôi nghĩ nó là điều cốt yếu.” 

“Bằng một cử chỉ nhỏ bé trong một nhóm nhỏ bé, ở một đất nước nhỏ bé nào đó, bạn đang hướng đến một điều gì đó mang lại hy vọng cho bạn. Đó là một bước đi tích cực. Tôi không nói đây là một cây đũa thần hay một phương thuốc chữa bệnh, nhưng đó là một bước đi đầy tích cực.” 

Anh Thư dịch

NguồnPlotting the future: the ‘seed guardians’ bringing variety to UK gardens

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)