Những nữ bác sĩ thời Trung cổ

Việc phụ nữ hành nghề y trở nên đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh người dân lúc bấy giờ ngày càng e ngại ma thuật. Các tài liệu cho thấy dù không được đến trường, nhưng những nữ y sĩ đã học nghề từ cha, anh trai, hoặc chồng của họ.

Trường y khoa ở Salerno xuất hiện trong bức tiểu hoạ của tập The Canon of Medicine (bộ bách khoa toàn thư về y học gồm 5 cuốn do bác sĩ kiêm triết gia người Ba Tư Avicenna biên soạn và hoàn thành vào năm 1025). Bức ảnh mô tả giai thoại về Robert, Công tước xứ Normandy. Bị trọng thương bởi một mũi tên, chàng đã được cứu nhờ lòng dũng cảm của vợ mình, người đã hút hết chất độc theo hướng dẫn của các bác sĩ ở Salerno. Ảnh: Wikipedia

Vào thời Trung cổ, những người phụ nữ am hiểu về thế giới tự nhiên một cách kỳ lạ thường bị quy là phù thủy. Trên thực tế, nhiều người bị quy là phù thủy đã bị sát hại ở châu Âu từ thế kỷ XV trở đi là những bà đỡ và thầy thuốc. Khi tìm hiểu về cuộc sống của những người này trước khi họ bị quy tội, các nhà nghiên cứu đã gặp phải một số trở ngại. Họ chỉ tìm thấy những mẩu thông tin rời rạc từ các văn bản tiểu sử, kinh tế, pháp lý và hành chính. Đôi khi tất cả những gì còn lại là một cái tên hoặc họ, chẳng hạn như trường hợp của những người phụ nữ được liệt kê trong Ars Medicina of Florence (một chuyên luận y tế) hay trường hợp của nữ tu chuyên bào chế thuốc Giovanna Ginori, tên bà được tìm thấy trong hồ sơ thuế của hiệu thuốc nơi bà làm việc vào những năm 1560.

Dù không có được nhiều thông tin, nhưng điều đó cũng hé lộ cho ta thấy một hệ thống thể chế do nam giới thống trị đã đẩy phụ nữ ra khỏi con đường hành nghề và nghiên cứu y học như thế nào.

Schola Salernitana

Để bắt đầu, hãy đến với câu chuyện về trường y khoa nổi tiếng một thời, toạ lạc ở Salerno (Ý) vào thế kỷ thứ 9 và thứ 10. Schola Salernitana là một cơ sở y khoa đào tạo nhiều người phụ nữ tài giỏi, bao gồm cả bác sĩ phụ khoa và bác sĩ phẫu thuật tiên phong thường được gọi là Trota (hoặc Trotula) (thế kỷ 13), bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ chuyên khoa mắt như Costanza Calenda (thế kỷ 15), bác sĩ Abella di Castellomata (thế kỷ 14), hay Rebecca Guarna (thế kỷ 14). Thông tin về những người phụ nữ này khá ít ỏi, các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang xoay sở để tách thông tin thực khỏi những câu chuyện mang tính huyền thoại. Tuy nhiên, những người phụ nữ được nhắc đến trên đây là những người được ghi chép lại rõ ràng hơn. Bên cạnh những tên tuổi trên, cũng hoạt động trong thời Trung cổ, vào thế kỷ 11, nhóm mulieres salernitae (nhóm các nữ bác sĩ Salerno) đã để lại dấu ấn không thể xoá nhoà.

Khác với các bác sĩ nữ trong trường, nhóm mulieres hành nghề đa phần dựa trên kinh nghiệm, sau đó gửi các phương pháp điều trị của họ cho các bác sĩ của trường, những người sẽ quyết định có chấp nhận chúng hay không. Có thể tìm thấy bằng chứng về điều này trong sách hướng dẫn Practica Brevis do Giovanni Plateario viết và trong các bài viết của Bernard de Gordon. Nằm ở phía Nam của Napoli, Salerno là một thành phố nơi các học giả Cơ đốc giáo, Do Thái và Hồi giáo quây quần với nhau, biến ngôi trường thành một điểm đặc biệt để các học giả gặp gỡ và chia sẻ quan điểm khoa học.

Phụ nữ bị buộc tội hành nghề y bất hợp pháp

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng từ năm 1220 trở đi, không thể hành nghề y nếu không có bằng tốt nghiệp của Đại học Paris hoặc sự chấp thuận của các bác sĩ trong trường. Điều này đã đẩy các bác sĩ nữ ra bên lề. Nếu không tuân thủ, nữ bác sĩ sẽ bị đuổi ra khỏi ngành – đó chính xác là những gì đã xảy ra với một nữ bác sĩ tên là Jacqueline Felice de Almania. Theo tài liệu năm 1322 do Đại học Paris xuất bản, bà ấy đã điều trị cho bệnh nhân mà không có bất kỳ kiến ​​thức “thực sự” nào về y học (nghĩa là không được học đại học). Bà bị đuổi ra khỏi ngành và phải trả một khoản tiền phạt đáng kể. Tài liệu mô tả các cuộc chẩn đoán y tế do Jacqueline thực hiện, lưu ý cách bà ấy phân tích nước tiểu, bắt mạch cho bệnh nhân, thăm dò tay chân của họ và điều trị cho bệnh nhân nam. Đây là một trong những bằng chứng hiếm hoi đề cập đến việc các bác sĩ nữ cũng điều trị cho nam giới.

Phiên tòa xét xử bác sĩ trẻ diễn ra vào thời điểm những người hành nghề y không có bằng đại học đang bị lên án mạnh mẽ. Trước bà, Clarice xứ Rouen cũng bị cấm chữa bệnh cho nam giới, sau đó là các nữ chuyên gia y tế cũng hầu toà vào năm 1322.

Vào năm 1330, một số thầy đạo ở Paris cũng bị buộc tội hành nghề y bất hợp pháp, cùng với những “thầy lang” khác giả mạo làm chuyên gia – theo chính quyền. Tất cả đều bị coi là lừa đảo, ngay cả khi họ đã thực hiện thành công ca mổ. Năm 1325, Giáo hoàng John XXII đã nhận được lời thỉnh cầu từ các giáo sư của Đại học Paris sau vụ Clarice. Lập tức, ông đã viết thư cho Giám mục Stephen ở Paris để ra lệnh cấm phụ nữ không có kiến ​​thức y khoa và các nữ hộ sinh ở Paris lẫn các vùng lân cận hành nghề y, cảnh báo rằng những phụ nữ này thực tế đang hành nghề phù thủy.

Một nữ bác sĩ, có thể là một Trotula ở Salerno, đang cầm bình đựng nước tiểu. Ảnh: Wikimedia

Các lệnh cấm phụ nữ hành nghề y dần dần tạo ra một tiêu chuẩn học thuật chính thức trong lĩnh vực này. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kiểm tra cẩn thận của các cơ quan giảng dạy và các hiệp hội, khiến các nữ y sĩ bị gạt ra xa hơn nữa.

Tuy nhiên, điều này không thể xóa sạch hoàn toàn sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực này, vì có thể tìm thấy một vài cái tên trong hồ sơ của Ý. Những người này bao gồm Monna Neccia, được đề cập trong sổ đăng ký thuế Estimo năm 1359 và Monna Iacopa, người đã điều trị cho các nạn nhân bệnh dịch hạch năm 1374. Cả hai đều đến từ Florence, họp là hai trong số mười phụ nữ đã đăng ký thành viên trong hội bác sĩ của thành phố, Arte dei Medici e degli Speziali, từ năm 1320 đến 1444. Trong hồ sơ từ Siena, Tuscany, các nhà khoa học nhận thấy có đề cập đến việc thành phố đã trả thù lao cho các dịch vụ mà Agnese và Mita cung cấp vào năm 1390.

Việc phụ nữ hành nghề y trở nên đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh người dân ngày càng e ngại ma thuật. Các tài liệu cho thấy dù không được đến trường, nhưng những nữ y sĩ đã học nghề từ cha, anh trai, hoặc chồng của họ.

Xuất hiện trong văn học

Các nguồn tài liệu phi chính thống, chẳng hạn như các văn bản văn học, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nghiên cứu này. Ví dụ, Giovanni Boccaccio đã đề cập đến một nữ bác sĩ trong tác phẩm Mười ngày (Decameron). Người kể chuyện, Dioneo, kể lại câu chuyện về nàng Gillette xứ Narbonne, một thầy thuốc tài năng đã được phép hứa hôn với Bertrand de Roussillon yêu dấu của cô như một phần thưởng vì đã chữa khỏi bệnh cho vị vua nước Pháp. Khi Boccaccio mô tả đặc điểm của Gillette, rõ ràng ông nhận thức được sự thiếu tin tưởng của quốc vương đối với cô ấy, cả với tư cách là một phụ nữ và một “thiếu nữ”. Trong cuộc trò chuyện với nhà vua, cô ấy nói:

“Thưa quốc vương, xin đừng khinh thường tay nghề và kinh nghiệm của thần vì thần còn trẻ và hãy còn là một thiếu nữ, […] nhờ sự giúp đỡ nhân từ của Chúa, và những bài học quý giá mà thần đã học được từ Gerard xứ Narbonne, người cha kính yêu của thần, lúc sinh thời vốn là một thầy thuốc danh tiếng”.

Boccaccio mô tả nữ chuyên gia y tế này bằng những từ ngữ chân thật và tự nhiên. Điều này có lẽ là do, trái ngược với quan niệm hiện nay, ông đang đề cập đến một tình huống khá phổ biến mà độc giả lúc bấy giờ đều sẽ nhận ra. Những lời của Gillette cho thấy một thực tế đối với những phụ nữ hành nghề y vào thời điểm đó: cô ấy đã học được nghề từ cha mình .

Ngoài ra còn có rất nhiều thông tin về các nữ y sĩ Do Thái hoạt động chủ yếu ở miền nam nước Ý và Sicily, những người đã học nghề y từ gia đình của họ.

Đại học Paris đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa và thể chế hóa ngành y. Trong bài báo Women and Healthcare Practices in the Plea Register of the Parliament of Paris, 1364–1427, Geneviève Dumas nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn tài liệu hợp pháp của Paris từ thế kỷ 14 và 15, ghi lạinhững phụ nữ bị kết án vì hành nghề y hoặc phẫu thuật bất hợp pháp. Dumas trích dẫn hai phiên tòa trong các bài viết của mình: một phiên tòa kết án Perette la Pétone, một bác sĩ phẫu thuật, và một phiên tòa khác kết án Jeanne Pouquelin, một thợ cắt tóc (vì thợ cắt tóc vào thời điểm đó được phép thực hiện một số quy trình ngoại khoa nhất định).

Việc các nữ bác sĩ vắng bóng dần trong thời Trung cổ có thể bắt nguồn từ các lệnh cấm do Giáo hội áp đặt, cũng như sự chuyên nghiệp hóa ngày càng tăng của lĩnh vực y tế, dẫn đến việc thành lập các tổ chức nghiêm ngặt hơn như trường đại học và hiệp hội, tất cả được thành lập và kiểm soát bởi nam giới.

Ở châu Âu, mãi đến giữa thế kỷ 19, những nữ bác sĩ đầu tiên có trình độ đại học mới có thể hành nghề. Ngay cả khi đó, họ vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích và sự e ngại.

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn:

How the Middle Ages’ female doctors were consigned to oblivion

Trota of Salerno: Women’s Medicine in Medieval Italy

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)