Những người tiên phong

Một số ít các nhà đầu tư vào công nghệ thông tin với tuổi đời từ cuối 20 tới đầu 30, đã thành công nhờ khai thác được xu hướng xuất hiện ngày càng đông đảo những khách hàng ưa dùng internet và điện thoại di động, đặc biệt là các thanh thiếu niên.

Khi Lê Hồng Minh quyết định từ bỏ một sự nghiệp sáng sủa trong lĩnh vực tài chính vào năm 2005 để theo đuổi niềm đam mê dành cho trò chơi trên máy tính, anh vẫn chưa thực sự định hình điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vị doanh nhân 35 tuổi này từng du học ngành kinh doanh và tài chính tại Đại học Monash của Úc, sau đó làm việc 4 năm ở công ty kiểm toán PwC, và VinaCapital, một công ty quản lý quỹ lấy trọng tâm là thị trường Việt Nam. Nhưng sau khi thành lập Vinagame, một công ty trò chơi online, anh phải bắt đầu một quá trình mày mò vừa làm vừa rút kinh nghiệm. “Tôi thích rủi ro”, anh vừa nói vừa ngả người vào chiếc ghế sofa trong văn phòng thiết kế không tường ngăn kiểu Silicon Valley nằm ở ngoại vi TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm thương mại của Việt Nam. “Chúng tôi đơn giản chỉ nói ‘hãy thử bắt tay làm cái này’, và không nghĩ tới những hậu quả”. 

Bảy năm sau, những rủi ro bắt đầu đem lại thành công cho doanh nghiệp. Thành lập Vinagame trong bối cảnh hầu như không có doanh nghiệp online nào khác ở Việt Nam, và gần như không ai có kinh nghiệm về lập trình trò chơi ở Việt Nam, anh đã khai thác xu hướng bùng nổ của internet để xây dựng công ty.

Những trò chơi trên internet với sự tham gia của nhiều người chơi, như Võ Lâm Truyền Kỳ, được cấp môn bài từ một công ty phần mềm Trung Quốc, đã cho thấy sức cuốn hút đối với các thiếu niên Việt Nam. Với thành công này công ty tiếp tục lấn sân sang các lĩnh vực mạng xã hội, trang web cung cấp tin tức và âm nhạc, đồng thời đổi tên thành Tập đoàn VNG.

Lạc quan nhưng thận trọng khi nói về công ty của mình, Minh cho biết doanh thu của VNG sẽ vượt 100 triệu USD trong năm nay, tức là chiếm khoảng một nửa thị phần internet ở Việt Nam. Công ty cũng đã thu hút sự đầu tư từ Goldman Sachs.

Ngày nay điện thoại thông minh và máy tính bảng iPad đã trở nên phổ biến trên các đường phố náo nhiệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chẳng kém gì London hay New York.

Việt Nam là một nước có nền giáo dục kém phát triển, Nhà nước kiểm soát chặt về truyền thông, các giá trị Nho giáo hướng các lựa chọn của đa số mọi người nương tựa vào kinh nghiệm và sự thận trọng hơn là cổ vũ cho những nỗ lực [mạo hiểm] của tuổi trẻ. Các sản phẩm của Việt Nam được thế giới bên ngoài biết đến chủ yếu vẫn là gạo và giày dép, thay vì phần mềm hay các dịch vụ từ internet. Nhưng trong bối cảnh như vậy, Minh là một trong số ít các nhà đầu tư vào công nghệ thông tin với tuổi đời từ cuối 20 tới đầu 30, những người đã tận dụng được thời cơ khi xuất hiện một lực lượng đông đảo giới trẻ ưa dùng các sản phẩm công nghệ.

Mới chỉ 10 năm trước, ở Việt Nam chưa có nhiều người sở hữu điện thoại di động và máy tính cá nhân. Nhưng ngày nay điện thoại thông minh và máy tính bảng iPad đã trở nên phổ biến trên các đường phố náo nhiệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chẳng kém gì London hay New York.

Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng nhưng các công ty tiên phong trong lĩnh vực mới mẻ này của Việt Nam phải vượt qua một số trở ngại. Trong đó đáng kể đầu tiên là hệ thống giáo dục rất kém phát triển, vì vậy nhiều người đam mê công nghệ thông tin phải tự học, tự đào tạo.

Khi còn là một học sinh cấp ba, Nguyễn Hòa Bình từng phải dành dụm tiền ăn sáng để mua sách dạy lập trình. Năm ngoái, Bình vừa bán 20% cổ phần ở PeaceSoft – một công ty mua bán hàng trên mạng – do anh sở hữu, cho Ebay.

 

Hồ Minh Đức, Socbay: “Chúng tôi muốn tự
phát triển công nghệ Việt Nam của mình
để đáp ứng nhu cầu của người Việt”

Hồ Minh Đức, người xây dựng công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt đầu tiên cùng bốn người bạn khác, tất cả cùng từng học một trường phổ thông và cùng tốt nghiệp công nghệ thông tin từ một trường đại học, cho biết rằng anh và các bạn của mình đều “tự học nhiều hơn là học từ các thày, những người chủ yếu chỉ dạy lý thuyết”.

Công ty Socbay của anh có trụ sở ở một ngôi nhà nhỏ bình thường, trên một con phố ngoại vi đông đúc ở Hà Nội. Đức cho biết những người sáng lập công ty đã tạo ra một công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt tốt hơn sản phẩm của các đối thủ quốc tế, phù hợp hơn với văn hóa và ngôn ngữ của người Việt.

Năm 2006, Google từng đến đặt vấn đề, Đức nói, và ngã giá mua lại công ty với mức giá 5 triệu USD, bên cạnh việc chia sẻ các cơ hội cùng mức lương tháng 8000 USD. “Nếu chúng tôi gia nhập Google, chúng tôi có thể đã học hỏi được từ họ rất nhiều”, Đức nhận định. Tuy nhiên, họ từ chối với lý do là “mức giá quá rẻ và chúng tôi muốn tự phát triển công nghệ Việt Nam của mình để đáp ứng nhu cầu của người Việt”.

Nhưng trước khi họ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, họ cũng phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của một chính phủ luôn đề cao kiểm soát.

“Ở Việt Nam, để kinh doanh phải có quan hệ [tốt với Nhà nước]”, nhận xét từ Phùng Tiến Công, một nhà đầu tư internet 32 tuổi, người sáng lập các trang web kết bạn và âm nhạc. Gần đây hơn, anh được mời làm phó tổng giám đốc Tập đoàn MV, một công ty chuyên phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động.

Nhà nước luôn có sự cảnh giác với ảnh hưởng từ internet tới giới trẻ. Ngoài việc đặt ra quy định kiểm soát chặt chẽ đối với nội dung online và các nhà cung cấp dịch vụ, Nhà nước cũng thường xuyên kiểm tra các trò chơi online, đồng thời một số trang web phổ biến như Facebook vẫn có lúc bị chặn.

“Các quy định pháp lý như hiện nay khiến các công ty nước ngoài được lợi thế lớn, và có lẽ tương là bất công cho các công ty trong nước”

Tuy thanh niên Việt Nam không mấy để ý tới sự kiểm soát từ Nhà nước, nhưng các công ty truyền thông như VNG luôn nằm trong sự giám sát chặt chẽ. Lý do vì công ty này đã thu hút tới 18 triệu người sử dụng tham gia vào các trang web cung cấp trò chơi, mạng xã hội, âm nhạc, và tin tức – tức là khoảng 60% số người thường xuyên dùng internet ở Việt Nam. “Chúng tôi phải giữ quan hệ và liên lạc tốt với Nhà nước”, Minh cho biết. “Ở một chừng mực nhất định, đây là một ngành công nghiệp nhạy cảm. Chúng tôi phải đảm bảo mọi người hiểu rõ về mình”.

Một số nhà đầu tư cho biết họ cảm thấy phần nào chịu sức ép vì phải tự kiểm duyệt, và cũng e ngại là có lúc nào đó bị đóng cửa. Quy định bắt buộc phải có phần vốn nhà nước khiến các nhà đầu tư công nghệ [thông tin truyền thông] thấy bị thiệt thòi so với các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, nhận xét từ Henry Nguyễn, nhà đầu tư của IDG Ventures Vietnma, một công ty cổ phần có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh từng đầu tư vào VNG và Socbay. “Các quy định pháp lý như hiện nay khiến các công ty nước ngoài được lợi thế lớn, và có lẽ là không công bằng cho các công ty trong nước”.

Các nhà đầu tư trong nước cũng lo ngại về tốc độ của sự thay đổi. “Công nghệ thay đổi rất nhanh, và các công ty trong nước gặp bất lợi lớn trong khi nguồn lực rất có hạn”, Minh nhận định. “Chúng tôi không có đủ nhân lực, kinh nghiệm, và các hệ thống các kết nối (ecosystem) cần thiết xung quanh để giúp cho tăng trưởng và phát triển”.

Những công ty như VNG cần đổi mới, nhưng họ không được tiếp cận với một nguồn dồi dào những nhân lực trình độ cao.

Những công ty như VNG cần đổi mới, nhưng họ không được tiếp cận với một nguồn dồi dào những nhân lực trình độ cao. Một số nhân viên của họ đi dép thể thao mầu hồng, tóc để đuôi gà sành điệu, nhưng không ai có thời gian chơi bóng bàn, hay nằm thoải mái trên ghế nệm để suy nghĩ về các dự án lớn.

Thay vào đó, như Minh nói, “chúng tôi bận tối mắt tối mũi”.

Phùng Tiến Công, vị tân phó tổng giám đốc của MV, người muốn truyền tinh thần đầu tư mạo hiểm vào công ty mới của mình, cho rằng điều quan trọng là nuôi dưỡng một tinh thần chấp nhận thất bại trong khi thử nghiệm các ý tưởng mới.

“Thông điệp cơ bản từ khi tôi về công ty mới là chúng ta sẽ tạo ra số sai lầm nhiều gấp đôi so với trước đây, nhưng chúng ta cũng sẽ làm việc chăm chỉ gấp đôi”, anh nói. “Nhân viên của tôi được phép phạm sai lầm, miễn là không lặp lại chúng”.

Lược dịch từ http://www.ft.com/intl/cms/s/0/44b8d1a4-6dd7-11e1-b9c7-00144feab49a.html?ftcamp=published_links/rss/world_asia-pacific/feed//product)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)